Văn nghệ sĩ đang đứng ở đâu?
(Arttimes) - Trước làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư ở nước ta, văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật đang đứng ở đâu?
Kéo dài trong một tuần, kể từ 20/9, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện trên Fanpage của Nhà xuất bản Trẻ để nhận câu hỏi từ bạn đọc và chọn trả lời mỗi ngày một câu (theo Tuoitre Online, 28/9/2021). Câu hỏi của ngày là: “Có nhiều ý kiến cho rằng đại dịch không hẳn là trở ngại mà còn là cơ hội, nhất là với nhà văn, khi đặt ra những vấn đề xã hội nhiều bức bối, gợi ý nhiều đề tài sâu rộng. Văn học Việt Nam hình như chưa có tác phẩm lớn vì chưa có sự kiện lớn, thì đây là dịp để các tác phẩm lớn ra đời. Chị nghĩ sao với ý kiến này? Và chị có dự định viết về đại dịch để chia sẻ góc nhìn của mình?”.
Câu trả lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thẳng băng như văn của chị: “Tôi không có ý thức cái gọi là “tác phẩm lớn”. Mỗi khi thấy cụm từ này là tôi thêm hai chữ “hội chứng” ở đằng trước. Hội chứng tác phẩm lớn.(...). Tôi chỉ quan tâm, để ý chuyện hay, dở và tin rằng báo chí mới cần sự kiện lớn. Văn chương thì không”.
Ai cũng có quyền trình bày quan điểm cá nhân trong mọi lĩnh vực, trước mọi sự kiện đời sống xã hội. Đã có ý kiến cho rằng dấu hiệu của một nhà văn tài năng là cách người đó “cá nhân hóa cao độ” cảm xúc sáng tác (cách cảm, cách nghĩ, cách viết mang dấu ấn riêng của mình trước “đám đông”). Cũng không có gì là không đúng trong ý kiến của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng trong cuộc sống có chuyện lý và tình. Trong văn chương thì phần tình càng đáng được trân trọng.
Ngược lại với quan điểm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh - quan tâm tới “phẩm hạnh của người viết” biểu hiện chính ở những thời khắc sinh tử: “Khó nhất là vào thời điểm đó, mỗi ngày có hàng trăm sinh mạng bị tước đi, cùng rất nhiều khó khăn cho thấy đại dịch thật sự rất khốc liệt, ám ảnh. (...). Tuy nhiên, những khó khăn, đau thương cùng cực, lại là... cơ hội thuận lợi cho chữ nghĩa. Bởi né tránh nỗi đau, né tránh trái tim, người cầm bút sẽ tự tước mất chính mình, tước mất cơ hội được được dự phần cùng nỗi đau đồng loại và chia sẻ yêu thương với người, với đời” (Theo Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh, 17/10/2021).

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến TP.HCM khiến hàng nghìn người xúc động. Ảnh Internet
Trong làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư (kéo dài từ 27/4/2021 cho đến nay vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ), ngành Giáo dục nước nhà chủ yếu áp dụng hình thức học trực tuyến, rất ít địa phương tổ chức học trực tiếp. Với học sinh lớp 1, học trực tuyến quả thực là một cuộc “đấu trí” căng thẳng giữa thầy/ cô giáo với học sinh cũng như phụ huynh. Đã xuất hiện những dư chấn tâm lý đáng lo ngại ở cả ba phía học trò, thầy/cô giáo và phụ huynh. Nói cho cùng, học trực tiếp vẫn tăng cơ hội tiếp thu của học sinh gấp bội, chưa kể có lợi cho giáo dục thể chất khi các em được tung tăng, giải phóng nhiều mặt trong không gian học tập quen thuộc bình thường.
Trong những tháng ngày qua, không phải không có “văn sản” ra đời (sáng tác văn xuôi, thơ ca, nhạc, họa, nghệ thuật biểu diễn,...). Nhưng nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy văn nghệ sĩ cũng không khác mấy học sinh học trực tuyến. Tác phẩm nghệ thuật rõ ràng thiếu hơi thở, máu thịt, đường nét, âm thanh, mùi vị của đời sống thực. Trải nghiệm cá nhân mách bảo tôi cần thiết quan sát cách hành nghề của văn giới, báo giới - những phạm vi quan hệ gần gũi nhất. Năm ngoái, trong trận lũ lụt ở miền Trung, tôi ngồi cạnh một nhà văn - nhà báo “tầm tầm” và im lặng quan sát người này viết báo bằng cách đọc các bản tin thời sự rồi “chế biến” thành “báo sản”. Tưởng tôi không biết gì, người đó khoe đã đăng được mấy bài ở báo A, báo B,... về lũ lụt. Tôi chợt thấy lo lắng cho cách viết văn, viết báo ngày nay khi nếu theo cung cách trực tuyến như thế thì chủ thể sẽ trở thành “tên hề đồng lóc cóc chạy theo đời sống” (!?). Nó khác xa cách thức viết văn, viết báo thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ, Khơme Đỏ, bành trướng phương Bắc. Trong tộc Bùi Việt Nam có tấm gương nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết, liệt sĩ trên chiến trường Biên giới phía Bắc hi sinh ngay ngày đầu tiên cuộc chiến, 17/2/1979. Ngày ấy, “nhà văn - chiến sĩ” không phải là một từ ghép, mà là một danh từ đặc biệt, chỉ rõ phẩm tính cao cả của người nghệ sĩ ngôn từ với sứ mệnh sáng tạo những tác phẩm “làm thành người” (chữ của nhà văn Pháp thời hiện đại - Romain Rolland).
Trong bút ký nổi tiếng Nhận đường (viết 31/12/1947) nhà văn Nguyễn Đình Thi giãi bày: “Chúng ta đã nghe nói nhiều: sống đã rồi hãy viết. Nhưng thực sự câu chuyện là sống những gì, sống sự sống nào?” (Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, hồi ức - kỷ niệm, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr. 67). Bộ phim Ranh giới của VTV đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả, tuy nhiên vẫn có ý kiến phản biện, đó là chuyện bình thường. Nếu không như thế lại không bình thường. Nhưng đó là chuyện của báo chí. Không ai ngây thơ nghĩ rằng nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà biên kịch, diễn viên múa,... phải tự nguyện biến mình thành F0, F1 (theo lối “tử vì đạo”) để có cơ hội đi cách li, để có dịp chịu trận, cọ xát, trải nghiệm (đau đớn, lo âu), để lấy vốn sống sáng tác và biểu diễn. Nghệ thuật có sức mạnh nhờ trí tưởng tượng phong phú của nhà văn. Tất nhiên. Nhưng không nên ỷ vào cái gọi là tưởng tượng rồi tự do hư cấu, bịa đặt theo cách “nhà văn nói láo nhà báo nói thêm” như dân gian vẫn giễu cợt.
Nhà thơ - nhà báo Lữ Mai, tác giả trường ca Chư Tan Kra mây trắng đã chia sẻ: “Tôi không tin một tác phẩm thiếu thực tế lại chạm được vào cảm xúc con người”. Điều đó giải thích vì sao những cuốn sách của những tác giả viết văn “tay ngang” lại được người đọc hào hứng tiếp nhận hơn sách của các nhà văn chuyên nghiệp như các “bác sĩ quốc dân” Ngô Đức Hùng, Nguyễn Lân Hiếu, Trần Quốc Khánh,... Phải chăng họ là người trong cuộc, là người trải nghiệm buồn vui, thấu cảm và chia sẻ sinh mệnh cùng với những con người không may mắn, nạn nhân của COVID-19. Họ, kì lạ thay, với vị thế của mình không trở thành người “ngắm rớt”, “nhắm rớt” hiện thực đời sống (theo cách diễn đạt của nhà văn Hoài Thanh). Vì thế, con chữ của họ may mắn không trở thành “xác chữ”. Sách của họ có cái ưu thế mà các nhà văn chuyên nghiệp khó đạt tới, đó là những “câu chuyện từ trái tim” được viết ra, có sức truyền cảm hứng lớn, đọc thấy “ròng ròng sự sống”.
NoneBình luận