Tháp đôi Liễu Cốc: Tổ hợp kiến trúc đặc biệt duy nhất hiện biết

Các nhà khảo cổ xác định Tháp đôi Liễu Cốc (TP. Huế) là tổ hợp kiến trúc đặc biệt, duy nhất hiện biết ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, có hai đền tháp thờ chính (thông thường có 1 tháp hoặc 3 tháp thờ chính).

Tháp đôi Liễu Cốc: Tổ hợp kiến trúc đặc biệt duy nhất hiện biết - 1

Kết quả khai quật xác định Tháp đôi Liễu Cốc là tổ hợp kiến trúc đặc biệt với chỉ hai đền tháp thờ chính - Ảnh: Sở VHTT TP. Huế

Theo báo Điện tử Chính phủ, sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế vừa thông tin về kết quả thăm dò và khai quật khảo cổ giai đoạn 2 (từ tháng 5 đến tháng 6/2025) tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc (phường Kim Trà, thành phố Huế).

Trong giai đoạn này, đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế đã mở 2 hố khai quật với diện tích 66 m², tập trung vào khu vực mặt phía đông của tháp Bắc và phía bắc – đông của tháp Nam. Qua đó, đã xác định được mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc tháp Bắc và tháp Nam.

Cùng với việc điểm lại kết quả thăm dò, khai quật giai đoạn 1 (năm 2024, diện tích 80 m2) và kết quả khai quật giai đoạn 2 (2025), các nhà khảo cổ đã xác định Tháp đôi Liễu Cốc là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên gò đất phù sa thấp, nằm bên hữu ngạn sông Bồ. Di tích được quy hoạch trong khu đất bằng phẳng với hai đền tháp thờ chính ở trung tâm, bao quanh là hệ thống tường bao ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi, lối vào qua kiến trúc tháp cổng.

Hai tháp thờ đều có mặt bằng hình vuông, tháp Nam rộng 6,08m, tháp Bắc rộng 5,7m, cửa chính hướng đông, lệch bắc 160, có tiền sảnh dài, ba phía bắc, nam và tây đều có cửa giả. Đáng chú ý, những đặc điểm về cấu trúc và nghệ thuật trang trí cho thấy hai tháp được xây dựng cách nhau khoảng 10–20 năm, trong đó tháp Bắc có thể được xây dựng vào cuối thế kỷ IX và tháp Nam vào đầu thế kỷ X – giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách nghệ thuật Đồng Dương và Bình Định.

Thông qua hai hố thám sát, đoàn xác định không có sự hiện diện của tháp thứ ba trong khuôn viên di tích, qua đó khẳng định Tháp đôi Liễu Cốc là tổ hợp kiến trúc đặc biệt với chỉ hai đền tháp thờ chính. Đây là di tích duy nhất hiện biết ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có hai đền tháp thờ chính (thông thường có 1 tháp hoặc 3 tháp thờ chính).

Từ kết quả bước đầu, đoàn khảo cổ kiến nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật (hiện mới đạt 6% diện tích quy hoạch) nhằm làm rõ cấu trúc tổng thể của di tích, bao gồm tháp cổng, tường bao phía tây, tháp hỏa, nhà bia và hệ thống đường nội bộ. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu bảo tồn kết cấu kiến trúc, xây dựng mái che bảo vệ 2 tòa tháp chính, phục dựng cảnh quan và bảo tồn miếu Dương Phi (Bà Chúa Tháp) – vốn có ý nghĩa văn hóa và tín ngưỡng sâu sắc với cộng đồng dân cư địa phương.

Tháp đôi Liễu Cốc: Tổ hợp kiến trúc đặc biệt duy nhất hiện biết - 2

Trong quá trình khai quật, đoàn khảo cổ cũng thu được hơn 9.000 tiêu bản và mảnh hiện vật, gồm các loại gạch, ngói, vật liệu trang trí bằng đá và đất nung.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế, việc đầu tư nghiên cứu và bảo tồn Tháp đôi Liễu Cốc không chỉ góp phần nhận diện giá trị di sản văn hóa Champa tại Huế, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng không gian trưng bày chuyên đề hoặc bảo tàng văn hóa Champa tại chỗ, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch văn hóa – di sản của thành phố Huế trong thời kỳ phát triển mới.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2025, giá vàng, bạc và bạch kim được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Theo chuyên gia chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank, các yếu tố thúc đẩy đà tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có thể thêm phần mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Ban vận động Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước trong kỷ nguyên kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.