Thúc đẩy sự sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp 

Theo định nghĩa của Uỷ ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” như các giá trị lịch sử, khoa học, công nghệ, xã hội, kiến trúc…, bao gồm các toà nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp như nhà ở, nơi thờ phụng, các thực hành nghi lễ tôn giáo, các cơ sở đào tạo cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó.

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội chính thức quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp cũ ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, công nghệ, chương trình “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới và Bền vững” được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển di sản công nghiệp giữa các chuyên gia đến từ Châu Âu và Việt Nam.

Chương trình kỳ vọng tăng cường nhận diện các di sản công nghiệp như nguồn tài nguyên góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa riêng của khu vực, đồng thời tăng cường khả năng thực hành sáng tạo trong bảo tồn, thiết kế và quy hoạch di sản công nghiệp tại Việt Nam.

Sự kiện bao gồm 2 Hội thảo chuyên đề: “Thảo luận kế hoạch chuyển đổi bền vững sáng tạo cho 9 công trình tại Hà Nội và kiến tạo cơ hội hợp tác đa bên” và “Thiết kế, xây dựng và vận hành bền vững các dự án Tái thiết di sản công nghiệp tại Việt Nam” diễn ra trong hai ngày 14 và 15/10.

Thúc đẩy sự sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp  - 1

Không gian buổi Hội thảo khai mạc diễn ra vào chiều 14/10. Ảnh Phạm Hằng

Chuỗi hội thảo được hỗ trợ tổ chức bởi Quỹ Văn hóa Pháp Đức, Viện Goethe, Viện Pháp, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Hội đồng Anh Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp cùng Doanh Nghiệp Xã hội bền vững Việt Nam VSSE, Đại học Kiến trúc Hà Nội và 282 Workshop.

“Di sản công nghiệp - một phần không thể tách rời của di sản văn hoá”

Cụ thể, trong phiên Hội thảo khai mạc diễn ra vào chiều 14/10 tại 282 Workshop (Phú Viên, Hà Nội), các đại biểu đã tập trung làm rõ kế hoạch chuyển đổi bền vững sáng tạo cho 9 công trình tại Hà Nội và kiến tạo cơ hội hợp tác đa bên, với sự tham gia của PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam, GS. Helmuth Albrecht – thành viên Ban lãnh đạo Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp… cùng một số Giám đốc các dự án chuyển đổi di sản công nghiệp của châu Âu.

Thúc đẩy sự sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp  - 2

Hội thảo quy tụ sự tham gia đông đảo của các chuyên gia và người trẻ quan tâm tới lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch 

Theo định nghĩa của Uỷ ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” như các giá trị lịch sử, khoa học, công nghệ, xã hội, kiến trúc…, bao gồm các toà nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp như nhà ở, nơi thờ phụng, các thực hành nghi lễ tôn giáo, các cơ sở đào tạo cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó.

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự “thông thái” được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

Các di sản công nghiệp mang nhiều giá trị và ý nghĩa. Đầu tiên đó là giá trị lịch sử, là bằng chứng của các hoạt động sản xuất theo phương thức công nghiệp, đã và đang tiếp tục để lại những hệ quả sâu sắc đến ngày nay. Tiếp đến là giá trị xã hội: phản ánh một phần bức tranh cuộc sống của những người công nhân bình thường ở một nơi, và như vậy, nó tăng khả năng nhận diện bản sắc của địa phương. Tiếp đến là giá trị về công nghệ và khoa học trong lịch sử của sản xuất, kỹ thuật, xây dựng; và giá trị thẩm mỹ của các công trình công nghiệp…

Thúc đẩy sự sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp  - 3

Bầu không khí ấm cúng, gần gũi của Hội thảo tại không gian 282Workshop

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho rằng, các cơ sở công nghiệp cũ cũng có thể trở thành di sản khi chúng ta hiểu rằng đó là những công trình, những địa điểm, những không gian và cảnh quan mang các giá trị nổi trội về lịch sử, về khoa học kỹ thuật, về kiến trúc và thẩm mỹ. Các cơ sở công nghiệp quy mô lớn cũng thường gắn với lịch sử thuộc địa hoá, hiện đại hoá, công nghiệp hoá, đô thị hoá của các địa phương, các quốc gia. Nó là những vật chứng, giúp chúng ta kể các câu chuyện về nơi chốn và thành phố, chính là duy trì bản sắc của các đô thị.

“Vì vậy, các công trình công nghiệp hoàn toàn xứng đáng là đối tượng được đánh giá, xem xét và đưa vào danh sách các công trình kiến trúc có giá trị của các địa phương, để từ đó có giải pháp bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý như những gì được quy định và mong đợi ở Luật Kiến trúc”, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh.

Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, KTS Huy Phạm đã chia sẻ tại Hội thảo những kinh nghiệm về việc phát triển dự án tái thiết di sản xoay quanh mô hình 282Workshop mà anh sáng lập. Nhận thấy Hà Nội thiếu các không gian cho giới trẻ, các không gian mang tính sáng tạo, cộng đồng, kết nối, tăng sự tương tác và khơi nguồn cảm hứng, KTS Huy Phạm đã quyết định di dời nhà máy gỗ 282factory ra khỏi nội đô và cải tạo nhà máy đó thành một không gian “thở”, giảm bớt sự ngột ngạt của vùng trung tâm Hà Nội.

Thúc đẩy sự sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp  - 4

Các đại biểu cùng khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm 

Nếu các nhà máy cũ tạo ra một không gian lớn chứa đựng hoạt động sản xuất bên trong, thì ở 282Workshop không gian lớn ấy là thiên nhiên. Tất cả vật liệu sắt, thép, gỗ cũ tái sử dụng để tạo ra những khối nhà với chức năng phân tách các hoạt động. 282Workshop còn là một không gian hướng tới các hoạt động cộng đồng, nâng cao giá trị văn hóa người Việt qua các lễ hội dân gian, cùng với đó là các buổi workshop, talkshow chia sẻ, giao lưu và học tập cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận gần hơn và thực tế hơn.

Về kinh nghiệm tái thiết di sản công nghiệp tại Châu Âu, Giáo sư Helmuth Albrecht – thành viên Ban lãnh đạo Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp cho biết, di sản công nghiệp không chỉ có giá trị và ý nghĩa với riêng thành phố nơi chúng hiện diện, mà di sản công nghiệp cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng cần được nhìn nhận như một phần của văn hóa, của dân tộc, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm và phải thúc đẩy sự tham gia, sự sáng tạo của xã hội (nhất là các bên liên quan chặt chẽ như kiến trúc, quy hoạch), và đặc biệt là người trẻ trong câu chuyện này.

Thúc đẩy sự sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp  - 5

Các khách mời tại Hội thảo chăm chú lắng nghe phần trình bày trực tuyến của Giáo sư Helmuth Albrecht 

“Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cũng như thành phố sáng tạo là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Thủ đô Hà Nội và chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên chúng tôi rất quan tâm và hy vọng trong tương lai di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần của di sản đô thị, di sản văn hóa của thành phố Hà Nội”, bà Phạm Lan Anh – đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh tại Hội thảo.

Chiều 15/10 sẽ diễn ra Hội thảo bế mạc chủ đề “Thiết kế, xây dựng và vận hành bền vững các dự án Tái thiết di sản công nghiệp tại Việt Nam”, với sự tham dự của đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Trung Hiếu - Đại học Kiến trúc Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Khu vực Châu Á Elithis Group... cùng một số Giám đốc / nhà quản lý các dự án tái thiết di sản công nghiệp tại châu Âu.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất