Doanh nghiệp mang công viên thế chấp ngân hàng vay hơn 40 tỷ đồng gây xôn xao dư luận

Công ty TNHH Invest Park Nha Trang đã đem thế chấp các công trình xây dựng thuộc dự án Công viên Phù Đổng, bao gồm các hạng mục công viên, cây xanh, lối đi bộ… làm “tài sản đảm bảo” để vay vốn tại ngân hàng với số tiền hơn 40 tỷ đồng gây xôn xao dư luận.

Sợ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay, Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Khánh Hòa đã có đơn "xin" tỉnh Khánh Hòa xem xét việc doanh nghiệp đang nợ vay phải bàn giao cho địa phương Công viên Phù Đổng.

Doanh nghiệp mang công viên thế chấp ngân hàng vay hơn 40 tỷ đồng gây xôn xao dư luận - 1

Công ty TNHH Invest Park Nha Trang đã thế chấp các công trình xây dựng thuộc dự án Công viên Phù Đổng, bao gồm các hạng mục công viên, cây xanh, lối đi bộ… để vay 40 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Khánh Hòa (ABBank Khánh Hòa)

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Khánh Hòa (ABBank Khánh Hòa) về việc xem xét lại yêu cầu Công ty TNHH Invest Park Nha Trang bàn giao cho UBND TP. Nha Trang quản lý phần diện tích đất công cộng tại Công viên Phù Đổng.

Theo kiến nghị của ABBank Khánh Hòa, Công ty TNHH Invest Park Nha Trang đã đem thế chấp các công trình xây dựng thuộc dự án Công viên Phù Đổng, bao gồm các hạng mục công viên, cây xanh, lối đi bộ… làm “tài sản đảm bảo” để vay vốn tại ngân hàng này và còn nợ gần 41 tỷ đồng (tính đến ngày 1-7-2022).

Trong khi đó, theo quyết định của UBND tỉnh, Công ty TNHH Invest Park Nha Trang phải bàn giao cho UBND TP. Nha Trang quản lý phần diện tích đất công cộng tại Công viên Phù Đổng và không được bồi hoàn các tài sản, công trình trên đất.

Do đó, nếu Công ty TNHH Invest Park Nha Trang phải chuyển giao phần đất công cộng và không được bồi hoàn chi phí đã đầu tư xây dựng thì sẽ làm giảm giá trị tài sản mà công ty đang thế chấp tại ngân hàng và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay. Vì thế, ABBank Khánh Hòa đề nghị tỉnh Khánh Hòa xem xét lại việc yêu cầu bàn giao đất công cộng tại Công viên Phù Đổng.

Mới đây, tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản chỉ đạo UBND TP Nha Trang tổ chức tiếp nhận hơn 21.777m2 đất bờ biển Nha Trang tại dự án Công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư. Phần đất này dài khoảng 400m bờ biển, nằm ở phía Đông đường Trần Phú, thuộc phường Lộc Thọ.

Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu doanh nghiệp ấn định thời gian giao mặt bằng cho địa phương để thực hiện các công trình phục vụ cộng đồng. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, chính quyền thành phố sẽ cưỡng chế thu hồi theo quy định.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, hồi tháng 2/2022, Sở Tài chính đã có thông báo về việc Công ty TNHH Invest Park Nha Trang phải bàn giao cho TP Nha Trang quản lý phần diện tích đất công cộng tại Công viên Phù Đổng và không được bồi hoàn các tài sản, công trình xây dựng trên đất.

Theo Sở Tài chính Khánh Hòa, quyết định thu hồi dự án, hay khi thu hồi sẽ không bồi thường tài sản trên đất là đúng quy định, phù hợp chủ trương đầu tư mà tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện dự án (trong đó có nội dung sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư phải chuyển giao hạ tầng cho địa phương quản lý).

Đồng thời việc ngân hàng khi thẩm định cho vay, rồi nhận thế chấp tài sản Công viên Phù Đổng là không đúng, vì đây không phải tài sản của doanh nghiệp. Khi đầu tư xong, doanh nghiệp đã giao cho nhà nước, chỉ giữ lại một số hạng mục công trình được phép kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Công viên Phù Đổng vốn là tài sản công, lại được doanh nghiệp mang đi thế chấp tại ngân hàng? Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tranh chấp khoản vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp là quan hệ dân sự, nên tranh chấp này giữa hai bên có thể "gặp nhau" ở tòa án; còn cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp.

Được biết, Dự án Công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh giao đất và cho thuê đất tại Quyết định số 21 ngày 6/1/2014, Quyết định điều chỉnh số 870 ngày 3/4/2018 với tổng diện tích 24.599m2. Trong đó, UBND tỉnh giao 21.772m2 đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng các công trình công viên; giao 2.877m2 đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm để xây dựng các công trình dịch vụ. Sau khi được giao dự án, chủ đầu tư đã xây dựng xong hạng mục nhà hàng, hồ bơi, nhưng phần đất làm công viên lại chưa hoàn thành như thiết kế được phê duyệt và chưa bàn giao cho UBND TP. Nha Trang quản lý.

Hồng Hương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thăng Long “ngũ trấn”

Thăng Long “ngũ trấn”

Ai cũng biết thành Thăng Long xưa có tứ trấn, tức 4 ngôi đền thờ 4 vị thần hộ vệ kinh thành ở 4 mặt.

Bố dượng hứa sẽ cho tôi 3,4 tỷ đồng sau khi nhà giải tỏa nhưng chồng tôi đòi ly hôn

Bố dượng hứa sẽ cho tôi 3,4 tỷ đồng sau khi nhà giải tỏa nhưng chồng tôi đòi ly hôn

Ngôi nhà cũ của gia đình nằm trong diện giải tỏa và được đền bù hơn 3,4 tỷ đồng. Vì biết rõ ngôi nhà đó là tài sản của bố dượng từ trước khi mẹ tôi tái hôn, nên tôi hoàn toàn không có ý định đụng đến khoản tiền này. Chồng tôi cũng rất hiểu chuyện, chưa từng một lần gợi ý tôi phải tranh giành gì.

Về một thực thể thẩm mỹ và đạo đức truyền thống mang đậm dấu ấn Việt Nam

Về một thực thể thẩm mỹ và đạo đức truyền thống mang đậm dấu ấn Việt Nam

Có lẽ không một loài hoa nào ăn sâu vào đời sống tinh thần của Nhân dân ta như hoa sen. Bao nhiêu thơ văn, cả bác học lẫn bình dân đã ngợi ca hoa sen, cả hội họa, kiến trúc, bao nhiêu vùng quê, bao nhiêu cơ sở, bao nhiêu vật phẩm, bao nhiêu người lấy hoa sen làm tên… Hoa sen tồn tại trong cuộc sống hàng ngày và trong đời sống văn hóa của dân tộc như một thực thể thẩm mỹ và đạo đức truy

Phiêu du ở “Thung Nham nơi chốn ngàn năm”

Phiêu du ở “Thung Nham nơi chốn ngàn năm”

Trong một đời người, đã bao giờ bạn có được một chuyến du ngoạn ở một cảnh sắc sơn thủy hữu tình bằng trên một chuyến đò để được cảm nhận một cảnh sắc đất Việt, được hòa nhịp thở vào chốn bồng lai, rồi hoài niệm về lịch sử của cảnh sắc đó, mảnh đất đó trong sừng sững lịch sử của Việt Nam chúng ta.