Nhiều người ở Mỹ buộc phải từ bỏ thú cưng vì khủng hoảng kinh tế

Số lượng người đưa thú cưng đến các trạm cứu hộ ngày càng tăng nhanh tại Mỹ – một tín hiệu đau lòng phản ánh những khó khăn kinh tế đang bủa vây nhiều gia đình. Chi phí chăm sóc vật nuôi tăng cao, mất việc, thiếu chỗ ở và các biến cố khác đang khiến nhiều người phải đưa ra quyết định buộc lòng: chia tay với người bạn bốn chân của mình.

Theo bà Melissa Knicely, người phát ngôn của Trung tâm Chăm sóc Động vật Charlotte-Mecklenburg (bang North Carolina), số lượng đơn xin từ bỏ thú cưng đã tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong suốt gần 19 năm làm việc tại đây, bà Knicely nhận thấy mỗi lần nền kinh tế gặp khó – như thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 hay các đợt sa thải hàng loạt – thì số thú cưng bị “trả về” lại tăng mạnh.

“Bất cứ khi nào nền kinh tế có biến động tiêu cực, chúng tôi gần như chắc chắn sẽ thấy sự gia tăng rõ rệt các trường hợp từ bỏ thú cưng,” bà chia sẻ. Đây không chỉ là hiện tượng ở khu vực Charlotte-Mecklenburg mà đang diễn ra rộng khắp nước Mỹ.

Lý do chính vẫn là khó khăn tài chính. Từ thức ăn, khám bệnh, đến đồ chơi hay giường ngủ cho thú cưng – tất cả đều tăng giá mạnh trong những năm gần đây. Nhiều mặt hàng còn bị ảnh hưởng bởi thuế quan, khiến giá cả tăng thêm. Trong khi đó, nhiều người lại rơi vào cảnh thất nghiệp, nợ nần, hoặc gặp những biến cố bất ngờ như bệnh tật.

Tại bang Minnesota, tổ chức cứu hộ Ruff Start Rescue đã nhận gần 1.500 đơn xin từ bỏ thú cưng chỉ tính đến ngày 24/7 năm nay – nhiều hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái. “Có người phải chuyển đến nơi ở rẻ hơn vì không đủ tiền thuê nhà cũ, nhưng nơi mới lại không cho nuôi thú,” bà Megan Larson, người quản lý tiếp nhận thú tại Ruff Start Rescue, nói. “Người ta bật khóc vì không còn cách nào khác ngoài việc bỏ lại bạn đồng hành của mình.”

Nhiều người ở Mỹ buộc phải từ bỏ thú cưng vì khủng hoảng kinh tế - 1

Ace, một chú chó hai tuổi được giao nộp cho Liên đoàn cứu hộ động vật chi nhánh Dedham của Boston

Các trung tâm cứu hộ đang đối mặt với tình trạng quá tải ra sao?

Tình hình đã đến mức báo động. Tại New York, Trung tâm Chăm sóc Động vật thành phố buộc phải tạm dừng tiếp nhận thú cưng bị bỏ lại vì “quá tải nghiêm trọng”. “Chúng tôi đang chăm sóc hơn 1.000 con vật – đã tới ngưỡng giới hạn,” trung tâm tuyên bố ngày 18/7.

Ở Chicago, số lượng động vật được đưa vào trung tâm cứu hộ trung bình là 56 con mỗi ngày trong 20 ngày đầu tháng 5 – tăng so với mức 54 con/ngày của tháng 4. Sự gia tăng nhỏ này cũng đủ để khiến hệ thống vốn đã quá tải thêm áp lực.

Ông Cesar Perea, Phó Giám đốc Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ, cho rằng nhiều yếu tố cùng lúc đang tạo nên “cơn bão hoàn hảo”: chi phí sinh hoạt leo thang, thiếu bác sĩ thú y khiến giá khám bệnh tăng, quy định thuê nhà ngày càng nghiêm ngặt sau đại dịch, và hành vi của thú cưng bị ảnh hưởng do thiếu giao tiếp xã hội trong thời gian phong tỏa.

Tại Los Angeles, California, từ đầu tháng 6 đến nay, có hơn 20 thú cưng bị bỏ lại vì chủ của chúng bị trục xuất. “Chúng tôi cố gắng hỗ trợ những ai gặp hoàn cảnh khó khăn như vậy,” ông Christopher Valles, quản lý tại Sở Chăm sóc Động vật Los Angeles, nói.

Cơ quan này cung cấp các nguồn hỗ trợ như thức ăn, thuốc men, điều trị, với mục tiêu giúp vật nuôi có thể tiếp tục sống với chủ. “Chúng tôi làm hết sức để giữ những con vật đó ở lại trong mái ấm của chúng,” ông nói thêm.

Người nuôi thú cưng có thể làm gì để giữ bạn đồng hành của mình?

Các trung tâm cứu hộ và bác sĩ thú y địa phương thường là điểm đến đầu tiên để tìm kiếm sự trợ giúp. Họ có thể hỗ trợ thức ăn, dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí hoặc giảm giá, đồ dùng cho thú cưng, đào tạo hành vi và thậm chí là giúp tìm nơi chăm sóc tạm thời.

“Đừng nghĩ rằng gọi đến trạm cứu hộ là đồng nghĩa với việc thú cưng sẽ bị tiêu hủy,” bà Larson nhấn mạnh. “Tất cả chúng tôi đều muốn đưa các con vật đến những tổ chức cứu hộ hoặc tìm cho chúng mái ấm mới.”

Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ sớm – đừng đợi đến khi tình hình trở nên khẩn cấp. Nếu buộc phải chia tay thú cưng, đừng bỏ rơi chúng. Hãy liên hệ bạn bè, người thân hoặc những người có thể chăm sóc chúng một cách yêu thương và trách nhiệm.

Ngoài ra, cộng đồng có thể giúp bằng cách tình nguyện chăm sóc tạm thời, đóng góp tiền hoặc thời gian cho các tổ chức cứu hộ uy tín và được cấp phép.

Kì Lân (Theo CNN)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Về Quảng Trị cùng em - Thơ Đặng Hoàng Phúc

Về Quảng Trị cùng em - Thơ Đặng Hoàng Phúc

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Doanh nhân, TS Đặng Hoàng Phúc đã gủi đến Thới báo Văn học nghệ thuật bài thơ "Về Quảng Trị" cùng em. Bài thơ mộc mạc nhưng sâu nặng nghĩa tình. Xin giới thiệu với bạn đọc.

Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên: Sức lan toả lay động trái tim

Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên: Sức lan toả lay động trái tim

Sự xuất hiện “Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên” ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình không chỉ là công trình về văn chương – báo chí – điện ảnh mà còn là sự độc đáo của kiến trúc ngoài trời mô phỏng một giai đoạn lịch sử hào hùng, vĩ đại nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và sự hi sinh đến tột cùng của dân tộc. Nơi đó đã v