Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên: Sức lan toả lay động trái tim
Sự xuất hiện “Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên” ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình không chỉ là công trình về văn chương – báo chí – điện ảnh mà còn là sự độc đáo của kiến trúc ngoài trời mô phỏng một giai đoạn lịch sử hào hùng, vĩ đại nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và sự hi sinh đến tột cùng của dân tộc. Nơi đó đã và đang thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, có sức lan tỏa lay động trái tim…
Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên được thành lập theo quyết định số 2868/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 của UBND tỉnh Thái Bình. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, quyết định cấp cho bảo tàng 1.550 m2 đất và kinh phí từ ngân sách địa phương để xây dựng nhà trưng bày tác phẩm văn học nghệ thuật, dựng phù điêu mô phỏng dãy núi Trường Sơn bằng một hệ thống liên hoàn biểu trưng cho 15 binh đoàn hành quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cùng với đó mô phỏng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển với đoàn tàu không số bên hồ nước xanh trong và đền thờ liệt sĩ uy nghiêm, thành kính,v.v…
Nhà Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên ở huyện Vũ Thư, Thái Bình
Nhà văn Minh Chuyên sinh năm 1947, quê Thái Bình. Ông nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Là một chiến sĩ quân y cầm súng, 10 năm tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, Minh Chuyên chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, sự hi sinh, mất mát vô bờ bến của Nhân dân và đồng đội của mình.
Nơi chiến trận, ông trực tiếp tham gia cứu chữa thương binh, chôn cất đồng đội, giúp đỡ đồng bào khốn khổ. Ông cần mẫn ghi chép và viết một số bài báo gửi ra hậu phương. Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, ông ra quân rồi làm phóng viên báo Thái Bình. Minh Chuyên vừa làm vừa học Tổng hợp Văn K9, trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Là một nhà báo, Minh Chuyên cần mẫn như “con ong thợ phi thường”, lăn lộn với đời sống miền quê Thái Bình, một địa phương có tỉ lệ thanh niên nhập ngũ, số liệt sĩ, thương binh vào loại hàng đầu của miền Bắc. Minh Chuyên lọ mọ lần tìm những số phận bi thương, những gia đình chịu mất mát khủng khiếp bởi chiến tranh đã kết thúc, đất nước thống nhất nhưng người thân vĩnh viễn nằm lại nơi xa, không trở về. Có những số phận trở về tàn phế, đầy mình thương tật, chật vật với bệnh tật, vật lộn trong cuộc sống, có người trở về sống sót vật vờ như bóng ma, có người vào sinh ra tử không được xác nhận là người có công,v.v…
Nhà văn Minh Chuyên
Trong nỗi đau dằng xé, động lòng trắc ẩn, Minh Chuyên nhận ra gốc rễ, cội nguồn của những nỗi đau xé lòng nên dấn thân lựa chọn lẽ sống, bản lĩnh như một sứ mệnh cao cả của người cầm bút. Nắm cơm đi học xa, đạp xe đạp cọc cạch đi tìm, gặp gỡ nhân vật trong ngóc ngách xóm nghèo, đêm về bên ngọn đèn dầu leo lét ngồi viết. Nhiều trang giấy nhòe nhoẹt những giọt nước mắt cảm thương trong nỗi quặn đau, xót xa khôn cùng. Đó là những khoảnh khắc đầy nghiệt ngã. Minh Chuyên phát tiết, khắc hoạ nhiều chân dung là liệt sĩ, thương binh, cựu thanh niên xung phong, những bà mẹ, những người vợ hậu phương mòn mỏi chờ con ngóng chồng trở về mà mãi mãi không thành hiện thực, những cựu thanh niên xung phong “quá thì” trở thành nhà sư, vào chùa tu tập, những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin sống như không phải là người nữa.
Bản thân Minh Chuyên cũng là bị nhiễm chất độc da cam, ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ nhưng không bị chi phối đến sức viết. Nhân vật trong tác phẩm Minh Chuyên là những số phận có tên tuổi, có quê quán, có chiến công nhưng như đang bị rơi vào quên lãng. Nhà văn viết về những kiếp người đau thương ấy vừa có sức tố cáo chiến tranh phi nghĩa một cách mãnh liệt, vừa gợi mở để làm sáng tỏ chân lí và manh nha một phần chính sách đang cần bổ sung đối với người có công.
Minh Chuyên viết bằng mệnh lệnh của trái tim nhân hậu, bằng lí trí kiên cường và lòng dũng cảm, đức hi sinh. Có tác phẩm ra đời khiến ông bị người ta truy bức, “kết tội” để rồi phải trốn chạy. Khẳng định sự đúng đắn, nghiêm túc của nghề nghiệp, Minh Chuyên toan tính rạch bụng mình, sẵn sàng chết cho chân lí, muốn trải lòng thành và làm sáng tỏ sự thật, lẽ công bằng.
Với đam mê cháy bỏng, nhà văn có lối đi riêng, chọn cho mình mạch chủ đạo là khám phá, tập trung trí tuệ, công sức, khoan sâu vào đề tài hậu chiến tranh để viết. Tác phẩm là bút kí, truyện ngắn, phóng sự, tiểu thuyết, phim tài liệu lịch sử, chân dung số phận con người, v.v… được Minh Chuyên khắc hoạ, phản ánh chân thực, chuẩn xác. Thế mạnh độc đáo của ngòi bút Minh Chuyên là bút kí, truyện kí. Tiêu biểu là các tác phẩm Cha con người lính, Thủ tục làm người còn sống, Người lang thang không cô đơn, Di hoạ chiến tranh, Những linh hồn da cam, Mười lần sinh tử, Vết thương không mảnh đạn, Người liệt sĩ có nửa linh hồn, Không được thành người,Vào chùa gặp lại,v.v…
Những năm hoạt động tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Minh Chuyên vừa miệt mài viết văn, vừa tận tuỵ đảm nhiệm vai trò biên kịch, đạo diễn phim tài liệu. Để lại dấu ấn với hơn 200 tập phim phát sóng trên truyền hình mang chủ đề “chiến tranh cách mạng, nêu bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần bất khuất của dân tộc và hậu quả vô cùng nặng nề của chiến tranh, gây chấn động trong nước và quốc tế: Ông cố vấn (5 tập), Huyền thoại tàu không số (12 tập), Bất khuất Côn Đảo (15 tập), Kí ức chiến tranh nhìn từ hai phía (25 tập), Bức thông điệp lịch sử (52 tập),v.v… Từ thành quả này, Minh Chuyên được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, được bổ nhiệm là đạo diễn cao cấp trong lĩnh vực sáng tác và đạo diễn điện ảnh.
Là nhà văn - nghệ sĩ, trong cuộc đời lao động sáng tạo văn học nghệ thuật, Minh Chuyên từng nhận hơn 60 giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 1998, Minh Chuyên nhận giải Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Di hoạ chiến tranh; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải A tác phẩm Những cột mốc người; bộ phim Linh hồn Việt cộng tác giả đoạt 3 giải thưởng quốc gia, giải bạc Liên hoan phim tài liệu quốc tế EBS-EIDF ở Seoul Hàn Quốc (năm 2005), phim Cha con người lính đoạt cúp vàng tại Liên hoan phim quốc tế lần thứ X tổ chức tại Triều Tiên (2006)… Năm 2017, nhà văn được nhận Giải thưởng Nhà nước với 02 tác phẩm văn học Cha con người lính nằm trong cụm tác phẩm viết về đề tài hậu chiến tranh.
Đặc biệt, các hội đồng biên soạn sách giáo khoa phổ thông (mới) chọn của nhà văn Minh Chuyên 3 tác phẩm đưa vào chương trình, đó là các tác phẩm Vào chùa gặp lại, Nhà bác học của ruộng đồng” và Chuyện ông Hoàng Cầm. Theo thành viên trong hội đồng biên soạn sách giáo khoa thì trong giới nhà văn cả nước rất ít tác giả có nhiều tác phẩm đưa vào sách giáo khoa như Nam Cao và Minh Chuyên.
Với những thành công trong sáng tạo văn học nghệ thuật, Minh Chuyên được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam xác lập Kỉ lục quốc gia và Tổ chức Kỉ lục Châu Á xác lập là nhà văn, đạo diễn điện ảnh sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình nhiều nhất về đề tài hậu chiến tranh.
Trưng bày hơn 100 tác phẩm văn học của nhà văn Minh Chuyên xuất bản trong 40 năm cầm bút
Được sự bảo trợ, giúp đỡ của Hội nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên còn thành lập ban vận động và chủ trì phát động phong trào sáng tác văn học thiện nguyện viết về đề tài “Nỗi đau thời hậu chiến”, kêu gọi các văn nghệ sĩ, nhà báo trong cả nước sáng tác nhằm bổ sung chiến tích, tư liệu về hậu quả chiến tranh để lưu giữ tại Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên, truyền lại cho mai sau. Đây là cuộc vận động sáng tác có ý nghĩa nên đông đảo các tác giả đã đóng góp hàng nghìn tác phẩm đủ các thể loại văn học, trong dó nhiều tác giả trong nước như Lê Thị Bích Hồng, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Kim Chuông, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhương, Kim Quốc Hoa, Thái Bá Lợi, Phạm Minh Giang, Vũ Hồng Thái, Ánh Tuyết,v.v… Nhiều nhà văn nước ngoài tham gia góp bài như Kevin Bowen, Gary Nhitel, Brian Mooney, Molly Watt, Preston Wood (Hoa Kỳ), Wisława Szymborska (Ba Lan), nhà văn từng được giải Nobel,v.v...
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về thăm bảo tàng năm 2019.
Trong những năm qua, Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên đã xuất bản, phát hành 25 tập Nỗi đau sau chiến tranh (trung bình mỗi năm 5 tập, mỗi tập dày 650 -1.000 trang) in bìa cứng, giấy tốt được lưu giữ tại bảo tàng. Theo kế hoạch, những năm tới sẽ xuất bản 25 tập nữa.
Nhà trưng bày xây dựng trên diện tích hơn 200 m2 đất, 2 tầng phân chia 8 tiểu khu.
Tiểu khu 1: Lưu giữ hơn 100 tác phẩm văn học, trong đó 72 tập sách truyện kí, bút kí, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản văn học của nhà văn Minh Chuyên viết trong hơn 40 năm cầm bút; chủ yếu sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 30 tập thơ Nỗi đau sau chiến tranh do nhà văn Minh Chuyên chủ biên. Hơn 50 tập bản thảo tổng hợp để chọn in trong thời gian tới cùng hơn 10.000 bức thư của Nhân dân và bạn đọc gửi cho nhà văn Minh Chuyên.
Tiểu khu 2; Trưng bày sách của đồng nghiệp, bạn đọc tặng Bảo tàng và kho sách tổng hợp của Minh Chuyên lưu giữ để bổ sung khi cần thiết.
Tiểu khu 3: Gồm các tác phẩm báo chí đồng nghiệp và bạn đọc viết tặng nhà văn Minh Chuyên. Trong đó, có hơn 800 bài báo bình luận các tác phẩm, 8 tập sách về hậu chiến tranh Việt Nam của Minh Chuyên được giới nghiên cứu Hoa Kỳ lưu giữ tại thư viện Đại học Harvard và thư viện Quốc hội Mỹ (có ảnh chụp in trên báo).
Tiểu khu 4: Trưng bày hơn 100 chứng chỉ, khen thưởng, giải thưởng văn học nghệ thuật trong nước, quốc tế, cùng các hiện vật, bằng Kỉ lục Việt Nam và Kỉ lục Châu Á xác lập Minh Chuyên là nhà văn sáng tác văn học nghệ thuật đề tài hậu chiến tranh nhiều nhất, có tầm ảnh hưởng lớn, lan tỏa rộng rãi.
Tiểu khu 5: Tác giả Minh Chuyên tặng sách và chụp ảnh kỉ niệm cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Bình các thời kì, có 4 vị Uỷ viên Bộ Chính trị tặng hoa.
Tiểu khu 6: Những hình ảnh nhà văn Minh Chuyên tác nghiệp, làm phim, đi thực tế, dự hội thảo, tiếp xúc với các nhà văn, đạo diễn, điện ảnh trong nước và nước ngoài. Hình ảnh khánh thành Bảo tàng vào tháng 12/2018 cùng các công trình khoa học, nghiên cứu về tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên, các luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ làm về tác phẩm hậu chiến tranh của nhà văn.
Tiểu khu 7: Hình ảnh về gia đình, người thân luôn tạo điều kiện cho nhà văn Minh chuyên trọn vẹn cầm bút, cầm máy sáng tác. Các con nối nghiệp bố làm việc trong lĩnh vực truyền hình, sáng tạo nghệ thuật đều có học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Riêng cháu nội Nguyễn Minh Khang, 11 tuổi đoạt 10 Huy chương Vàng, Bạc trong các kì thi quốc tế Toán, Khoa học, tiếng Anh vào các năm 2018 - 2022.
Tiểu khu 8: Trưng bày lưu giữ kịch bản, hơn 200 tập phim tài liệu do Minh Chuyên viết và làm đạo diễn đã phát sóng trên các kênh VTV, ANTV, VOV.v.v…
Nhiều đoàn tướng lĩnh, cựu chiến binh về thăm chụp ảnh bên mô hình đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Sau 5 năm khánh thành Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên, mỗi năm có hàng nghìn khách đến tham quan, nghiên cứu, học hỏi, phần đông là giới văn học nghệ thuật, báo chí, giáo viên văn học, lịch sử, cựu chiến binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên trong nước, hàng chục người nước ngoài.
Giá trị trường tồn của bảo tàng là kho tư liệu minh chứng cho cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng con người Việt Nam phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng thật kì diệu, quả cảm. Sự hi sinh vô tận vừa có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa vừa thể hiện giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc, làm lay động lòng trắc ẩn của con người Việt Nam và bè bạn quốc tế, có sức lan toả làm lay động trái tim nhân loại.

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên...
Bình luận