Bồi dưỡng những hạt nhân tiêu biểu trong đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Lớp bồi dưỡng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ lần thứ 9 do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 25/7 đến ngày 28/7 tại Ninh Bình, với sự tham gia của 118 học viên là các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình; cây viết trẻ, nhà báo, biên tập viên từ các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, Hội văn học nghệ thuật; giảng viên giảng dạy các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật từ các trường đại học, cao đẳng.
Sáng 25/7, tại Ninh Bình đã diễn ra Lễ khai mạc Lớp bồi dưỡng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ lần thứ 9 (sau đây gọi tắt là Lớp bồi dưỡng) với chủ đề “Văn học, nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển”.
Toàn cảnh Lễ khai mạc Lớp bồi dưỡng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ lần thứ 9. Ảnh: Huyền Thương
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Lớp bồi dưỡng Lý luận, phê bình trẻ lần này là lớp thứ 9 trong chuỗi hoạt động được Hội đồng Lý luận Trung ương kiên trì tổ chức, với mục tiêu xây dựng, bồi đắp một đội ngũ kế cận vững vàng về lý luận, sắc sảo về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị và tâm huyết với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà. Qua mỗi năm, các chủ đề bồi dưỡng đều được lựa chọn kỹ lưỡng, mang tính cập nhật, bám sát những vấn đề thời sự của đời sống lý luận, phê bình, từ việc nâng cao kỹ năng, phương pháp, đến vấn đề kế thừa và cách tân.
Theo Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, năm 2025, chúng ta đối diện với một yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển đất nước, được định hướng rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: đó là xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, Ban Tổ chức đã quyết định chọn chủ đề của Lớp bồi dưỡng lần thứ 9 là: "Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá". Đây là một chủ đề lớn, vừa mang tầm chiến lược quốc gia, vừa đòi hỏi sự luận giải sâu sắc từ góc độ lý luận, phê bình.
Sự có mặt của các đồng chí tại đây thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của Hội đồng Lý luận Trung ương và của nền văn học, nghệ thuật nước nhà vào thế hệ kế cận. Các đồng chí chính là những người sẽ kế thừa và là những hạt nhân tiêu biểu của nền lý luận, phê bình, góp phần định hướng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của văn học, nghệ thuật, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc. Ảnh: Huyền Thương
Trao đổi tại buổi Lễ về kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa gắn với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh Ninh Bình, TS Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình đã có những kinh nghiệm thực tiễn phong phú và đa chiều trong việc kết hợp phát triển công nghiệp văn hóa với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Thực tiễn địa phương cho thấy mô hình kết hợp du lịch văn hóa - tâm linh với bảo tồn di sản đang là một hướng đi hiệu quả.
Cụ thể, tại Quần thể danh thắng Tràng An, việc xây dựng các tuyến du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm di sản như chèo thuyền xuyên hang động, tham quan các đền thờ, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm tại các điểm du lịch và các sự kiện văn hóa truyền thống như Lễ hội Tràng An đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách du lịch, đồng thời góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Ninh Bình đến với du khách quốc tế; Chùa Tam Chúc được quy hoạch là Trung tâm văn hóa Phật giáo quốc tế, đã đón hàng triệu lượt khách mỗi năm; Trong lĩnh vực bảo tồn làng nghề, mô hình du lịch cộng đồng tại làng đá mĩ nghệ Ninh Vân, làng trống Đọi Tam hay làng đúc đồng Ý Yên là những hình mẫu thành công trong việc bảo tồn kỹ thuật truyền thống, kết hợp trưng bày, trải nghiệm thực hành, bán sản phẩm tại chỗ và liên kết với tour tuyến du lịch; Việc số hóa di sản được thực hiện trên các di tích, tư liệu quý và các bài hát dân gian như Xẩm, Chèo, Ca trù... góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa trong giới trẻ và mở rộng thị trường nội dung văn hóa trực tuyến; Việc kết hợp tổ chức lễ hội truyền thống với sự kiện văn hóa đương đại đang được triển khai không chỉ giữ nguyên hồn cốt văn hóa mà còn hấp dẫn công chúng trẻ, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch.
TS Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu. Ảnh: Huyền Thương
TS Phạm Quang Ngọc cũng nhận định, sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong bảo tồn và phát triển công nghiệp văn hóa là yếu tố then chốt. Hàng chục mô hình hợp tác công - tư đã hình thành, tiêu biểu như các dự án phục dựng kiến trúc cổ, trung tâm trải nghiệm văn hóa... Đồng thời, các nghệ nhân và cộng đồng văn hóa bản địa đã được hỗ trợ truyền nghề, mở lớp đào tạo, xây dựng bảo tàng tư nhân và tham gia trực tiếp vào các chuỗi giá trị sáng tạo.
PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã giảng dạy chuyên đề Bản sắc dân tộc trong văn học, nghệ thuật từ góc độ lý luận, phê bình. Ông cho rằng cần nhận thức là “bản sắc dân tộc” không phải là một cấu trúc tĩnh mà là một cấu trúc năng động. Nó không phải là một thực thể cổ xưa hay bất biến. Nó thường bị ảnh hưởng bởi các nhu cầu và thách thức đương đại. Điều này có nghĩa là bản sắc dân tộc không phải là một thực thể cố định được thừa hưởng từ quá khứ, mà là một “đối tượng” được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và phát triển liên tục. Đồng thời ông nhấn mạnh vai trò của bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, qua đó PGS. TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đúc kết văn học, nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giảng dạy chuyên đề Bản sắc dân tộc trong văn học, nghệ thuật từ góc độ lý luận, phê bình.
Lớp bồi dưỡng bao gồm sáu chuyên đề được xây dựng theo một logic chặt chẽ, nhằm trang bị cho các học viên một cái nhìn toàn diện và hệ thống: Từ nền tảng lý luận cốt lõi với Chuyên đề 1: "Bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật" đến thực tiễn sinh động, tiêu biểu qua Chuyên đề 2 “Kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa gắn với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh Ninh Bìnhvề kinh nghiệm của chính tỉnh Ninh Bình”; tiếp cận những công cụ và phương thức mới của thời đại kỹ thuật số qua Chuyên đề 3: "Phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện"; đi sâu vào những lĩnh vực cụ thể, giàu tiềm năng như điện ảnh, sân khấu với Chuyên đề 4: “Phát triển công nghiệp văn hoá theo hướng dân tộc, tiên tiến, hiện đại ở lĩnh vực điện ảnh và sân khấu”; phân tích những thách thức và vai trò của người làm phê bình trong bối cảnh thị trường hóa với Chuyên đề 5: “Thị trường hoá nghệ thuật và vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc: Vai trò của người làm công tác lý luận, phê bình”. Và cuối cùng, nhận thức rõ hơn về sứ mệnh của chính mình qua Chuyên đề 6: "Đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình trẻ với nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá".
Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của 118 học viên. Ảnh: Huyền Thương
Tham gia giảng dạy các chuyên đề là những nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành như: PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS. TS Trần Hoài Anh, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh; TS. Ngô Phương Lan, Phó trưởng Tiểu ban Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật - Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam; TS. Đạo diễn Bùi Như Lai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội; PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Đức Sơn, Trường Đại học Văn Lang; PGS. TS Nguyễn Văn Thành, Đại học Huế.
Bên cạnh các buổi học chuyên đề, học viên sẽ đi tham quan thực tế tại Cố đô Hoa Lư và Đàn Kính thiên.
Các đại biểu và học viên Lớp bồi dưỡng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Linh Báo và Phát thanh Truyền hình Ninh Bình
Lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các học viên phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Lớp bồi dưỡng: Tập trung trí tuệ, lĩnh hội một cách sâu sắc, toàn diện nội dung các chuyên đề được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trình bày; Chủ động, tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, không chỉ để làm sáng tỏ vấn đề mà còn để mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới, những góc nhìn mới từ thực tiễn công tác và nghiên cứu của bản thân; Luôn gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, biến những tri thức được học thành công cụ sắc bén để phân tích, đánh giá các hiện tượng văn học, nghệ thuật trong đời sống, phục vụ hiệu quả cho công việc chuyên môn; Tăng cường giao lưu, kết nối, xây dựng một mạng lưới những người làm công tác lý luận, phê bình trẻ trên cả nước để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ và cùng phát triển.

Ngày 16/6, tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Trại viết Lý luận...
Bình luận