Tiếp tục xây dựng thương hiệu điểm đến Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Theo Cổng thông tin Bộ VHTTDL, hoạt động trưng bày và triển lãm được đổi mới và đa dạng hóa gồm các chuyên đề quan trọng: "Đảng đã cho ta một mùa xuân" chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; "Bắc Nam sum họp một nhà" kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bảo tàng phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức 3 cuộc trưng bày lưu động tại các địa phương: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Việt Nam" (Nghệ An); "Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam" (Huế); "Văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam" (Đắk Lắk). Phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên thực hiện triển lãm ảnh: "Đi qua thời gian" tác giả Đỗ Tuấn và "Trường Sa ngày mới" tác giả Đỗ Mạnh Hùng.
Bảo tàng thường xuyên đón tiếp các đoàn học sinh, sinh viên tới thăm quan (Ảnh: Cổng thông tin Bộ VHTTDL)
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), Bảo tàng đã triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm và ứng dụng công nghệ với việc sản xuất video kể chuyện hiện vật bằng công nghệ AI; thiết kế trò chơi tương tác tìm hiểu di sản văn hóa giúp học sinh tiếp cận di sản văn hóa một cách sinh động và thiết thực. Thực hiện thành công chương trình "Rung chuông vàng" – Đây là chương trình thí điểm xây dựng giáo trình tiếng Anh dành cho học sinh trung học cơ sở với trọng tâm là trải nghiệm, học tập gắn với di sản văn hóa Chương trình thuộc dự án TEMA – Teaching English through Museum based activities (Dạy tiếng Anh thông qua các hoạt động tại bảo tàng).
Cùng với đó, Bảo tàng tích cực thực hiện công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản: lập đề cương nghiên cứu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035; tiếp nhận tài liệu hiện vật hiến tặng: hiện vật dân tộc Chăm và Sách kỷ lục; kiểm kê, cập nhật tài liệu, hiện vật; sắp xếp khoa học hiện vật tại các kho chuyên dụng; đảm bảo công tác bảo quản phòng ngừa, trị liệu và bảo vệ tài sản văn hóa trước các nguy cơ hư hại.
Hoạt động trưng bày ngoài trời được duy trì hiệu quả với công tác kiểm tra, bảo quản hiện vật; vệ sinh cảnh quan thường xuyên; xây dựng kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian dịp Tết Ất Tỵ; đón tiếp khách tham quan và các tour du lịch. Dự án sửa chữa các ngôi nhà dân tộc trong khu trưng bày ngoài trời đang được triển khai, kết hợp tổ chức biểu diễn văn nghệ và trải nghiệm văn hóa, góp phần lan tỏa giá trị di sản tới cộng đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm 2025, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu bảo tàng, đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao năng lực cán bộ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch và bảo tồn di sản quốc gia./.
Bình luận