Nóng tuần qua: “Bạc mặt” trả lãi ngân hàng vì chôn vốn cả chục tỷ đồng vào BĐS, nhà đầu tư vẫn quyết ôm hàng
Không ít nhà đầu tư vẫn đang cố gồng khoản lãi suất từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng với quyết tâm giữ lại tài sản của mình.
Méo mặt vì lãi ngân hàng vài chục triệu mỗi tháng, nhà đầu tư vẫn quyết không giảm giá BĐS
Thị trường bất động sản trong những năm gần đây liên tục lên cơn sốt, thậm chí có những khu vực chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng lên 2 - 3 lần, điều này đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tay ngang. Với tiềm lực tài chính mỏng, nhiều người chấp nhận vay ngân hàng từ 40-60% giá trị BĐS để xuống tiền đầu tư với hy vọng giá BĐS sẽ tiếp tục tăng để chốt lời.
Khi các cơn sốt đất đi qua, nhiều nhà đầu tư đang rơi vào cảnh chôn vốn cả tỷ đồng đến chục tỷ. Thời gian qua nhiều nhà đầu tư vốn mỏng đã phải chấp nhận cắt lỗ khoản đầu tư của mình để giảm áp lực lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư vẫn đang cố gồng khoản lãi suất từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng với quyết tâm giữ lại tài sản của mình.
Nhiều nhà đầu tư quyết gồng lãi ngân hàng chứ không chấp nhận giảm giá BĐS
Trên các diễn đàn về đầu tư BĐS, nhiều nhà đầu tư cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn của mình ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tất cả cùng có sự tin tưởng về sự phục hồi của thị trường trong quãng thời gian 3-5 năm tới.
Những nỗ lực gồng lãi suất của nhiều nhà đầu tư đang dần được đền đáp khi lãi suất cho vay nhiều ngân hàng đã bắt đầu hạ nhiệt cùng đà giảm của lãi suất tiết kiệm. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư BĐS của người dân có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Theo đánh giá của Savills, thị trường BĐS sẽ có những chuyển biến tích cực hơn vào cuối năm khi các Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, dự kiến được thông qua cùng với nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường. Người dân có thể tiếp cập vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn nửa đầu năm 2023.
Lương hưu tăng của tháng 7 trả vào tháng 8
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản trả lời Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam liên quan tới điều chỉnh kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng của tháng 8 để phù hợp với ngày quy định về tăng lương có hiệu lực.
Cụ thể, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH thống nhất với việc lùi ngày chi trả lương hưu, trợ cấp của tháng 8/2023. Theo phương án này, kỳ trả lương hưu tháng 8 sẽ thực hiện vào ngày 14/8 (ngày Nghị định 42/2023 về tăng lương hưu có hiệu lực); đồng thời trả cả phần lương hưu tăng thêm của tháng 7 vào cùng kỳ chi trả này mà người hưởng chế độ chưa được nhận.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng theo mức tăng mới, đồng thời chi trả kịp thời tới người hưởng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước đó đề xuất lùi lịch trả lương hưu tới ngày 14/8, thay vì ngày mùng 5 hằng tháng, để phù hợp quy định tăng lương có hiệu lực và chi trả cả lương tăng thêm và phần truy lĩnh của tháng 7.
EVN ''ôm'' gần 80.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của EVN được Deloitte kiểm toán cho thấy, tổng số lỗ của công ty mẹ EVN là hơn 26.500 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất chỉ ra EVN lỗ tổng cộng gần 21.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn EVN phải trả là hơn 79.000 tỷ đồng.
“Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 370.000 tỷ đồng. Thế nhưng, giá vốn điện lại lên tới hơn 400.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới gần 30.000 tỷ đồng. Năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ ở mức 330.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa năm 2022 EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra. Lý do chủ yếu bởi giá than tăng cao”, báo cáo tài chính của EVN nêu rõ.
EVN lỗ tổng cộng gần 21.000 tỷ đồng năm 2022.
Trong năm EVN cũng vay thêm từ các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu hoặc chiếm cổ phần chi phối hơn 12.700 tỷ đồng. Tập đoàn cũng trả nợ gốc vay cho các ngân hàng tổng cộng hơn 15.460 tỷ đồng. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính, EVN đang vay nợ các ngân hàng tổng cộng hơn 97.000 tỷ đồng. “Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm của EVN lên tới hơn 3.670 tỷ đồng. Chi phí lãi vay hơn 14.500 tỷ đồng”, báo cáo xác nhận.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cho các tổ chức tín dụng, với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Trước đó, hồi đầu năm, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Bình luận