“Ông trùm hàng hiệu xa xỉ” thất thu vẫn chưa buông hy vọng tại Mỹ
Tập đoàn bán lẻ xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH ghi nhận doanh thu nửa đầu năm 2025 đạt gần 47 tỷ USD, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu đầy biến động, tập đoàn Pháp vẫn duy trì hoạt động ổn định tại nhiều khu vực, đồng thời lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ.
Doanh thu nửa đầu năm 2025 của LVMH đạt 46,9 tỷ USD (tương đương 39,8 tỷ euro), giảm 4% so với cùng kỳ 2024. Lợi nhuận ròng thuộc về tập đoàn giảm mạnh 22%, xuống còn 6,7 tỷ USD (5,7 tỷ euro).
Mặc dù đối mặt với môi trường kinh tế toàn cầu đầy khó khăn và cạnh tranh gia tăng, LVMH vẫn giữ được sự ổn định nhờ nhu cầu vững chắc tại thị trường châu Âu và Mỹ. Tại Nhật Bản, doanh thu giảm do năm ngoái từng có cú hích từ du lịch. Riêng châu Á, xu hướng tiêu dùng tương đương năm ngoái, thậm chí khởi sắc trong quý II nhờ sức mua nội địa.
Theo thống kê của Forbes ngày 24/7, tài sản ròng của Bernard Arnault – CEO kiêm Chủ tịch LVMH – hiện đạt 146 tỷ USD. Đây là con số khẳng định vị thế của ông trong nhóm những người giàu nhất thế giới, dù doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn chững lại.
LVMH nhận thấy nhu cầu vững chắc ở châu Âu và Hoa Kỳ, giúp bù đắp cho sự sụt giảm ở Nhật Bản, nơi chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc nhờ du lịch vào năm trước.
Mảng nào mang lại doanh thu lớn nhất cho LVMH?
Mảng Thời trang & Đồ da (Fashion & Leather Goods) tiếp tục là trụ cột chính, mang về 22,6 tỷ USD (19,1 tỷ euro), dù doanh thu hữu cơ giảm 7%. Tuy vậy, biên lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao, nhờ sức tiêu dùng nội địa ổn định tại các thị trường trọng điểm.
Mảng Nước hoa & Mỹ phẩm (Perfumes & Cosmetics) giữ vững đà tăng trưởng dù không đột phá. Đồng hồ & Trang sức (Watches & Jewelry) cũng ổn định nhờ sức hút từ các bộ sưu tập mang tính biểu tượng và hiệu quả cải tiến cửa hàng Tiffany & Co.
Mảng Bán lẻ chọn lọc (Selective Retailing) có mức tăng khiêm tốn, nhưng được hỗ trợ lớn từ chuỗi Sephora, nơi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng tốt trên toàn cầu.
Trong quý II, LVMH ghi nhận doanh thu giảm 4% xuống còn 23 tỷ USD (19,5 tỷ euro), thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Riêng mảng Thời trang & Đồ da giảm đến 9%, vượt xa dự báo tiêu cực trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu hàng xa xỉ đang chậm lại và LVMH gặp áp lực lớn từ các đối thủ.
Tập đoàn này từng bị Hermès vượt mặt trở thành công ty niêm yết có giá trị cao nhất nước Pháp. Tuy nhiên, để trấn an nhà đầu tư, LVMH vẫn công bố chi trả cổ tức tạm ứng 6,5 USD (5,5 euro) mỗi cổ phiếu vào ngày 4/12 tới.
LVMH đang mở rộng ở Mỹ như thế nào?
CEO Bernard Arnault thông báo sẽ mở thêm nhà máy thứ hai tại bang Texas vào năm 2027. Đây là chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện của LVMH tại thị trường Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và chính quyền Trump đang tiếp diễn.
Arnault lạc quan về kết quả đàm phán và cho rằng mức thuế phổ thông 15% nếu được áp dụng vẫn có thể chấp nhận được. Quan điểm này cũng được Giám đốc tài chính Cécile Cabanis đồng tình, khẳng định khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có sự rõ ràng về chính sách thuế.
Trước đó, LVMH từng mở nhà máy Louis Vuitton đầu tiên tại Texas năm 2019 dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Dù cơ sở này từng gặp một số trục trặc vận hành, tập đoàn vẫn tin tưởng vào giá trị dài hạn của thị trường Mỹ.
Bình luận