“Hành trình 6” ra mắt người yêu mỹ thuật Thủ đô
Ngày 13/7, tại Hà Nội, “Hành trình 6”, triển lãm tranh của 8 hoạ sĩ thân thiết đồng hành cùng nhau gần 1 thập kỷ gồm Cao Thanh Sơn, Nguyễn Ngần, Lê Văn Lương, Thuỳ Nga, Bích Ngà, Hoàng Trung Dũng, Phạm Xuân Hồng, Trần Thị Thanh Hoà đã ra mắt và thu hút sự quan tâm người yêu mỹ thuật Thủ đô.
Đến dự và chia vui với “Hành trình 6” trong ngày khai mạc có nhà phê bình Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam; nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập thời báo Văn học nghệ thuật; ông Chu Huy Phương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên; nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình; ông Trần Dức Duy, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình; bà Đinh Thị Bích Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Điện ảnh TP. Hải Phòng; ông Hoàng Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hưng Yên; bà Phan Thị Thanh Mai, Giám đốc Trung tâm Unesco Mỹ thuật Hà Nội; ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền Hà Nội; cùng đông đảo các phóng viên báo chí, đồng nghiệp, bạn bè và người thân của các hoạ sĩ.
Các tác giả và khách mời cắt băng khai mạc triển lãm Hành trình 6.
Sau 5 lần tổ chức, lần thứ 6 này “Hành trình” giới thiệu 55 tác phẩm của nhóm, mang đậm dấu ấn độc đáo của cá nhân trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, tranh trên lụa, trên gốm… nhưng vẫn tạo được sự hoà quyện trong việc thể hiện nét đẹp và bản sắc mỗi vùng quê Việt Nam mà các tác giả sinh sống, gắn bó, nơi nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu nghệ thuật.
Các đại biểu khách mời dự khai mạc triển lãm.
Điều đặc biệt ở “Hành trình 6” không chỉ là quy mô tác phẩm hay tên tuổi của tác giả mà nằm ở chính tinh thần không ngừng sáng tạo, khám phá, thể nghiệm tìm tòi, sự lao động nghiêm túc cũng như sự gắn kết chân thành, bình đẳng trong hành trình phát triển nghệ thuật. Đây có thể ví như một bản hoà sắc đa màu nhưng lại thống nhất trong sự dấn thân, nỗ lực của mỗi cá nhân.
8 họa sĩ tham gia triển lãm lần này.
Có lẽ vì thế, các không gian của từng hoạ sĩ trong “Hành trình” đặt cạnh nhau đã làm nên một không gian nghệ thuật linh hoạt và sống động, như chung một mạch nguồn thu hút sự quan tâm của người thưởng lãm.
Một không gian nghệ thuật trong Hành trình của nhà giáo, hoạ sĩ Trần Thị Thanh Hoà.
Nếu có sự quan tâm đồng hành của các mạnh thường quân, không gian nghệ thuật Hành trình có thể luân phiên ra mắt ở từng vùng đất mà các tác giả gắn bó, chắc chắn sẽ để lại dấu ấn của tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng sáng tạo.

Cuộc thi thiết kế Art Toy (đồ chơi nghệ thuật) "Kokomo & Momimi" do Thời báo Văn học nghệ thuật phối hợp cùng Công ty...
Bình luận