Họa sĩ Ngô Cường: người “ăn cơm dương gian, làm việc địa phủ”
Họa sĩ Ngô Cường (Ngô Hùng Cường) sinh năm 1979 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật Việt Nam năm 2003, tốt nghiệp thạc sĩ mĩ thuật tạo hình năm 2008.
Ngoài mảng tranh sơn dầu với trường phái siêu thực lấy yếu tố thiên nhiên làm chủ đạo, anh còn sử dụng khá “nhuyễn” các chất liệu gỗ, thép, giấy cho công việc sáng tạo. Ngô Cường có cảm tình đặc biệt với những người thợ mỏ. Nhằm ghi lại những khoảnh khắc đời thường của những người thợ mỏ bằng tranh, họa sĩ Ngô Cường đã trải nghiệm thực tế trong hầm lò như những người công nhân thực sự. Đó không chỉ là kỉ niệm đáng ghi nhớ trong đời mà còn là nơi anh thử thách vượt qua những giới hạn của chính bản thân mình.
Họa sĩ Ngô Cường đi thực tế tại hầm lò. Ảnh: PVĐến giờ lao động, với túi dụng cụ nặng từ 20kg đến 70kg trên vai, họa sĩ như một người thợ lò đích thực bắt đầu bước vào hành trình tìm kiếm “vàng đen” của đất nước với vô số công việc khác nhau: sửa đầu máy dưới mức – 50, khoan lỗ mìn tại lò chợ, vận tải thiết bị, sàng lọc than, nhặt phế liệu trên băng chuyền ở nhà máy sàng tuyển, trạm điện, nhà đèn, lò xây dựng cơ bản… Môi trường làm việc ở độ sâu vài trăm mét dưới lòng đất đã để lại cho anh nhiều ấn tượng, dư vị đặc biệt, để từ đó khơi nguồn cảm xúc cho những sáng tác về người thợ mỏ.
Ngô Cường tranh thủ vẽ bất cứ lúc nào có thể. Vẽ trong lúc giải lao, vẽ khi mới vừa tan ca, vẽ khi đêm xuống… nhằm ghi lại trọn vẹn những cảm xúc của mình về người thợ mỏ. Điểm nhấn trong sáng tác của anh là những bức kí họa. Anh vẽ rất nhanh, có lúc bằng chì, có lúc trực tiếp bằng màu, thường chỉ đi một đường nét và kèm theo một vài mảng. Trong những kí họa của Ngô Cường thường không nhiều người, có khi chỉ một đến hai nhân vật được đặt trên nền giấy trắng. Anh không muốn sự tập trung của mình bị phá vỡ bởi nhiều đối tượng. Những bức kí họa trong hầm lò đã kịp nắm bắt cái thần, cái hồn, cái tinh túy trong hoạt động thường nhật của người thợ mỏ.
Bức tranh tặng cho công ti Than Vàng Danh.Bức kí họa Tắm vẽ năm người thợ mỏ đang cùng nhau “nuy” trong buồng tắm với những thân hình vạm vỡ, cơ bắp rắn rỏi phủ đầy lớp bụi than đen đã lột tả vẻ đẹp chắc, khỏe đầy nam tính của những thợ mỏ. Kí họa Giao ca vẽ nhanh hai người thợ đối diện nhau phản ánh giây phút giao ca của người thợ mỏ. Người kết thúc một ngày làm việc với quần áo lấm lem đi về phòng tắm, người mặc quần áo chỉn chu, bắt đầu nối giờ ca làm việc tiếp theo. Trong khi đó, bức kí họa người quản đốc phân xưởng trong tư thế ngồi thoải mái với đôi mắt sáng tinh anh lại lột tả khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn hiếm hoi của những người thợ mỏ.
Gia đình mỏ là một bức kí họa đẹp. Nó được thể hiện bằng chất liệu màu bột trên giấy xi-măng, vẽ hai nhân vật, một anh thợ mỏ tuổi đã trên dưới bốn mươi và một bà mẹ đã già nhưng đẹp lão, phúc hậu. Tác phẩm nói lên nỗi niềm canh cánh của gia đình người thợ mỏ. Mỗi một lần đi tìm vàng đen cho đất nước là một lần người thợ mỏ “ra trận”, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy đến với mình. Ánh mắt người mẹ già đăm đắm nhìn người con đi vào lò vừa lo lắng, vừa thương yêu, tin tưởng và hi vọng về một ngày làm việc an toàn.
Trong số những bức kí họa, gây ấn tượng nhiều nhất với người xem là bức chân dung bằng chì về nhân vật tên Long. Long mới mười chín tuổi, là thợ mỏ trẻ nhất, gây ấn tượng mạnh nhất mà họa sĩ từng tiếp xúc. Khuôn mặt em hiền lành, thánh thiện, vuông vắn vẻ thư sinh hiện lên trong kí họa Ngô Cường như bản tính trầm lặng, điềm đạm, ít nói của những người công nhân mỏ nơi đây.
Một kí họa của họa sĩ Ngô Cường.Ngoài kí họa, anh còn hoàn thiện bức tranh sơn dầu công phu và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại trong chuyến đi. Bức tranh anh trao tặng cho công ti Than Vàng Danh, vẽ tám người thợ lò với chiếc mũ bảo hộ, găng tay và bộ quần áo màu xanh, đang lao động trong hầm lò với những thanh trụ cột đen như những thanh gỗ chống trần hầm. Tám người là tám tư thế lao động khác nhau. Người cầm xẻng đang xúc, người cầm khoan đang đục, người thì chống tay nghỉ… lột tả một bầu không khí lao động nghiêm túc, hăng say và đầy phấn khởi, sức sống của những người thợ mỏ. Với nền trắng gần như nguyên vẹn, những nhân vật của anh hiện lên rất rõ ràng, mạnh mẽ như những “chiến binh” thực thụ. Lấm lem trong gam màu nâu, vàng song khuôn mặt những người thợ mỏ vẫn nở nụ cười tươi sáng biểu thị cho niềm lạc quan tin tưởng, cho tình yêu, sự gắn bó với nghề. Với gam màu trầm tối phản ánh đúng không gian trong hầm lò, Ngô Cường dùng nét đen để đi nhân vật và hầu như dùng đường kỉ hà để vẽ nên những gương mặt rắn rỏi, khoẻ khoắn. Anh dùng nét bút to để vẽ màu lên nhân vật, đôi chỗ là những khoảng hở thể hiện sự phóng khoáng, hào sảng của những người thợ mỏ.
Họa sĩ chia sẻ rằng anh chọn con số 8 để vẽ tám người công nhân vì số 8 là con số may mắn, mang lại điều tốt đẹp, thiện lành và sự trường tồn vĩnh cửu. Trong tâm linh, số tám còn đại diện cho những tiềm năng và sự trỗi dậy, chuyển bại thành thắng, chuyển vận xui thành vận may. Khắc họa hình ảnh tám người thọ mỏ, Ngô Cường mong muốn những chuyến xe chở công nhân vào hầm lò an toàn, lúc đi bao nhiêu người thì khi trở ra cũng đầy đủ bấy nhiêu người.
Với Ngô Cường, những ngày tháng trải nghiệm công việc của người thợ mỏ là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời cầm cọ. Những tháng ngày ấy ngoài việc giúp anh thấu hiểu sự vất vả, nguy hiểm của những người thợ mỏ còn rèn luyện cho anh tính kỉ luật, tác phong làm việc “chuẩn, chỉnh”. Những tháng ngày ấy cũng mang lại cho anh cảm xúc yêu đời, yêu lao động và trên hết là một nguồn năng lượng mới, dồi dào cho công việc sáng tác. Những bức tranh về người thợ mỏ chắc chắn không chỉ là nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ đối với những người thợ mỏ mà còn ghi dấu một cung đường sáng tạo nghệ thuật của Ngô Cường.
Bình luận