Sự cuốn hút của sơn mài trong nghệ thuật thiết kế đương đại
Với mong muốn giữ gìn, kế thừa và nâng tầm các giá trị văn hoá truyền thống, triển lãm “Dòng chảy của sơn mài Việt trong không gian thiết kế đương đại” hứa hẹn mang tới một cách nhìn mới về kỹ thuật thể hiện Sơn Mài qua lăng kính của nghệ thuật thiết kế đương đại, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng.
Lễ khai mạc triển lãm đã diễn ra vào chiều 8/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với sự tham dự của ông Phạm Sanh Châu, Nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu; Ông Lê Quang Biên, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở Mumbai, Ấn Độ; Ông Đỗ Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao; Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Họa sĩ Đỗ Hiệp, Phó Ban sáng tác trẻ Hội Mỹ thuật Việt Nam; Bà Nguyễn Hoàng Anh, nhà sáng lập B.Pure Home Interio.
Các đại biểu dự lễ khai mạc triển lãm “Dòng chảy của sơn mài Việt trong không gian nghệ thuật thiết kế đương đại”. (Ảnh: Huyền Thương)
Phát biểu khai mạc triển lãm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết ông trân trọng và đánh giá cao những thiết kế đầy sáng tạo và ấn tượng góp mặt trong triển lãm. Đó là sự kết hợp giữa chất liệu, kỹ thuật truyền thống với lối tạo hình phương Tây được thể hiện sống động trong không gian nghệ thuật thiết kế đương đại.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Trong đời sống đương đại ngày nay, sơn mài vẫn chứng tỏ là một chất liệu đầy sức cuốn hút. Rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đã và đang tiếp cận và ứng dụng chất liệu cũng như kỹ thuật sơn mài theo nhiều cách khác nhau, góp phần làm cho dòng chảy nghệ thuật sơn mài được phát triển không ngừng và vô cùng đa dạng”.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)
Họa sĩ Đỗ Hiệp, Phó Ban sáng tác trẻ Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, ngày nay, để sơn mài phát triển và đi xa hơn nữa, chúng ta cần làm mới và đưa nó vào đời sống hàng ngày. Theo hoạ sĩ, đây là một việc làm mang tới một giá trị rất đặc biệt, là một hướng đi rất mới, nó không đơn thuần chỉ là việc làm mới một chất liệu của truyền thống Việt Nam mà nó còn là một phương tiện, là một cách thức để đưa sơn mài đi xa hơn, sâu hơn và tiếp cận gần hơn với công chúng.
Họa sĩ Đỗ Hiệp với những chia sẻ về việc gìn giữ, ứng dụng chất liệu sơn mài trong đời sống hiện đại. (Ảnh: Huyền Thương)
Bà Nguyễn Hoàng Anh, nhà sáng lập B.Pure Home Interio chia sẻ: “Bên cạnh chức năng và giá trị trong bảo tàng, hay các món đồ lưu niệm, chúng tôi muốn sơn mài phổ biến hơn và mang giá trị thưởng thức nhiều hơn, thậm chí được say mê và ưa chuộng nhiều hơn trong các phương tiện sống, góp phần định hình phong cách và thực hiện sứ mệnh “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Bà Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Huyền Thương)
Cách đây gần 1 thế kỷ, vào những năm 1930, thầy và trò trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương cùng những nghệ nhân nghề sơn đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công chất liệu sơn ta vùng trung du miền núi phía bắc thành một chất liệu quý dùng trong hội hoạ. Nghệ thuật sơn mài đã trở thành nét độc đáo riêng có trong sự phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đóng góp vào sự đa dạng, đặc sắc của nghệ thuật thế giới.
Lấy cảm hứng sáng tạo từ tuyệt tác Mẹ thiên nhiên, vũ trụ kỳ diệu, các tầng di sản nghệ thuật, văn hóa trong quá khứ hội tụ, chắt lọc, tư duy triết lý phương Đông, tinh thần của nghệ thuật phương Tây... các nhà thiết kế, nghệ nhân B.Pure Home đã thổi hồn vào các thiết kế trên chất liệu sơn mài để chúng mang một phong cách hội họa mới, ứng dụng đa dạng cho nhiều không gian sống và phong cách kiến trúc, từ cổ điển đến hiện đại, phá cách tới đương đại...
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)
Với hơn 30 tác phẩm, thiết kế sáng tạo được trưng bày, triển lãm được kỳ vọng sẽ là một con đường mang giá trị của nghệ thuật di sản đi vào cuộc sống, nuôi dưỡng, trân trọng tình yêu nguồn cội, đồng thời thể hiện trách nhiệm của thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong sứ mệnh tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho nghệ thuật di sản thăng hoa.
Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 8-21/4.
Một số hình ảnh được phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật ghi nhận tại triển lãm:
Ông Phạm Sanh Châu, Nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm với các khách mời tại triển lãm.
Không gian triển lãm thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm giới thiệu với công chúng hơn 30 tác phẩm, thiết kế sáng tạo.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm trình diện kỹ thuật mới của các nghệ nhân Việt trong xử lý chất liệu khi hiện thực hóa ý tưởng của nhà thiết kế, mang sơn mài vào không gian sống nghệ thuật đương đại.
Triển lãm “Niêm Hoa” - Cuộc đối thoại của những cá tính đa sắc, đa hình và đa diện ẩn dưới tinh thần tĩnh lặng...
Bình luận