Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên

Cuối tháng 3 vừa rồi, nhân chuyến công tác tại Phú Quốc (Kiên Giang), Thủ tướng Phạm Minh Chính có đến kiểm tra công trường xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các ý kiến của Thủ tướng, tôi thấy ông lưu ý cán bộ, công nhân trên công trường phải làm việc “không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả trái tim, tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu”.

Nhìn Tượng Bác cao sừng sững, dẫu công trình đang thi công nhưng xúc động. Tôi nhớ bài thơ Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi / Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!”. 49 năm qua chúng ta đã có một đất nước thống nhất, hẳn “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười” (thơ Tố Hữu).

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Quốc có tổng chiều cao là 20,7m được làm bằng đồng. Riêng phần Tượng Bác có chiều cao 18m, được đúc bằng hợp kim đồng và lõi tượng bằng thép không gỉ, khối lượng vật liệu sử dụng để đúc tượng hơn 93 tấn hợp kim đồng. Phù điêu bằng đá dài 63m, cao 10,8m. Không gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các công trình phụ trợ được xây dựng trên diện tích 1.225m2. 

Đồng thời phù điêu đặt sau tượng được chạm khắc một số hình ảnh, địa danh tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam và một số hình ảnh, địa danh gắn liền với Kiên Giang. Quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ được xây dựng với quy mô 7,45ha ở khu vực quy hoạch xây dựng khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, phục vụ sinh hoạt vui chơi, giải trí của người dân trên đảo Phú Quốc.

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên - 1

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phú Quốc.

Đây là công trình quan trọng nhất thuộc Dự án Đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ ở phường Dương Đông, TP. Phú Quốc. Cách đây vừa đúng 2 năm, công trình được chính thức động thổ thi công. Khi tôi viết bài này thì chỉ còn hơn hai tuần nữa công trình dự kiến khánh thành, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác.

Suốt đời mình, Hồ Chủ tịch kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc. Bác nói: “Miền Nam ở trong trái tim tôi”, “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. 

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đảo ngọc Phú Quốc không chỉ khắc họa hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới giản dị, chan hòa, gần gũi; mà còn thể hiện tình cảm đối với miền Nam của Bác vô cùng thắm thiết. Theo NSND Vương Duy Biên, hình tượng Bác Hồ đặt lòng bàn tay lên ngực trái muốn nói lên rằng, Tổ quốc và nhân dân luôn trong trái tim Người.

Anh cho biết, khi duyệt Tượng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói đại ý, Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đảo Phú Quốc phải trở thành biểu tượng niềm tin, ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên - 2

NSND Vương Duy Biên bên Tượng đài.

Tôi đã từng được xem mẫu tượng đài trong khuôn viên nhà trưng bày tác phẩm của NSND Vương Duy Biên ở Bốt Tép (Sóc Sơn, Hà Nội). Tượng Bác đặt tay phải lên ngực trái thể hiện ý nghĩa tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào miền Nam. NSND Vương Duy Biên đã phác thảo tượng nhiều năm trước. Cuối tháng 10/2023, anh được chứng kiến những người thợ lành nghề Nam Định, thuộc Công ty Đúc Mỹ nghệ ở Nam Định thi công đúc tượng. Đó cũng là thời khắc xúc động đối với anh.

Dẫu trong gia tài điêu khắc, NSND Vương Duy Biên còn một số tác phẩm lớn khác như như tượng Trần Hưng Đạo ở Quảng trường 3-2 (Nam Định), được "nhân bản" ở nhiều địa phương; Tượng Tổng Bí thư Trường Chinh ở Xuân Trường (Nam Định); tuy nhiên với Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đảo Phú Quốc có thể nói là tác phẩm “để đời” trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật.

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên - 3

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Quốc được khánh thành vào ngày 19/5/2024.

Là người tài hoa, để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng NSND Vương Duy Biên được biết đến, trước hết với tư cách là một nhà điêu khắc. Tác phẩm điêu khắc khác của anh luôn giàu ý tưởng, nhưng không ít trong số đó phảng phất thế sự, đạo lý, nhân văn... Đó là cái tài, toát ra từ tâm hồn nghệ sĩ có trách nhiệm trước đời sống.

Tôi từng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi xem các tác phẩm Chiếc ghế đang chìm, Kéo cưa lừa xẻ, Chum kinh nghiệm, Mãn nguyện, Ai bảo tôi không làm được?, Hãy mở những ổ khóa (cụm tượng)... đều chuyển tải được những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống, thể hiện tư duy, bàn tay sáng tạo, tài năng 

*

NSND Vương Duy Biên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình truyền thống nghệ thuật. Cụ nội là nhà hoạt động văn hóa Vương Duy Trinh; bố là nhà phê bình mỹ thuật Vương Như Chiêm - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; mẹ là nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung - nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô. Trong gia đình, Vương Duy Biên và người anh Vương Học Báo đều là nhà điêu khắc. Mẹ anh là nhà văn, nay ngoài 90 tuổi nhưng vẫn mẫn tiệp trên trang viết. Gọi bà là nhà văn hay cựu nhà báo đều đúng.

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên - 4

NSND Vương Duy Biên (thứ 2, phải sang) tại Lễ động thổ xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc (Kiên Giang)

Địa danh Bốt Tép (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là nơi có “Không gian nghệ thuật Vương Duy Biên”. Đó là nơi anh sáng tạo, trưng bày tác phẩm, nơi gặp gỡ với anh em văn nghệ sỹ tri kỷ và những người bạn tâm giao. 

Năm 2017, tại địa chỉ này, NSND Vương Duy Biên từng tổ chức một cuộc Triển lãm cá nhân gồm 80 tác phẩm, trong đó có hơn 40 bức tranh (tranh lụa, sơn mài, sơn dầu...), 30 tác phẩm tượng.

Tôi từng đến không gian ăm ắp sáng tạo này của anh. Trong một buổi chiều cận kề Giáp Thìn 2024, tâm hồn an nhiên, anh hồi ức về những bức tượng tuổi thơ khi lấy những viên phấn trắng khắc chân dung Bác Hồ và hình tượng người chiến sĩ. Còn bé đã bộc lộ tư chất sáng tạo. Còn bé đã ôm ấp những đề tài về danh nhân.

Lớn lên thêm chút là những ngày tháng Vương Duy Biên làm mẫu vẽ cho lớp hội họa ở nơi sơ tán. Đó là những năm đầu thập niên 70. Năm 1972, sau chiến thắng của trận Điện Biên phủ trên không anh thi đỗ vào Khoa Điêu khắc, Trường Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1988, khi mới ngoài 30 tuổi, nhà điêu khắc Vương Duy Biên đã có những thành công lớn, được giới điêu khắc đánh giá cao. Đó chính là hình tượng Anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. 

Khi mới ra trường, Vương Duy Biên được về Nhà hát Múa rối Trung ương nhưng anh đã mạnh dạn dựng tượng dự thi. Không ít nhà điêu khắc có tiếng tham gia thi mẫu tượng Trần Hưng Đạo. Thử thách ngỡ như quá sức với một nhà điêu khắc trẻ như anh. 

Vương Duy Biên lao vào sáng tạo với tất cả đam mê. Anh đã nghiên cứu rất kỹ về Trần Hưng Đạo và hàng trăm mẫu tượng được anh phác thảo trong một thời gian dài. Cuối cùng một mẫu tượng ưng ý nhất được anh chọn trình làng. Đây là điều bất ngờ là tác phẩm đoạt giải Nhất. Sau đó mẫu tượng của anh thành tượng đồng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cao 16,72m được khánh thành năm 2000 tại TP. Nam Định.

Ngay từ năm 1993, nghệ sĩ Vương Duy Biên đã tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân tại Hà Nội, được giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá rất cao. Sau đó là hàng loạt những triển lãm cá nhân gây tiếng vang của nghệ sĩ Vương Duy Biên được tổ chức ở Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc…

NSND Vương Duy Biên còn là một họa sĩ, có nhiều thành công về tranh lụa. Ngay từ năm 1993, nghệ sĩ Vương Duy Biên đã tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân tại Hà Nội, được giới chuyên môn, công chúng yêu nghệ thuật đánh giá rất cao. Sau đó, hàng loạt những triển lãm cá nhân gây tiếng vang của của anh được tổ chức ở Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc…

Ngoài điêu khắc, tranh lụa, nghệ sĩ Vương Duy Biên còn bộc lộ sự tài hoa hiếm với tư cách đạo diễn. Vở múa rối Hồn quê (năm 2006) do anh làm đạo diễn chứng minh sự kết hợp tài tình giữa rối nước truyền thống với nghệ thuật sắp đặt hiện đại.

*

NSND Vương Duy Biên là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Anh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015. 

Trong “gia tài nghệ thuật” của anh có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng nhiều nước. Anh cũng từng được mời đi tổ chức Triển lãm tranh cá nhân tại Pháp (2 lần), Ba Lan, Đức, Nhật Bản... NSND. Vương Duy Biên từng được nhận nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các cuộc Liên hoan Sân khấu Múa rối trong nước và quốc tế.

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên - 5

NSND Vương Duy Biên

Sau này, dẫu trở thành Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bận bịu với công tác quản lý; tuy nhiên, anh vẫn dành thời gian cho sáng tạo. 

Hiện nay NSND Vương Duy Biên là Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (Khóa X); về ngoại giao nhân dân, anh là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên. 

NSND Vương Duy Biên là người lịch lãm, ẩn giấu bên trong là những suy nghĩ tích cực, tâm hồn khoáng đạt, giàu năng lượng. Anh là người đam mê sáng tạo, luôn biết truyền cảm hứng, sáng tạo.

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất