Gương mặt mùa xuân

Cách đây ít hôm, tôi nhận đươc giấy mời của Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam và Câu lạc bộ “Trái tim người lính”, mời vào thành phố Hồ Chí minh dự lễ ra mắt cuốn sách “Khoảnh khắc đáng nhớ” của Tiến sĩ - Cựu chiến binh Nguyễn Minh Vỹ, một người từng có 9 năm hoạt động và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Sau này ông còn giữ nhiều cương vị khác nữa, chức không to, nhưng công việc thì không thể nói là bé mọn.

Lễ ra mắt sách của ông có khá đông người đến dự; từ tướng tá quân đội, công an đến các nhà khoa học, các cựu chiến binh, văn nghệ sĩ và báo chí. Hẳn sẽ có những bạn đọc tự hỏi: người từng trải qua những khốc liệt ở “cái cối xay thịt Quảng Trị”; hòa bình rồi tiếp tục tham chiến trên “thương trường như chiến trường”, lại từng gặp những những thua thiệt lớn trong đời như Nguyễn Minh Vỹ thì gương mặt chỉ có khắc khổ, phong sương chứ sao còn là gương mặt tươi tắn của mùa xuân như tôi ví von và đặt tên cho bút ký này? Vâng xin bạn đọc hãy bình tĩnh đọc bút ký, bạn sẽ nhận ra câu trả lời.

Nguyễn Minh Vỹ sinh năm 1945 tại thôn Địch Tràng, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Phụ thân là cụ Nguyễn Văn Doanh, một nhà nho nổi tiếng khắp vùng. Cụ mở lớp tại nhà dạy chữ cho rất nhiều trò. Dịp Tết người ta còn đến nhà xin chữ của cụ về treo lên tường chơi Tết. Nguyễn Minh Vỹ sinh ra và lớn lên vào cái thời giặc giã, tao loạn, cả làng cả nước đói cơm khát áo. Gia đình cụ đồ Doanh cũng không phải ngoại lệ. Nhưng bằng cái tầm nhìn ưu thời mẫn thế của một người trọng đạo thánh hiền, 6 người con của cụ đều được học hành, trong đó có Nguyễn Minh Vỹ và một người anh trai của ông được vào đại học. Người anh trai theo nghề sư phạm, lên đến chức hiệu trưởng trường phổ thông cấp ba ở tỉnh.

Gương mặt mùa xuân - 1

Nguyễn Minh Vỹ (mặc áo trắng hàng trước) cùng bạn bè trước ngày lên đường vào chiến trường.

Suốt những năm tuổi thơ cắp sách đến trường, Nguyễn Minh Vỹ không có một bộ quần áo “hẳn hoi”, chân không dép, đầu đội trời. Xong phổ thông, vì học giỏi, Vỹ được vào hệ đại học kỹ thuật thông tin, một phân hiệu của Đại học Bách khoa. Đang học năm thứ hai, theo nhu cầu của chiến trường, Vỹ được tuyển vào quân đội, về Bộ tổng tham mưu học điện báo viên vô tuyến, sau chuyển sang Cục CP16, đây là một đơn vị đặc biệt do Văn phòng Trung ương Đảng quản lý. Theo học một đợt huấn luyện cấp tốc về nghiệp vụ rồi đúng ngày 22/12/1966, Vỹ được bổ sung cho chiến trường Quảng Trị, thuộc phòng Thông tin liên khu ủy Thừa Thiên Huế.

Chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt, nhưng Nguyễn Minh Vỹ vẫn không quên “săn tìm cái đẹp”. Tuy không có ý định trở thành phóng viên, nhưng vốn có tâm hồn lãng mạn, trọng giá trị chân - thiện - mỹ nên trong ba lô của Vỹ khi ấy có hai chiếc máy ảnh mang theo (một chiếc của Nga, một chiếc của Đông Đức), loại máy cơ chụp ảnh đen trắng, rửa ảnh qua phim theo phương pháp thủ công. Gặp cảnh nào Vỹ thích là lấy máy ra chụp lưu lại. Nhiều bức ảnh của Vỹ được Thông tấn xã Việt Nam chọn đăng trên các trang báo. Còn lại được lưu trong những cuốn phim.

Thời tiết Quảng Trị nắng lắm mưa nhiều, phim bị mốc, hư hỏng không ít. Sau này khi có ý định xuất bản sách, Vỹ phải đến kho lưu trữ của Thông tấn xã Việt Nam tìm được một số bức. Gọi điện cho đồng đội cũ hỏi xem ai còn giữ ảnh của Vỹ thì xin lại. Cho dù không đầy đủ như ý muốn nhưng cuốn Khoảnh khắc đáng nhớ của Vỹ vừa ra mắt vẫn là một hiện tượng hiếm có trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Rất nhiều bức ảnh là tư liệu quý về chiến trường, được mọi người đánh giá cao.

Trong rất nhiều kỷ niệm về chiến trường, tôi rất ấn tượng khi Nguyễn Minh Vỹ kể: Tháng 8 năm 1967, chiến tranh ngày càng ác liệt, ông cùng 8 người lính thông tin - điện báo viên cả nam và nữ được điều động xuống “nằm vùng” thuộc địa phận thị xã Quảng Trị và Đông Hà. Sống trong hầm bí mật nên hầm phải đào khá lắt léo, địch khó phát hiện.

Hầm của tổ thông tin do Nguyễn Minh Vỹ phụ trách bắt đầu có “cửa” từ một bụi cây, đào sâu xuống thông ra một cái ao bèo tây, bơi ngầm qua đáy ao chui lên hầm chính dưới một bụi tre ở bờ bên kia. Vì tính chất nhiệm vụ đặc biệt mà tổ thông tin của Vỹ không dùng máy 15 woát của Trung Quốc mà dùng chiếc máy GRC9 chiến lợi phẩm của Mỹ, loại máy rất gọn nhẹ, bơi ngầm dưới ao không ngấm nước. Máy đặt dưới hầm. Dây ăng ten ngụy trang cho cùng màu với thân cây tre rồi treo lên giữa bụi tre. Ở cùng hầm của Vỹ có Trương Hữu Quốc và Trần Hữu Thủy (Trương Hữu Quốc sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, điều sang Bộ Công an giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, phong quân hàm thiếu tướng. Trần Hữu Thủy cũng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng cũ trang).

Gương mặt mùa xuân - 2

Nguyễn Minh Vỹ ở chiến trường Quảng Trị.

Còn nhớ trận càn tháng 10/1968, bọn địch dàn hàng ngang, mỗi thằng tay cầm một cái thuốn sắt xâm xung quanh bờ ao. Quốc nhìn chăm chăm trên trần hầm, vừa thấy cái đầu thuốn, ông liền nâng một viên gạch vỡ lên ấn chặt đầu thuốn. Mọi người nghe rõ tiếng bọn ngụy bên trên: “Đù má, dưới chỗ ni có mộ tụi bay ơi! Thuốn của tao vừa đụng phải tiểu sành”. Chúng quay sang bên cạnh xâm tiếp. Chúng la lên: “Đù má, Việt cộng đây rồi, hãy bắt sống chúng”.

Nghe tiếng la những người ở cùng hầm với Vỹ biết rằng địch đã xâm trúng hầm ông Nguyễn Trọng Ái xã đội trưởng. Tiếp đó họ nghe tiếng ông Ái ra lệnh cho mọi người điều gì đó. Rồi những người cùng hầm ông Ái lật nắm hầm xông lên, vừa ném lựu đạn vừa lia súng AK về phía địch. Bọn địch hoảng hốt bắn loạn xạ. Trận ấy ông Ái bị đạn vào gót chân. Những người còn sống, trong đó có Vỹ lại phải chuyển đi chỗ khác, thiết lập lại hầm mới để ở.

Sau chiến dịch tổng tấn công mùa xuân 1968, địch thua đau, gượng dậy phản công. Chúng cho máy bay B52 ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học. Ngoài biển thì mỗi ngày hàng ngàn quả đại pháo câu vào. Máy bay trinh sát các loại bay như ruồi, lượn lờ, soi mói. Gặp chỗ nào nghi có chiến sĩ cộng sản là chúng gọi máy bay phản lực đến ném bom. Rồi chúng cũng phát hiện ra khu vực trú quân của tỉnh đội Quảng Trị.

Chúng dùng pháo chơm, loại vũ khí giết người hàng loạt, khi nổ bung ra rất nhiều mảnh đạn màu lửa như vãi hoa cải. Đội thông tin vô tuyến của Nguyễn Minh Vỹ có 9 người, chỉ trong một trận đã hy sinh 4, còn 5 người đều bị thương. Vỹ bị thương vào đầu gối, nhẹ hơn anh em, ông tự băng vết thương cho mình và cho anh em. Còn liệt sĩ thì giao lại cho đội cáng thương của tỉnh đội mai táng.

Sau trận ấy, Nguyễn Minh Vỹ được đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua quân khu Trị Thiên Huế năm 1970, được đi nghỉ điều dưỡng một tháng. Trở về, Nguyễn Minh Vỹ được giao phụ trách trung đội thông tin của CP18, mật trận 7, tỉnh đội Quảng Trị, tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Đây là những ngày tháng quân ta chết đói nhiều hơn chết trận.

Xuống suối mò được con gì, lên rừng hái được thứ rau cỏ gì là đưa về ăn miễn là không chết người. Một nắm gạo mà nấu cả một nồi quân dụng cháo to tướng, múc cho mỗi người lưng bát húp cầm hơi. Có 5kg gạo mà đêm đêm phải cử người thay nhau canh gác kẻo chuột ăn mất. Bộ đội thiếu ăn, thời tiết khắc nghiệt lăn ra ốm nhai nhách, thay nhau lên cơn sốt rét ác tính. Nhưng công việc thì vẫn giữ được liên lạc thông suốt giữa chiến trường và lãnh đạo cấp cao ngoài Hà Nội.

Gương mặt mùa xuân - 3

Những chiến sĩ thông tin VP16 tại chiến trường Quảng Trị.

Ấn tượng sâu nhất với Nguyễn Minh Vỹ là cái năm 1972 với chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quàng Trị. Ta và địch phải giành giật nhau từng tấc đất. Nguyễn Minh Vỹ phụ trách phòng thông tin của tỉnh Quảng Trị, kết nối công việc với Thông tấn xã Việt Nam. Vỹ còn được giao chức thường vụ tỉnh đoàn, bí thư đoàn cơ sở khối tỉnh ủy, làm việc với cả bên đảng và bên quân đội, sau này còn làm việc với cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nguyễn Minh Vỹ trực tiếp nhận điện từ Bộ Chính trị chỉ huy mặt trận và điện của mặt trận báo cáo về Bộ Chính trị. Vỹ cũng từng chứng kiến hàng đêm với hàng trăm quả đạn pháo tầm xa từ hạm đội ngoài biển câu vào thành cổ. Máy bay B52 rải thảm. Sau B52 đến B57 chà đi sát lại, rảỉ chất độc hóa học. Có ngày Vỹ chứng kiến một tiểu đoàn bơi quan sông Thạch Hãn vào thành cổ, lúc ra chỉ còn một vài chục người mang thương tích đầy mình.

Khi đã tin rằng không còn một sinh vật nào sống được, bọn địch mới lệnh cho lính trèo lên vị trí cao nhất thành cổ cắm cờ ba sọc, tạo áp lực không khoan nhượng với cộng sản, gây tiếng vang về hội nghị Pa-ri. Nhưng cứ tên lính nào leo lên lại bị những tay súng bắn tỉa của ta như đội đất chui lên tiêu diệt. Tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết.

Sau Hiệp định Pa-ri, Chủ tịch Fidel Castro sang thăm Việt Nam. Khi Đoàn vào thăm Quảng Trị, Nguyễn Minh Vỹ xin đi theo. Đoàn đến thăm nhiều địa chỉ hãy còn tan hoang vì bom đạn, cỏ chưa kịp mọc như Cồn Tiên, Dốc Miếu (nơi có hàng rào điện tử Mc Namara), căn cứ Cam Lộ, Thành Cổ, Đông Hà… Cho dù sống và chiến đấu trong hoàn cảnh nào, Nguyễn Minh Vỹ cũng không quên hai chiếc máy ảnh. Gặp hình ảnh gì chạm đến cảm xúc là ông đưa máy ra chụp. Chụp làm kỷ niệm của chính mình chứ không nghĩ để đăng báo.

Nhưng rồi cũng không thể giấu mãi. Khi các cơ quan thông tấn phát hiện thì họ tự gặp Vỹ để xin đăng tải. Có những bức anh do Nguyễn Minh Vỹ chụp gây niềm xúc động lớn. Có những nhân vật Vỹ chụp xong thì người ấy hy sinh, như ảnh chiến sĩ giao liên Nguyễn Thị Kim Phụng, chiến sĩ thông tin Phạm Văn Cao. Trường hợp Phạm Văn Cao khi hy sinh thì vợ đang mang thai, đứa con trai khi ra đời không biết mặt bố. Nhờ bức ảnh Nguyễn Minh Vỹ gửi tặng mà người con trai sau này là bác sĩ Phạm Văn Bằng đã biết mặt bố, anh dùng bức ảnh ấy đặt lên bàn thờ của bố.

Tháng 8/1975, Nguyễn Minh Vỹ được điều ra Bắc học tiếp Đại học Bách khoa. Tốt nghiệp, ông được giữ lại trường công tác một thời gian rồi điều sang Viện Khoa học Việt Nam (sau này đổi thành Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành tự động hóa tại Liên Xô cũ.

Nguyễn Minh Vỹ là người có tư tưởng đổi mới, canh tân mạnh mẽ. Ông cùng với tiến sĩ Hoàng Văn Nghiên và tiến sĩ Ninh Văn Miển sáng lập ra Công ty điện tử - điện lạnh Hanel do Vỹ làm giám đốc. Sau này ông Hoàng Văn Nghiên trở thành chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Nguyễn Minh Vỹ và Ninh Văn Miển tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Đây là thời điểm thành phố Hà Nội đang cùng với cả nước xóa dần chế độ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường. Trong những thành quả làm nên một Hà Nội đang cất cánh hôm nay, có đóng góp của những nhà khoa học như Nguyễn Minh Vỹ.

Hiện thời công việc vẫn còn níu kéo ông. Cơ chế thị trường đang vận hành làm cho đất nước ngày càng phát triển, nhưng Vỹ lại thấy tệ nạn sản xuất hàng giả diễn ra khắp nơi, ông quyết định thành lập Công ty công nghệ chống hàng giả Việt Nam. Vỹ tập hợp những người giỏi về cùng làm với ông. Công việc đang tiến triển rất thuận. Đã lập văn phòng đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh. Năng động, sáng tạo trong công việc, yêu cuộc sống, yêu con người, yêu nghệ thuật, được nhiều người cảm phục và trân quý nên Nguyễn Minh Vỹ “trẻ dai”; 78 tuổi rồi mà từ dáng đi điệu đứng vẫn nhanh nhẹn, đầu óc vẫn sáng láng, tinh tường. Đặc biệt là gương mặt ông trầm tĩnh mà tươi tắn, không một nét khắc khổ. Tôi xin gọi đó là Gương mặt mùa xuân.

Bút ký của Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Tối 5/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp Thời báo Văn học nghệ thuật long trọng tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Thời báo Văn học nghệ thuật xin giới thiệu bài phát biểu của