Chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành là một cựu phóng viên chiến trường của Thông Tấn xã Việt Nam, ông có nhiều bức ảnh để đời về đề tài chiến tranh, nhưng đặc biệt “có duyên” với những hình ảnh hướng tới hòa bình. Với sự nhạy cảm của một phóng viên chiến trường, ông đã chụp được nhiều bức ảnh chân thực, phản ánh khát vọng hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc. Một trong số đó là bộ ảnh nổi tiếng “Hai người lính” được ông bấm máy tại chiến trường Quảng Trị trong những ngày xuân năm 1973. Với bộ ảnh này, NSNA Chu Chí Thành đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2022.

Một ngày đầu đông trong cái lạnh se sắt, tôi đến thăm NSNA Chu Chí Thành, cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong căn nhà có mặt ngõ khá rộng ở đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông thân mật và nhiệt tình đón tiếp tôi. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những bức ảnh nổi tiếng. Như bức “Hai người lính” của NSNA Chu Chí Thành được nhiều người quan tâm và dõi theo số phận nhân vật trong ảnh.

Bức ảnh được bấm máy trong một hoàn cảnh cũng thật đặc biệt, “chuyện cứ ngỡ như đùa giữa thời chiến tranh”.

Chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành - 1

Bức ảnh "Hai người lính" được chụp tại Long Quang, Quảng Trị, mùa xuân năm 1973. Ảnh: NSNA Chu Chí Thành 

Người cựu phóng viên chiến trường nhớ lại, sau ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973, tại chốt Long Quang, có một tốp Thủy quân Lục chiến Sài Gòn vui vẻ bước qua tuyến giáp ranh, sang chơi vùng Giải phóng. Thượng sĩ Nguyễn Huy Tạo (người Hà Nội) đã bá vai anh lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa (người Sài Gòn), trong lúc người trung sĩ Sài Gòn này tươi cười bắt tay o du kích Nguyễn Thị Chính - Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch. Rồi Tạo và Nghĩa hân hoan đề nghị “Nhà báo Giải phóng” chụp cho mình kiểu ảnh riêng đang khoác vai nhau. Một không khí thân ái chan hòa đã bừng lên từ hai phía.

“Lúc bấm máy, tôi thực sự hồi hộp và xúc động nhận ra rằng: Thì ra, những người lính hai phía ở bến sông này có cùng tâm trạng như những người lính ở tuyến giáp ranh. Vượt qua chiến tranh tàn bạo, còn lại sâu thẳm trong lòng họ là đất nước quê hương và tình nghĩa đồng bào, ruột thịt. Tình cảm ấy như tia nắng sớm báo hiệu ngày thống nhất non sông đang đến gần. Và diệu kỳ thay, chỉ sau 2 năm, đến ngày 30/4/1975, khát vọng của họ đã thành hiện thực”, ông nói.

Cũng ngày tháng ấy trên sông Thạch Hãn, người phóng viên chiến trường Chu Chí Thành lại thấy những tù binh Sài Gòn được trả tự do, khi rời Bờ Bắc về Nam, nhiều người đã quay lại vẫy chào “phía đối phương”. Và đẹp sao, các Chiến sĩ Giải phóng rất vui vẻ vẫy chào lại. Tất cả những khoảnh khắc xúc động ấy đã được người phóng viên chiến trường thu trọn vào ống kính. Khi trở về trụ sở Phân xã Quảng Trị tráng phim, thấy ảnh hiện lên rõ nét sáng sủa, ông ngồi trong hầm viết chú thích, gửi ảnh ra Hà Nội.

Chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành - 2

Bức ảnh "Những bàn tay lưu luyến" chụp khoảnh khắc những người lính Sài Gòn được trả tự do và các chiến sĩ giải phóng lưu luyến vẫy chào nhau (Sông Thạch Hãn, mùa xuân 1973). Ảnh: NSNA Chu Chí Thành 

Sau chuyến công tác, trở về Phân xã Nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam ở Hà Nội, NSNA Chu Chí Thành xem lại các ảnh của mình do phòng Ðịa Phương dựng makert đã biên tập xử lý, thì thấy bức chụp hai người lính không được “lưu”, cũng không được “phát”. (Lưu tức là cắt phim, đánh số đưa vào kho lưu trữ để dùng lâu dài. Phát, tức là phóng ảnh rồi chuyển phát cho các báo sử dụng ngay).

Ông vào kho lưu trữ tìm trong đống phim bỏ đi, vẫn không thấy, tuy nhiên may mắn thấy tấm phim anh lính Sài Gòn bắt tay cô du kích. Ông xin mấy chị tổ Tư Liệu mẩu phim, và bóc tấm ảnh mẫu Hai người lính từ maket đem về kẹp trong sổ công tác.

Chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành - 3

"Tay bắt mặt mừng". Bức ảnh chụp cùng thời điểm với “Hai người lính”, ghi lại khoảnh khắc anh lính Sài Gòn bắt tay cô du kích. Những con người này hôm trước còn bắn nhau, mà hôm sau họ lại đón tiếp nhau như người thân (Long Quang, Quảng Trị, mùa xuân 1973). Ảnh: NSNA Chu Chí Thành 

Chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành - 4

Cầu Quảng Trị. Nguyễn Huy Tạo, Bùi Trọng Nghĩa và những người lính của hai bên từng giáp chiến ở đây, họ bước ra khỏi chiến tranh từ cây cầu đổ nát này. (Thị xã Quảng Trị, mùa xuân năm 1973). Ảnh: NSNA Chu Chí Thành

Bẵng đi mấy chục năm. Tháng 12/2007, NSNA Chu Chí Thành làm hai triển lãm ảnh là “Những thời khắc không thể quên” tại Bảo tàng Cách mạng (Hà Nội) và “Ký ức chiến tranh” tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TP.HCM. Bộ ảnh “Hai người lính” lần đầu ra mắt tại hai cuộc triển lãm này, sau đó in trong sách ảnh song ngữ Việt - Anh của ông, tiêu đề Ký ức chiến tranh. Từ đó bức ảnh được báo chí và nhiều người quan tâm. Độc giả muốn biết về số phận các nhân vật trong ảnh, đặc biệt là “Hai người lính”.

Sau nhiều lần tìm kiếm, năm 2015, “Chiến sĩ quân Giải phóng” xuất hiện. Năm 2017, “Anh lính Cộng hòa” cũng bước ra công luận. Họ là những người lính trong triệu người lính may mắn còn sống đến nay, và được sống dưới mái nhà chung của Tổ quốc, đúng như chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành - 5

"Hai người lính" trong cuộc hội ngộ sau 45 năm (Quảng Trị, 26/1/2018). Ông Nguyễn Huy Tạo (bên trái) và ông Bùi Trọng Nghĩa (bên phải). Ảnh: NSNA Chu Chí Thành

45 năm sau, tháng 1/2018, tỉnh Quảng Trị mời “Hai người lính” và NSNA Chu Chí Thành về thăm mảnh đất máu lửa năm xưa, dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris. Tại Long Quang, Bùi Trọng Nghĩa và Nguyễn Huy Tạo lại bá vai nhau hồi tưởng chuyện xưa. Ông một lần nữa có dịp may chụp ảnh họ tái ngộ.

Chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành - 6

NSNA Chu Chí Thành (bên trái) hội ngộ nhân vật của mình - một trong “Hai người lính” vào sáng 25/1/2018.

Từ “Hai người lính” đến “Những bàn tay lưu luyến”, những bức ảnh giàu tính nhân văn, khát khao thống nhất, hòa bình và hữu nghị của NSNA Chu Chí Thành đã trở thành hiện thực. Nước Việt Nam đã thống nhất, đồng bào Nam - Bắc sum họp một nhà vào năm 1975; Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995 và hiện tại là đối tác toàn diện, có quan hệ hữu nghị, hòa bình, tin cậy.

Ðó là chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất