Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim

Say sưa đi tìm cái đẹp trong chân dung các bà mẹ, chân dung Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam và chịu trách nhiệm đến tận cùng những bức ảnh của mình, không ai khác chính là Đại tá, Nhà báo, NSNA Trần Hồng - Người chụp ảnh bằng tim.

Người mải miết đi tìm cái đẹp từ ảnh chân dung

Một nghệ sĩ nhiếp ảnh trong suốt cuộc đời mình sẽ thu được vào ống kính hàng vạn khoảnh khắc, nhưng với Đại tá, Nhà báo, NSNA Trần Hồng, ông lại dành sự quan tâm đặc biệt cho hai đề tài, mà chỉ cần nhắc đến tên ông người ta sẽ nhớ ngay đến những hình ảnh dung dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và liên tưởng đến những ánh mắt xoáy sâu vào tâm can của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy mà ông lại khiêm tốn “mình dốt nên trời cho mình đề tài hay” nhưng nếu lắng nghe ông kể về con đường đã đi có thể thấy đó không chỉ là may mắn, đó còn là sự theo đuổi kiên cường, theo đuổi đến cùng của một đề tài.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 1

Đại tá, Nhà báo, NSNA Trần Hồng.

NSNA Trần Hồng say sưa đi tìm cái đẹp trong đôi mắt những người mẹ, ông nhận ra rằng, từ những người “tài hèn sức mọn” cho đến những người đứng đầu quốc gia thì ai ai cũng đều có mẹ, thậm chí kể cả những người tử tù ngày mai bị xử bắn thì trong tim gan họ luôn luôn để dành cho mẹ một vị trí đặc biệt.

Và tuyệt nhiên khi người nghệ sĩ đam mê một đề tài nào đó thì họ hẳn phải yêu nó tha thiết lắm, với NSNA Trần Hồng cũng vậy, ông đã dành cả đời để ghi lại hình ảnh của những người mẹ thì ông hẳn phải yêu mẹ rất nhiều. Từ hồi còn là một cậu sinh viên hay phải xa nhà, trong những lần về quê ít ỏi với số tiền cũng ít ỏi trong người, ông luôn ghé qua chợ mua cho mẹ mình chút trầu cau, bởi ông biết đó là món quà khiến bà hạnh phúc nhất.

Tình cảm của mẹ con ông khiến nhiều người phải ganh tị, khi ông đã lớn rồi, đã là sinh viên rồi mà mẹ vẫn còn gội đầu cho. Tình yêu mẹ của ông cứ nhiều hơn sau mỗi lần về thăm nhà, sau mỗi lần được mẹ ân cần chăm sóc như thế ông quan sát mẹ một cách tỉ mỉ hơn. Một lần trong lúc được mẹ gội đầu cho, ông đã nhìn thấy “ánh sáng lạ kỳ” trong mắt mẹ.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 2

NSNA Trần Hồng và người mẹ kính yêu của mình năm cụ 91 tuổi. (Ảnh: NVCC)

Ông cho biết: “Đó là thứ ánh sáng toát lên từ đôi mắt của một người mẹ hạnh phúc, của một người mẹ được làm điều gì đó cho con mình, dù đó là điều nhỏ nhoi nhưng hàng vạn người mẹ khác lại không có niềm vui như thế. Các con của mẹ không có cơ hội để mẹ chăm sóc như mẹ tôi đã làm cho tôi, bởi họ đã mãi mãi ra đi mà không thể trở về bên mẹ”.

Từ khi ấy, ông đã lóe lên suy nghĩ rằng phải làm sao, phải bằng cách nào để khám phá được nội tâm của những người mẹ này. Rồi ông dần dần dấn sâu vào đề tài, càng tiếp xúc với những bà mẹ ông lại càng thấy say mê. Với trái tim đầy tinh tế, NSNA Trần Hồng nhận ra rằng, tuy dung nhan, giọng nói, phong tục của mỗi bà mẹ ở mỗi vùng miền có khác nhau nhưng có một cái chung, rất chung mà các mẹ từ Mũi Cà Mau đến Hà Giang đều có, đó là các mẹ không bao giờ kể công, không bao giờ kể về những hy sinh của mình.

Gắn bó với một đề tài suốt nửa đời cầm máy nhưng khi kể đến sự vĩ đại đó, người NSNA ấy vẫn xúc động mãi không thôi: “Đó là sự chịu đựng, chịu đựng một cách kinh khủng, có nỗi đau nào bằng bà mẹ mất con? Mất con là mất hạnh phúc, mất tất cả vậy mà sao các mẹ lại kiên cường đến thế, lại chịu đựng được nhiều đến thế!”

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 3

"Đợi con về" (Mẹ Nguyễn Thị Thứ - Mẹ của 9 con trai 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sỹ). (Ảnh: NSNA Trần Hồng)

Ông bảo, chụp các bà mẹ khó lắm, họ không bao giờ nói về quá khứ vì toàn quá khứ đau khổ, nếu mà khơi ra không đúng lúc thì đó là tội ác, gây cho họ nỗi buồn, vì vậy rất cần tế nhị, phải làm sao để họ thông cảm hoặc hơn thế nữa là giao cảm thì mới có được những bức ảnh chân thật nhất. Và có lẽ, vì nhận ra được những điều thiêng liêng ấy, nên chụp ảnh mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của NSNA Trần Hồng, đó là cái mê say của ông đã kéo ông vào và khiến ông không buông ra được.

Trong mỗi lần đi công tác, ông chấp hành rất nghiêm các chỉ đạo của toà soạn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao và bên cạnh đó, ông cũng luôn dành thời gian cho đam mê của mình mà theo gót các bà mẹ để tìm kiếm cái đẹp, các trác tuyệt nơi họ. Khi đến đơn vị nào, địa phương nào cũng vậy, sau khi làm xong công việc ông đều hỏi thăm về các bà mẹ anh hùng ở địa phương ấy.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 4

NSNA Trần Hồng với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. (Ảnh: NVCC)

Đã ai đó từng nói rằng “đuổi theo đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn” và câu này vừa khớp với NSNA Trần Hồng. Ông nhận ra rằng những điều ông đam mê đã cho ông lộc rất nhiều, chính các mẹ, chính cuộc đời cầm máy đã cho ông những điều đó, từ những cái thuận tiện hay khó khăn nhất ông đều cảm thấy có được may mắn.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 5

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Triển lãm ảnh "Chân dung mẹ" của NSNA Trần Hồng tại Hà Nội ngày 23/12/1995. (Ảnh: NVCC)

Một trong những may mắn đó khi ông tổ chức triển lãm ảnh đầu tiên của mình về chân dung mẹ, một triển lãm mà hồi đó chưa ai làm cả, cũng đã khiến nhiều người lo lắng về sự thành công của nó. Nhưng triển lãm đã trở nên đặc biệt vì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé thăm, được ông nán lại hơn một tiếng đồng hồ và sau khi xem rất kỹ các bức ảnh, Đại tướng còn lưu lại 56 chữ vào sổ ghi cảm tưởng mà suốt đời mình NSNA Trần Hồng coi đó là phần thưởng vô giá, là trọng trách cao cả mà ông chưa bao giờ quên:

“Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ, như nhạc. Qua những hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương, và những niềm vui. Qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ chiến sĩ, có những tác phẩm lớn”.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 6

Đại tướng với phu nhân bên cây đàn piano. (Ảnh: NSNA Trần Hồng)

NSNA Trần Hồng gọi đó là “thông điệp tuyệt nhất của đời làm nhiếp ảnh”, từ đó ông có thêm đề tài để say mê là chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã được gắn bó, thân thiết với Đại tướng suốt thời gian dài mà vinh hạnh này ít ai có được. Đến nay, tuy Đại tướng đã đi xa nhưng trong trái tim của NSNA Trần Hồng, Đại tướng vẫn luôn là một tượng đài rực sáng để ông mãi mãi tôn thờ.

“Tôi chịu trách nhiệm đến tận cùng cho những bức ảnh của mình”

Ông tếu táo: “Không biết có phải là mình yêu nghề quá không” mà lại hạnh phúc khi làm báo, khi chụp ảnh đến vậy! Chọn nghề là cảm tính nhưng lại đúng sở trường của mình nên ông hạnh phúc và theo đuổi một cách đầy mãnh liệt, ông khẳng định: “Tôi chịu trách nhiệm đến tận cùng cho những bức ảnh của mình”.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 7

NSNA Trần Hồng - Người chụp ảnh bằng tim.

Là một nhà báo kỳ cựu, một tay máy lâu năm ông đặc biệt quan tâm đến tính chân thực của một bức ảnh. Theo ông, ảnh phải phản ánh sự thật, còn ảnh đã qua chỉnh sửa, photoshop thì đấy cũng là ảnh nhưng chỉ là ảnh chơi.

“Xã hội giao cho mình nhiệm vụ đi ghi lại sự thật và sự thật đó chúng ta phải có trách nhiệm với nó, cớ gì anh lại photoshop để làm méo mó sự thật ấy theo ý muốn của mình? Nó đẹp, nó cân đối với mắt anh nhưng đó chỉ là ý muốn chủ quan của anh còn lịch sử tạo ra nó thì chỉ có một. Tại sao lịch sử giao cho anh một sứ mệnh như thế mà anh lại không giữ gìn nó, anh không lấy nó làm cái niềm kiêu hãnh để thực hiện đúng mục tiêu của nhiếp ảnh?” - NSNA Trần Hồng nói.

Ông quan niệm ảnh là cái nhìn đầu tiên của người cầm máy, dù tốt hay xấu, chính xác hay giả dối, cao sang hay hèn mọn thì sau này mọi người nhất nhất đều sẽ nhìn theo cái nhìn đầu tiên đó, nếu cái nhìn không chính xác thì sự vật ấy không chính xác. Cái nhìn đầu tiên chuẩn mực đến đâu phụ thuộc vào sự kiên định, trung thực của người cầm máy đến đó.

NSNA Trần Hồng cho rằng ảnh phải chân thật mà đặc biệt là ảnh báo chí. Đằng sau một bức ảnh báo chí phải là sự kiện đích thực của thời gian ấy, địa điểm ấy, con người ấy, giai đoạn lịch sử ấy thì nó sẽ sống mãi và sự sống mãi ấy sẽ trở thành nghệ thuật. Như ảnh của Nick Út chụp cô Kim Phúc thì ai bảo là nghệ thuật mà lại làm cho cả thế giới sôi sục, hướng về đó để phản đối cuộc chiến tranh và ai cũng phải công nhận nó sống mãi với thời gian. Ông gọi đó là nghệ thuật, thậm chí là siêu nghệ thuật.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 8

Tại mặt trận Vị Xuyên chống Trung Quốc xâm lược tháng 2 năm 1979 ( Trần Hồng bên phải). (Ảnh: NVCC)

Ông gửi lời nhắn nhủ đến các tay máy trẻ hiện nay: “Đừng nên nặng nề giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí, anh cứ chụp đi, anh cứ trung thành với ống kính của mình, hãy cứ dấn thân ghi những sự thật sao cho chuẩn xác. Nhưng trước hết, trong cái thiên la địa vĩ anh phải chọn ra được cái tiêu biểu nhất để bấm máy”.

Ông quan niệm làm nghề gì cũng cần phải say sưa, như việc quét rác chẳng hạn, nhiều người tưởng dễ nhưng nếu người lao công không say sưa thì không thể tìm ra được một đường chổi cần lực ít mà lại gom được rác nhiều. Với ông, không nghề gì là hèn mọn, bất cứ nghề gì nếu có sự say sưa, sự dấn thân cũng sẽ tìm được niềm vui bất tận.

Nói về nghề của mình, ông khẳng định: “Người làm báo không làm nên lịch sử nhưng không có chúng ta thì lịch sử không được ghi lại”.

Vĩ Thanh

Là một phóng viên trẻ chập chững bước vào nghề, đối diện với một cây đại thụ của nghề báo tôi đã rất lo lắng trước khi đến gặp Đại tá, Nhà báo, NSNA Trần Hồng, bởi những người làm việc trong môi trường quân đội thường nghiêm khắc và trước một phóng viên trẻ ông hoàn toàn có thể thị uy. Nhưng trái lại, từ những giây phút đầu gặp gỡ ông đã gọi tôi là “đồng nghiệp”, sự thân thiện và mến khách ở ông tỏa ra thật ấm áp, mà chắc hẳn ai đã từng gặp ông rồi đều sẽ đồng tình với tôi như vậy.

Ông chia sẻ cho tôi “mẹo” để làm thân với một người, đó là lần đầu tiên khi đối diện ai đó hãy nhìn vuông góc với họ vài giây, từ đôi mắt ta sẽ tìm được thông điệp của người đối diện. Việc này đối với một người trẻ kinh nghiệm chưa nhiều, lại thiếu tinh tế thì có lẽ thật khó khăn. Nhưng bằng tất cả cảm xúc sau buổi gặp gỡ ấy tôi đã mạnh dạn tâm sự rằng: “chú quả thật là một người giàu tình cảm”. Ông cười xòa: “lần đầu tiên có người khen chú giàu tình cảm”.

Nhưng tôi lại thấy nhận định của mình không sai. Bởi phải là một người giàu tình cảm, một người có trái tim nhân hậu, tấm lòng hiếu thảo ông mới có thể đem lòng yêu mến, say đắm, cảm thông với hàng trăm người mẹ. Chụp ảnh mẹ không chỉ là công việc, không chỉ là đam mê của ông nữa, dường như là sứ mệnh mà ông được trao trọng trách phải làm và ông đã làm rất tốt.

Ông phải là người giàu tình cảm thì mới chân quý những bức ảnh của mình đến mức “chịu trách nhiệm đến tận cùng”. Dường như ông chụp ảnh là để cho mình, bởi mỗi bức ảnh cho thấy sự tận tâm, đến nơi đến chốn. “Tôi chụp ảnh chưa từng lấy của ai một đồng nào, khi tôi lấy một đồng nào thì tôi cảm thấy sự cần cù của tôi, sự chu đáo của tôi hoàn toàn rẻ bởi với tôi chụp ảnh là điều thiêng liêng” – NSNA Trần Hồng nói.

Đại tá, NSNA Trần Hồng – Người chụp ảnh bằng tim - 9

NSNA Trần Hồng (trái) chụp ảnh cùng đồng nghiệp - Cựu Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân Hữu Dật (phải). (Ảnh: NVCC)

Ông là một người giàu tình cảm nên trong mọi bức ảnh khi chụp với người khác người ta dễ dàng nhìn thấy ông có cử chỉ quàng tay qua vai người cùng chụp, bởi ông cho rằng đó là cử chỉ tạo nên sự giao cảm, sự giao cảm thì khó diễn tả nhưng những bức ảnh lại lưu giữ được những khoảnh khắc ấy.

Ông cũng cho rằng mình quá mẫm cảm, ông gọi đó một cái khổ, vì đôi khi “bỏ đói một bữa là cảm thấy gần chết rồi, trong túi có vài đồng đã cảm thấy giàu có lắm rồi”. Nhưng phải chăng một Nhà báo, một NSNA lại rất cần sự mẫn cảm và tinh tế như thế? Một trái tim mẫn cảm đã giúp Đại tá, Nhà báo, NSNA Trần Hồng có được những tác phẩm “xoáy sâu vào tâm can” của người thưởng thức./.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất