Nhiếp ảnh Hải Âu: 30 năm “bay” không biết mỏi

Tôi thật sự khâm phục những nhà nhiếp ảnh chung thủy, bền bỉ với nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đã 1/3 thế kỷ của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Âu.

33 năm trước (1990) khi còn trẻ, Đào Hoa Nữ đã sáng lập ra Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ đầu tiên ở Việt Nam mang tên “Hải Âu”. Với gần 30 tay máy, họ đi cùng trời cuối đất của Tổ quốc Việt Nam bằng xe máy, xe lửa, ngồi lắc lư trên thùng xe tải và bằng máy bay, họ sang hàng chục quốc gia trên thế giới như Đỗ Ngọc (Pháp), Tố Anh (Washington), Phạm Thị Thu và Nguyễn Thị Sin (Hoa Kỳ), Tuyết Mai (Indonesia), Thiều Châu và Kiên Trinh (Nhật Bản), Phó Hằng (Hàn Quốc, Hà Lan), Hồng Lân (Myanmar), Kim Cương (Đảo Quốc – Singapore), Thảo Trang (Campuchia), Hồng Nga (Trung Quốc), Vân Tùng (Mông Cổ), Đào Hoa Nữ “10 ngày trên đất Mỹ” …

33 năm liên tục hoạt động sáng tác, họ đã tổ chức được 33 cuộc triển lãm, in và xuất bản được 33 cuốn sách. Cứ thử tính xem một cuộc triển lãm trưng bày từ 100 đến 120 tác phẩm. Với 33 năm sáng tác sẽ là một gia tài khổng lồ: Trên 3000 tác phẩm được chắt lọc từ các chuyến đi sáng tác, thật đáng để ta khâm phục. Với khối lượng tác phẩm đồ sộ ấy, nếu được tuyển chọn kỹ lưỡng để in một công trình sách ảnh giới thiệu về “Đất nước, con người Việt Nam” chắc hẳn sẽ làm say lòng du khách và người Việt Nam sau khi xem, họ sẽ yêu đất nước mình hơn. Cuốn sách như mời gọi: Hãy đến Việt Nam – Quê hương tôi đẹp lắm!

Nhiếp ảnh Hải Âu: 30 năm “bay” không biết mỏi - 1

Bìa sách ảnh “Hải Âu 30 tuổi”

Đã có lần tôi trò chuyện với nghệ sĩ Đào Hoa Nữ, người đã 33 năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hải Âu: 

- Ngoài công việc đi thực tế sáng tác, chị em còn làm chức năng của một người vợ, một người mẹ với cuộc sống gia đình, làm thế nào để bứt ra được, để có thời gian và kinh phí chi tiêu cho hàng trăm chuyến đi sáng tác: nào tiền ăn uống, tiền chi tiêu dọc đường, tiền thuê xe, tiền ở khách sạn, tiền mua máy ảnh, tiền phóng ảnh triển lãm… tốn kém lắm chứ!

Đào Hoa Nữ trả lời chậm rãi:

- Tất cả vì tình yêu nghệ thuật, chị em phải rất kiên trì thuyết phục để chồng con thông cảm, sẵn sàng cho chị em lên đường. Đã có lần tôi lênh đênh trên biển Trường Sa, ngồi trên boong tàu mà viết lời giới thiệu cuộc triển lãm và sách ảnh lần thứ 22 của Câu lạc bộ Hải Âu, thật quá xúc động về thành quả của các chị.

Sẽ không thể không nhắc đến vai trò của Nhà Văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Phan Thị Bích Hường suốt 33 năm qua đã bảo trợ, tài trợ, tạo điều kiện để chị em hoạt động. Cũng không thể không nhắc đến những “Con chim Hải Âu” đầu đàn như: Đào Hoa Nữ, Hồng Nga và Thi Thơ – những người “đứng mũi chịu sào” từ ngày đầu thành lập. Trong Lễ khai mạc Triển lãm, Giám đốc Phan Thị Bích Hường trịnh trọng phát biểu: “Đánh dấu tuổi 30 rực rỡ nhất của mình, Câu lạc bộ Hải Âu đã tuyển chọn kỹ lưỡng, tổ chức triển lãm và cho ra mắt tập sách ảnh màu nghệ thuật hết sức sống động, với 100 tác phẩm ảnh đặc sắc về những góc nhìn bình dị mà thân thương nhất về Quê hương – Đất nước và Con người Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc và tác phẩm của một số quốc gia trên thế giới mà các chị đã đến”.

Mới đây, ngày 3/10/2023, Câu lạc bộ Hải Âu đã long trọng tổ chức triển lãm Ảnh nghệ thuật lần thứ 33. Chưa thấy một vị nữ Giám đốc nào am hiểu và sâu sát cơ sở như Giám đốc Phan Thị Bích Hường, với nét duyên dáng dễ thương, chị viết giỏi, nói hay và cuốn hút: “… Các nghệ sĩ nhiếp ảnh nữ Hải Âu đã dấn thân, xông pha, không ngại khó ngại khổ với tinh thần yêu nghệ thuật cháy bỏng để sáng tạo ra những bức ảnh để đời. Các chị đã chụp nhiều ngàn bức ảnh qua nhiều năm để cuối cùng, mỗi người chọn vài bức ảnh xuất sắc nhất, gửi đến trưng bày cho mọi người thưởng lãm. Với việc chọn chủ đề phong phú, điểm sáng tác phủ khắp cả nước, đầu tư công phu và phát huy được tinh hoa sáng tạo của riêng mình, các chị đã mang đến một món quà nghệ thuật vô cùng ý nghĩa. Thưởng thức những bức ảnh này, chúng ta thấy ngồn ngộn chất liệu đời sống hiện thực, được thể hiện với thủ pháp nghệ thuật điêu luyện. Vì vậy, tất cả những tác phẩm ấy nó đã thuyết phục được cả những người xem khó tính nhất.

Bạn thấy yêu đời hơn khi ngắm tác phẩm Nụ cười chân quê của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đoàn Thi Thơ bởi nét đẹp hồn hậu mà rạng rỡ của người phụ nữ Xê Đăng trong ảnh.

Bạn sẽ kinh ngạc khi ngắm bức ảnh Huyền ảo Sa Pa của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Thị Sin. Ở đó mây sà xuống thấp ngang người, hòa vào với núi đồi Tây Bắc hùng vĩ.

Bạn sẽ bị mê mẩn, cuốn theo ngữ điệu nghệ thuật mềm mại, hấp dẫn và đầy sức sống khi ngắm tác phẩm Múa – 2 của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Thị Vân Tùng.

Bạn sẽ dừng lại thật lâu ở từng tác phẩm trắng đen trong triển lãm và trong quyển sách ảnh này. Đơn giản, vì từng chủ đề, thông điệp, chi tiết của từng tác phẩm thể hiện quá cuốn hút ở đẳng cấp cao.”

Nhiếp ảnh Hải Âu: 30 năm “bay” không biết mỏi - 2

Vịnh Lăng Cô (Ảnh Đào Hoa Nữ - tr.6)

Nhiếp ảnh Hải Âu: 30 năm “bay” không biết mỏi - 3

Nghề truyền thống (Ảnh Hồng Nga – tr.38)

Nhiếp ảnh Hải Âu: 30 năm “bay” không biết mỏi - 4

Con đường Mùa thu Vàng – Hoa Kỳ (Ảnh Phạm Thị Thu – tr. 80)

Người nghe trong hội trường im phăng phắc khi diễn giả diễn thuyết và kết thúc bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt và người xem tìm đến gặp gỡ các gương mặt nghệ sĩ thân quen, như Đào Hoa Nữ (Chủ nhiệm Câu lạc bộ đang ở tuổi 78), đã từng xuất bản những quyển sách ảnh lớn về đất nước; Hồng Nga vừa làm thơ, vừa vẽ tranh, vừa chụp ảnh – tác phẩm của chị có sự giao thoa giữa ảnh – tranh và thơ; với Đoàn Thi Thơ trầm tư nhưng tác phẩm đã một thời gây “Sóng!”; Với những nghệ sĩ xuất sắc của tổ chức Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế FIAP như Phạm Thị Thu, Tuyết Mai, Thu Ba, Đỗ Ngọc, Kim Thanh, Nguyễn Thị Sin, Kim Liên, An Dung, Kim Chi, Kim Lan, Thanh Sơn… Tên tuổi Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hải Âu ở Việt Nam cũng chỉ có một và trên thế giới cũng chỉ có một mà thôi.

Nhân Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2023 xin chúc những “Con chim Hải Âu” tiếp tục “bay” trên Bầu trời nghệ thuật – Bay cao – Bay xa và Bay không biết mỏi.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học nước nhà. Người xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.