Dĩ vãng phía trước...

(Ấn tượng về “Những đứa con của cây cầu Long Biên”, tản văn của Đông Di, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

(Ca dao)

Ký ức lương thiện

Người yêu văn chương Việt Nam đã biết đến tiểu thuyết Những đứa con phố Arbat của nhà văn Nga tài danh Anatoli Rybakov N. Rưbacôp bị cấm ở Liên X-xô trước đây (tác giả hoàn thành kiệt tác này từ những năm 60 nhưng phải đến 1985, dưới thời “Cải tổ” mới được xuất bản). Đó là câu chuyện buồn “không muốn viết” về một thế hệ tuổi trẻ lớn lên trong nhọc nhằn và tù túng. Họ giống như hoa xương rồng trên sa mạc khô cằn nóng bỏng, vẫn cứ nở hoa. Vì thế, thời gian thụ giáo ở ngôi trường đại học danh tiếng Lômônôxốp (1987-1990), tại thủ đô Matxcơva, nơi tôi đến “thị sát” (thăm quan) đầu tiên là Hồng Trường, Lăng Lênin và phố Arbat (phố cổ và phố nghệ thuật). Dường như đó là một nghi lễ với người Việt Nam yêu mến đất nước của Lênin, tiếng Nga và văn chương Nga. Tôi ngẫm thấy, cư dân Matxcơva yêu con phố Arbat thế nào thì cư dân Hà Nội cũng yêu cây cầu Long Biên như thế và còn hơn thế (cây cầu tính đến nay đã trường thọ... 121 tuổi).

Trong sở đọc của mình, tôi riêng thích những áng văn lấp lánh vẻ đẹp hiếm có của chốn kinh kỳ như Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài. Nay có thể ghi thêm vào danh sách này Những đứa con của cây cầu Long Biên của Đông Di. Tác giả có cái may mắn hơn người khi sách của mình không bị “om”, nó cứ thế đến nhanh, đến thẳng với người đọc hôm nay vốn rất thông minh, song đôi khi cũng rất đỏng đảnh, khó chiều.

Trong quy hoạch tầm nhìn dài hạn, đến năm 2050, sẽ có 18 cây cầu vượt sông Hồng (theo Vietnamnet) để góp vào kiến tạo Hà Nội - Thành phố hai bờ sông (kiểu như Matxcơva của nước Nga, hay Paris của nước Pháp...). Đó là tương lai hiện thực. Rồi sẽ có những cây cầu vượt sông Hồng hiện đại hơn ngang tầm khu vực, tôn dáng Thủ đô nghìn năm văn vật. Nhưng trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân Hà Nội (rộng ra là tất cả những người Việt Nam yêu Thủ đô), cây cầu Long Biên, tôi nghĩ, chỉ duy nhất trở thành ký ức lương thiện như một nhân chứng của thời gian - không gian - văn hóa - nhân tâm.

Dĩ vãng phía trước... - 1

Cầu Long Biên

Vào cuối những năm 50 của thế kỷ tước, khi mới cắp sách đến trường để khai tâm, khai trí tôi đã được học bài thơ về cầu Long Biên. Đến tận bây giờ ngoài bảy mươi, tóc đã pha sương, nhưng vẫn còn ngân nga trong lòng những câu thơ giản dị, thắm thiết: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng/ Tàu xe qua lại thong dong/ Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi ...”. Ngày ấy, tôi còn ở tận Hà Tĩnh xa xôi miền gió Lào cát trắng, cứ mơ ước có lúc ra Thủ đô, đứng trên cầu Long Biên. Hôm nay, trong tâm khảm tôi Thủ đô là một phần máu thịt của đời mình (dẫu là dân “ngụ cư” 55 năm nay).

Viết bằng trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa

Mới đây, tôi được tặng bộ sách đẹp (2 tập) Hà thành hương xưa vị cũ, Đặc sản bốn phương hội tụ (tạp bút) của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung (nguyên Trưởng ban Biên tập Văn hóa - Xã hội, Đài Phát thanh - Truyền hìnhT-TH Hà Nội). Đây là một bộ sưu tập (colletion) văn hóa của một người gốc Hà Nội.

Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội là đề tài vô tận. Tác giả bài báo nhỏ này cùng đồng nghiệp (PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội) đã xuất bản tập sách khảo cứu công phu Tuyển tập tác phẩm về văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội (Nxb Hà Nội, 2010). Vậy là bộ sưu tập về “văn hóa ẩm thực” kinh kỳ, về cơ bản, có thể nói đầy đặn. Nhưng một bộ sưu tập về “cây cầu Long Biên”, thì có thể nói không quá, Đông Di với tập tản văn Những đứa con của cây cầu Long Biên, là người vỡ vạc, mở đường và thành công ngoạn mục.

Dĩ vãng phía trước... - 2

“Những đứa con của cây cầu Long Biên”, tản văn của Đông Di

Đọc Những đứa con của cây cầu Long Biên, ngay đối với những cư dân Hà Nội, nếu lâu nay chỉ sống theo tinh thần hiện sinh (không màng đến quá khứ hay tương lai), hoặc mải mưu sinh, hoặc thờ ơ với đời với người, thì cũng chẳng còn đâu thời gian và tâm tưởng để suy ngẫm về những Bến Nứa trong truyền thuyết, Hà Nội thời xa vắng, Dưới chân cầu Long Biên, Bên kia cầu Long Biên... (nhan đề những “tiểu truyện”, tôi tạm đặt như thế), vừa có chiều sâu nội tâm vừa khai mở hướng ngoại.

Câu nói “Sống đã rồi hãy viết” được coi như một phương châm hành động của người cầm bút, ít nhất đúng với trường hợp tác giả Đông Di trong quá trình hoàn thành tác phẩm (tôi đồ rằng là đầu tay, như mối tình đầu vậy). Nhưng trải nghiệm sống mới chỉ là một nửa, một nửa khác đảm bảo thành công sáng tác là trải nghiệm văn hóa. Tôi nghĩ, phẩm chất sau quyết định tính chất “có trọng tải” (tư tưởng) của văn chương nói chung, rọi vào Những đứa con của cây cầu Long Biên, nói riêng.

Lối viết của Đông Di đánh động tâm cảm người đọc: “Nói đến cầu Long Biên mà không nói đến Bến Nứa, tôi nghĩ là, Bến Nứa sẽ rất tủi thân vì Bến Nứa được hình thành bên bờ sông Hồng đã từ rất lâu trước khi người ta du nhập cầu Long Biên từ bên Pháp quốc về đặt tại đây”. Đó là lối viết đong đầy thông tin thẩm mỹ và thặng dư chữ nghĩa.

Rõ ràng viết theo lối hồi cố, hoài niệm nhưng không sa vào “ôn nghèo kể khổ”, mà  là “ôn cố tri tân”. Tôi chú ý đến những dòng kết tác phẩm: “Tôi không muốn quay về thế kỷ trước. Tôi muốn đi tới tương lai hoặc ít nhất là được suy nghĩ và tưởng tượng về tương lai của Hà Nội, của những người con Hà Nội, của người Việt nói chung. Một trăm năm nữa thì Hà Nội sẽ thay đổi như thế nào? Một trăm năm nữa thì Việt Nam sẽ phát triển ra sao?”.

Tột cùng văn hóa là con người

Những đứa con của cây cầu Long Biên là câu chuyện văn hóa dưới hình thức tản văn (hay tùy văn). Chúng ta thường nói đến văn hóa như một phạm trù/ khái niệm vĩ mô. Tất nhiên. Nhưng không nhiều người thực hành nguyên tắc sau làm căn đế “Văn hóa là cách sống cùng nhau”. Chân lý, cái đẹp bao giờ cũng giản dị. Không ít người trong chúng ta đang mắc vào bệnh triết lý vặt do ảnh hưởng của mạng xã hội (cứ thấy bắt mắt là “đao” - downloads - về những “lời hay ý đẹp”, rồi coi như mình phát minh ra). Nhân vật xưng “Tôi” trong tác phẩm đứng ra kể chuyện mình theo một cách, tạm gọi là, “thi pháp chân thành”.

Bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với một người đàn ông ngoại quốc có hỗn danh TÂY ĐỘC (do nhân vật “Tôi” đặt tên). Rồi duyên số se họ lại với nhau, cùng tay trong tay đi xuyên không gian - thời gian, với mục tiêu “Hội nhập văn hóa”. Xu hướng (trend) nỗ lực trở thành “Công dân toàn cầu” thể hiện rất rõ trong nhân vật “Tôi” - một cá thể đầy trí lự, bản lĩnh, nhạy cảm nhưng không thiếu đảm lược, quảng giao, tinh tế, bặt thiệp được xem là những phẩm tính tối cần thiết cho một nữ nhi thường tình.

Và đặc biệt hơn, quý hơn ở chỗ cá thể ấy thoát ra được khỏi tâm lý và hành xử theo lối “bầy đàn” (đám đông dễ a dua). Không riêng tôi yêu mến nhân vật “Tôi” của Đông Di (như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, đã viết: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”), đó là mẫu người thời đại của thế giới phẳng, toàn cầu hóa, hội nhập và tiếp biến văn hóa để biết ngoài trời còn có trời, đi một ngày đàng học một sàng khôn, biết người biết ta trăm trận trăm thắng.

Đông Di thuộc thế hệ can trường, vượt lên từ gian khổ, vinh quang và cay đắng bên ít bên nhiều. Họ là “Những đứa con của cây cầu Long Biên đã xâm nhập vào trong nội địa Mỹ”.

Tôi nghĩ, không chỉ có nước Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác trên hành tinh này, nơi bàn chân người Việt Nam in dấu, trong đó hiện diện những cư dân Hà Nội - những đứa con của cây cầu Long Biên. Tôi lại càng chăm chú hơn dõi theo bước đường đời của nhân vật “Tôi”, luôn sống trong “thời gian hai chiều” và “không gian mở”. Nhân vật này như thể đã hiển hiện qua màn sương khói bảng lảng của ca từ mượt mà, đắm say: “Dù có đi bốn phương trời /Lòng vẫn nhớ về Hà Nội” trong nhạc phẩm nổi tiếng Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩỹ Hoàng Hiệp.

Đọc Những đứa con của cây cầu Long Biên của Đông Di, thấy có nhiều con người thuộc nhiều sắc tộc, thể chế chính trị, bản sắc văn hóa, trình độ học vấn, tiềm lực kinh tế, căn tính rất khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Nhưng không con người nào ấn tượng trong lòng độc giả bằng NGƯỜI MẸ. Văn hào Nga hiện đại M. Gorki đã viết: “Không có Người Mẹ, không có mặt trời, không có thi ca, không có người anh hùng”.

Dĩ vãng phía trước... - 3

Tác giả Đông Di

Rất rõ, Đông Di viết Những đứa con của cây cầu Long Biên nhằm vào người đọc trẻ, vì: “Cầu Long Biên hiện hữu trong ký ức của tôi, của nhiều người trong thế hệ chúng tôi thì cũng sẽ hiện hữu trong ký ức của nhiều người, của các thế hệ đi sau”. Nhưng động lực chính của sự viết, theo tôi, sâu xa hơn, cũng vì: “Trong vốn tri thức của tôi có vài bài thơ Đường cổ cũng đều là từ  mẹ dạy và giảng nghĩa

Những câu chuyện mẹ kể, những điều mẹ răn dạy trong suốt những năm tháng thơ ấu cho đến khi trưởng thành đã giúp tôi có được niềm tin vào sự minh triết trong nền văn minh phương Đông, trước khi tôi tiếp nhận ánh sáng của nền văn minh phương Tây”. Để rồi cuối cùng: “Trong thời gian tôi biên tập cuốn sách này cũng là lúc mẹ tôi rời xa chúng tôi. Thật không thể tin được, khi chỉ trước đó có vài hôm, tôi còn ngồi đọc từng đoạn, từng đoạn văn trong cuốn sách này cho mẹ tôi nghe, bà còn cười và bình luận khi nghe tôi đọc tới những câu tâm huyết từ đáy lòng” (Thay cho lời kết). Trước nữa, trong Lời tác giả (in đầu sách), Đông Di thẳng băng viết: “Có điều gì nhầm lẫn trong tử vi?/ Mẹ dạy tam tòng/ Em thích vô vi”.

Vĩ thanh

Đọc Những đứa con của cây cầu Long Biên sẽ thấy Đông Di không bài nội, cũng chẳng hề vọng ngoại, theo cách của các chính trị gia trong đối thoại quốc tế hiện nay thường nói: “Không chọn phe, chọn lẽ phải và chính nghĩa”. Thiết nghĩ, viết giới thiệu Những đứa con của cây cầu Long Biên của Đông Di, tôi không làm việc “toát yếu” nội dung tác phẩm. Không có gì thay thế được việc đọc trực tiếp một cuốn sách hay với những người vẫn còn yêu và chung thủy với văn chương trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn đang trương nở, lên ngôi. Tôi muốn nhấn mạnh đến cái tâm và tầm của người viết văn, cuối cùng để dâng tặng người đọc một khoái cảm thẩm mỹ, gây men một nhã thú văn chương đang dần trở nên hiếm hoi trong không gian mạng và thế giới số như một tất yếu thời đại khó cưỡng lại. Nhưng nghệ thuật ngôn từ đích thực có thiên chức chống lại sự lãng quên con người./.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất