Tâm tình cùng tác giả William Lê/ Lee: Thi ca là tứ mộng bất tận cùng

“Con mắt từ bi mở ngàn thân/ Mỗi mỗi thân bung sạch cấu trần/ Thân hương, thân giới, thân linh diệu/ Thân trập trùng thân, thân đắc tâm.” — William Lê/ Lee.

PV: Mến chào thi sĩ trẻ William Lê/ Lee. Thời tiết đầu hè khá lý tưởng cho một buổi trò chuyện ngắn về thơ và nghệ thuật ngôn từ - biểu tượng mang tính kế thừa cho cái đẹp sang giá. Để khởi đầu cuộc trò chuyện, liệu anh có thể khái quát chia sẻ định nghĩa về thi ca theo quan điểm của riêng mình?

William: Biển trời thi ca mênh mông quá, kỳ vĩ quá, nên bất cứ định nghĩa nào được đưa ra, không kể rộng ý hay hẹp nghĩa, đều là sự phân chia bất định và gượng ép. Tính bao hàm và toàn diện của nghệ thuật thơ, không nghi ngờ, khước từ mọi cá tính, mọi nỗ lực chia ngang xẻ dọc cái sống nguyên thể của nó. Thẳng thừng phân định giới hạn thi ca là thẳng thừng xén yểu thọ mệnh và gập bẻ tầm vóc nghệ thuật.

Cho nên, bảo rằng phải thốt dăm câu cú, đâu vào đó, mà ra môn ra khoai chỉ điểm được bản lai diện mục của thơ, thì chỉ biết… chịu thôi. Bất khả thi! Thơ, vừa là ngôn từ vừa là phi ngôn ngữ, hài hòa theo chiều kích vũ trụ.

Song, không nói thì không có cái được nói và cái được bàn, thành ra không có cái được hiểu và cái cần được hiểu. Tại chóp mũi tư duy này, thơ nhập vào hơi cá nhân, cá thể. Chỉ nên dùng những gì nảy lên từ cá nhân tính để hiểu một phần thi tính nào đó, chứ đừng nhầm lẫn chúng với toàn bộ phẩm chất thi ca.

Cá nhân tôi ưu ái mộng, say mê muôn vẻ tuyệt sắc của mộng. Mộng, với bản ngã này, còn tràn ra khắp thực tại hiện tiền. Nó không những chỉ là vô thức hay tiềm thức đương vận động, mà ý thức, giác quan cũng thuần là mộng phóng chiếu.

Do thế, thơ tôi xoay vần chuyển nhịp quanh trục mộng. Mỗi lần sở ngòi bút, lựa ngôn từ là mỗi lần tôi để mộng dẫn dắt. Tôi ký thác cho mộng trọn vẹn sứ mệnh thanh cao mà chắc hẳn, các nữ thần Muses đà sớm tiên đoán và đồng duyệt.

Con người ai mà chẳng mộng, hoặc ít hoặc nhiều. Có thể nhận định, cá tính thơ của tôi lấy mộng làm cơ sở, làm thế giới quan. Nhờ đấy, tôi mới dám phát biểu, rằng thơ mộng của tôi tồn tại mà đẩy đưa giao cảm. Khi ngôn từ và nhịp phách văn chương cất lên du dương, thánh thót thì mộng tôi đã xâm lấn vào ý thức, vô thức hay tiềm thức xa lạ rồi. Chẳng cái nào đến trước, tới sau với cái nào. Tôi cho rằng, ngôn ngữ thi ca và tác dụng mộng mị đồng thời hưng khởi, như hừng đông vừa nứt thì quang cảnh ngay tự nhiên bật sắc màu.

Tâm tình cùng tác giả William Lê/ Lee: Thi ca là tứ mộng bất tận cùng - 1

Tác giả trẻ William Lê/ Lee, thông qua các sự phán đoán vừa lãng mạn, vừa lý trí, lý luận rằng nghệ thuật thi ca, mộng tưởng và nhân sinh được tổng hòa, được kiến trúc điêu luyện thành cái đẹp mĩ mãn. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của “hoài mộng” trong cấu trúc bản thể. Từ đó, anh nhận định công cuộc khám phá niềm tin và tập khí cố hữu của bản thân là hành trình tất định mà qua đó, thi ca tạo lập được cái mới mẻ, cái cấp tiến cần phải có.

PV: Vậy theo ý thi sĩ William Lê/ Lee, mộng, nói cách khác là nền tảng không thời, có khả năng kết nối tâm linh dị đồng. Suy niệm theo phương hướng này, chẳng phải là nói rằng nằm mơ cũng tỏ rạng chân lý siêu nghiệm hay sao?

William: Đầu tiên, ta cần làm rõ thế nào là chiêm bao. Chiêm bao có thật chỉ giới hạn trong các giấc mơ lúc con người ta chìm vào giấc ngủ thông thường? Theo tôi, bản chất vấn đề không đơn giản chỉ là vậy.

Hãy thử nghiền ngẫm xem, khi bạn thức, các tri giác có thọ lãnh được một sự thực khách quan về thế giới hay không? Hay là, chúng đã lồng ghép những niềm tin, thói quen ý thức và vô thức vào sự nhận biết không thuần túy ấy? Nếu sự nhận biết của giác tri không tránh khỏi chủ quan và nhuốm màu bản ngã, ai có thể hùng hổ bảo chứng rằng một sự nhận biết minh tường hơn, được cho là có thể đạt tới bằng tư duy lý tính hoặc bằng thực hành thiền tọa, là chân lý hết mực trong sạch?

Hay rốt cuộc, sự nhận biết ấy cũng chỉ là biểu hiện của một lồng ghép khác, vi tế hơn và xảo trá hơn? Vật tự thân đã chẳng thể nhận thấy thật rõ rành, thì nói rằng con người chiêm bao ngay cả khi thức, ngay cả khi chiêm nghiệm chân lý có gì là sai, là quấy?

Chiêm bao, vì vậy, tồn tại khắp mọi nơi và mọi thời điểm. Nó là dấu ấn nhân loại. Con người sinh sống trong cơn mộng dai dẳng, và thâm nhập tinh thần sống động qua vô vàn trạng thái mơ tưởng. Những phát giác về sinh mệnh mang tính quy mô cũng do mộng kiến thiết, bởi chẳng ai có thể phủ nhận sự can thiệp của cả tâm và cảnh trong việc định hình ý tứ. Có khi tâm còn nặng hơn cả cảnh.

Lại nói thêm, trong quá trình thành tạo triết lý, các định đề chồng gối lên nhau như lớp lớp vữa gạch dùng để xây dựng công trình, hoàn thiện kiến trúc. Nhưng ai hiểu rằng, ngay phút giây định đề thứ nhất được phát biểu, thì nó đã trở thành một niềm mộng quá khứ vì sự quán sát về nó đã kết thúc ở trong quá khứ rồi?

Từ đây, dễ dàng nhận biết, giấc mộng quá khứ chi phối tri thức và cảm thọ của con người. Đến cả giây phút hiện tại cũng dịch chuyển vào quá khứ và lặp lại các niềm tin, thói quen cố hữu. Con người chẳng tài nào thoát khỏi quá khứ về chính bản thân hay cộng đồng mình, và như vậy, chẳng thể giải phóng khỏi mộng và sự mộng.

Sáng tạo là mộng và sự mộng. Theo logics thống nhất ở trên, sáng tạo cũng là sự tương tục của quá khứ.

PV: Nếu như tới cả việc sáng tạo cũng đồng nghĩa sự dai dẳng của quá khứ, vậy thi ca, theo anh, có thể mang tới giá trị nào mới lạ hoặc cấp tiến hay không?

William: Chắc chắn tồn tại những điều dù luôn hiện hữu nhưng không được biết tới, không đoái hoài tới, không bay bổng tới. Những điều này khi được biết tới, đoái hoài tới, bay bổng tới sẽ là những điều mới. Thi ca mới lạ theo ngữ nghĩa này. Đó là khi thi ca khai phá những uẩn khúc, những bất ngờ, những thăng hoa, những trừu tượng thuộc về quá khứ có vẻ bị lãng quên hay phớt lờ.

Chẳng phải sao, bất cứ phát kiến nào về quá khứ cũng đem tới sự mới mẻ, sự cấp tiến cho nhận thức về bản ngã trong tương quan với thế giới? Chẳng phải sao, ký ức chìm phơi bày nền tảng đồ sộ mà tảng nổi ý thức luôn gắn kết?

Mặt khác, không ai cấm đoán thi sĩ chú tâm nơi xúc cảm hiện tại và phóng tới tương lai, nhưng đừng một mực phủ nhận rằng những hiện tại và tương lai ấy đều được đan dệt vào thảm mộng quá khứ—chẳng phải ngắn độc một đoạn mà phải rộng dài vô thủy.

Bài thơ tôi viết sau đây bộc lộ đường nét tư tưởng ấy. Tôi xin mạn phép ngâm nga một dòng thanh âm hoài mộng:

Sống Bám Luân Hồi

Nghe trời than khóc đầu xuân

Là nghe hồn cũ tần ngần đời qua

Trong từng giọt ý nghe ra

Nỗi đau không tận bởi xa cách người.

Thời gian sống bám luân hồi

Không gian giở lại miền côi cút nào?

Tôi lần mò giữa chênh chao

Cánh hoa thuở ấy chôn vào đáy thơ.

Ai đau nổi kiếp mong chờ?

Hoài công lặn bể mà trơ trọi đời

Đau ngàn năm vẫn chưa ngơi,

Ngàn thân lại đọa ngàn lời đá tan.

Ngước lên để thấy thiên đàng

Xám tro một vẻ như trang ân tình

Xuân về, hơi gió vô sinh

Chịu đau đớn gọi mấy hình nước non…

Tâm tình cùng tác giả William Lê/ Lee: Thi ca là tứ mộng bất tận cùng - 2

Thi ca, theo lý luận của tác giả trẻ William Lê/ Lee, biểu trưng gần như chính xác sự bất tận cùng của mộng và sự mộng. Nó chính là mộng sống đời, hay đời sống mộng tới mức sâu sắc nhất.

PV: Trao đổi tới đây, hẳn là không còn nghi ngờ gì nữa về cấu trúc đồng giá trị mộng của anh. Mộng chạm trổ thân tướng của chính mộng mà thành hình khối thi ca với đủ đầy tiểu tiết chi ly để rung hóa. Nói về xúc cảm mộng được khơi hứng, cảm phiền thi sĩ trẻ chia sẻ thêm.

William: Đời bao nhiêu giọt lệ, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu thổn thức, bao nhiêu mê li, bao nhiêu tao nhã, bao nhiêu cuồng loạn, bao nhiêu thiện ác thì mộng cũng bao nhiêu và bao nhiêu từng ấy và ngần ấy. Sống tận đời là sống tận mộng, và ngược lại. Chỉ khi nào hồn thơ dám sống và dám nghiệm trọn vẹn sự bao la của cuộc đời làm người, thì khi đó, hồn thơ mới chân thực ngụp lặn vào biển trời thi tứ mộng một cách đầy tự do tự tại.

Càng sống, càng ra mộng. Mộng càng dày, nên cái sống càng thơ. Chao ôi, cái đẹp là toàn bộ đây chứ đâu nữa? Cả ba điều bổ túc và tương trợ lẫn nhau, song đừng nghĩ chúng có thể tách biệt và phân lập. Nhắc tên một yếu tố thì hai thành phần còn lại sẽ tự xướng tên mà hòa hợp, mà túy lúy. Đây là mấu chốt, là trụ cột, là tinh tủy của thi ca mộng tưởng!

PV: Mộng, quả thật đẹp đẽ và thiết yếu biết mấy! Cảm ơn những tâm tình của anh. Không biết nhà thơ trẻ liệu có còn lời sau cuối về văn chương mộng mà anh muốn gửi gắm hoặc nhắn nhủ đến độc giả yêu thơ?

William: Lý luận diễn thuyết từng ấy, thiết nghĩ, cũng đủ rồi. Luận bàn dài dòng văn tự có khi chẳng đượm bằng một tiếng tâm ca. Hãy cứ để mộng cầm lên hương, và vô hạn hồng tơ họa tinh tế từng bước sen duyên mộng. Chẳng mấy khi giữa hư không, mặt trời ló rạng kịp lúc nguyệt tròn sương. Chờ gì nữa, tỉnh gì nữa mà không bắc ấm trà sơn thủy?

Chiêm Bao

Ta chiêm bao ngàn lần không sai khác

Một hình dong mơn mởn sắc tân xuân

Cạnh bên ta phả tiếng gió thì thầm

Ánh sao trời ban sơ tinh sạch ấy.

Đôi bàn tay dịu dàng cho ta thấy

Sự từ bi và hồng đức thiên nhiên,

Rồi đưa ta về khoảnh khắc hiện tiền

Nơi ánh sáng chan hòa thân vũ trụ.

Ta thoát dần khỏi cơn say cầm thú

Để tình yêu dâng trào mắt thi ca

Và để nghe trong ký ức phai nhòa

Nguồn âm hưởng thời gian không bòn rút.

Ta vội buông bao nhiêu là ngòi bút

Bởi chân tình cần gì ngữ ngôn đâu!

Chỉ khi ta giam hãm ngục u sầu

Thì ta mới hận cừu muôn trùng kiếp.

Bờ môi ta chạm vào hơi huyền thuyết

Của người ta yêu dấu suốt đời trai.

Và tự nhiên, không khí ngạt hương nhài

Đơm trinh tiết dập dìu trên cánh én.

Người cùng ta giao duyên vào một chén

Ý trà trao hai cặp mắt đam mê

Những vô tư và cả những hứa thề

Nhẹ nhàng ngỡ trăng về qua ngõ biếc.

Ân tình khơi duyên cầm ngân tha thiết

Ta hay người chẳng còn biết riêng tư:

Da hòa da cho thỏa nỗi mong chờ.

Thanh hư lắm, ngôn từ không danh nghĩa!

Một huyền thân đương tha hồ ngắm nghía

Đất trời sương rung chấn, cõi thiên hoa!

Khắp nhân gian, lênh láng khí ngọc ngà,

Muôn thiên thể la đà hoặc sóng sánh.

Mật tình yêu ứa vào mây lấp lánh,

Dòng mưa tiên thanh tẩy bụi trần sâu.

Mỗi sát-na là mỗi kiếp khởi đầu,

Không thời cũng hóa hiện tâm siêu ngã.

Ta chiêm bao đủ ngàn lần cao nhã

Một hình dong mộng tình ái xuân mơ,

Một hình dong vĩnh viễn chẳng phai mờ

Nên ta mới ngậm mồi thơ mĩ diệu...

Sinh năm 1999, nhà thơ trẻ William Lê/ Lee đam mê theo đuổi các trường phái nghệ thuật Lãng Mạn, Siêu Thực & Siêu Việt. Anh yêu mến các thi gia huyền thoại như John Keats, Samuel Coleridge, William Wordsworth, Alexander Pope, Walt Whitman, Oscar Wilde,... Sáng tác thi ca bằng song ngữ Anh Việt, William Lê/ Lee xác lập một cá tính thẩm mĩ cổ điển và hiện đại, có chiều sâu linh hồn và âm hưởng thanh tao.

Hiện tại, anh đã cho ra mắt hai tuyển thơ: Mảnh Trăng Thơ (2021) và Thi Nhạc: phong nhã ngàn hương (Poetical Music: endless elegance) (2024). Ở tập thơ Thi Nhạc, tình yêu của anh được lý tưởng hóa.

Minh Thư (thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Do những điều kiện lịch sử cụ thể, nhiều thập kỷ qua, dân tộc ta luôn có một số lượng không nhỏ – với các nguyên nhân khác nhau – đã đến sống và lập nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, được gọi chung là “Việt kiều”; trong đó, Việt kiều tại Pháp đã đóng vai trò đáng kể, góp phần vào thắng lợi của đất nước qua hai cuộc kháng chiến. Trên con đường

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ trẻ” nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc và phát huy vai trò của thanh – thiếu niên trong sáng tạo nghệ thuật.

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Hoạ sĩ - Đại tá Lê Huy Toàn là một trong những nghệ sĩ - chiến sĩ có công lớn trong việc ghi lại những khoảnh khắc dấu ấn của chiến tranh. Tác phẩm của ông chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp, trong kháng chiến nó thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng quân và dân ta, trong thời bình nó đem đến niềm xúc động to lớn cho những người được may mắn được sống trong hòa bình.