Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu - cuốn sách đáng đọc

Ấn hành tháng 7-2023, “Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu” in đậm những trao đổi, chia sẻ thân tình không chỉ với các tác giả viết kịch - nhất là những cây bút trẻ, mà cả với công chúng yêu thích nghệ thuật này. Trải suốt gần 200 trang sách, Lê Quý Hiền - trình bày khá đầy đủ và cặn kẽ những vấn đề thiết yếu trong sáng tác kịch bản sân khấu. Với bút pháp uyển chuyển, mềm mại, anh dẫn dắt và cắt nghĩa khá sinh động những ẩn chứa bên trong của công việc viết kịch không phải ai cũng biết.

Những thuật ngữ chuyên dùng trong kịch, qua ngòi bút của Lê Quý Hiền hiện hình rõ nét: “…tình huống kịch và sự kiện kịch tuy đều là chi tiết của tác phẩm  nhưng khái niệm hoàn toàn khác nhau”. “Sự kiện chỉ thành kịch khi trong sự kiện có tình huống xảy ra”, tình huống là “phép thử để nhân vật bộc lộ quan điểm, nhận thức, tính cách”, “là mâu thuẫn trong một vấn đề mà vế nào của mâu thuẫn cũng hợp lý khiến nhân vật phải lựa chọn giải quyết. Qua tình huống xảy ra, nhân vật được bộc lộ tính cách, tâm trạng”.

Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu - cuốn sách đáng đọc - 1

“Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu” của Lê Qúy Hiền

Xung đột là sự va chạm quyết liệt của mâu thuẫn không thể tồn tại cùng nhau và mỗi bên mâu thuẫn phải để bên này phủ nhận, chiến thắng bên kia”, “…xung đột kịch là nền móng cho diễn tiến của hành động kịch, cho việc bộc lộ tính cách, số phận nhân vật”. ”Tình huống tạo ra những mâu thuẫn và mâu thuẫn muốn thành xung đột để giải quyết ắt phải có hành động”, “hành động kịch và hoạt động của nhân vật là hoàn toàn khác nhau”. “Có hành động, vấn đề trong xung đột mới được giải quyết”. “Nhân vật kịch hoàn toàn độc lập, không cho phép tác giả được tự do can thiệp”, “Nhân vật kịch luôn được thể hiện ở những khía cạnh xung đột mãnh liệt nhất với những trạng thái căng thẳng, lo âu, xúc động, xao xuyến, đợi chờ hoặc nóng nảy, thờ ơ, lạc quan, bi quan, mưu mô, thật thà”.

Từ phương pháp diễn dịch và quy nạp, Lê Quý Hiền nêu ra hai cách viết kịch chuyện có trước và nhân vật có trước. Điều quan trọng là “Vấn đề cần phản ánh có trước sẽ sinh ra cốt truyện. Và câu chuyện được bố cục thành cốt truyện kịch sẽ dẫn đến vấn đề cần nói trong tác phẩm”. “Nhân vật là trung tâm của kịch bản sân khấu”. “Để nhân vật trung tâm hành động phải có nhân vật phụ trợ, nhân vật phụ và nhân vật quần chúng nếu cần”.

Anh ví dụ cụ thể: Trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt, nhân vật trung tâm là Hồn Trương Ba, nhân vật phụ trợ là vợ Trương Ba, Đế Thích, con trai Trương Ba, vợ anh hàng thịt bởi không có những nhân vật này, hành động kịch không thể phát triển. “Nhân vật phụ là Nam Tào - Bắc Đẩu, Trương Ba, Trương Hoạt, cô con dâu… đều có vai trò riêng”.

Nhận xét của Lê Quý Hiền khá tinh tế “Nhân vật trung tâm thường xuyên xuất hiện, giao lưu với các nhân vật khác nhưng có trường hợp… không bao giờ có mặt trên sân khấu” và minh chứng kịch Cách mạng của Nguyễn Khải - Việt là nhân vật trung tâm nhưng chỉ “xuất hiện trong tâm trạng và cảm xúc của các nhân vật phụ trợ trên sân khấu như phép so sánh trong xung đột kịch”. Các nhân vật trong kịch “có hình hài, tính cách rõ ràng là tất nhiên những nhân vật phụ cũng cần có diện mạo riêng”.

Chỉ rõ đặc điểm ngôn ngữ kịch, Lê Quý Hiền viết: “đó là và chỉ là những đối thoại, độc thoại của nhân vật”, dẫn lời M.Gorki - nhà văn, kịch tác gia Nga Xô-viết “Ngôn ngữ nhân vật là hình thái tồn tại duy nhất trong kịch bản, là tất cả, không có ngôn ngữ của nhân vật sẽ không có kịch”. Theo anh, ngôn ngữ kịch “vừa gần gũi với cuộc sống, vừa giàu tính nghệ thuật nên ngôn ngữ nhân vật kịch thường ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu một cách tự nhiên…”, “Ngôn ngữ độc thoại là tiếng nói của nhân vật nói với chính mình”. “Đặc trưng kịch là hành động và ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ hành động” v.v…

Viết về tính thống nhất của kịch bản, Lê Quý Hiền đề cập quy tắc “tam duy nhất” của kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII “… đó là nhất hành động, nhất không gian, nhất thời gian. Rất tiếc, không ít người hiểu “duy nhất “là “chỉ có một”. Vấn đề cần bàn ở đây là “một” hay là “thống nhất”? Kịch bản phải có hành động xuyên - tức tập trung vào một hành động chính như A-ri-xtốt thời cổ đại Hy Lạp nói trong Thi pháp. “Tính thống nhất của thời gian là thống nhất những những thời gian liên quan đến hành động và xung đột kịch”. “Tính thống nhất của không gian “là nơi nhân vật va chạm nhau, nơi xảy ra các sự kiện, sự cố, hoàn cảnh, tạo ra xung đột và giải quyết xung đột kịch”.

Đề cập thể tài, anh phân định và dẫn chứng: Thể tài là hình thức nghệ thuật đặc trưng của từng bộ môn sân khấu, xét theo loại hình là Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch nói, Kịch câm, Rối và Xiếc. Thể tài còn là cấu trúc tác phẩm theo nội dung kịch như bi kịch, hài kịch, kịch chính luận…

Sự khu biệt của kịch với các thể loại văn học khác, chất thơ trong kịch, tính kết nối tiết tấu, nhịp điệu, âm nhạc, trang trí, ánh sáng, âm thanh thành chỉnh thể tổng hợp trong kịch, việc tiếp nhận kịch một cách trực tiếp qua diễn xuất của diễn viên, sự cộng hưởng trong cảm thụ vở diễn của khán giả, cách thâm nhập thực tế của người viết kịch, sự thật cuộc sống và sự thật trong tác phẩm kịch, các thủ pháp biên kịch được phân tích thấu đáo và chuẩn xác.

Chính không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên sâu, Lê Quý Hiền am tường sân khấu, biết chọn lựa và vận dụng những hiểu biết của tiền nhân để lý giải mạch lạc, minh bạch những khái niệm, quan điểm đắt giá về viết kịch bản với tính đặc thù. Hơn nữa, dùng cách phản biện, gài cắm khéo léo chủ ý, không cao giọng, không “đao to búa lớn”, bút pháp nhẹ nhàng, tế nhị, vẫn mang tính tranh luận, làm sáng tỏ đúng, sai, dễ tạo nên sự đồng tình của bạn đọc. Vốn sống và sự từng trải thực tiễn sáng tác, làm báo, giảng dạy tại trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội giúp anh có những tư liệu phong phú, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, diễn giải thanh thoát, khúc triết, đôi khi dí dỏm.    

 Những minh chứng của Lê Quý Hiền về các trích dẫn kịch bản truyền thống: Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính; các tác giả kịch trong nước: Ông vua hóa hổ Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, Mười đóa phong lan của Tất Đạt, Cách mạng của Nguyễn Khải, tác phẩm của một số nhà viết kịch trẻ như Góc khuất của Mai Hương, Khoảng trống vô hình của Phan Thanh Nhân, Một tuần của một đời của Trần Phương Hạnh, Nếu được yêu lần nữa của Min Hương và của chính anh: Hão, Vàng, Là ai?, Đi tìm điều không mất; của các tác giả nước ngoài: Tartuffe của Molier (Pháp), Cậu Vania, Ba chị em của A. Chekhov (Nga), Bình minh nơi đây yên tĩnh của Vaxiliép (Nga)… đầy ắp sức thu hút.

Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu - cuốn sách đáng đọc - 2

Tác giả Lê Quý Hiền

Lê Quý Hiền có gần 50 kịch bản sân khấu, một khối lượng đáng nể, trong đó có 31 kịch bản đã công bố. Một số vở đoạt Huy chương bạc, giải A trong các Hội diễn, Liên hoan sân khấu toàn quốc, vùng Duyên Hải Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội, Liên hoan sân khấu Truyền hình toàn quốc: Qua dòng, Thiên thần ra trận, Vai diễn giữa đời thường, Đi tìm điều không mất, Đen trắng vòng đời, Nhịp đập, Mạch sống của đời và hàng chục kịch bản sân khấu giành giải cao.

Các đơn vị sân khấu danh tiếng - Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn Kịch Công an Nhân dân, Đoàn Kịch Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… đều dàn dựng kịch bản của Lê Quý Hiền.

Nhiều đạo diễn tài ba, có uy tín: Xuân Huyền, Xuân Đàm, Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Dương Viết Bát, Hoa Hạ, Phạm Thị Thành, Trần Ngọc Giàu, Đào Quang, Đào Hùng, Trọng Dũng, Hoàng Quân Tạo, Thanh Tú, Trần Nhượng,Trần Quang Hùng, Hoàng Quỳnh Mai, Thu Hạnh và những nghệ sĩ gạo cội đã đưa kịch bản của anh lên sàn diễn với hàng nghìn buổi, được đông đảo  công chúng tán thưởng.

“Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu” còn gắn kết tính thời sự của sân khấu hôm nay - nêu thực trạng và kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của sân khấu Nhà nước và sân khấu tư nhân, nhìn nhận thỏa đáng mặt tích cực và tiêu cực sân khấu thị trường, Kịch thiếu nhi, khẳng định sân khấu Kịch nói Việt Nam không phải “du nhập”, “ Đó là sức sống của văn hóa Việt mang tính hội nhập”, những chuyện “bếp núc” của viết kịch bản sân khấu…

Kịch bản là khâu đầu tiên, là yếu tố quan trọng bậc nhất để hình thành một tác phẩm sân khấu đến với người xem “Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu” của Lê Quý Hiền - nhà viết kịch, nhà lý luận - phê bình sân khấu, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, có ý nghĩa thiết thực và kịp thời. Đây là cuốn sách dung chứa hàm lượng trí tuệ, đáp ứng nhu cầu tham khảo, ứng dụng, rất bổ ích và lý thú./.

Nghiêm Thanh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Đối với cá nhân tôi, trong hàng chục năm gần đây luôn có nhiều kỷ niệm, những câu chuyện đời thường với anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929 - 2021). Trong những lúc trà dư tửu hậu trên hành trình công tác xuôi ngược các tỉnh miền Trung, vào Nam ra Bắc, kể cả khi có anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoặc vắng mặt ông, thì đều là những câu chuyện rất đặc biệt, vui vẻ và hài hước