“Bụi cát chân mây” của đạo diễn Lê Cung Bắc: Vây giữa yêu thương
Gọi là hồi ký, nhưng cuốn sách ra đời nhân 2 năm đạo diễn mất theo một cách đặc biệt. Đúng là thành phẩm của thời công nghệ hiện đại, cộng với tình thân yêu của 4 người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Xưa nay trong giới nghệ thuật, những người tài năng không giấu giếm sự ganh đua, ghen tỵ và cả đố kỵ. Nhưng Bụi cát chân mây dẫu không cố tình, lại cho bạn đọc thấy một bức tranh đời sống khác: Tình yêu thương dệt nên bức tranh đẹp cho mọi cuộc đời.
Năm 2021, sau một thời gian ốm đau, dù chưa tìm ra bệnh, nhưng Lê Cung Bắc cảm thấy thời gian của mình không còn nhiều, anh muốn được kể lại chuyện đời mình, một cuộc đời Ba chìm, bảy nổi, 108 cái lênh đênh cho con cháu biết. Có hai diễn viên trong các phim của anh tình nguyện làm người ghi chép là Võ Sông Hương và Hồng Ánh. Tranh thủ những lúc sức khỏe cho phép, anh kể theo câu hỏi để họ ghi âm. Buổi đầu tiên ngày 5/4/2021: Tôi nói những dòng này để Võ Sông Hương ghi lại trong lúc tôi biết rằng dòng đời của tôi đã cạn, tôi không biết ngày nào tôi sẽ rời khỏi thế gian.
Chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 13/6/2021, anh ra đi vì ung thư phổi đúng thời gian Covid đang căng thẳng. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ấy, càng ngắn hơn trong thực tế, vì giai đoạn cuối, anh phải vào ra bệnh viện liên tục, Võ Sông Hương đã gợi ý để đạo diễn kịp kể lại những sự kiện lớn diễn ra trong hơn 70 năm của cuộc đời một chàng trai sinh ra, lớn lên, đi học ở vùng quê thuộc phía Việt Nam Cộng hòa, có nhiều anh em đi theo kháng chiến, mình đi học phổ thông rồi đại học những năm chiến tranh ác liệt, bị bắt vào lính, lấy vợ khi ở trong quân ngũ, ở thời điểm chiến sự ác liệt 1972, đang cần người trông mẹ. Không đồng xu dính túi mà tổ chức đám cưới ở khách sạn sang nhất Sài Gòn, may nhờ nhiều bạn bè mừng mà đủ trang trải.
Sau 30/4/1975, dù chỉ Thiếu úy kiểng, phải đi cải tạo 2 năm 6 tháng 5 ngày (giữa chừng có ông anh bảo lãnh, có đến 4 ông anh liệt sĩ, tưởng được về, cho bạn ở lại đến đồng tiền cuối cùng, nhưng vẫn phải cải tạo tiếp hơn một năm nữa). Đó là tháng 3/1978, khi đang ở rừng Tây Ninh. Tiếp theo là 3 năm đi vùng kinh tế mới ở một làng rừng thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, vợ đi dạy học xa, tự tay chặt cây dựng lều, khai hoang, trồng trọt để sinh tồn. Lại còn nuôi bà mẹ từ Quảng Trị vào ở cùng. Chàng sinh viên đẹp trai, tài hoa, từng viết báo, diễn kịch, sống những ngày cay đắng, nhìn về tương lai mù mịt.
Nhưng tháng 8/1981, 10 năm sau ngày cưới, họ có đứa con đầu lòng. Nhờ sự đỡ đần của nhiều người, họ bắt đầu một chặng đời mới, với quyết tâm làm một người chồng nghiêm túc, một người cha mẫu mực. Về Sài Gòn mùa hè 1980, lúc đầu anh xin vào ban kịch Bông Hồng, nơi có Nguyễn Chánh Tín, Kim Xuân, Tâm Phan, Thẩm Thúy Hằng…, nhưng thấy không hòa đồng được, nên chỉ 3 tháng là bỏ. Lúc đó ông Ngô Công Đức phụ trách tờ Tin Sáng kêu về, nhưng không được bao lâu, tờ báo đóng cửa, vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Lại về báo Tuổi trẻ một thời gian, nhưng không quen viết báo theo lối mới, nên lại rút lui.
Hồi ký “Bụi cát chân mây” của đạo diễn Lê Cung Bắc
Năm 1982, đạo diễn Lê Dân mời đóng vai một nhạc sĩ phản chiến trong phim Pho tượng do ông làm đạo diễn. Đó là vai diễn đầu tiên, và từ đó đến 1992, anh đã có hơn 200 vai diễn điện ảnh và phim truyền hình. Một số vai đáng nhớ: Vai Trí, một lính phản chiến trong phim Con thú tật nguyền (kịch bản Ngụy Ngữ, đạo diễn Hồ Quang Minh), cùng diễn với Trần Quang và Phương Dung. Năm 1985, vai Trung tá Bửu trong phim Hồi chuông màu da cam của đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung, đóng chung với Thế Anh, Hoàng Cúc…
Năm 1986, vào vai người giáo viên trong phim Nơi bình yên chim hót của Việt Linh. Năm 1992, chị mời nhận vai Lão Cùi trong phim Dấu ấn của quỷ, Việt Linh nhận xét: “Từ trước giờ, anh thường đóng vai phản diện, nhưng theo em, anh vào vai chính diện thì hợp hơn”. Anh cũng từng sắm vai Phó giám đốc trong phim Lối rẽ trái trên đường mòn của đạo diễn Huy Thành năm 1985; vai ông già lương thiện trong phim Đêm săn tiền của đạo diễn Bùi Sơn Duân.
Nghe anh nhận xét khi xem cảnh quay, chính đạo diễn đã nói: “Bắc nhớ ngày hôm nay tôi nói, với tư duy điện ảnh này của Bắc thì Bắc phải làm đạo diễn thôi!”. Không phải tình cờ, vì ngay từ thuở còn là học sinh trường làng, hay thời sinh viên, anh đã say mê nghệ thuật, đã nghiên cứu rất nhiều sách về điện ảnh bằng tiếng Pháp, tiếng Anh còn thông thạo thơ văn chữ Hán và đã từng làm việc với rất nhiều đạo diễn: Lê Hoàng Hoa 20 phim, Lê Mộng Hoàng hơn 10 phim, cùng các đạo diễn Hồng Sến, Trần Phương, Hoàng Tích Chỉ, Nguyễn Văn Thông, Lê Văn Duy, Lê Đức Tiến, Đào Bá Sơn, Lê Hoàng, Lưu Bạch Đàn, Lê Xuân Hoàng, Lê Lâm, Xuân Cường, Hồ Ngọc Xum,Trần Cảnh Đôn, Nguyễn Chánh Tín…
Phim đầu tay Anh làm đạo diễn năm 1993 là Trên cả hận thù (kịch bản Phạm Thùy Nhân) với dàn diễn viên Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Lê Văn Nghĩa, do Lê Văn Nghĩa bỏ vốn hợp tác với Hãng phim Giải phóng, thắng lớn ở phòng vé. Hàng loạt phim anh làm sau đó đều nhận được sự tiếp nhận của công chúng và được các giải thưởng cao trong nhiều dịp, nhiều Liên hoan.
Nhờ sự dẫn dắt khéo của người hỏi, mà chỉ trong 200 trang sách, qua các chương: 1/ Nỗi niềm hoài cổ, 2/ Tuổi thơ gian khó, 3/ Tuổi hoa niên - Những tháng năm tươi đẹp, 4/ Con đường định hình sự nghiệp (trước 1975), 5/ Phận đời sau 30/4/1975, 6/ Gia đình yêu quý của tôi, 7/ Hành trình đi tới đam mê, 8/ Để gió cuốn đi. Người đọc biết được lý lịch xuất thân, nhiều nhọc nhằn, lo lắng vất vả của chàng trai sinh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nhiều đời ở làng Xuân Thành, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Rất nhiều gian khổ, cay đắng, nhưng đọng lại sau tất cả là một tình người sâu nặng. “Tôi đã cố gắng không đánh mất mình, luôn sống với lòng khoan dung và cố gắng trang trải tất cả món nợ ân tình trong cuộc đời theo một ý nghĩa cao đẹp nhất”. Điều đó thể hiện rõ nhất trong những năm mà con đường sự nghiệp đạt được những hào quang mà nhiều người làm nghệ thuật ao ước.
Trên giường bệnh, trong những ngày sức tàn, lực kiệt, anh vẫn luôn nhớ đến những người cùng anh làm mấy chục phim điện ảnh, hàng mấy trăm tập phim truyền hình dài tập. Anh có dịp bày tỏ quan niệm của mình với tư cách một đạo diễn về cách chọn kịch bản, diễn viên, khuynh hướng làm phim, phim lịch sử, những người bạn trong quá trình làm các phim Người đẹp Tây Đô (15 tập), Dòng đời (52 tập), Vó ngựa trời Nam (42 tập), Ngược dòng (38 tập), Mỹ nhân Sài Thành, Ngược sóng, Bẫy tình, Không thể rẽ trái, Duyên trần thoát tục, Những chiếc lá thời gian…
Phim cuối cùng, như những mối nhân duyên có khá nhiều trong cuộc đời nghệ sĩ : Cô Tuyết Lê ở Úc, trong một lần tình cờ gặp gỡ, biết Lê Cung Bắc đang muốn làm một bộ phim tâm đắc, vốn nghe tên tuổi đạo diễn, đã chủ động bỏ tiền cho anh làm bộ phim ao ước. Đó là phim Giã từ cô đơn (kịch bản Trịnh Nha Trang ), một thông điệp của tình yêu thương: Sức mạnh của tình yêu có thể vượt qua ranh giới của hận thù. Dịch Covid đã làm cho bộ phim chưa hoàn thiện, phải nhờ nhà biên kịch Châu Thổ lo phát hành giúp, để trả mối ân tình sâu nặng mà một người yêu nghệ thuật đã dành cho đạo diễn.
Đạo diễn Lê Cung Bắc
Những trang thú vị nhất có lẽ là sau khi kể lại mối tình có đủ cay đắng ngọt bùi với sinh viên Văn khoa Bùi Thị Giang, mà anh suốt đời mang ơn, Võ Sông Hương hỏi: “Chú ơi, con hỏi điều này, chú đừng giận nhé. Ngoài cô, chú có tình cảm đặc biệt với ai nữa không?” - “Con muốn hỏi có bao nhiêu bóng hồng trong đời chú ư ? Thú thật, chú yêu vợ lắm, nhưng nếu cụ Vương Hồng Sển ra cuốn sách Hơn nửa đời hư thì với chú là Cả đời hư!”. Và Lê Cung Bắc đã lần lượt kể lại những người thương mến thương trong nhiều chặng đời.
Có cô, khi biết anh về vùng kinh tế mới, ở trong túp lều tự dựng chỉ 8m2, đã dựng hẳn một ngôi nhà (bằng tre thôi) như anh ao ước để tặng hai vợ chồng, thậm chí còn tới gặp vợ anh, xin được ở chung nhà! Hầu hết những chuyện tình cảm ngoài đời ấy, vợ anh đều biết, nhưng chị nói với Võ Sông Hương: “Yêu là phải tin, vậy mới sống với nhau đến bây giờ, gần 50 năm rồi, chứ ít sao! Còn phải giáo dục con cái nữa. Cô nhìn rõ được tình yêu của chú dành cho cô, cho con cái, cho gia đình. Sông Hương biết rồi đó, làm việc trong giới Showbiz nhưng chú đâu có mang tiếng thị phi vợ nọ con kia đâu há!”.
Anh vẫn biết ơn một gia đình ở tận Thái Bình đã nhận anh như con cái trong nhà, bởi vì họ thấy anh có ngoại hình quá giống một người con đã thất lạc nhiều năm! Đối với nghệ sĩ, “yêu là phải làm cho mình rung động và cống hiến hết mình, đạo diễn có yêu nhân vật của mình thì mới hết lòng với tác phẩm. Lúc ấy nhân vật và diễn viên mờ chồng lên nhau thực thực hư hư trong tâm tưởng của người sáng tác… Vì thế, tôi đã yêu Bạch Cúc trong Người đẹp Tây Đô, Hoài Nam trong Dòng đời, Huyền trong Bẫy tình, Nhàn trong Vó ngựa trời Nam, Ngọc Lan trong Đóa hoa tình yêu”.
Anh nói rõ: “Sự nghiệp đạo diễn của tôi đã ghi dấu ấn đặc biệt với 3 người đẹp, ngoài Việt Trinh, còn có Võ Sông Hương và Hồng Ánh. Tôi yêu quý cả ba vì cả ba cô đều có tố chất diễn viên dữ dội, thông minh, có tinh thần trách nhiệm cao. Với chúng tôi, đó là tình anh em, tình bạn, thậm chí tình thầy trò”. Những ngày cuối, anh vẫn nhắc đến tên nhiều những người bạn thân thiết, cả nam và nữ đã thương yêu, bảo bọc anh trên con đường đời không hề suôn sẻ. Trong nghề, là Ngụy Ngữ, Nguyễn Hồ, Đoàn Thạch Biền, Phạm Thùy Nhân, Lê Chánh, Hồng Khắc Đào, Nguyễn Đình Thơ, Châu Thổ.... Một số trong đó cũng đã ra đi. Anh là người hiếm hoi không thuộc biên chế đơn vị công lập nào mà được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị phong Nghệ sĩ Ưu tú.
Tập hồi ký chỉ là của Lê Cung Bắc, nhưng gói trong mình những trang đẹp nhất của điện ảnh và phim truyện truyền hình phía Nam. Có được hình hài một cuốn sách đáng trân trọng về cuộc đời của một nghệ sĩ sống qua hai chế độ, mặc tất cả những truân chuyên, chuyển đổi, vẫn làm đẹp cuộc đời mình bằng tình yêu và sức sáng tạo không ngừng, ngay cả sau lúc qua đời, vẫn để lại rất nhiều yêu thương, trí tuệ tâm huyết, với đời, với nghề, là nhờ sự tiếp sức của các nghệ sĩ tài sắc Võ Sông Hương, Hồng Ánh, và đặc biệt, chị Bùi Thị Giang, người đã “hoàn thành Bụi cát chân mây như một lời tạ tình cho mối tình duy nhất của tôi với anh Lê Hữu Ty (tên gốc của Lê Cung Bắc )”.
50 năm qua, chị vẫn sống với những lời thơ tỏ tình ngày nào ở Đại học Đà Lạt: Ta gặp em mùa đông dạo đó / Vầng trán hiền, mắt biếc lung linh / Má hồng tươi, tóc buông đùa gió / Em mỉm cười mộng đỏ môi xinh / Hồn ta bỗng mọc cây bông lạ / Ngát cả trời hương sắc đam mê.
Tôi nghĩ, sẽ là một sự ghi công xứng đáng cho chủ nhân hồi ký, và những người có công dành từ tay thần chết một tác phẩm sử thi của giới điện ảnh không chịu để gió cuốn đi, khi Giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam nhắc đến Bụi cát chân mây của Đạo diễn Lê Cung Bắc.

Cuối những năm 1970 của thế kỷ XX, tôi vẫn cộng tác với Phòng Sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính ở đây, tôi đã...
Bình luận