Một góc nhìn về văn chương và sân khấu của Nguyễn Hiếu…

Cuối những năm 1970 của thế kỷ XX, tôi vẫn cộng tác với Phòng Sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính ở đây, tôi đã gặp Nguyễn Hiếu - tốt nghiệp khóa 11 (1966 - 1970), Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, tôi và anh cùng rong ruổi trên con đường nghệ thuật, văn chương, thơ phú, sân khấu và báo chí. Nguyễn Hiếu làm việc tại “Nhà Đài” suốt 39 năm, cho đến khi anh nghỉ hưu…

Trong làng văn, người ta đã biết đến một Nguyễn Hiếu với 23 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, vài trăm bài thơ. Trong làng kịch, nếu tính từ 2008 là năm Nguyễn Hiếu xuất hiện trở lại sân khấu, với Linh hồn đông lạnh, một kịch bản viễn tưởng của sân khấu Việt Nnam đương đại, được dàn dựng tại Nhà hát Kịch Việt Nam, thì tính từ năm 2008 đến 2023 này, đã dần hiện lên một tác giả Nguyễn Hiếu với trên 30 kịch bản, từ lịch sử, dã sử đến đề tài đương đại, với nhiều giải thưởng tại các hội diễn Sân khấu…

Một góc nhìn về văn chương và sân khấu của Nguyễn Hiếu… - 1

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Qua nhiều năm đọc các tác phẩm của Nguyễn Hiếu, tôi nhận ra mục đích “làm văn chương” của anh chính là sự cách tân trong bút pháp sáng tạo. Ngay từ tác phẩm đầu tay, anh đã tạo ra dấu ấn khó lẫn bằng tập truyện ngắn hài khá nổi tiếng Chuyện cái vòi nước. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên in năm 1988, Người đàn bà quỷ ám, đã xuất hiện bút pháp huyền thoại với hình tượng linh hồn người con gái bị giặc cờ đen hiếp chết, gây ra những hiệu ứng, tác động tới hiện thực và nhân vật mô tả

Đến cuốn tiểu thuyết thứ hai Vết xoáy trước ngực làng (có thể coi là tập 1 bộ Tiểu thuyết Dòng sông màu máu vẫn chảy), thì số phận các nhân vật không chỉ là nỗi ám ảnh mà còn trở thành những nhân vật siêu thực trong đường dây của cốt truyện. Loại nhân vật siêu thực này còn trở lại nhiều lần trong tiểu thuyết, và cả trong truyện ngắn của anh. Như nhân vật tiên cá trong tiểu thuyết Biển toàn là nước; người đàn bà chửa hoang treo cổ trong Con ngố; Thành hoàng, Lão Cu trong truyện ngắn Hình như ngoài Văn Chỉ có ma; con khỉ trong truyện ngắn Bóng ảnh cuộc đời; bút pháp huyền thoại của Nguyễn Hiếu còn tập trung đậm đặc trong tiểu thuyết Chuyện tình của người điên.

Có thể nói đó là cuốn tiểu thuyết độc đáo về mặt bút pháp Nguyễn Hiếu, khi anh dựng nên một triều đình giả tưởng để thể hiện sự xung đột khốc liệt giữa lý trí và bản năng, của những nhà cầm quyền và của cả loài người… Ngoài xu hướng huyền thoại trong tiểu thuyết, Nguyễn Hiếu còn thể hiện nhiều dạng bút pháp khác nhau trong việc cố gắng tìm tòi, cách tân của riêng mình, như tiểu thuyết Sự lặng lẽ cuối cùng, với cách đặt tên nhân vật bằng những con số và chữ cái mang một ẩn dụ lớn về thân phận con người. Sự đan chéo giữa linh cảm đạo phật của nhân vật với thực tế nghiệt ngã, đã có sức khái quát lớn về sự phức tạp của hiện thực một giai đoạn đời sống xã hội…

Một góc nhìn về văn chương và sân khấu của Nguyễn Hiếu… - 2

Tập thơ "Làng mình" của Nguyễn Hiếu.

Có lần, Nguyễn Hiếu kể với tôi - Tốt nghiệp lớp 10 năm 1966 khi 18 tuổi, trong lúc chờ gọi vào Đại học, tình cờ anh đọc được tuyển tập kịch gồm 5 vở danh tiếng nhất của thiên tài viết kịch Sếch-xpia. Thế là sau khi ngốn ngấu đọc đi đọc lại tập kịch đó, anh tự gán cho mình trách nhiệm là phải viết kịch, và kịch bản đầu tay Truyền thuyết nỏ thần được viết ngay sau đó…

Có những năm cao trào như 1988, anh viết tới 8 kịch bản. Năm 2014, mới già nửa năm, Nguyễn Hiếu đã hoàn thành 3 kịch bản dài cùng 3 kịch bản ngắn (theo đơn đặt hàng).

Nhớ lại năm 1976, tác giả, đạo diễn Lộng Chương lừng danh đã dựng hài kịch Chuyện như thế thì cần phải nói của Nguyễn Hiếu cho Đoàn Kịch Công nghiệp Hà Nội. Rồi hài kịch Trò đùa của dân do Nhà hát Kịch Truyền hình dựng năm 2003. Đến Chu Văn An - Người thầy của muôn đời, do NSND Doãn Hoàng Giang dựng cho Nhà hát Chèo Quân đội theo kịch bản Thầy Chu của Nguyễn Hiếu (đạt Huy chương Vàng Cuộc thi nghệ thuật Chèo toàn quốc năm 2013)…

Một góc nhìn về văn chương và sân khấu của Nguyễn Hiếu… - 3

Nguyễn Hiếu phát biểu tại Lễ khởi công vở Kiều năm 2017.

Nếu xét về giải thưởng trong lĩnh vực sân khấu tính đến nay, Nguyễn Hiếu cũng có xấp xỉ so với số lượng giải thưởng tiểu thuyết - thể loại sở trường thành đạt của nhà văn làng Chèm. Năm 1988, Giải Nhất kịch ngắn cuộc thi đề tài sinh đẻ kế hoạch do Đài Tiếng nói Việt Nam cùng “Tổ chức sinh đẻ kế hoạch thế giới” tổ chức. Năm 2003, tập Kịch Nguyễn Hiếu được tặng Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Năm 2010, Giải Nhì kịch bản xuất sắc hàng năm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - vở Khi giàn mùng tơi gãy rập. Năm 2012, Giải Ba kịch bản xuất sắc hàng năm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (kịch bản hài Con người là như thế nào?)…

Giai đoạn từ cuối những năm 60, đến nửa thập niên 80 của thế kỷ XX, có thể coi là giai đoạn mở đầu cho sự nghiệp viết kịch của Nguyễn Hiếu. Hàng loạt kịch bản thời kỳ này như Truyền thuyết nỏ thần. Bộ ba Bản giao hưởng xây dựng mở đầu như thế nào? Rồi Khi cánh đồng trở lại màu xanh lúa, và ngay cả hai kịch bản hài được dàn dựng là Chuyện như thế thì cần phải nói (đạo diễn Lộng Chương); Nước mắt đàn ông (đạo diễn Trịnh Quang Khanh, Đoàn kịch nói Hà Nam Ninh 1992)… Thì đã thấy lộ rõ chất xung đột của dòng mạch ngầm trong kịch Nguyễn Hiếu, và chính kịch bản Cuộc đời viết cuối thập niên 80, là sự tìm tòi đầu tiên.

Một góc nhìn về văn chương và sân khấu của Nguyễn Hiếu… - 4

Mục đích “làm văn chương” của anh chính là sự cách tân trong bút pháp sáng tạo.

Ở vở này, anh đã lồng ghép câu chuyện kịch chạy song song với câu chuyện ngoài đời của các diễn viên, của những người làm công tác hậu đài. Sân khấu được chia làm đôi để diễn tả những đường dây cốt truyệnchuyện khác nhau. Cách viết này được dùng trong một số kịch bản nữa, nhưng tập trung nhất ở Quân khu chúng tôi chọn chỉ huy, thể hiện sự đan chéo các cốt truyện khác nhau. Nỗi day dứt đời thường của lớp diễn viên lớn tuổi và sự ngây thơ của đám trẻ, là những tuyến kịch phức tạp, nhưng lại được tác giả kể một cách mạch lạc, lôi cuốn và hấp dẫn (vở được tặng thưởng trong cuộc thi viết cho trẻ em năm 2000)…

Vào sáng thứ 5, ngày 2 tháng 3/2023, tôi và Nguyễn Hiếu đã ngồi “chém gió” tại quán cà phê đường Hào Nam, một tụ điểm hàng tuần mấy anh em Thời báo Văn học Nghệ thuật vẫn cùng nhau gặp mặt. Chuyện xã hội, chuyện trong ngoài giới văn nghệ, chuyện viết lách văn chương… rồi chúng tôi vui vẻ chia tay. Vậy mà  không ai ngờ tới, đó là lần gặp gỡ cuối cùng của hai chúng tôi, bởi chiều Chủ nhật, ngày 5 tháng 3, tôi được biết một tin buồn đau xót - Nguyễn Hiếu đã đột ngột ra đi… Và rồi, vào buổi tối hôm đó, tôi đã viết những dòng tản mạn này về tiểu thuyết và sân khấu của anh - nén tâm nhang tiễn biệt Nguyễn Hiếu…

Một góc nhìn về văn chương và sân khấu của Nguyễn Hiếu… - 5

Nhà văn Nguyễn Hiếu và tác giả (NSND Lê Huy Quang). Ảnh: NSNA Hoàng Kim Đáng

Tuổi Mậu Tý, sinh 1948, đã qua tuổi “thất thập”, nhưng nhà văn, nhà viết kịch tài hoa Nguyễn Hiếu vẫn lao động miệt mài trên con đường sáng tạo. Chắc chắn, trong dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, những bạn đọc của văn chương, những khán giả của sân khấu, sẽ mãi nhớ tới các tác phẩm của anh…

Thôi nhé Nguyễn Hiếu, bạn của tôi ơi! Hãy thanh thản, an nhiên cõi vĩnh hằng, yên giấc ngàn thu!

Lê Huy Quang

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày