Tiễn biệt “lực sĩ của văn xuôi Việt Nam”

Sáng 5/3, làng văn, làng kịch bàng hoàng nghe tin nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu đột ngột qua đời ở tuổi 76, gửi lại đời nhiều trang viết thao thức và những tâm huyết còn đương dang dở...

Người được ví như “lực sĩ" của văn xuôi Việt Nam

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiếu, sinh ngày 15/10/1948 tại Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970, sau đó làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.

Nguyễn Hiếu viết kịch từ năm 16 tuổi. Kịch bản đầu tay của ông là Truyền thuyết nỏ thần. Cho đến khi rời cõi tạm, “gia tài” của ông có hơn 70 kịch bản sân khấu và gần 300 kịch bản truyền thanh. Nhiều kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu đã được các đạo diễn nổi tiếng như Lộng Chương, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Đỗ Kỷ đưa lên sàn diễn và được công chúng yêu thích như Linh hồn đông lạnh, Hàng rào giữa hai nhà, Người thầy của muôn đời, Thân phận nàng Kiều, Tấm Cám...

Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa chia sẻ khát vọng viết kịch của nhà văn Nguyễn Hiếu: “Một trong những thế mạnh của kịch bản Nguyễn Hiếu là đề tài hiện đại và đó cũng là điểm yếu của sân khấu Việt Nam những năm gần đây, làm cho nó không thể phục vụ đắc lực cho công cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bị khán giả xa lánh. Thế mà các kịch bản đề tài hiện đại rất công phu, sắc bén và nóng bỏng tính chiến đấu của Nguyễn Hiếu thì cứ theo nhau xếp kho”.

Tiễn biệt “lực sĩ của văn xuôi Việt Nam” - 1

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu 

Nguyễn Hiếu thích được gọi là nhà văn hơn, dù ông có rất nhiều đóng góp quan trọng với nghệ thuật sân khấu. Cặm cụi và hăng say sáng tác, nhà văn Nguyễn Hiếu đã có một gia tài văn chương đáng khâm phục. Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần nửa thế kỷ, ông đã cho ra đời gần 30 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn và hàng trăm bài thơ. Ông gửi vào các tác phẩm của mình một tình yêu tha thiết với Hà Nội, một Hà Nội vừa lung linh, hào hoa, vừa dở dang, đan xen những điều cũ mới. Một số tiểu thuyết nổi tiếng của ông có thể kể đến như Bụi đường, Quá cảnh, Người đàn bà quỷ ám, Chân trời vỡ đôi, Tôi bán mình...

Sinh thời, ông luôn tâm niệm: “Văn chương không chỉ là một nghề, mà đối với một số người thì nó được coi như một sứ mệnh. Tác phẩm của họ làm cho cuộc đời ít nhiều đẹp hơn, bởi văn chương khiến con người có thêm sức mạnh vì những tình cảm cao cả, thiêng liêng”.

Trong làng văn, nhiều người biết đến, quý trọng sức viết, sức sáng tạo của nhà văn Nguyễn Hiếu. Ông từng được nhà văn Ma Văn Kháng “phong” là “lực sĩ của văn xuôi Việt Nam". Một “lực sĩ văn xuôi” là một danh xưng đáng tôn vinh, nhưng “một nhà văn biết chắt chiu, nghiêm cẩn với từng con chữ của mình lại còn đáng tôn vinh hơn” - như lời nhà văn Chu Lai từng nói về người bạn văn Nguyễn Hiếu.

Hay ở làng Chèm quê ông, khi tổ chức lễ hội văn hóa, người ta còn dành cho Nguyễn Hiếu một khu vực gọi là quầy sách của nhà văn. Ông luôn được coi trọng và chúc mừng, đó cũng là một hạnh phúc lớn lao của người cầm bút.

Gửi lại đời nhiều trang viết thao thức

Khi qua đời, nhà văn Nguyễn Hiếu có nhiều kịch bản sân khấu đang được dàn dựng. Ngoài Tuyển tập Nguyễn Hiếu dày 6000 trang đã in, nhà văn Nguyễn Hiếu còn để lại khoảng 4000 trang chưa có điều kiện xuất hiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là các vở kịch mà ông gửi gắm nhiều thao thức như kịch bản Con tàu hoang lấy cảm hứng từ vụ án Vinashin phản ảnh những mánh khóe lợi dụng chức quyền để trục lợi, kịch bản Mặt nạ trần gian phơi bày lợi ích nhóm trong cổ phần hóa ở ngành giao thông vận tải, kịch bản Linh hồn lang thang cảnh tỉnh tệ nạn lãnh đạo tranh thủ quy hoạch con cháu mình vào các vị trí béo bở…

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Hiếu nhận không ít giải thưởng trong nước và quốc tế, riêng vở Thân phận nàng Kiều của ông đoạt nhiều giải lớn. Trong Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ 10 (2019), vở diễn mang về Huy chương Vàng cho Vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc; 2 Huy chương vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở, Giải A vở diễn xuất sắc nhất năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm 2022, vở Lời thề của nhà văn Nguyễn Hiếu giành Huy chương Bạc…

Ông cũng được trao nhiều giải thưởng văn học của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Báo Văn Nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam…

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Hiếu diễn ra từ 16h05 ngày 5/3/2023 tại nhà riêng (ngách 351, ngõ 50, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lễ truy điệu vào hồi 16h05 ngày 6/3/2023; an táng tại nghĩa trang phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất