Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc

Sáng 15/3, Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023). Đến sự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; Hoạ sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc - 1

Các đại biểu, khách mời tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

70 năm điện ảnh đồng hành cùng đất nước

70 năm đã qua, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu to lớn của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam cùng với các tác phẩm và tên tuổi của những nghệ sĩ tiêu biểu. Những hy sinh lớn lao quên mình và tình yêu nghề của biết bao thế hệ những người làm điện ảnh Việt Nam đã và sẽ mãi mãi được khắc ghi tới muôn đời.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc - 2

Tiết mục nghệ thuật chào mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cách đây 70, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập "Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam", khai sinh điện ảnh cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, qua 70 năm xây dựng và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp phát triển của đất nước, của nhân dân ta.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, nhân dân là chủ thể của sáng tạo, tôi mong rằng, bằng cái đẹp và từ cái đẹp ngành điện ảnh Việt Nam sẽ không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để truyền tải các định hướng, chủ trương của Đảng, nhà nước vào cuộc sống qua hoạt động văn hoá nghệ thuật”, đồng chí Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc - 3

Đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu.

Điểm lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: “Chúng ta vui mừng nhận thấy điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã và đang hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó trên mặt trận văn hoá, tư tưởng. Tích cực góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngành và Hội đã dày công xây dựng bồi đắp đội ngũ nghệ sĩ, những người làm công tác điện ảnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, khao khát sáng tạo và tràn đầy tâm huyết với đất nước, dân tộc và sự đổi mới của đất nước, sự ngiệp của nền điện ảnh Việt Nam”.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc - 4

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Kể từ mốc lịch sử đó, ngành điện ảnh Việt Nam ra đời phụng sự lý tưởng của Đảng, của cách mạng và gắn bó mật thiết với nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời đã xác lập nên vị thế của một nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và vì lẽ sống cao đẹp của con người”.

Những tâm tư của người trong nghề

Tại buổi Lễ kỷ niệm, NSND Trà Giang xúc động nhớ lại giây phút được tặng hoa cho Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962: “Đã 60 năm trôi qua, những người nghệ sĩ chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của bác, là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Những nhân vật mà tôi đóng đã được nhân dân Thủ đô và nhân dân miền Bắc động viên, khích lệ, đã giúp cho tôi trở thành nghệ sĩ của nhân dân, tôi vô cùng cảm ơn và không thể giấu sự xúc động trong dịp đặc biệt này”.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc - 5

NSND Trà Giang đã có những chia sẻ đầy xúc động tại Lễ kỷ niệm.

Thay mặt cho thế hệ trẻ, đạo diễn Trịnh Quang Tùng bày tỏ sự tri ân, gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thế hệ đi trước đã để lại cho thế hệ sau những tác phẩm, những di sản chứa đầy giá trị lịch sử, văn hoá và khẳng định đó là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Với thế hệ trẻ, đó là 70 năm các thế hệ đi trước đã gửi trọn niềm tin, tình yêu của mình với điện ảnh, đó là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay khi được tiếp tục bước trên con đường đó.

Theo PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp với nhiều cấp độ khác nhau, nó có sức lan tỏa lớn, gây ấn tượng sâu đậm. Chẳng những nghệ thuật thứ 7 có tác dụng giao lưu văn hóa, mà còn trực tiếp mở đường kinh doanh hiệu quả. Hiện nay điện ảnh mang diện mạo của sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim thương mại, giải trí hướng tới doanh thu.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc - 6

PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Khi đã coi điện ảnh là ngành nghệ thuật - kinh tế sáng tạo đặc biệt, hướng tới xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh, khi đã xem tác phẩm điện ảnh là sản phẩm hàng hóa đặc biệt để xuất, nhập khẩu, lan tỏa giá trị toàn cầu, thực sự hòa nhập với điện ảnh thế giới - thì càng nên ghi nhận, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích cực đóng góp sôi động của các nhà làm phim tư nhân. Dù phim đông khách chưa hẳn là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao để có thể dẫn hướng cho sự phát triển của một nền điện ảnh, nhưng cũng nên trân trọng và có nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của dòng phim này”.

Chia sẻ với phóng viên, diễn viên Quyền Linh, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, để có được những tác phẩm hay, cần có sự đầu tư cẩn thận cho biên kịch, vì nếu không có một biên kịch giỏi, ý tưởng tốt thì khó có một bộ phim ấn tượng. Bên cạnh đó, phải có sự trải nghiệm cho các tác giả, đạo diễn, diên viên. Thời gian tới, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tổ chức những chuyến đi thực tế dành riêng cho lớp trẻ, sẽ có nhiều hoạt động để cố gắng tạo nên một lớp trẻ yêu điện ảnh.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc - 7

70 năm đã qua, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu to lớn của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam cùng với các tác phẩm và tên tuổi của những nghệ sĩ tiêu biểu.

Diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ: “Là một người nghệ sĩ, tôi tin những người đồng nghiệp của tôi đều yêu bộ môn nghệ thuật, vì chỉ có tình yêu chúng tôi mới có thể dấn thân, đam mê với nghề”.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc, Mai Thu Huyền bày tỏ: “Một cánh én thì không làm nên mùa xuân, để điện ảnh phát triển cần rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt có nhiều điều nằm ngoài phạm vi của người nghệ sĩ, chúng ta phải có sự phát triển về con người, nhân lực, tài lực,... Hiện nay điện ảnh tư nhân rất phát triển nhưng họ cũng có những áp lực của họ nên họ không thể gồng gánh những thông điệp lớn với những bộ phim mang đậm tính lịch sử, văn hoá hay là có tính tuyên truyền thì những việc này rất cần sự quan tâm, đầu tư của nhà nước và ngân sách nhà nước cho các tác phẩm như vậy.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất