Múa dân tộc và phát triển

Múa truyền thống của các dân tộc đều có chung một ý tưởng xuyên suốt một tình cảm là hướng thượng và ngợi ca. Thông qua múa, nhân dân muốn phô bày tình cảm của mình trước cái đẹp, cái thành quả lao động hoặc tinh thần khát khao, mưu cầu hạnh phúc của cá nhân hoặc cả cộng đồng.

Tại các địa vực khác nhau, con người bị chi phối bởi nhiều yếu tố về quan niệm thiên nhiên, vũ trụ hay những tập tục riêng biệt… nên bị chi phối mạnh mẽ tới văn hóa múa nói riêng và văn hóa tộc người nói chung. Đó là những nét riêng, độc đáo có thể tìm thấy những nét riêng của nền văn hóa múa của từng dân tộc.

Văn hóa múa của người Kh’me Nam Bộ rất đặc sắc. Múa Khmer Nam Bộ nói riêng ảnh hưởng sâu sắc từ lâu đời đến hình thức và lý tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa cổ xưa. 

Về hình thức biểu hiện, thấy các trình thức múa là những đường nét mô phỏng cuộc sống, cách điệu hóa đường đi nước bước của các vị Phật và Bồ Tát… Lối thao tác thể hiện điệu bộ, dáng đi, dáng tay, uốn lên, uốn xuống hoặc vòng xuống, uốn đi, vòng lại đều là những đường nét lao động và sinh hoạt đời thường của người Khmer… Qua đó ta thấy lý tưởng xuyên suốt trong múa dân tộc của người Khmer Nam Bộ là tinh thần hướng thượng tới các đấng anh minh, tình cảm trang nghiêm, tôn trọng nhằm gửi gắm vào sự ơn nhờ, che chở của các bậc siêu việt thấy rõ các yếu tố tín ngưỡng trong múa dân tộc người Khmer Nam Bộ - còn gọi là múa Aspara.

Múa dân tộc và phát triển - 1

Thiếu nữ Khmer với điệu múa truyền thống.

Thời gian và địa điểm múa thường nhằm vào các ngày hội lễ ở chùa Khmer vào những ngày lễ Sen Đôn Ta (Phchum Banh - Lễ hội cúng ông bà tổ tiên), Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền (Tết năm mới), ngày lễ Ok Om Bok… 

Có thể nói chùa Khmer là trung tâm để người Khmer gửi gắm tình cảm, tinh thần lao động, học tập và gần như cả thân xác, cuộc đời mỗi người dân Khmer vào cõi cao cả và huyền bí đó. Họ bằng lòng với mọi kết quả trong đời sống thường nhật của mình. Người Khmer ít khi suy bì, tị nạnh trước kết quả nhiều ít giữa các cá thể trong cộng đồng. Một niềm tin bất biến trong lý tưởng của họ là nhân – quả. Đời này qua đời khác từ ông cha, dòng tộc. Bởi vậy đức tin của người Khmer đặc đầy yếu tố tín ngưỡng Phật Giáo. Niềm tin bất biến của họ là gửi gắm trọn đời - cả sống và chết nơi chùa Khmer... Vì vậy, múa Khmer lúc nào cũng thấy trang nghiêm rất Phật! Từ tư thế người đến các động tác tay, chân, vai, đầu, mặt… luôn ở tư thế đẹp và độc đáo, biểu hiện dáng Phật.

Các dân tộc khác như Thái, Tày, Mường, hay các dân tộc trên Tây Nguyên như Rarai, Ê đê… khi múa điệu múa truyền thống của mình thường  mô phỏng lại các hình thức khi lao động như khi hái lượm, cày, cuốc, làm đất trên nương rẫy hay sinh hoạt bên sân nhà luôn hòa quyện với âm thanh cồng, chiêng, thanh la, trống… cùng với ngọn lửa nơi các chum, choé hoặc các ống tre, ống nứa… Họ múa khi tình cảm được đong đầy, sướng vui, hạnh phúc, khi xóm bản hội hè, sinh con đẻ cái, cưới gả… Cả khi họ hàng, dân bản tiễn đưa người thân quá cố họ cũng nhảy múa và trình diễn nhạc cụ cổ truyền thống - coi đó là sự kiện linh thiêng được về với tổ tiên, núi sông, trời đất...

Người H’Mông lại khác. Họ múa một mình với chiếc khèn của họ. Khi múa đôi là múa với một người bạn trẻ, rất trẻ. Giống như dìu dắt đứa trẻ có tài năng múa và thổi khèn của làng bản trong tương lai. Đặc biệt “sân khấu” múa chỉ là một nơi nhỏ hẹp, có người xem múa và cổ vũ múa. Nghệ nhân có thể múa trên mỏm đá cao, bằng phẳng, múa ở góc bản, sân nhà, ở chợ phiên, có khi người H’Mông múa trên một gốc cây lớn ở góc chợ khi thân cây đã được cưa, đẽo phẳng chỉ bằng cái mặt mâm dùng khi ăn cơm, đặt hàng hóa. 

Người H’Mông múa thường là những nghệ nhân xuất sắc, có tài năng của bản. Múa khèn rất khó. Vừa múa, vừa thổi khèn càng khó hơn. Người H’Mông múa hai người khi rất vui, khi họ múa với đứa trẻ tài năng của nhà, của bản. Họ vui, tự hào vì bản, làng, dòng họ… có một tài năng mới. Đi chợ phiên miền núi, ta thường gặp đám múa khèn của người nam - không thấy người nữ múa khèn bao giờ.

Người H’Mông khi múa đôi là khi người già múa cùng người thiếu niên như người bạn tâm tình. Khi múa đôi thường là đôi bạn già trẻ cùng múa với nhau. Người trẻ có năng khiếu, người già có nghệ nhân của làng, của bản cho con, cháu cùng đi chợ phiên và “khoe” tài múa, tài khèn. Người trai có tài khèn, tài múa thường được lắm cô gái người H’Mông theo miết, trở thành lứa đôi. 

Khi vui, hai người trai có thể cùng nhau múa ở đám đông, hay ở chợ phiên. Họ thách nhau vừa múa, vừa khèn gọi người yêu đến cầm tay, mời rượu. Người vừa uống rượu, vừa khèn, vừa múa có khi hai người cùng múa, cùng khoe tài, khoe khéo bằng cách hai người cùng nhảy chéo cho đôi bàn chân chạm vào nhau trên sàn diễn và được đám đông khán giả vỗ tay thưởng những đồng tiền mới, hoặc những bát rượu đầy!... Họ vừa uống, vừa múa. Đến khi say, vẫn múa, vẫn uống… Họ múa và uống rượu ở chợ phiên đến say mềm, ngủ ở chợ phiên đến hai, ba ngày…

Bởi vậy chợ phiên ở vùng cao nguyên phía Bắc là nơi đô hội - là nơi phô diễn tài năng và lao động của dân cư, cộng đồng. Họ không chỉ khoe tài múa, tài khèn mà còn khoe hình thức tài giỏi khác như các kỹ xảo, kỹ thuật, chăn nuôi, cấy trồng như nuôi ngựa, nuôi trâu, bò khỏe, béo, đua ngựa khỏe tài, phô diễn, trao đổi, mua bán ở chợ phiên… Tất cả được phô diễn ở chợ phiên trên núi cao chót vót.

Người H’Mông thường tự hào và chào mời du khách với những nụ cười, những lời nói hay: “Mày mua con dao của tao đi. Con dao của tao được rèn rất sắc, có thể chém đứt được cây lim ngàn đời, chặt ngang đầu con hổ dữ và ác nhất trong rừng và bổ đôi quả núi trước mặt kia”. Người H’Mông chào mời nhiều nông phẩm ngô, khoai, sắn, hoa quả ngon lành trồng trên núi đá cao đem đến chợ phiên trao đổi, mua bán, giao lưu tình cảm, tình người ở chợ phiên. Họ bán hết, được bao nhiêu họ tiêu pha, mua hết, tiêu hết ở chợ. Họ nói rằng: “Tao mua bán, tiêu pha hết. Mai kia cái hốc đá, hốc núi nó lại sinh ra nhiều của cải vật chất cho người H’Mông chúng tao mà!... Đi chợ là giao duyên thôi!...”.

Người H’Mông và người các dân tộc miền cao nguyên có nhu cầu tinh thần khoe khéo, khoe tài ở chợ phiên là một nhu cầu văn hóa rất đẹp của nhân dân, con người.

Còn múa ở dân tộc Kinh xa xưa có nhiều điệu múa cổ, lối múa cũng mang nặng ý nghĩa mô phỏng lối sống cộng đồng. Họ lao động, săn bắt, hái lượm và sinh hoạt như thế nào thì hình thức múa được thể hiện trong múa dân tộc tựa như vậy.

Rất đơn giản thấy ngày xưa trai gái đi chơi xuân, cùng nhau hát đúm, hát trống quân, hát ống. Các đêm trăng sáng rằm tháng tám ở khắp các đầu làng, đường ngõ đông đúc trai gái tụ tập, kéo co là một hình thức múa khỏe hồi sơ khai, sau phát triển trai gái cùng múa chèo, hát chèo. Hình thức vẫn là hát đối đáp bên nam bên nữ co kéo nhau, mời nhau ăn trầu, uống nước vui vẻ, co kéo làm duyên trai thanh, gái lịch là những vũ điệu giản đơn trong đêm hội, đêm trăng. 

Múa dân gian tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của từng cộng đồng, truyền tải triết lý nhân sinh quan hay bài học giáo dục về văn hóa hay đạo đức sống. Đó cũng là hình thức đầu tiên, con người thường bảo vệ nhau tối lửa, tắt đèn và đồng thời là sự tôn kính trên dưới một lòng cùng nhau xây dựng làng xóm vui tươi, hạnh phúc, kết nối cộng đồng, phản ánh ước mơ về sự thịnh vượng, thanh bình, tình yêu quê hương, đất nước ở mỗi người dân Việt.

Ý nghĩa văn hóa ấy không phai mờ trong tinh thần múa dân tộc, cần bảo vệ và phát triển.

Phương Văn

Tin liên quan

Tin mới nhất