Mùa xuân của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là con trai nhạc sĩ lừng danh Đỗ Nhuận, anh đến với âm nhạc từ tuổi ấu thơ, trực tiếp do người cha kèm cặp. Tiếp đó anh học piano dưới sự hướng dẫn của nhà sư phạm âm nhạc Thái Thị Liên, rồi đi du học tại Nhạc viện Moskva, tốt nghiệp bằng đỏ với bản Concerto cho violon và dàn nhạc giao hưởng.

Anh hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh  bậc học cao nhất về chuyên ngành Sáng tác, đồng thời theo học lớp Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng với Giáo sư L. Nikolaev. Quá trình dược đào tạo rất cơ bản ấy đã tạo nên một chỉ huy dàn nhạc, một nhạc sĩ sáng tác tài năng, đa dạng, kể như đỉnh cao âm nhạc hiện đại ở đất nước chúng ta.

Mùa xuân của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - 1

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với một năng lực sáng tạo dồi dào đã viết nhiều tác phẩm khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu như "Rhapsodie Việt Nam", ballet "Hồng hoang", nocturne "Tiếng vọng", fantasy-symphonie "Mở đất", Trio cho ba flỷte, Toccata cho piano, Concerto cho violon và dàn nhạc, Variations cho piano, Bốn bức tranh cho oboe, bộ gõ và piano, Tứ tấu đàn dây, Ngũ hành cho bộ gõ, và gần đây là Sắc xuân cho đàn bầu và dàn nhạc Giao hưởng dân tộc, Trổ Một cho Dàn nhạc Giao hưởng (2007), Dáng rồng lên (2010), Lời của Đá, Chiếc lá đầu tiên, Hoa Gạo, Gửi về sông Lục núi Huyền.

Tác phẩm khí nhạc của anh đã được biểu diễn tại nhiều nước như: Pháp, Nga, Đức, Nhật, Thái Lan, Singapore, Uzơbeckistan, Latvia, được xuất bản tại Nga và Mỹ (2002).

Trong lĩnh vực nhạc kịch, Đỗ Hồng Quân là tác giả âm nhạc hai kịch hát mới: Câu chuyện tình (dựa theo tiểu thuyết Love Story, (1989) và Nàng Silami (1991) được dàn dựng tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Mùa xuân của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - 2

Vợ chồng Đỗ Hồng Quân, Chiều Xuân

Đặc biệt năm 2016 là nhạc kịch “Lá đỏ” (Âm nhạc Đỗ Hồng Quân, kịch bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát), mang một luồng sinh khí mới cho nhạc kịch Việt Nam. Tiếp bước thế hệ cha anh mình là nhạc sĩ Đỗ Nhuận người khai phá và đi tiên phong cho sân khấu nhạc kịch Việt Nam.

Nói về nhạc kịch “Lá đỏ”, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự: “Đã lâu lắm rồi, sân khấu âm nhạc Việt Nam không có vở nào lớn, mang tính dài hơi như một vở nhạc kịch.

Thời điểm năm 1975, công bố vở “Người tạc tượng” của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, trước đó năm 1965, có vở đầu tiên là “Cô Sao”. Cả một giai đoạn dài như vậy, do điều kiện đời sống xã hội cũng như đời sống âm nhạc chưa có tác phẩm lớn, dài hơi.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có QĐ 844/ QĐ-TTCP Hỗ trợ các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí nói về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từ 1930 đến nay.

Mùa xuân của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - 3

Cảnh trong vở nhạc kịch “Lá đỏ”

Năm 2013, Cục NTBD đặt hàng tôi viết một vở opera. Là tác phẩm dài hơi nên qua hội đồng duyệt rất chặt chẽ, sau khi được duyệt mới đưa vào dàn dựng, biểu diễn. Sự xuất hiện một vở nhạc kịch mới trong đời sống âm nhạc nó làm đúng được tinh thần của QĐ 844, quy mô lớn, trước nay chưa từng có, huy động cả Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, với một lượng nghệ sĩ lên đến 80 người, huy động cả Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam với những giọng ca chính, những solist xuất sắc, đoạt giải trong nước cũng như từng tốt nghiệp cao học ở nước ngoài…

Sự ra đời của “Lá đỏ” làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn. Chứng minh một điều là dù mình nhìn dưới góc độ nào khác thì mạch nguồn của âm nhạc Việt Nam vẫn phát triển, sự đầu tư vào văn hóa nghệ thuật là có hiệu quả, tất nhiên là hiệu quả ở thời gian lâu dài nhưng không phải vì thế mà chúng ta dừng chân tại chỗ.

Chúng ta có thể đầu tư vào nhiều loại hình khác từ văn học, mỹ thuật, hội họa, âm nhạc… nhưng biểu hiện trước hay sau thì cũng mang lại lợi ích cho đời sống xã hội lâu dài. Hơn nữa, chức phận của văn hóa nghệ thuật là gì, nếu không khắc họa, phản ánh, làm sống động lại những tư liệu lịch sử về thời kỳ đã qua thì sẽ lấy gì để nhắc lại thời kỳ đó trừ những bài học lịch sử và những hình ảnh tư liệu. Muốn làm mới lại, sống lại lịch sử thì phải đầu tư cho văn hóa nghệ thuật.

Theo tôi, khi “Lá đỏ” được biểu diễn thường xuyên ở Nhà hát Lớn, qua đó, phần nào thay cho những bài giảng về chiến tranh, cho người hôm nay, từ đó, càng thêm những biết ơn những người đã hy sinh trong chiến tranh. “Lá đỏ” là bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ. Đây cũng là chủ đề phù hợp với yêu cầu của ngày hôm nay. Chúng ta không chỉ hát, nói về ngày hôm nay, phải tri ân quá khứ đặc biệt là hai cuộc kháng chiến.

Vở diễn không chỉ dành cho khán giả hôm nay mà còn cho những lứa tuổi đã từng tham gia cuộc chiến, những cựu TNXP, những cựu chiến binh đã từng có mặt trên những chiến trường khốc liệt nhất. Nhiều người xúc động thấy đúng là hiện thực được tái hiện sinh động, đầy ý nghĩa. Hơn nữa, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật âm nhạc, bằng ca từ, giai điệu, hiệu quả của dàn nhạc giao hưởng nên cho hiệu quả mà ít người được thưởng thức, vượt qua thể loại thông thường như những ca khúc, những bài hát đơn giản mà chúng ta đã quá no đủ”.

Nữ nhà báo Vương Hà viết: Nhạc kịch “Lá đỏ” là tác phẩm đặt hàng sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vở công diễn hai ngày 25 và 26-5-2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao, bởi sau 40 năm mới có sự trở lại của một vở nhạc kịch được sáng tác, dàn dựng bởi các tài năng nghệ thuật Việt Nam. “Lá đỏ” sau đó đã có hàng chục buổi công diễn tại các địa phương, như: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và tiếp đó là Quảng Bình, Quảng Trị, như mong muốn của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và ê kíp thực hiện: Nhạc kịch đến được với người dân bình thường nhất. “Lá đỏ” cũng từng đoạt giải A thể loại nhạc kịch của Giải Âm nhạc năm 2016. Tháng 7 vừa qua, vở được ê kíp nghệ sĩ: NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; NSƯT Nguyễn Hồng Phong, đạo diễn sân khấu kiêm biên đạo múa cùng các biên đạo khác như NSND Phạm Anh Phương, Minh Trang đã nâng cấp, chỉnh sửa đưa đi tham dự Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh diễn ra tại Quảng Trị. Nhạc kịch “Lá đỏ” trình diễn thực sự tạo nên ấn tượng sâu đậm và nhận tới 11 giải thưởng cho tập thể và cá nhân; trong đó có giải xuất sắc về thể loại opera, ca sĩ Đào Tố Loan giành Huy chương Vàng… NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Tác phẩm “Lá đỏ” là một công trình nghệ thuật nhọc nhằn, mang nhiều tâm huyết nhằm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà một tác phẩm của đỉnh cao, đầy nhiệt huyết cách mạng và lòng tin yêu cuộc sống”.

Với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Lá đỏ” là bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ. Vở diễn không chỉ dành cho khán giả hôm nay mà còn cho những lứa tuổi từng tham gia cuộc chiến, những cựu TNXP, những cựu chiến binh từng có mặt trên những chiến trường khốc liệt nhất. Nhiều người xúc động thấy đúng là hiện thực được tái hiện sinh động, đầy ý nghĩa. Sự ra đời của “Lá đỏ” làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn, bởi nhạc kịch không chỉ diễn ở thành phố lớn mà đã đến được với đông đảo tầng lớp công chúng ở địa phương. Điều đó chứng minh, mạch nguồn của âm nhạc Việt Nam vẫn luôn phát triển, sự đầu tư vào văn hóa nghệ thuật thực sự có hiệu quả”.

Và múa xuân này, với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là Opera Vầng trăng Him Lam, một tác phẩm âm nhạc để hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ( 7/5 /2024) và 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam( 22/12/2024). Được biết tác phẩm âm nhạc này được viết để hưởng ứng cuộc vận động sáng tác “Còn mãi với thời gian” do Bộ VH TT DL phát động. Cả tết qua, dường như ông Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT VN chỉ dồn hết tâm huyết thời gian cho nhạc kịch này...

“Ngày 7/5/2024 là tròn 70 năm  kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên phủ lịch sử. Tôi cứ hướng tới ngày đó, để Opera “Vầng trăng Him Lam” ra mắt kịp thời và có thể biểu diễn  ngay giữa chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa”.

Hy vọng mong muốn này của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ trở thành hiện thực. Vì nó vô cùng ý nghĩa với một chiến thắng lịch sử của dân tộc, với bà con các dân tộc miền Tây Bắc,  với những người chiến sỹ- nghệ sỹ  mà hình tượng trung tâm là nhạc sĩ Đỗ  Nhuận cùng những văn nghệ sỹ quân đội như Nguyễn Tiếu, Trấn Ngọc Xương, Ngọc Diệp, Khắc Tuế, Nguyễn Thành, Phùng Đệ, Hoàng Vân… đi tham gia chiến dịch Điện  biên ngày ấy, như một binh đoàn hùng dũng tham gia chiến dịch đã được tài năng âm nhạc đỉnh cao Đỗ Hồng Quân tái tạo lại bằng cả trái tim minh...

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.