NSƯT Như Bình: Nặng lòng “Vì thế hệ trẻ”

Bén duyên với múa từ khi 14 tuổi - thời kỳ sơ khai thành lập của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương ở chiến khu Việt Bắc, năm 1953 (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Suốt những năm 50 của thế kỷ trước, NSƯT Như Bình là một trong những diễn viên múa thế hệ đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam góp mặt vào các tiết mục, tác phẩm múa làm nên danh tiếng của nhà hát như “Đốt pháo”, “Thầy thầy tớ tớ”, “Một ông hai bà”, “Đôi bờ”, “Theo cờ giải phóng”…

Dấu chân của chàng diễn viên trẻ Như Bình thời ấy đã in dấu khắp mọi miền Tổ quốc từ tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh đến chiến trường Lào và các vùng sâu vùng xa hiểm trở qua những lần cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ ta trong những năm chiến tranh ác liệt.

NSƯT Như Bình: Nặng lòng “Vì thế hệ trẻ” - 1

NSƯT Như Bình. Ảnh: Phạm Hằng 

Là một diễn viên múa trẻ hoạt bát, năng nổ lại sớm bộc lộ khả năng sáng tác, dàn dựng nên ông được Bộ Văn hóa cử đi tu nghiệp ngành nghệ thuật biên đạo tại Học viện Nghệ thuật sân khấu Mát-xcơ-va. Hai tác phẩm đầu tay “Mùa xuân hòa bình” và “Mùa xuân Tây Nguyên” của chàng sinh viên biên đạo Như Bình thời ấy đã vinh dự được biểu diễn trong tuần lễ “Vì thiếu nhi Việt Nam” năm 1976 tại Mát-xcơ-va.

Tốt nghiệp về nước, NSƯT Như Bình vừa là diễn viên vừa thêm nhiệm vụ sáng tác và được mời dàn dựng cho nhiều đoàn nghệ thuật. Sức sáng tạo của ông được dịp tỏa nở trên những "Giấc mơ than", "Ngọn cờ chiến thắng", "Mùa xuân Tây Nguyên", "Đường ra tiền tuyến", "Xuôi bè", "Lá đỏ", "Việt - Miên - Lào đoàn kết", "Làm theo lời di chúc của Bác" (sáng tác cùng Thủy Quỳnh - Mạnh Hùng)…

Ở giai đoạn thập niên 80, 90, NSƯT Như Bình đã dành tâm huyết, trí tuệ, công sức và đã có những thành công trong lĩnh vực công tác đạo diễn, tổng đạo diễn những chương trình nghệ thuật quần chúng đông người, hoành tráng trong các dịp lễ lớn, các hoạt động nghệ thuật phục vụ chính trị - xã hội trong nước.

Tại Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam và quốc tế chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, bên cạnh các giải thưởng dành cho thành tích biểu diễn, lần đầu tiên Ban tổ chức đã lập một giải đặc biệt dành cho tác giả “Điệu nhảy Việt Nam được quần chúng yêu thích nhất”. NSƯT Như Bình chính là tác giả duy nhất được nhận giải thưởng này với “Nhịp điệu Tây Bắc”. 

NSƯT Như Bình: Nặng lòng “Vì thế hệ trẻ” - 2

NSƯT Như Bình tại chương trình Chào mừng thành công ĐHĐB Toàn quốc lần thứ X của Đảng ngày 25/4/2006

Tại khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất năm 1983, với vai trò là Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Như Bình đã thành công với đại quần vũ “Kỵ mã lên đường” trên sân vận động Hàng Đẫy. Cuộc trình diễn nghệ thuật quy mô này khơi dậy lòng yêu thích múa trong hàng nghìn học sinh phổ thông và phong trào múa ở những ngôi trường mà từ trước đến nay còn thiếu vắng những lời ca điệu múa. Ông cũng là người có công lớn trong công tác phục hồi các điệu múa cổ truyền Thăng Long, say mê khám phá phục dựng múa Rồng để chào mừng ngày Quốc khánh và nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước. 

Dạo ấy, nhận được thư mời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn yêu cầu tập trung về Văn phòng Bộ để chuẩn bị phục vụ chương trình chào mừng Quốc khánh lần thứ 50 năm 1995, ngoài diễu binh, diễu hành cần có một chương trình nghệ thuật độc đáo, ấn tượng mang màu sắc truyền thống. Đây là công việc khá nặng nề, đòi hỏi tài năng, trí tuệ và những kinh nghiệm từ thực tiễn. NSƯT Như Bình vốn là con người năng động, việc dù khó mấy, ông cũng hoàn thành.

Thành công của màn văn nghệ chào mừng ngày Quốc khánh năm ấy đã tạo nên tiếng vang nhờ sự cố gắng tập luyện không mệt mỏi của trên 2 ngàn nghệ nhân, diễn viên múa không chuyên của Trường Sư phạm mẫu giáo Cửa Bắc, Trường Sư phạm mẫu giáo Trung ương I ở Nghĩa Đô và 3 trường PTTH Chu Văn An, Kim Liên, Trần Phú, cùng với Tổng đạo diễn Như Bình còn có biên đạo Văn Quang, Công Lạc, Bích Liên, Minh Miến... 

NSƯT Như Bình: Nặng lòng “Vì thế hệ trẻ” - 3

Bác Hồ gặp gỡ nghệ sĩ Đoàn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tại Phủ Chủ tịch (NSƯT Như Bình ở hàng đầu tiên, thứ ba từ trái sang)

NSƯT Như Bình đặc biệt dành nhiều tâm huyết và sự gắn bó đối với phong trào múa của tuổi trẻ Thủ đô. Bấy giờ, đương giữ chức Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, bận rộn với công việc hành chính song ông vẫn dành thời gian dạy nhảy cho thanh niên ở các lớp khiêu vũ nội thành Hà Nội, sáng tác múa tập thể cho thanh thiếu nhi. Vì tuổi trẻ Hà Nội ông dâng cả trái tim và khối óc mình.

Phong trào múa của quần chúng Thủ đô trong những thập kỷ qua còn mang nhiều dấu ấn Như Bình. Ông còn được bạn bè quốc tế tin yêu, mến mộ và biết đến như một sứ giả văn hóa qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và kết nối nghệ thuật múa, kết nối văn hóa dân tộc, cộng đồng người Việt với nhiều nước bạn, như Nga, Séc, Đức… 

Ngay từ khi còn là một biên đạo múa trẻ, nghệ sĩ múa Như Bình đã được Ban đối ngoại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mời làm Tổng đạo diễn trong chương trình nghệ thuật “Gặp gỡ thanh niên Việt - Xô” năm 1979; Festival Thanh niên Thế giới lần thứ VII tại Viên (Áo); Festival Thanh niên Thế giới lần thứ XII, năm 1985 tại sân vận động Lênin (Liên Xô). Bằng những chất liệu chắt lọc từ dân vũ Tây Nguyên, dân vũ Tây Bắc, múa chàm Thuận Hải và những hình ảnh sống động của những ngày hội trên những vùng đất ấy, tác giả Như Bình với điệu múa “Chào Mát- xcơ- va” tại Festival Thanh niên Thế giới lần thứ XII, năm 1985 đã cùng âm nhạc của Thế Song tạo nên hình tượng những cánh chim đang bay về Mát - xcơ - va.

Điệu múa đã được phổ biến tại Hội nghị BCH TƯ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ 9 (tháng 2/1985) và được phổ cập rộng rãi trong thanh niên, nhất là các lớp vũ quốc tế của các câu lạc bộ quận, huyện Hà Nội lúc bấy giờ. Thành Đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đánh giá cao sự cống hiến của ông đối với tuổi trẻ Thủ đô nói riêng và tuổi trẻ Việt Nam nói chung: Ông được tặng huy chương “Vì thế hệ trẻ” và bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì có nhiều đóng góp cho phong trào thanh niên trong nước. 

Trong 70 năm hoạt động nghệ thuật, từ một diễn viên cần mẫn, nhiệt huyết cho đến vai trò biên đạo múa, NSƯT Như Bình đã đạt được rất nhiều bằng khen, giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc trong các hội thi, hội diễn ca múa nhạc toàn quốc và các kì, cuộc của Đảng và Nhà nước… Nhưng có một điều đặc biệt ở ông là dù hoạt động chuyên nghiệp hay phong trào, NSƯT Như Bình vẫn dành trọn tình cảm, tâm sức của một người nghệ sĩ rực cháy đam mê và khát khao cống hiến.

Trong sưu tập phần thưởng của ông có một phần thưởng mà NSƯT Như Bình quý như vật báu là tấm "Huy hiệu Bác Hồ". Ông kể: "Tôi còn nhớ đó là dịp đầu năm 1969, sức khỏe của Bác không còn được như trước. Anh em nghệ sĩ chúng tôi vừa thành công trong chuyến lưu diễn quốc tế về, được vào gặp Bác ở Phủ Chủ tịch. Lúc đầu, đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp, vì Bác đang ốm nặng. Mừng hụt vì mong được gặp Bác, ngờ đâu cuối buổi tiếp, Bác đến. Được Bác trực tiếp thưởng Huy hiệu của Người hôm đó có các nghệ sĩ: Ái Liên (Cải lương), Thanh Huyền (ca mới), Kim Liên (chèo)... và tôi. Niềm vinh dự đến với chúng tôi quá lớn và bất ngờ. Và cũng không ngờ, vào mùa thu ấy Bác đi xa...". Giọng ông trầm lại, như để giữ lại một khoảnh khắc vinh dự, một kỷ niệm của đời làm nghệ thuật.

Phạm Hằng 

Tin liên quan

Tin mới nhất