Sân khấu hôm nay vẫn còn nhiều thách thức...

Sau 9 năm chiến đấu, hy sinh gian khổ, ngày 7/5/1954, mặt trận Điện Biên Phủ kết thúc với toàn thắng thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong những năm tháng hòa bình đầu tiên, năm 1957- các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương được thành lập, trong đó có Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (Hội NSSKVN) - để từ đó, đóng một cột mốc, làm nên một dấu son vẻ vang, tiếp nối chặng đường hoạt động của nền sân khấu truyền thống Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Với một đội ngũ các nghệ sĩ lớn, tài năng trên nhiều lĩnh vực (tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, các nghệ sĩ, diễn viên…), trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp và giai đoạn hòa bình đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã tạo  nên nhiều tác phẩm nổi tiếng, góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Trong ngôi nhà chung là Hội NSSKVN, suốt trên nửa thế kỷ qua, các Hội viên của Hội - từ Tác giả, Đạo diễn, Họa sĩ, Nhạc sĩ, các nghệ sĩ biểu diễn, các nhạc công cho đên những người làm công tác quản lý, hành chính, hậu đài, âm thanh, ánh sáng… đều đã mang hết nhiệt tình và tấm lòng tâm huyết, chung sức chung lòng xây dựng Hội, để làm cho mái nhà ấm áp, tình nghĩa của mình ngày càng đẹp đẽ hơn. Cũng trên nửa thế kỷ đó, một đội ngũ nghệ sĩ của nền sân khấu cách mạng đã trưởng thành, được khẳng định về tài năng và tư cách công dân - tư cách chiến sĩ- nghệ sĩ- như lời khen tặng của Bác Hồ: Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, anh chị em cũng là những chiến sĩ trên mặt trận ấy.

        Nếu so với cuộc đời hữu hạn của một con người thì nửa thế kỷ không phải là ngắn, nhưng đó chỉ là một chớp mắt với lịch sử hàng ngàn năm xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, sân khấu Việt Nam đã đi được một chặng đường với bao nhiêu niềm vui, và cả nỗi buồn, với bao nhiêu mơ ước, khát vọng, là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống lao động vĩ đại của cả dân tộc. Cũng suốt trên nửa thế kỷ qua, sân khấu đương đại Việt Nam, trong đó có kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, dân ca, rối, xiếc… - đã đạt tới một thời hoàng kim nhất của nghệ thuật biểu diễn - đó là giai đoạn đầu những năm 70 cho đến khoảng cuối những năm 90 để khép lại thế kỷ XX và mở ra thế kỷ XXI. T

uy nhiên, cho đến nay, một số ý kiến quá cực đoan cho rằng: sân khấu đã xuống cấp, khán giả cũng xuống cấp. Nhưng nếu thật sự công bằng, bình tĩnh và khách quan, chúng ta phải thừa nhận rằng, sân khấu đã thưa vắng khán giả; những ông hoàng, bà chúa của thánh đường sân khấu đã không thực sự cuốn hút công chúng đương đại nữa. Do đó, mỗi cá nhân nghệ sĩ cũng như những người hoạt động sân khấu cần phải phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, để phục vụ nhân dân, nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội trong thời kỳ đổi mới. Tất nhiên, muốn được như thế, chúng ta cần hoạch định một chính sách bài bản để đào tạo nên một đội ngũ các tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ và nhất là đội ngũ các nghệ sĩ biểu diễn…để đáp ứng những đòi hỏi mới của nghệ thuật sân khấu trong những chuyển động mới của đất nước…   

      Trước hết là vấn đề kịch bản sân khấu. Có bột, mới gột nên hồ - vì thế, kịch bản là vấn đề cần quan tâm nhất. Bởi, hiện nay, thiếu kịch bản hay, là điều ai cũng nhìn thấy. Trong nhiều năm qua, Hội NSSKVN đã thường xuyên tổ chức các Trại sáng tác trong cả nước, và cuối năm đã trao Giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc. Đây là một việc làm hết sức hiệu quả, hữu ích, rất đáng trân trọng. Cũng thời gian qua, có không ít ý kiến cho rằng, đề tài về người lính- Bộ đội Cụ Hồ có vẻ như đã chững lại. Rõ ràng sân khấu với mảng đề tài người lính đã và đang đòi hỏi không ít sự đầu tư công sức của họ, thì mới phản ánh được những gì là chân thực về người lính. Lâu nay, trong lĩnh vực sân khấu, chúng ta thấy xuất hiện một số vở diễn trong đó các tác giả chỉ vẽ một cách sơ lược, khô khan hình tượng người lính – chỉ có chiến đấu, chiến thắng, hy sinh. Hình như chúng ta đã quên mất rằng người lính cũng chỉ là một người lính bình thường – và rõ ràng họ càng bình thường bao nhiêu, khi trở thành anh hùng, họ càng được kính trọng bấy nhiêu.

Và tất nhiên, chẳng lẽ tất cả mọi người lính đều phải trở thành anh hùng, chẳng lẽ họ không thể là một người bình thường mãi? Cũng vì quá tuyệt đối hóa người lính, cho nên hình tượng về họ trên sân khấu không hấp dẫn, khán giả, ngay cả người lính, cũng không chấp nhận, huống gì là những khán giải ngoài quân đội, cho dù trong trái tim họ, hình ảnh người lính - anh bộ đội Cụ Hồ – bao giờ cũng hiện lên đẹp đẽ, thân thiết, đáng yêu…

      Nhìn lại một chặng đường của sân khấu Việt Nam đương đại, rõ ràng, tất cả vẫn còn ở phía trước - những khó khăn, thách thức, đang chờ đón và đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn nữa, để vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Tổ quốc và nhân dân. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của dân tộc, với hai cuộc kháng thần thánh đánh Pháp, đánh Mỹ- trong đó đã có những nghệ sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc - nhìn lại chặng đường suốt trên 60 năm đó,  hoạt động của giới sân khấu Việt Nam, với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào là những chiến sĩ, nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chắc chắn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ đồng lòng cùng trên hai ngàn Hội viên cả nước, quyết tâm xây dựng một nền sân khấu Việt Nam hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để hòa nhập vào mái nhà chung của sân khấu thế giới trong 30 năm đầu của thế kỷ XXI!

Tin liên quan

Tin mới nhất