Sân khấu Việt Nam - 50 năm một chặng đường
Ngày 30/4/1975 đã xóa đi khái niệm “Miền Bắc” - “Miền Nam”. Trên đất nước ta chỉ có một dải thống nhất từ đỉnh Lũng Cú tới mũi Cà Mau. Non sông một mối, văn nghệ một nhà, trong đó có sân khấu đã có sự giao thoa giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Diện mạo chung của sân khấu 50 năm qua
Cải lương là thế mạnh của sân khấu phía Nam trước đây, sau 30/4 đã ra Bắc thu hút sự quan tâm của khán giả với những vở Cây sầu riêng trổ bông, Lá sầu riêng của Đoàn kịch Kim Cương do chính bà làm tác giả và đạo diễn hay Tiếng trống Mê Linh của đoàn Cải lương Thanh Nga. Thế mạnh của sân khấu phía Bắc là kịch nói với hàng loạt đạo diễn và nhiều đơn vị sân khấu từ phía Bắc trở về sau 30/4 đã khiến khán giả phía Nam hồ hởi với loại hình sân khấu mới là kịch nói.
Nhìn vào diện mạo sân khấu hôm nay, sự giao thoa trên dường như cái mới luôn được tiếp thu và phát triển mạnh hơn cái đã có. Qua các kỳ liên hoan sân khấu, sân khấu cải lương phía Bắc dường như thành công hơn phía Nam với những vở diễn được ghi nhận. Ngược lại, sân khấu kịch nói ở phía Nam đến với khán giả, lan tỏa rộng khắp hơn, sáng đèn rực rỡ hơn, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh với nhiều buổi diễn thường xuyên tại các đơn vị nghệ thuật sân khấu.
50 năm nhìn lại, sân khấu Việt Nam đã tiếp cận với sân khấu thế giới nhiều hơn theo chiều hướng hiện đại. Các vở diễn ở bất kỳ phương thức hoạt đông nào, đơn vị công lập hay xã hội hóa, bất kỳ loại hình nào, kịch nói hay cải lương, tuồng, chèo, thậm chí sân khấu bài chòi hay sân khấu dù kê… đều chỉn chu trong công tác kịch bản, dàn dựng theo chiều hướng chuyên nghiệp.
Một cảnh trong vở kịch "Lời thề thứ 9"
Những đột phá
Giang sơn về một mối là sự khởi đầu của nhiều thay đổi lớn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và VHNT trong đó có sân khấu. Nhìn lại bối cảnh lịch sử sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta gặp biết bao khó khăn, thách thức như phải hàn gắn vết thương chiến tranh và giải quyết các vấn đề sau cuộc chiến cũng như trải qua hai cuộc chiến phía Tây Nam và phía Bắc, chưa kể bị cấm vận. Song Đảng và Nhà nước đã có những bước đi phù hợp, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, tạo ra một bức tranh văn hóa nghệ thuật đa dạng, phong phú trong bối cảnh lịch sử mới.
Chính sách Đổi mới năm 1986, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tác động lớn tới sân khấu. “Hiện tượng Lưu Quang Vũ” là minh chứng sinh động, kết quả đường lối “Đổi mới” của Đảng ta. Trước đây khi tác phẩm nói về tiêu cực dễ thành “tác phẩm có vấn đề”, tác giả dễ bị tai nạn nghề nghiệp. Bởi trong kháng chiến không khí trong các tác phẩm phải là hào khí của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thậm chí 10 năm sau khi nước nhà thống nhất, sân khấu vẫn theo định hướng đơn giản và thiếu phong phú với các tác phẩm thường chú trọng tính tuyên truyền và phục vụ chính trị hơn là sự thể hiện sáng tạo.
Làn gió “Đổi mới” đã “cởi trói” những kìm hãm, khuyến khích và thúc đẩy những cách tiếp cận mới, thể hiện nhiều tuyên ngôn cá nhân và khám phá các thể loại và phong cách sáng tạo đa dạng, phong phú trên sàn diễn nhiều đơn vị nghệ thuật. Tiêu biểu là Tôi và chúng ta của Nhà hát Kịch Hà Nội, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hão của Nhà hát Kịch Việt Nam, Lời thề thứ 9 của Nhà hát Tuổi trẻ, Nửa ngày về chiều của Nhà hát Kịch Quân đội…
Sân khấu những năm 90 thế kỷ trước đã có những đột phá khi chính sách đổi mới với đường lối văn nghệ của Đảng trong xu thế hội nhập đã tiếp nhận ảnh hưởng từ các nền sân khấu bạn bè quốc tế, tạo ra sự phong phú trong sáng tác, dàn dựng, biểu diễn với sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Nhiều tác phẩm sân khấu mang đậm hình tượng nhân vật với ý thức công dân nâng cao nhận thức khán giả, đặc biệt qua các kỳ liên hoan sân khấu. Đây là sức bật trong dòng chảy của sự phát triển nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Sân khấu trong cơ chế thị trường
Đất nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng tới nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng, tạo ra một sinh khí mới và phát triển mạnh mẽ.
Từ những năm 1990, sân khấu đã có lớp khán giả mới do thay đổi nhu cầu cũng như khả năng chi tiêu của người dân và thị hiếu nghệ thuật. Chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng tới nghệ thuật, tạo ra một làn sóng đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Tư duy đổi mới khuyến khích sự tự do sáng tạo, hình thành một thị trường nghệ thuật trong nước, đặc biệt sân khấu được xã hội hóa, nhất là sân khấu phía Nam. Các doanh nghiệp bắt đầu tài trợ cho nhiều tác phẩm. Cùng với sự phát triển công nghệ, những dự án đầu tư và tài trợ từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực sân khấu đã góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh hết sức đa dạng, phong phú và năng động.
Tuy nhiên, khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng đa dạng, rất nhiều loại hình nghệ thuật khác hút bớt lượng khán giả trong khán phòng từ cuối những năm 90 trở lại đây khiến xuất hiện dư luận phản ánh về tình trạng “sân khấu tối đèn” ở các tỉnh phía Bắc.
Khi nhu cầu thưởng thức của khán giả đa dạng song các đơn vị sân khấu phải lo tự hạch toán nên kịch mục thường dành cho lớp khán giả số đông là một trong những nguyên nhân khiến kịch mục sân khấu thiếu vắng những tác phẩm dành cho các đối tượng khán giả khác. Còn lý do quan trọng khác là khi xã hội tồn tại những điều cấm kỵ thì xuất hiện tác phẩm nói bóng gió khiến khán giả tò mò. Nhưng khi xã hội dân chủ, công khai, minh bạch thì sự háo hức, tò mò của khán giả với sân khấu bị nhường chỗ cho thông tin trên báo chí hàng ngày.
Nói về khán giả sân khấu khi không tính những đợt liên hoan sân khấu thì khán phòng hôm nay thường không “chật rạp” như trước, nghĩa là lượng khán giả trong mỗi đêm diễn không đông có thể là chuyện tất yếu. Đời sống và nhận thức của công chúng phát triển nên khán giả trước sự phong phú của văn học nghệ thuật chọn hình thức nghệ thuật, chọn vở diễn để xem và ngược lại vở diễn cũng “kén khách” hơn. Phải chăng bên cạnh nỗi chật vật về doanh thu còn có yếu tố đáng mừng trong một xã hội phát triển qua việc tiếp cận vở diễn ở các tỉnh phía Bắc. Công chúng sân khấu phía Nam hồ hởi tới khán phòng hơn, nhất là kịch nói song cũng có điều đáng mừng khi mỗi đơn vị sân khấu ở TP Hồ Chí Minh đều có khán giả của riêng mình, do đó tạo được đặc điểm phong cách riêng góp vào sự đa dạng của con đường phát triển sân khấu.
Động lực của phát triển
Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển nghệ thuật trong đó có sân khấu. Những chính sách khuyến khích sáng tạo nghệ thuật: tập trung ưu tiên, đầu tư tác phẩm qua các trại sáng tác; những cuộc vận động sáng tác chuyên đề “học tập đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, “Chiến tranh cách mạng và anh Bộ đội Cụ Hồ” v.v… được phát động định kỳ.
Bên cạnh sân khấu chuyên nghiệp, sân khấu quần chúng cũng được quan tâm. Những liên hoan sân khấu chuyên nghiệp và hội diễn sân khấu quần chúng được tổ chức đã thực sự trở thành những cú hích trong sáng tạo nghệ thuật và vẫy gọi khán giả. Nhiều liên hoan sân khấu quốc tế do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức là sự hòa nhập và giao thoa với các nền sân khấu khác từ khắp nơi trên thế giới đã giúp sân khấu Việt Nam thêm phong phú và đa dạng. Các yếu tố sân khấu mới được hấp thụ, kết hợp với truyền thống tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo để sân khấu nước nhà thêm bản sắc riêng biệt, hội nhập nhưng không hòa tan.
Những liên hoan sân khấu chuyên nghiệp và hội diễn sân khấu quần chúng được tổ chức đã thực sự trở thành những cú hích trong sáng tạo nghệ thuật và vẫy gọi khán giả
Sự tồn tại và phát triển của sân khấu trước hết nằm ở sự tình yêu và sự đam mê cống hiến của đội ngũ những người làm sân khấu song không tách ra khỏi hoàn cảnh xã hội. Với sự gia tăng mức sống và quá trình toàn cầu hóa, khán giả ngày càng đa dạng hóa sở thích và nhu cầu thưởng thức vở diễn. Đây cũng là đòi hỏi và thử thách của xã hội cũng là động lực đối với sân khấu.
Bên cạnh đòi hỏi của công chúng với sân khấu như một thử thách làm động lực sáng tạo, không thể không nói đến yếu tố khác là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như công tác quản lý của các cơ quan hữu quan, của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Có thể khẳng định, 50 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất, sân khấu nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Đội ngũ sân khấu trong và ngoài công lập từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn… đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh rõ nét quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ “đổi mới” và hội nhập quốc tế. 50 năm nhìn lại, chúng ta có quyền hy vọng sân khấu nước nhà sẽ bước tiếp trên đôi chân nội lực để tự tin vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Bình luận