Tinh thần Điện Biên với nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam

Sau chiến thắng vang dội ấy, tinh thần Điện Biên vẫn còn cháy mãi và trở thành niềm cảm hứng vô tận cho các biên đạo múa sáng tác ra những tác phẩm để đời.

Cách đây tròn 70 năm (7/5/1954 -7/5/2024), chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã chứng tỏ sức mạnh và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Đây là một mốc son sáng chói trong trang sử vĩ đại, nơi những chiến sĩ anh hùng đã bằng tình yêu quê hương để đánh bại kẻ thù. Chiến thắng vang dội đó đã để lại nhiều bài học sâu sắc, hiện vẫn còn nguyên giá trị to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Nhìn lại dòng chảy lịch sử của nghệ thuật múa trong thời kỳ cách mạng, chúng ta thấy rằng ngay trong giai đoạn gian khó của cuộc chiến vệ quốc, nghệ thuật múa đã ra đời, trưởng thành và trở thành vũ khí mạnh mẽ đồng hành cùng dân tộc. Với tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ, hành trang trên vai họ chính là những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa và biến những giá trị đó trở thành món ăn tinh thần vô giá, xông pha nơi lửa đạn hiểm nguy để thực hiện sứ mệnh của mình. Cũng từ trong gian khó, các biên đạo múa đã cho ra đời những tác phẩm ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng, có thể kể đến như: Gặp gỡ bên mâm pháo; Vợ chồng dân quân; Lựu đạn gỗ; Tay chài vai súng; Cánh chim biên giới; Kịch múa Trừ Văn Thố; Hò kéo pháo; Kịch múa Đất nước; Thơ múa Con đường từ trái tim; Trăng treo; Khoảnh khắc bất tử;… Đây được coi là các tác phẩm múa đỉnh cao của nghệ thuật múa thời kỳ kháng chiến.

Tinh thần Điện Biên với nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam - 1

Hình ảnh trong vở múa “Gặp gỡ bên mâm pháo”. Ảnh: Tư liệu

Thực tế đề tài đấu tranh cách mạng là mảng đề tài không mới, nhưng qua lăng kính của các biên đạo múa, chúng ta có thêm góc nhìn khác về cuộc chiến giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Qua lăng kính của nghệ thuật múa, chiến tranh hiện lên rất thực tế, độc đáo, không hề khô khan, giáo điều. Giữa màu xám của bom đạn thì tình đồng chí, đồng đội, tình dân quân, lòng yêu nước sục sôi đã dìu bước cả dân tộc đi qua đau thương như một phép màu cổ tích. Bằng ngôn ngữ giàu hình tượng, nội dung nhân văn sâu sắc và giàu sự sáng tạo nghệ thuật, các tác phẩm múa của thời kỳ hoa lửa đã phản ánh chân thực cuộc sống hào hùng của dân tộc, thể hiện tinh thần thời đại và hàm chứa những tư tưởng mang tính triết lý sâu sắc, góp phần to lớn cổ vũ tinh thần đồng bào và chiến sĩ anh dũng vượt qua những gian khó, khốc liệt của chiến tranh, nhân lên ý chí và sức mạnh để làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Trong trang sử hào hùng của dân tộc, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, mà còn mang ý nghĩa lớn lao về tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh những người lính Việt Nam kiên trung và khí phách đã trở thành biểu tượng của lòng quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau chiến thắng vang dội ấy, tinh thần Điện Biên vẫn còn cháy mãi và trở thành niềm cảm hứng vô tận cho các biên đạo múa sáng tác ra những tác phẩm để đời.

Nếu trong thời chiến, nghệ thuật múa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, đóng góp tích cực cho cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, thì trong giai đoạn xây dựng và tái thiết đất nước, nghệ thuật múa cũng đã tạo được những dấu ấn đầy kiêu hãnh, tự hào, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc và hội nhập sâu rộng với thế giới. Trải qua những biến thiên của lịch sử, những cuộc tiếp biến văn hóa lớn, nghệ thuật múa đã chứng tỏ được bản lĩnh khi tiếp thu, chọn lọc tinh hoa từ những nền văn hóa khác nhau, tạo nên những giá trị nhân văn mang đậm bản sắc dân tộc, trao truyền cho các thế hệ sau những di sản vô giá. Cùng với sự chuyển mình của đất nước, nghệ thuật múa Việt Nam cũng đã có nhiều đổi thay để phản ánh đúng tinh thần của thời đại. Chúng ta thấy những gương mặt mới, những tác phẩm mới dần lộ diện tràn đầy  nhiệt huyết và luôn bám sát hiện thực cuộc sống. Đề tài đã được mở rộng, phong phú về nội dung và phương thức biểu hiện.

Tác phẩm múa Mùa hoa ban Điện Biên (tác giả Bùi Thái Phiên) có sự sáng tạo và tinh tế trong việc kết hợp giữa nghệ thuật múa và yếu tố văn hóa, lịch sử, đã cho chúng ta thấy vẻ đẹp của mảnh đất lịch sử Điện Biên sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ. Với những động tác múa uyển chuyển, tinh tế, biên đạo đã tái hiện lại vẻ đẹp của mùa hoa ban - một biểu tượng của Điện Biên, kết hợp nó với những câu chuyện lịch sử và tình cảm trong cuộc sống của người dân nơi đây. Mùa hoa ban Điện Biên không chỉ là một sự khám phá về nghệ thuật múa, mà còn là một hành trình tinh thần đưa khán giả trở lại quá khứ, đắm mình trong những kỷ niệm và cảm xúc của mảnh đất lịch sử này. Qua đây thể hiện tài năng và sự tôn trọng sâu sắc của tác giả đối với văn hóa và di sản của mảnh đất lịch sử Điện Biên.

Khác với Mùa hoa ban Điện Biên, kịch múa Nguồn sáng (tác giả TS.NSND Phạm Anh Phương) lại cho chúng ta thấy một vẻ đẹp khác của người dân vùng đất Tây Bắc. Bằng tình yêu quê hương tha thiết, sự chân thành, hồn hậu, những người dân nơi đây đã nhường mảnh đất thân quen, nơi đã gắn bó với tuổi thơ, với những kỷ niệm và cả xương máu để có được độc lập, tự do nhằm xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, mở ra cánh cửa cho sự phát triển và cải thiện đời sống cho cả cộng đồng. Đề tài mới mẻ, nội dung nhân văn song được tiếp cận một cách tinh tế, khéo léo và tinh thần dân tộc thấm đẫm trong từng động tác múa, trong tư duy và cách cảm của biên đạo. Với sự tâm huyết nghề nghiệp, bằng sự chắt chiu vốn sống, tác phẩm đã cho chúng ta thấy cảm quan chính trị nhạy bén của người biên đạo tài hoa.

Có thể thấy, xã hội đổi thay từng ngày với nhiều biến động của hội nhập và phát triển, nhưng tinh thần Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt vẫn được truyền cảm hứng và bùng cháy trong trái tim thế hệ trẻ và tiếp tục được tiếp nối trong các tác phẩm múa của các thế hệ biên đạo múa hiện nay. Họ không chỉ thức tỉnh những giá trị truyền thống mà còn tìm kiếm những cách tiếp cận sáng tạo để phù hợp với hơi thở đương đại. Gần đây nhất, các tác phẩm múa trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân cuối năm 2023 là một ví dụ điển hình. Một loạt các tác phẩm như Sức mạnh thời đại, Trấn thủ đỏ, Đại ngàn thức giấc của hai biên đạo trẻ Hoàng Thái Sơn và Phạm Hồng Thái của Đoàn Văn công quân khu 2 đã cho chúng ta quay lại không khí hào hùng của chiến thắng Điện Biên năm 1954. Diễn viên có kỹ thuật tốt, sáng sân khấu, tạo hình ấn tượng, cộng với hiệu ứng sân khấu được thiết kế công phu, kết hợp với thiết kế mỹ thuật, ánh sáng, màn hình led,... khiến cho hình ảnh chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được tái hiện thật sự sống động và đầy xúc cảm, chiếm trọn cảm tình của khán giả.

Tinh thần Điện Biên với nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam - 2

Đại ngàn thức giấc

Có thể nói, xuyên suốt chiều dài lịch sử, nghệ thuật múa đã và đang đồng hành tích cực cùng sự phát triển bền vững của dân tộc, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội và công cuộc đổi mới đất nước. Mỗi tác phẩm đã tiếp cận yếu tố dân tộc và tinh thần Điện Biên Phủ ở các khía cạnh và cách thức thể hiện khác nhau, nhưng tựu chung lại đều thể hiện tình yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các thế nghệ sĩ múa Việt Nam hiện nay là những người tiếp nối ngọn lửa ấy, mang trong mình khát vọng làm nên điều kỳ diệu và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành múa nói riêng và của đất nước nói chung.

Có thể khẳng định, trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần làm thay đổi cách nhìn của thế giới đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có một phần đóng góp của các nghệ sĩ múa với những nỗ lực sáng tác và cho ra đời rất nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, ghi lại dấu ấn của dòng chảy lịch sử hào hùng và thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Các nghệ sĩ của ngành múa đã và đang âm thầm cống hiến, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước; đồng hành cùng văn nghệ sĩ các ngành văn học nghệ thuật trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là niềm tự hào và là những dấu son tuyệt đẹp trong quá trình phát triển của nghệ thuật múa chuyên nghiệp nước nhà.

Phương Lan

Tin liên quan

Tin mới nhất