Trăn trở sau một kỳ liên hoan sân khấu

Ba năm có một kỳ Liên hoan sân khấu với từng loại hình với những đầu tư công sức và tiền bạc không nhỏ là sự quan tâm của Nhà nước cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhằm phát triển nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Do nhiều lý do, sân khấu chưa sáng đèn rực rỡ hàng đêm nhưng chắc chắn Liên hoan sân khấu được tổ chức không phải vì mời gọi khán giả đến Liên hoan để mua vé. Bản chất của Liên hoan sân khấu phải chăng là cuộc tụ họp bạn nghề (các lực lượng sáng tạo, lý luận phê bình sân khấu) để nhìn lại chặng đường ba năm qua của nhau qua các vở diễn ngõ hầu trao đổi, học tập với mục đích phát triển.

Rất mừng và hoan nghênh Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cho ghi hình từng vở diễn tại Liên hoan và phát lại để bạn nghề và công chúng yêu sân khấu dù không đến Liên hoan cũng được tham gia Liên hoan. Với các đơn vị nghệ thuật, đây là giải pháp tích cực khi mà đông đảo, tất cả nghệ sĩ các đơn vị sân khấu không thể đến Liên hoan do khả năng chi phí lo ăn ở khách sạn cho nghệ sĩ là bất khả thi trong tình hình thực tế hiện nay.

Trăn trở sau một kỳ liên hoan sân khấu - 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ tham gia Liên hoan. (Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc)

Với mục đích vì sự phát triển của sân khấu thì cái mới phải được tìm ra để khẳng định và đánh giá cái mới đó. Và trước hết, để làm được điều này là trách nhiệm của các nhà hoạt động sân khấu có uy tín được tin cậy mời tham gia Hội đồng nghệ thuật (gọi tắt là Ban giám khảo) của Liên hoan.

Rất tiếc trong Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 tại Hà Nam không ai chỉ ra được cái mới đáng mừng trong Liên hoan này là đội ngũ đạo diễn, tác giả mới (tôi không gọi là tác giả trẻ, đạo diễn trẻ) xuất hiện nhiều hơn trước đây. Đặc biệt, các tác giả đạo diễn mới này phần lớn hoạt động ở “làng Chèo”, chèo trong hơi thở và máu thịt của họ, là hy vọng về sự khởi sắc của chèo với đặc trưng loại hình truyền thống thay vì có đạo diễn kịch nói đựng 5-7 vở chèo để chèo thành kịch nói cắm ca như trước đây.

Với yếu tố mới này, thiết nghĩ Hội đồng nghệ thuật cần phân tích cái mới của vở diễn trong cách viết, tiếp cận đề tài, tổ chức tuyến nhân vật và hành động kịch của kịch bản cũng như những tìm tòi sáng tạo mới trong dàn dựng, âm nhạc và thiết kế mỹ thuật. Với lực lượng mới xuất hiện cũng nên trao đổi những sáng tạo mới có khả thi hay bất khả thi để khẳng định, góp phần vào sự phát triển.

Và sau cùng là tổng thể vở diễn, có gì mới được phân tích khoa học chứ không phải cảm tính, biến Liên hoan sân khấu không vì tiêu chí nghệ thuật mà thành sự ban ơn những là đoàn này khó khăn về kinh phí, đoàn kia vất vả vì lực lượng diễn viên kịch nói phải hát và diễn chèo v.v... Chuyện khó khăn cần được thông cảm nhưng giải quyết khó khăn đó phải  là cấp quản lý đơn vị sân khấu chứ không thuộc quyền Hội đồng nghệ thuật.

Trăn trở sau một kỳ liên hoan sân khấu - 2

Một tiết mục tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Bên cạnh cái mới trong Liên hoan cần chỉ ra cái cũ. Rõ nhất là trong Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 vừa rồi nhiều kịch bản quá cũ, tham gia hết đợt này đến đợt kia như xưa phát động chăn nuôi, cả cơ quan chỉ nuôi được một con lợn, thế là con lợn đó của chính quyền, của công đoàn, của phụ nữ, của đoàn thanh niên thành ra 4-5 con lợn. Vở diễn kiếm tiền khỏi bàn nhưng đây là Liên hoan sân khấu! Chúng ta vẫn nói kịch bản “đang thiếu và yếu” và định hướng tìm kịch bản trong khái niệm “thiếu và yếu” đó làm sao có thể khuyến khích có “bột” mới để gột nên “hồ” gắn kết khán giả với sân khấu bền chặt hơn.

Về việc trao giải, từ lâu tôi đã phản đối chuyện tỉ lệ 30% số vở diễn có giải, và 30% Vàng trong số có giải vì Liên hoan sân khấu phải đánh giá theo tiêu chí chất lượng nội dung - nghệ thuật chứ không phải họp công đoàn phân phối hàng như thời bao cấp. Rất mừng là từ Liên hoan sân khấu Chèo năm 2019 tại Bắc Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xóa bỏ sự bất cập này.

Tuy nhiên, xóa bỏ quy định cũ không có nghĩa là “tháo khoán” với “mưa” huy chương một cách tùy tiện. Trong Liên hoan sân khấu, giả sử 100% vở diễn có giải nếu đúng tiêu chí chất lượng nội dung – nghệ thuật cũng là chuyện bình thường và ngược lại, vì tiêu chí trên, Liên hoan không có Huy chương Vàng cũng là bình thường.

Vấn đề là như Bác Hồ nói “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Nghệ sĩ chúng ta rất giàu lòng tự trọng, và khi giải được trao theo tiêu chí công khai như luật chơi khiến họ tâm phục khẩu phục thì giả dụ (giả dụ thôi) cả Liên hoan có một Huy chương Vàng, ai cũng vui, song không tâm phục khẩu phục thì cả người được và không được cùng buồn! ( như trong lớp học xưa chỉ 1-2 học sinh tiên tiến, 1-2 học sinh lưu ban, chả ai buồn nhưng cả lớp toàn học sinh giỏi và khá thì bạn giỏi thật sẽ buồn khi đứng cùng hàng với bạn chưa giỏi, bạn chưa xứng đáng lên nhận phần thưởng xong phải lủi về ngay dù giấy khen vẫn treo ở nhà hay để bố mẹ đem khoe con).

Trăn trở sau một kỳ liên hoan sân khấu - 3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Liên hoan. (Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc)

Đánh giá vở diễn chính xác không, tâm phục khẩu phục hay không, thiết nghĩ nên nhìn vào khán phòng đêm bế mạc. Lễ bế mạc chưa diễn ra, các hàng ghế chật cứng, người ngồi cả trên bậc đi lại nhưng sau đó vẫn đông đúc hay có bao nhiêu phần trăm ghế trống khi danh sách trao giải được công bố .Rất mong Ban tổ chức Liên hoan sân khấu nên công khai minh bạch tiêu chí giải thưởng như người xem bóng đá xem cả trọng tài thổi còi.

Tổng kết của Hội đồng nghệ thuật nên như “bình luận sau trận đấu”, với chuyên môn nghề nghiệp của mình, chỉ ra mặt mới - cũ, mạnh - yếu của các vở diễn để bạn nghề từ đó học tập, rút kinh nghiệm vì sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nước nhà. Nghe “bình luận” là được nghe những phân tích chuyên môn chứ đâu phải nghe khen một tí rồi chê một tí rất chung chung với lời văn bóng bẩy, có cả thơ trong đó!

Công khai, minh bạch cũng là để Hội đồng nghệ thuật tránh được những “ì xèo”, nghi vấn không đáng có. Liên hoan sân khấu còn là “hội thao” định kỳ ba năm một lần của các bạn nghề. Rất mong trong Liên hoan được phát hiện những yếu tố mới trong sáng tạo, tất nhiên phải hay. Nhưng cái hay có thể với khán giả lần đầu xem song quá cũ, quá lặp về kịch bản, mô típ, mảng miếng dàn dựng trước bạn nghề có nên xuất hiện trong Liên hoan sân khấu?

Lê Qúy Hiền

Tin liên quan

Tin mới nhất