Đậm tình quê hương (Đọc tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam”)

Có lẽ ít có dân tộc ở một đất nước nào trên thế giới lại có những cuộc di dân lớn như ở Việt Nam. Đó là thời kỳ “từ thuở mang gươm đi mở cõi” cách nay mấy trăm năm, chúa Nguyễn và các cận thần cùng gia quyến bỏ đàng ngoài di dân vào đàng trong lập nghiệp. Rồi thời kỳ 1954, khi đất nước chia cắt làm hai miền, cán bộ, quân đội, những người tham gia kháng chiến chống Pháp và con em họ (học sinh miền Nam)... hàng chục vạn người tập kết ra Bắc và ngược lại hàng triệu người dân miền Bắc di cư vào Nam làm ăn. Đến sau khi giải phóng miền Nam tháng 4 năm 1975 thống nhất đất nước, ngoài những cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam trở về quê hương, lại thêm hàng vạn người là cán bộ và thân nhân từ Bắc chuyển vùng vào Nam sinh sống.

Cuốn tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam” đề cập lớp người di cư từ Bắc vào Nam sau 1954. Nhân vật chính là gia đình ông Quản. Họ đã phải vật lộn với cuộc mưu sinh ở vùng đất mới và phải sống sao cho hòa nhập với cộng đồng nơi mình cư trú, ở đây là tận mãi vùng đất xa xôi miền Đông Nam Bộ. Từ lời ăn, tiếng nói, tập quán, cách nấu nướng các món ăn hàng ngày hoặc giỗ tết... sao cho cân bằng, vừa giữ được cái truyền thống phong tục ngoài Bắc lại hòa nhập được với người phương Nam.

Có thể nói gia đình ông Quản là một gia đình hạnh phúc, mẫu mực. Ông Quản - người chồng gọi vợ là mợ và ngược lại, bà gọi ông là cậu… “Với lại tôi hỏi mợ, thế mợ không muốn thằng Thái được sống à?”. Bà Quản thút thít khóc: “Sao cậu lại hỏi tôi như thế! Tôi rứt ruột đẻ ra nó mà…”. Đây là cách gọi, cách xưng hô của tầng lớp giàu sang, quý phái thịnh hành ở miền Bắc cách nay trên nửa thế kỷ. Con cái cũng gọi người đẻ ra mình là cậu, mợ thay vì gọi thầy, bu hoặc bố, mẹ.

Đậm tình quê hương (Đọc tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam”) - 1

Bìa tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam”

Vợ chồng ông Quản ở nơi đất khách quê người, con cái ốm đau. Nhưng ông bà, đặc biệt ông Quản, vai trò người chủ gia đình, đã xoay xỏa đủ nghề. Kinh doanh và có lúc trực tiếp nuôi heo - một công việc vất vả và thường xuyên tiếp xúc với mùi hôi thối. Nhưng ông vẫn không nề hà, cốt sao lo đủ cho cuộc sống gia đình. Ông chu đáo cả việc đạo và đời. Ông đóng góp và tích cực vận động cho việc xây chùa bên Phật giáo và cả nhà thờ cho bên Thiên Chúa giáo.

Còn Thái, anh con trai cả, khi học phổ thông thì luôn chăm chỉ học hành để xếp thứ hạng cao trong lớp. Tốt nghiệp Đại học Dược khoa, từng được phong là Trung úy (quân ngụy Sài Gòn). Khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, sau mấy tháng đi học tập, cải tạo về, chưa có việc làm, anh phụ cha vệ sinh chuồng heo, trở thành một ông thú y sĩ bất đắc dĩ, chữa trị và tiêm cho heo khi chúng bị trái gió trở trời. Sau này khi được nhà nước bố trí công việc phù hợp với một dược sĩ, anh đã xin nghỉ việc ở xí nghiệp dược, về nhà mở hiệu thuốc tư nhân thể hiện con người thức thời, biết làm ăn phù hợp với kinh tế thị trường. Rồi Thái lấy vợ. Vợ chồng anh đẻ ba con (hai gái một trai). Vậy là ông bà Quản có cháu đích tôn.

Sông Luộc là con sông nối từ sông Hồng với sông Thái Bình. Tỉnh Thái Bình có làng Hới nổi tiếng với nghề dệt chiếu và chiếu Hới nổi tiếng khắp vùng. Làng Hới nơi gắn bó với ông bà Quản từ thuở mới sinh ra và dù bao năm lưu lạc, di dân vào Nam sinh cơ lập nghiệp bên dòng sông Đồng Nai, hàng ngày và cho đến tận lúc chết, ông bà Quản vẫn không quên nó - làng Hới tận quê hương xa xôi ngoài Bắc. Kể cả khi cận kề miệng lỗ, ông Quản vẫn mơ được chôn cất ở làng Hới quê ông...

Gần cuối truyện, lúc ông bà Quản ở tuổi 80, cháu nội ngoại đầy đàn. Một cháu trai đã là công nhân sản xuất ở khu công nghiệp Amata. Cháu gái nội là sinh viên đại học. Các cháu còn lại, tùy lứa tuổi, đang học các cấp phổ thông. Vậy là ba thế hệ, thế hệ thứ nhất từ Bắc di cư vào trong Nam, phải vật lộn với cuộc sống ở môi trường mới, dù gian nan vẫn trụ vững nơi đất khách quê người để tồn tại. Thái, anh con trai là thế hệ thứ hai học hành, rèn luyện và trưởng thành. Thế hệ thứ ba là thế hệ cháu, được sinh ra ở vùng đất mới rồi khôn lớn.

Ba thế hệ “tam đại đồng đường” cùng chung sống ở vùng đất mới hạnh phúc và phát triển không ngừng. Nhưng họ có điểm chung, không chỉ thế hệ thứ nhất mà thế hệ thứ hai, thậm chí thế hệ thứ ba, dù được sinh ra và lớn lên ở trong Nam, họ vẫn nghĩ về nơi gốc gác ngoài Bắc. Bà Quản nói với chồng mơ ước được trở lại Hới để sống những năm tháng tuổi già nhưng hàng ngày lại được xem truyền hình Đồng Nai. Còn ông Quản có lúc gọi sông Đồng Nai là sông Luộc. Ông Quản còn nhắc con, không biết là lần thứ bao nhiêu: “Thế nào con cũng phải đưa thằng cháu đích tôn của cậu về quê đấy nhé”.

Cuối đời, ông bà Quản được Thái - người con cả sắp xếp để ông bà có chuyến bay về miền Bắc rồi về thăm làng Hới nơi chôn rau cắt rốn, nơi ngày xưa ông dệt chiếu, bà đi bán. Và ngay cả Thái, anh cũng làm bố mẹ được toại nguyện và vui mừng khi anh làm đúng điều mong mỏi của ông Quản là con cháu phải về thăm quê cha đất tổ. Thế rồi anh cũng về làng Hới với những cuộc gặp gỡ họ hàng thân thiết.

- Anh này tôi thấy quen quen... Anh ở đâu mới đến đây lần đầu hả?

- Dạ. Cháu ở trong Nam ra...

Bà cụ nhìn tôi kỹ hơn, như soi vào gương mặt. Giọng bà xúc động:

- Anh có phải là con ông Quản...?

Tôi cũng xúc động không kém khi nghe bà cụ gọi tên cha mình:

- Vâng, đúng thế ạ...

Bà cụ nói như reo: - Giời ơi! Anh giống chú ấy như lột! Người nhà đây mà! Tôi là bác dâu của anh. Đi theo bác, đi theo bác...

Chỉ mấy câu đối thoại đơn giản ngắn gọn nhưng nói lên được cái tình quê hương, dòng họ, huyết thống.

Cuốn sách “Sông Luộc ở phương Nam” (giải thưởng tiểu thuyết 2016 - 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam) còn đề cập nhiều vấn đề. Những người từng là sĩ quan Ngụy (Việt Nam cộng hòa) có kẻ vượt biên, nhưng có người ở lại, họ đã vượt lên chính mình, trăn trở để xây dựng cuộc sống và thành đạt.

Tác giả khéo lồng câu chuyện với bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới đầy biến động với những sự kiện lớn. Cuộc chiến tranh của Mỹ với Việt Nam; chiến tranh biên giới Tây Nam; thế lực bành trướng phương Bắc đưa quân đội tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam gây ra cuộc chiến tranh khốc liệt ở biên giới phía Bắc. Từ chuyện đổi tiền rồi chuyện cây cầu Mỹ Thuận; chiếc cầu dây văng đầu tiên trong nước được khánh thành; chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời. Chuyện chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm sụp đổ. Hai anh em Diệm Nhu bị giết sau đảo chính. Tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống. Rồi chuyện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, có ông chủ tịch là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Quân giải phóng lớn mạnh không ngừng, lực lượng đặc công xuất quỷ nhập thần đánh vào tận hang ổ của Mỹ Ngụy. Không lực Hoa Kỳ hùng hậu là thế đánh phá miền Bắc suốt ngày đêm, nhưng không ngăn cản được sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Rồi cả chuyện sự cố Y2K đến chuyện bầu cử tổng thống ở Mỹ. Cả chuyện máy bay chở khách hãng nào gặp nạn bị rơi ở đâu; chuyện động đất, cơn bão số mấy đổ bộ vào nước nào… nhờ đó cuốn tiểu thuyết mang tính thời sự và hơi hướng thời đại.

Diễn biến câu chuyện được viết theo trình tự thời gian. Nhân vật được tả rất sống động, qua những chi tiết về cuộc sống, sinh hoạt của họ, khắc sâu vào lòng người đọc. Sông Luộc, làng Hới, đất Bắc với cách thức làm những món ăn dân tộc, ngày tết cổ truyền, phong tục tập quán... luôn được nhắc đến như một nỗi niềm của người tha hương, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn truyện.

Tác giả cuốn sách tên thật là Nguyễn Thái Hải, là một dược sĩ. Thái là tên nhân vật chính cuốn tiểu thuyết “Sông Luộc ở phương Nam”, cũng là một dược sĩ. Độc giả có sự liên tưởng, phải chăng cuốn sách viết về chính cuộc đời của tác giả.

Có thể xem đây là cuốn tiểu thuyết biên niên sử viết về một câu chuyện có thật và những người có thật. Người xem tưởng như được nghe những người có thật quanh mình kể về câu chuyện cuộc sống của họ rất chân thực và xúc động.

Nguyễn Ngọc Phan

Tin liên quan

Tin mới nhất