Hải Đường và con đường ký ức
Nhà thơ, nhà báo Hải Đường là người giàu có về tâm hồn. Ông sinh ra ở cái làng Vọc, xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. “Hà Nam danh giá nhất ông cò”, (Ông cò, Trần Tế Xương). Trần Tế Xương (Tú Xương) sinh ra ở làng Tức Mặc (Nam Định), nhưng tôi thích hai câu thơ này khi đọc Người của một thời của Hải Đường. Đây là cuốn hồi ức đáng đọc, để suy nghĩ, chiêm nghiệm. Dẫu Hải Đường chia sẻ: “Chuyện đã qua thì không làm lại được. Chuyện sắp tới dù có là người thông thái đến mấy cũng chỉ dự đoán được phần nào. Điều quan trọng nhất là phải làm được gì trong hiện tại, là ngay bây giờ và ở đây”.
Đúng vậy, cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện “Chủ nghĩa hiện sinh”, hay còn gọi là “Thuyết hiện sinh”. Nhiều tác gia hiện sinh coi trọng chủ đề về sự tồn tại đích thực, liên quan đến ý tưởng cho rằng người ta phải “tạo ra chính mình” và sau đó sống theo “cái mình” được tạo ra ấy.
Về văn hóa tâm linh phương Đông, con người đều có lối đi vô thường. Dù mất đi, đã qua nhưng cái sự sinh, trụ, hoại, diệt, sẽ không làm tiêu biến giá trị mà chỉ soi sáng. Triết học Mác xít về vật chất, thực ra đều có giá trị vô thường, hiện sinh.
Người của một thời gồm 4 chương: Thời thơ ấu, Từ anh lính máy húc đến sỹ quan Văn phòng Tổng cục Chính trị, Nghề báo nghiệp văn, Vĩ thanh; sách dày 178 trang, vừa đủ đầm, sang trọng.
*
Với gần 200 trang sách, Hải Đường làm được cái việc là đưa người đọc sống lại cùng ông với những ký ức nơi làng quê, cuộc đời của ông từ khi là người lính ở những năm tháng “Tổng động viên” cho đến ngày nghỉ hưu và tận đến hôm nay với công việc của một nhà báo, nhà thơ có tiếng. Ông tự sự, truyền cảm với tấm lòng biết ơn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng viết: “Lòng biết ơn cuộc đời chính là một vẻ đẹp căn tính mà bất cứ văn bản nghệ thuật nào cũng phải dựa vào. Bởi nếu không có điều căn bản ấy, văn bản nghệ thuật sẽ đi đâu và để làm gì?”.
Làng Vọc nơi Hải Đường sinh ra và lớn lên là vùng đất học. “Quê hương mỗi người chỉ một”, (Đỗ Trung Quân), Hải Đường nâng niu làng quê - làng cổ có cái tên dữ dằn Quắc Thị - nghĩa là “Cướp chợ”. Cái làng ấy có lịch sử, đời sống, có linh hồn của nó. Dẫu làng quê nào cũng có những con đường rìa làng, chợ búa, mom sông... Ngôi làng ấy hiện lên bình yên nhưng có nhiều vỉa tầng văn hóa, gắn với nhiều tên tuổi lớn trong lịch sử như Trần Thủ Độ - người có công lớn khai sinh ra triều Nhà Trần với ba lần đánh thắng quân Nguyên; hoặc những nhà thơ, danh nhân như cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Nam Cao...
Hay nói cách khác, làng Vọc (nơi ông sinh ra), làng Vĩ (quê nội) ôm vào lòng mình những di chỉ văn hóa, thành tố của một ngôi làng văn hóa.
Hải Đường cũng như mọi thanh niên sinh ra và lớn lên tại làng quê, có tuổi thơ gắn bó với mái đình, cánh đồng, cây đa, bến nước... Đình Cả, đình Đồng Thành nơi Hải Đường từng học “i tờ”, cánh đồng Phù Vũ nơi Hải Đường từng đi đánh giây (bắt cá), theo người lớn đi làm công điểm hợp tác xã... “Làng Vĩ trong tôi là những cánh đồng mía, đồng rau bất tận. Đứa trẻ con sáu, bảy tuổi là tôi bàn chân dúi trên cát mịn, ống quần bám chằng hoa cỏ may, ngắm nhìn những bãi mía ngút ngàn”, (trang 36). Đúng là, nếu có ước muốn trong cuộc đời này, ai cũng ước cho thời gian trẻ lại, như ý ca từ của nhạc sĩ Xuân Phương.
Mỗi người đều có một quê hương, thuộc về quê hương. Xin mượn câu của cố nhà thơ Trần Quang Quý (Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật), “không ai bứng được ông khỏi cố hương”, để nói rằng, không ai bứng được Hải Đường ra khỏi làng Vọc, làng Vĩ.
Nhà thơ Nga Rasul Gamzatovich Gamzatov từng viết: “Chẳng lẽ cái làng Đaghextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?”. Ông đưa làng mình ra so sánh với những nơi nổi tiếng nhất thế giới, và ông khẳng định “Đẹp hơn là chắc chắn rồi”. Bởi, với ông, mỗi lần trở về làng “Trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”. Ông khẳng định, không thể đổi làng lấy bất cứ thứ gì.
“Vẻ đẹp sau cùng của con người là sự từng trải. Vẻ đẹp sau cùng của một tác phẩm là sự giản dị”, Hải Đường có mượn câu nói này của một nhà văn nước ngoài trong Người của một thời. Hải Đường ngoài đời là hiện thân của khiêm cung, khiêm đức; trong tác phẩm văn chương gần gũi, chiết tự.
Hải Đường hồi ức, không phải để hồi ức. “Đình Đông Thành thờ Thành hoàng làng là người “Đô dù đại vương”. Ông là người chuyên che lọng cho vua... Có lần tôi hỏi mẹ, mấy ông che lọng có gì đáng thờ? Bà đưa tay quệt quệt trầu nhìn vào tôi xa xăm “Không phải thờ ông nào, ông mặt đỏ hay ông mặt trắng mà là thờ người tài ba, nhân đức. Câu ca ngày trước nói rồi: Thương dân, dân lập đền thờ / hại dân dân đái ngập mồ thối xương. Thời nay nghe nói có mấy anh bảo vệ cán bộ cao cấp cũng xây được nhà lầu, sắm được xe hơi... Nhưng hiển nhiên sẽ chẳng có cái “đình” nào được lập nên thờ các ông ấy”, (trang 17). Trong Người của một thời, Hải Đường luôn dành cho nghề nông, nông dân sự trân trọng “Mới thấy nhân nông dân ta sao mà chắt chiu, thuần hậu”, (trang 19).
*
Hải Đường nhập ngũ năm 1972. Đấy là giai đoạn cách mạng miền Nam vừa qua Chiến dịch Thành cổ 81 ngày đêm, ở miền Bắc chúng ta vừa làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Paris. Hay nói cách khác, Hải Đường trở thành người lính mở đường “lái máy húc”, trước khi sự nghiệp thống nhất đất nước chuyển sang giai đoạn mới. Ngày ông lên đường, cả làng bịn rịn. Mẹ đưa cho 5 hào, “tiễn ra đến đầu ngõ thì quay vào, không dám ra đường, sợ không cầm được nước mắt”. “Hơn hai chục anh em trèo lên chiếc xe tải. Chiếc xe Zil ba cầu mới coóng, thùng xe lợp kín lá ngụy trang. Xe lắc lư một hồi, như khoai tây trong bì tải, hai thành xe như nở ra. Đêm hôm ấy ở nơi tập kết, làng Đôn Thư, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, mới xa nhà có mấy tiếng đồng hồ mà cảm thấy thời gian dài đằng đẵng” (trang 47).
Quân đội đúng là trường học cuộc đời của Hải Đường chàng trai thư sinh, đi bộ đội chưa đủ tuổi. Hình ảnh về anh Quế, ông Mão, thằng Hùng... thời quân ngũ, thời gian khó nhưng say mê lý tưởng, hiện lên sống động. Hải Đường được kết nạp Đảng, sau đó, do có năng khiếu được chuyển về cơ quan thuộc Tổng cục Chính trị; lần lượt sau đó làm báo Công binh và báo Nhân Dân - cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến lúc ông nghỉ hưu với cương vị Ủy viên Bộ Biên tập.
Trong Người của một thời hiện lên những ký ức với Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (sau này là Tổng Bí thư), Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp; những nhà báo lừng danh của báo Đảng như Hoàng Tùng, Quang Đạm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Thép Mới... “Cậu là thiếu tá quân đội chuyển ngành, được đào tạo cơ bản, cái đó rất tốt. Nhưng cái đó mới qua trường ốc. Cần phải học rất nhiều về trường đời. Về đây cậu sẽ học được rất nhiều đấy” (trang 125) - lời nhà báo Lê Huyền Thông dặn dò, nhắc nhở nhà báo Hải Đường khi ông về “đầu quân” cho báo Nhân Dân.
Hồi ức về nghề báo, những chuyến đi cơ sở, từ đồng ruộng Nam Bộ đến biên cương phía Bắc, tiếp xúc với nông dân hay người lính; những chuyến vi hành trong nước hay ngoài nước; kinh nghiệm viết báo, làm báo của Hải Đường trong Người của một thời lấp lánh bài học. Quan trọng nhất là những bài học nhân thế.
Câu chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Sáu Kiến là một trong vô vàn điều phải chiêm nghiệm. “Hồi mới giải phóng, tôi về thăm ba má đã nuôi giấu chúng tôi trong kháng chiến. Chân vừa chạm mé sân, má hỏi: “Đi đâu lạc vô đây?”. Tôi giật thót, biết là má giận, bèn nhanh trí: “Con về nhà mình chớ... đi đâu”. Má chưa tha: “Ngày xưa tụi bay đi chân đất thì còn năng về. Nay đi bằng ô tô sao mất dạng?” (trang 87).
“Con người ta cái quý nhất là sống thật mình, đúng mình, đừng bao giờ làm cái bóng người khác. Cuộc đời như bóng câu qua cửa”, (trang 69). Câu này xuất xứ từ Tâm kinh Bát nhã, tuy nhiên nó là thông điệp sau những hiện thực cuồn cuộn của đất nước, từ ngày Khoán 10 trong nông nghiệp đến đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và những khúc quanh khác của lịch sử thế giới, trong nước, biến động địa chính trị toàn cầu đến khu vực... mà nhà báo Hải Đường được lăn lộn, được ném mình vào, với tư cách “thư ký của thời đại”.
Đọc Người của một thời, không thể không khâm phục Hải Đường ở sự thông tuệ, nhớ kỹ, nhớ chi tiết từ những khoảnh khắc đời sống đến sự kiện, những kỷ niệm với những người ông đã gặp trên đường tác nghiệp đến các nhân vật chính trị mà ông có hạnh phúc được tiếp xúc, diện kiến.
Người của một thời vì thế không còn là ký ức riêng của nhà báo, nhà thơ Hải Đường, mà còn bức tranh một thời của quê hương, đất nước.
"Những cánh hoa mở đêm" là tập thơ thứ 11 và là tập sách thứ 20 của cây bút Phạm Thị Phương Thảo. Chị hiện là...
Bình luận