Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 1): Biên niên sử Hà Nội thời chiến bằng hình ảnh

(Arttimes) - Nói như nhà văn Đỗ Phấn, những dấu vết cuộc sống thời chiến ở Hà Nội êm đềm, nhẹ nhàng, lãng mạn đến vô cùng có thể nhìn thấy rất nhiều qua những bức ảnh Thomas Billhardt chụp.

Lật giở từng trang ký ức trong cuốn sách ảnh Hà Nội 1967 – 1975 từ những bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt, tìm thấy một Hà Nội thời chiến chân thực, bình dị, đầy cảm xúc.

Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 1): Biên niên sử Hà Nội thời chiến bằng hình ảnh - 1
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt

Được tổ chức đầu tháng 10, triển lãm ảnh Hà Nội 1967 -1975 do Viện Goethe, Camera Work, Nhã Nam và Manzi tổ chức, thu hút sự quan tâm của công chúng về hình ảnh Hà Nội thời chiến giai đoạn từ 1967 – 1975. Nối dài cảm xúc về một thời gợi thương gợi nhớ đã qua, mới đây, buổi ra mắt cuốn sách ảnh cùng tên được tổ chức song hành là cuộc trò chuyện của tác giả Thomas Billhardt với những nhân chứng đã đi qua một thời gian khó không thể quên của Hà Nội như: nhà văn Đỗ Phấn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt có chuyến đi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1967. Đối với Thomas Billhardt, đến Việt Nam là một sự kiện lớn trong cuộc đời. Bởi, chỉ qua chuyến đi này, ông mới hiểu rõ vai trò của một nhà báo, một phóng viên nhiếp ảnh.

Theo ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe: “Đến Việt Nam vào thời chiến, Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu mà ông còn phải đứng về lẽ phải. Nhiệm vụ Thomas Billhardt tự đặt ra cho mình là những thứ ông đem trở về nước Đức không chỉ là những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim, ông đã tiếp nhận được ở Việt Nam”.

Chụp ảnh thời chiến từ nhiệm vụ tự thân, những bức ảnh mà Thomas Billhardt chụp cảnh chiến tranh tàn phá ở Việt Nam đã làm thức tỉnh lương tâm của rất nhiều người Đức sau đó. Nếu như xem những bức ảnh trong cuốn sách Hà Nội 1967 – 1975, người xem sẽ thấu hiểu được tấm lòng của tác giả muốn đem lại những hình ảnh rất tích cực về Việt Nam thời chiến mặc dù ở thời điểm đó chiến tranh đang rất khổ ải.

Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 1): Biên niên sử Hà Nội thời chiến bằng hình ảnh - 2
Sách ảnh Hà Nội 1967 – 1975

“Tính nhân đạo của cuốn sách Hà Nội 1967 – 1975 rất cao nằm ở chỗ không một bức ảnh nào nhà cửa bị bom đánh đổ nát. Tất nhiên sẽ có một số ảnh người xem sẽ thấy có người thương binh nào đó bị cụt chân, cụt tay nhưng hình ảnh xuyên suốt trong cuốn sách mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Thomas Billhardt qua ảnh không nói quá nhiều đến sự đau đớn của thời chiến” - ông Wilfried Eckstein nói.

Không sai khi nói, Hà Nội 1967 – 1975 là cuốn sách mang nửa thế kỉ quá khứ trở về lại với hiện tại. Cuốn sách là tập hợp những bức ảnh chụp Hà Nội thời chiến nhưng nói đến cuộc sống bình thường dưới bom đạn mà ở đó người dân vẫn sống và làm việc bình thường, vừa chịu đựng, vừa chống trả lại sự khốc liệt của chiến tranh. Và những bức ảnh có tuổi đời hơn nửa thế kỉ trong Hà Nội 1967 – 1975 còn kể về một Hà Nội biến chuyển qua từng giai đoạn mà giờ đây đã trở thành ký ức khó quên của những nhân chứng một thời đi qua những năm tháng không thể phôi phai.

Trong ký ức của nhà văn Đỗ Phấn, Hà Nội bắt đầu từ những năm 1964 sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, rục rịch bước vào giai đoạn chiến đấu tiếp theo, đã chuẩn bị tất cả những phương án để chống trả lại sự oanh tạc của máy bay Mỹ. “Những năm đầu mới tiếp quản thủ đô, cuộc sống ở Hà Nội êm đềm, nhẹ nhàng lãng mạn vô cùng, có thể nhìn thấy những dấu vết này rất nhiều trên những bức ảnh của Thomas Billhardt chụp.

Những bức ảnh Thomas Billhardt chụp Hà Nội những năm 1967, khi ấy thành phố đã sơ tán gần như triệt để, chỉ còn những người làm công việc hết sức cần thiết mới phải ở lại. Người già, trẻ con thậm chí nhiều nhà máy, công xưởng đã sơ tán về những vùng nông thôn. Không khí chiến tranh thời bấy giờ tôi còn nhớ rất rõ mỗi một lần được về Hà Nội thấy thành phố của mình vắng lặng đến lạ, những con phố rất dài, không gặp bất cứ một ai. Không khí ở Hà Nội vào những năm từ 1972 đến 1975, nhịp sống trở lại tương đối nhộn nhịp, bình thường hơn nhưng vẫn phải đối mặt với chiến tranh cho đến năm 1975 khi đất nước thống nhất” - nhà văn Đỗ Phấn kể.

Sách ảnh ‘Hà Nội 1967 – 1975’ của Thomas Billhardt (Kỳ 1): Biên niên sử Hà Nội thời chiến bằng hình ảnh - 3
Những chiếc xe đạp như trong ảnh giờ rất hiếm thấy tại Hà Nội. Ảnh: Hà Nội 1967-1975

Vào thời chiến, do điều kiện hạn chế về máy ảnh, phim chụp khó có nghệ sĩ nhiếp ảnh nào có điều kiện để ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống thời chiến ở thủ đô. Mặc dù thời bấy giờ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh kể cả những nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội không phải ít song không ai có thể sở hữu được những bộ ảnh đầy đủ về Hà Nội thời chiến như Thomas Billhardt trong vòng 6 lần nhiếp ảnh gia sang Việt Nam.

Coi việc ghi lại những khoảnh khắc đời thực ở Hà Nội vào thời chiến của Thomas Billhardt như “một nghi thức đầu tiên của người chụp ảnh”, nhà văn Đỗ Phấn cho rằng: “Thomas Billhardt rõ ràng không phải chụp ảnh theo cách của những người làm nghệ thuật, không nhìn thấy bất cứ sự chấm phá nào để thấy Thomas Billhardt cố tình làm ra những kỹ thuật, kỹ xảo về ánh sáng, bố cục để ly kỳ, ghê gớm hóa tác phẩm của mình. 

Chủ đề của Thomas Billhardt xuyên suốt ngay từ những tấm ảnh đầu tiên. Chính vì thế bộ ảnh chụp của Thomas Billhardt giống như một biên niên sử bằng hình ảnh, xem hết cuốn sách Hà Nội 1967 – 1975 có thể hình dung ra suốt một quãng thời gian khá dài ở Hà Nội từ nội thành cho đến những vùng ngoại thành rất gần gũi”.

Rõ ràng, hiếm thấy một nhiếp ảnh gia nào quan tâm đến Hà Nội triệt để như Thomas Billhardt. Những ký ức Hà Nội thời chiến được Thomas Billhardt nắm bắt một cách cụ thể, chi tiết cho thấy ý thức hình thành những tác phẩm nhiếp ảnh có tính thời đại. Nói như, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, có nhiều cách để chúng ta viết sử, nhà nhiếp ảnh viết sử bằng những bức ảnh chụp.

Tử Văn
 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những sóng gió vùi dập HAGL và hy vọng “hồi sinh” của bầu Đức

Những sóng gió vùi dập HAGL và hy vọng “hồi sinh” của bầu Đức

Từng là doanh nghiệp BĐS đầu ngành, những quyết định sai lầm trong kinh doanh khiến HAGL trải qua hơn một thập kỷ sóng gió, nhiều thời điểm đối diện nguy cơ phá sản khi tổng nợ lên tới gần 33.000 tỷ đồng. Nhưng sau chục năm chìm trong nợ nần, HAGL của bầu Đức đang dần “hồi sinh” với hướng đi mới.

3 con giáp hớp hồn thiên hạ, quyến rũ bất chấp tuổi tác

3 con giáp hớp hồn thiên hạ, quyến rũ bất chấp tuổi tác

Theo tử vi, những người thuộc 3 con giáp này thường thể hiện sự thu hút và quyến rũ mạnh mẽ trong tình yêu và các mối quan hệ. Hành vi của họ đôi khi có thể gây tranh cãi, nhưng sự quyến rũ và tầm ảnh hưởng của họ là điều không thể phủ nhận.