Viết và Đọc có một chuyên đề đặc biệt

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022), Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức giới thiệu cuốn Viết và Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc.

Đây là ấn bản đặc biệt về văn học Hàn Quốc do các nhà văn, dịch giả, học giả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc chung tay thực hiện, một minh chứng nữa về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn học.

Đến dự cuộc giao lưu, giới thiệu cuốn sách đặc biệt này có sự hiện diện của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Suk Jin Young - giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam; Các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đã từng đến thăm, giao lưu văn hóa và có nhiều tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Hàn Quốc như nhà văn Y Ban, nhà thơ Trần Quang Đạo, nhà văn Thùy Dương, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, dịch giả Lê Đăng Hoan…

Viết và Đọc có một chuyên đề đặc biệt - 1

Toàn cảnh buổi ra mắt ấn phẩm Viết và Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam sáng 30/9 (Ảnh: Tuấn Anh)

Lịch sử hiện đại đã chứng kiến một trong những hiện tượng kỳ lạ của trào lưu di dân: nhiều thập kỷ gần đây đã có hai luồng người khổng lồ di chuyển song song ngược chiều nhau, người Việt tới Hàn Quốc và người Hàn sang Việt Nam, làm ăn, sinh sống, hình thành cộng đồng ở mỗi nước. Cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam là một trong những cộng đồng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, còn cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc luôn đứng ở vị trí lớn thứ hai trong số những cộng đồng người nước ngoài ở xứ sở Kim chi.

Cùng với sự dịch chuyển về dân cư là dịch chuyển văn hóa, trong đó văn hóa đọc là một yếu tố cốt lõi. Đó cũng là lý do ra đời của ấn phẩm Viết và Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc.

Viết và Đọc có một chuyên đề đặc biệt - 2

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng hoa cho ông Suk Jin Young - giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong ấn phẩm có sự hiện diện những cây bút hàng đầu của văn học Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Có cả những tác giả trẻ, đại diện cho tương lai của văn học Hàn Quốc.

Bên cạnh đó là những hồi ức của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam từng có dịp tới thăm Hàn Quốc, được bạn bè, người dân nơi đây tiếp đón nồng hậu, khắc ghi trong tâm khảm những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về đất và người xứ sở Kim chi.  

"Người Hàn Quốc có câu: dù không ở gần nhau nhưng tôi vẫn dõi theo bạn! Ấn phẩm về văn học Hàn Quốc mở ra một cánh cửa để người đọc Việt Nam có thể dõi theo nền văn học Hàn Quốc, dõi theo tâm tư tình cảm của những người bạn nhiều duyên nợ và không ít những tương đồng lịch sử", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Viết và Đọc có một chuyên đề đặc biệt - 3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Tuấn Anh)

Với người đọc Việt Nam, đây là dịp để hiểu biết thêm về văn học Hàn Quốc, một nền văn học có truyền thống đẹp đẽ, sức sống lâu bền nhưng còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.

Còn đối với những người Hàn Quốc biết và sử dụng tiếng Việt, ấn phẩm này là một cơ hội để đọc lại văn chương quê hương xứ sở qua con mắt của các dịch giả người Việt, những người đã chuyển soạn tài tình các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang ngôn ngữ quê hương thứ hai của mình. 

Tuấn Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất