Xòe Thái – dấu son trong nền văn hóa nhân loại

Trải qua tiến trình hơn chục thế kỷ cộng sinh, cộng cảm, cộng mệnh cùng các dân tộc khác trong cộng đồng quốc qua đa dân tộc Việt Nam, nghệ thuật Xòe Thái đã luôn đồng hành với đời sống cộng đồng dân tộc, trở thành dấu son trong nền văn hóa Thái. Với những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật có sức sống hàng nghìn năm đó, ngày 15/12/2021, tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO xét duyệt, ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xòe Thái từ đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái mà đã và đang trở thành niềm tự hào chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, hôm nay và mai sau.

Cộng đồng người Thái xuất hiện ở Việt Nam từ trên/dưới nghìn năm nay, tụ cư chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, lan về phía tây – nam, xuống các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và tỏa vào một số địa bàn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí sang đến vùng đất Thái Lan…

Xòe Thái – dấu son trong nền văn hóa nhân loại - 1

Các loại nhạc cụ dùng trong những điệu xòe bao gồm trống, chiêng, các quả chuông nhỏ, những thanh tre, thanh la và đặc biệt là đàn tính tẩu.

Trải qua hơn mười thế kỷ làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Đại Việt (Việt Nam sau này), cộng đồng người Thái đã sớm gắn bó vận mệnh của mình với các cộng đồng dân tộc anh em, gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Trên tiến trình lịch sử sinh tồn và phát triển, cộng đồng người Thái đã bảo tồn, sáng tạo và phát huy được một nguồn di sản văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng và độc đáo, trong đó, nghệ thuật Xòe nổi lên như bản sắc hấp dẫn, sinh động và đặc sắc nhất của dân tộc mình.

Chính vì thế, đã từ hàng chục năm qua, múa dân gian Thái/nghệ thuật Xòe Thái trở thành đối tượng quan tâm ghi chép, sưu tầm của nhiều thế hệ nghệ nhân người Thái – những chủ nhân thực hành của chính di sản nghệ thuật Xòe Thái; cùng sự quan tâm khảo sát, nghiên cứu của nhiều thế hệ các học giả, nhà nghiên cứu trong, ngoài nước. Những giá trị nghệ thuật của Xòe Thái đã vì thế được khai thác, phát huy từ nhiều giác độ, đóng góp sâu rộng vào sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam nói riêng và đời sống văn hóa cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung.

Xòe Thái – dấu son trong nền văn hóa nhân loại - 2

Điệu xòe khăn của các cô gái Thái đen ở Sơn La.

Lần theo quá trình thiên di và chinh phạt vùng đất mới của người Thái từ thượng nguồn sông Hồng và sông Mê Kông giáp Tây Tạng về phía tây bắc, men theo các triền sông tràn xuống phương Nam, một số bộ phận định cư ở vùng Tây Bắc Việt Nam, họ đã mang theo những câu chuyện thần thoại, chuyện cổ tích, những bài dân ca, những bản nhạc dân gian, những họa tiết hoa văn đẹp, độc đáo, thêu trên chăn gối, trên quần áo, khăn Piêu và đặc biệt là những điệu Xòe sơ khai từ thời tiền nhân truyền lại để làm hành trang văn hóa cho mình và con cháu mình.

Theo nhà dân tộc học Cầm Trọng: “Ngày xưa, khi các đoàn quân chinh chiến của các nhóm Thái ra đi, các thủ lĩnh của họ mặc áo dài đỏ, dưới chân vạt áo có một đường họa tiết trang trí màu sắc rực rỡ. Đoàn quân ấy rất thạo về tay kiếm, tay mộc, tay khiên…từ đó dần dần xuất hiện điệu múa gọi là “Xé lảng, xé pén” (múa mộc, múa khiên). Điệu múa bắt đầu khởi động khi tiếng “cong” (một loại trống to) và chiêng đồng vang dậy. Cả đoàn quân mang kiếm, mộc, khiên lên múa theo sự điều khiển của “ho lảng”. Những bô lão lần lượt đến cầm tay thủ lĩnh rồi dàn thành đội hình, vừa múa điệu “xé lảng, xé pén” vừa reo hò ầm ĩ để tỏ hết nỗi hân hoan sau những trận đánh” (Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam; NXB Khoa học xã hội).

Như vậy, trước khi đến Việt Nam với những tư thế, động tác trong chinh chiến, người Thái đã sáng tạo ra các điệu múa tương tự, hoặc mô phỏng các hoạt động  trong công cuộc lao động săn bắt, hái lượm hay những biện pháp chống chọi với mưa bão, lũ lụt, với mãnh thú để vừa phải tự vệ vừa kiếm sống,…

Chính từ những điệu vỗ tay quanh đống lửa, những tiếng hú vang động núi rừng mỗi khi có niềm vui hoặc hiểm nguy hay những lúc cần tăng sinh khí cho con người mà người Thái đã sáng tạo ra những nhịp Xòe, những động tác nhảy múa kèm theo các dụng cụ lao động và sinh hoạt cá nhân như nón, gậy, khăn, quạt, đàn tính… Theo nhà dân tộc học Cầm Trọng: “Đến thời kỳ xây dựng bản mường thì điệu múa “xé lảng, xé pén” đã biến thành một thứ múa nghi thức trong các lễ như xên mường, xên cha, hoặc trong những đám ma của các thủ lĩnh đất mường”. Và, “trong lao động, một loạt điệu dân vũ Thái đã xuất hiện. Những điệu múa khăn, múa nón, đơn giản, điệu múa chai, múa hái rau …ra đời” ( 2. Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam; NXB KHXH,H., (1978, tr. 413).

Cùng với những hình thức sinh hoạt nhảy múa thời kỳ sơ khai tìm đất mới để an cư lập nghiệp ấy, xét về cội nguồn, Xòe Thái còn là sự bắt nguồn và gắn kết với sinh hoạt tín ngưỡng. Xòe là nơi góp phần thể hiện quan niệm của người Thái về vũ trụ và về nhân sinh, thông qua các hoạt động nghi lễ của các thày cúng và người tham gia thực hành chính là các con bệnh hoặc những người có niềm tin vào thần linh.

Các điệu Xòe nghi lễ cúng Then là biểu hiện tập trung nhất của các hình thức múa (Lễ hội Kin pang Then), với các dạng múa/xòe dâng lễ, múa cầu vong, múa chào mời các hồn vía về, múa dâng lễ cám ơn các thiên binh đã cứu mệnh cho người ốm. Đi kèm theo các điệu múa xòe là những lời hát chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh và ẩn chứa quan niệm của con người về vũ trụ, con người. Theo một số nghệ nhân Thái cao niên, các tộc người sống ở vùng thung lũng đã tạo ra nền văn hóa thung lũng nhưng hệ sinh thái thung lũng cũng chính là nguồn để các dân tộc người này sáng tạo ra một nền văn hóa đa tầng, đa diện mà văn hóa Thái là đại diện.

Trong quá trình chiếm lĩnh, chinh phục, khai thác sinh thái tự nhiên, ở người Thái Trắng Lai Châu đã hình thành nên một hệ thống tín ngưỡng tâm linh thống nhất. Hệ thống đó là những quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan quy tụ, chi phối toàn bộ các sinh hoạt mang tính tín ngưỡng của cả cộng đồng. Và, “Kin pang Then là sinh hoạt lễ hội mang tính tổnh hợp nhất, sôi động nhất của cộng đồng người Thái. Có thể nói, ở Kin pang Then trong lễ có hội, vì các nghi lễ đều được thể hiện bằng lời hát, tiếng đàn, điệu múa. Cũng vì vậy mà phần hội trong Kin pang Then cũng là hội lễ.

Hội lễ này để các vua, then mường vui. Còn hội để cho người trần gian vui phải tổ chức bên ngoài không gian cúng Then. Rời mâm cỗ lộc, người lâng lâng dư âm của không khí thần tiên cùng men say của rượu khiến mọi người cùng nhập vào vòng múa, nhập vào câu hát… Trai bản gái mường rộn rã, mê say trong những điệu múa: Phá pét, Mổ vi, Mổ cúp, Mổ tó cáy, Mổ phá xí…”( Đỗ Thị Tấc sưu tầm, biên dịch, giới thiệu – Kin Pang Then của người Thái Trắng; NXB VHDT, H.,2009,tr. 137 - 138).

Từ 1945 trở về trước, xã hội bản Mường bị phân hóa: bên trên là tầng lớp quý tộc Thái nắm trong tay bộ máy quản lý, thống trị và bóc lột người trực tiếp sản xuất trong bản mường, bên dưới là quảng đại quần chúng nông dân lao động thuộc nhiều thành phần. Vì vậy, trong sinh hoạt cộng đồng cũng có sự phân biệt, dân xòe với dân, quan xòe với quan. Nghệ nhân Lò Văn Biến (Nghĩa Lộ) cho biết: Ngày đó các đội xòe đều do bản thân hoặc các con cháu Phìa (đầu mường) được quan chức chính quyền thực dân cai trị Pháp cho phép đứng ra tổ chức với mục đích tăng uy tín, ảnh hưởng của chế độ thực dân Pháp và của Phìa - Tạo về mặt chính trị, văn hóa. Đồng thời các đội xòe tạo ra những điều kiện vui chơi giải trí, thoả mãn nhu cầu hưởng thụ của chúng. Người xoè gọi là Gái Xòe (Xao Xé). Gái Xòe được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, phải là những cô gái còn trinh, đẹp người, có khiếu xòe ở độ tuổi từ 13 đến 17. Người đệm đàn gọi là Báo Khỏa, họ có chức năng đệm đàn cho Gái Xòe (Xao Xé) luyện tập và biểu diễn.

Từ khi được giải phóng (1954) đến nay, sinh hoạt Xòe được thực hành tại hầu hết các buổi sinh hoạt cộng đồng bản làng, những ngày lễ tiết trong năm. Các bậc cao niên từ lứa tuổi 70 trở lên đều thống nhất nhận định: Từ những năm kháng chiến phục vụ chiến dịch Điện Biên cho đến những năm đầu hòa bình lập lại, chưa bao giờ Xòe lại trở thành nhịp cầu gắn kết sinh hoạt văn hóa giữa quân đội với dân bản chặt chẽ đến vậy. Khác hẳn với chế độ trước đây, bước vào chế độ xã hội mới, quần chúng nhân dân cùng xòe với các nhà lãnh đạo, cán bộ mời dân xòe, bộ đội xòe với dân bản, tình đoàn kết, cố kết cộng đồng càng rõ nét và thắm thiết hơn bao giờ hết, không phân biệt người trên người dưới. Dù đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, tủi nhục, người Thái vẫn truyền giữ được nét đẹp của các điệu xòe và khi gặp cách mạng, tình quân dân càng làm cho không khí mỗi cuộc xòe thêm sôi động…

Nhờ đó, những năm tháng kháng chiến đã  góp phần giúp cho sự giữ gìn, phát triển nét văn hóa riêng của tộc người Thái cũng như những giá trị nhân văn và tính cố kết cộng đồng hết sức chặt chẽ (Tham khảo thêm: Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, (Chương trình Thái học Việt Nam - Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nxb Văn hóa dân tộc, H.,1998, tr.21-24).

Xòe hay xe có nghĩa là nhảy múa trong ngôn ngữ Thái, hình thành từ múa mô phỏng chiến tích trong hoạt động sinh kế hoặc múa tín ngưỡng trong nghi lễ, cách điệu những động tác trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất… Xòe có ba loại chính là Xòe tín ngưỡng, Xòe giải trí và Xòe biểu diễn, chung quy thực hành chỉ có 1 điệu là Xòe vòng.

Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của đời sống cộng đồng, các trí thức của các mường đã góp phần sáng tạo thêm các điệu xòe biểu hiện nội tâm phong phú của con người, một số điệu Xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai, Xòe tính tẩu. Xòe vòng phổ cập trong các sự kiện văn hoá quan trọng của cộng đồng và gia đình với sự tham gia của đông đảo mọi người. Các điệu Xòe có các động tác cơ bản là: vung tay, mở tay, cầm tay, bước chân, nhấc chân, nhún chân, nghiêng phải, nghiêng trái. Với Xòe ở Mường So (Phong Thổ - Lai Châu), động tác múa được thể hiện bằng cách nhún năm đầu ngón chân, tay vung cao, các bước chuyển lướt nhanh hơn, tạo ra sự thăng hoa cho người thực hiện.

Nhạc cụ đệm cho Xoè bao gồm trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, tính tẩu, kèn, chũm choẹ. Tiết tấu giai điệu khác nhau ở sự nhanh, chậm của động tác múa, trong quá trình mô phỏng hành trình Then lên trời, tìm hồn về nhập xác. Chính vì thế, những hình thức múa then kèm các đạo cụ như khăn, quạt, quả lắc, gậy,… là cách thức mô phỏng các hình thức được thực hiện trong hành trình của Then lên trời, trở thành các biểu tượng nghệ thuật: Động tác kéo khăn tượng trưng cho chèo thuyền vượt sông Ngân Hà, có khi chiếc khăn được tái hiện động tác của cái cuốc, con dao dùng phát mở đường cho đoàn Then đi, có khi lại được xoáy tròn trên đầu tượng trưng cho gió, cho mây; quả lắc – ma hính tượng trưng cho tiếng nhạc ngựa đưa Then đi; múa tính tẩu tượng trưng cho hai con gà chọi nhau. Những động tác múa nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc, trang phục truyền thống tạo cho Xòe trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc.

Sinh hoạt Xòe ở tất cả các thôn bản người Thái (như đã nêu ở trên), không phân biệt lứa tuổi, giới tính, thành phần nghề nghiệp, chính trị, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay niềm tin tôn giáo. Bên cạnh những điệu Xòe dành cho những “con hoa” của thầy cúng, hay những điệu Xòe khó dành cho các nghệ nhân có kinh nghiệm, Xòe vòng là xòe thập thể, dành cho tất cả mọi người. Bằng cách thu hút mọi người cùng tham gia, Xòe thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên của cộng đồng người Thái và ngoài cộng đồng. Chính vì thế, nghệ thuật Xòe Thái là phương tiện giao tiếp để kết nối các cộng đồng xích lại gần nhau và đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái.

Xòe Thái – dấu son trong nền văn hóa nhân loại - 3

Xòe Thái - sức sống của con người Tây Bắc.

Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa nước Việt. Theo số liệu khảo sát tại các địa bàn được kiểm kê di sản, có tới 97% cho rằng nghệ thuật Xòe Thái giúp tạo không gian vui chơi giải trí cho người dân cộng đồng cũng như việc mở rộng quan hệ với các cộng đồng thôn bản trong vùng. 75,8% cho rằng nghệ thuật xòe có giá trị tạo quan hệ đoàn kết, giao lưu cộng đồng trong thôn/bản. 57,6% cho rằng nghệ thuật xòe giúp đáp ứng cho nhu cầu thực hành tín ngưỡng, phong tục của người dân và 55,6% cho rằng nghệ thuật xòe thể hiện tín ngưỡng dân gian của địa phương. Kết quả này cho thấy nghệ thuật xòe ngày càng hướng tới các giá trị giải trí, tăng sự phong phú trong đời sống tinh thần cho người dân các cộng đồng người Thái ở các địa bàn cư trú và sinh sống làm ăn.

Nghệ thuật Xòe Thái có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Thái, là sân chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả, giúp con người được vui vẻ, thư giãn, phục hồi sức khỏe để sau đó tiếp tục tham gia lao động, sản xuất năng xuất, hiệu quả hơn. Xòe Thái như là một nguồn lực văn hóa, kết nối các thành viên cộng đồng để tạo thành sức mạnh tập thể. Nghệ thuật Xòe Thái trở thành một thứ tài nguyên văn hóa để cộng đồng người Thái góp phần phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và quan hệ giao lưu với các dân tộc anh em, trong và ngoài nước. Nghệ thuật Xòe Thái góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian, đóng góp cho quá trình sáng tạo, đa dạng hóa nguồn vốn di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

Bùi Quang Thanh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.