Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới

Tôi và Mozart

Nhà soạn nhạc Pháp Charles Gounod (1818-1893) có lần trò chuyện với một nhạc sĩ trẻ. Gounod trầm ngâm nói:

- Chúng ta càng đi sâu vào nghệ thuật của chúng ta bao nhiêu thì chúng ta càng quý trọng các bậc tiền bối của mình bấy nhiêu. Hồi bằng tuổi anh, tôi tự nhủ “Ta”.

Năm 25 tuổi tôi nói: “Tôi và Mozart”.

Năm 40 tuổi tôi nói: “Mozart và tôi”.

Còn bây giờ thì tôi khẽ nói: “Mozart”.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 1

Charles Gounod (1818 - 1893)

Chàng trai tuấn tú

Họa sĩ Michelangelo, người Ý (1475-1564) đã vẽ nhà thơ đồng hương, kiêm quan chấp chính thành Firenze là Medici thành một anh chàng điển trai khôi ngô tuấn tú, mặc dầu trên thực tế anh ta hơi gù.

- Nhưng ai sẽ biết điều đó sau 500 năm nữa? - họa sĩ trả lời thắc mắc của Medici.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 2

Michelangelo (1475 - 1564)

Nhà hóa học trẻ tuổi

Có lần người ta hỏi gia nhân của nhà hóa học Thụy Điển Berzelius (1779-1848) là chủ nhân của anh ta đang làm gì. Gia nhân đáp:

- Buổi sáng tôi lấy từ trong tủ ra bột, tinh thể và chất lỏng.

- Để làm gì?

- Ông ấy đem trộn tất cả vào một cái bình lớn.

- Rồi sao nữa?

- Ông ấy rót vào một cái bình nhỏ hơn.

- Rồi sau đó?

- Sau đó ông ấy trút tất cả vào một cái xô mà hàng ngày tôi đem đi đổ vào hố rác.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 3

Berzelius (1779 - 1848)

Sống lại

Một người bạn của nhà văn Mỹ, Mark Twain (1835-1910) vay của ông một món tiền khá lớn và hứa trong vòng một tháng sẽ hoàn lại, nếu như ông ta còn sống.

Một tháng đã trôi qua. Món nợ vẫn chưa được hoàn lại. Thấy vậy, Mark Twain bèn cho đăng trên một tờ báo lời bố cáo sau đây:

“Tôi vô cùng đau buồn xin thông báo với bạn bè gần xa rằng ông Harri Duncan đã tạ thế ngày hôm qua. Ông ấy có nợ tôi một số tiền là 500 đôla và hứa sẽ hoàn lại sau một tháng, nếu như ông không qua đời trong thời gian đó. Bởi lẽ ông bạn Harri Duncan của tôi bao giờ cũng giữ đúng lời hứa, do đó ông đã mất. Cầu mong ông yên nghỉ nơi suối vàng”.

Sau thông báo đó, “người chết” lập tức sống lại và Mark Twain nhận lại được số tiền của mình.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 4

Mark Twain (1835 - 1910)

Tấm kính bị vỡ

Nhạc sĩ Đức Christoph Gluck (1714-1787) khi đi ngang qua một cửa hiệu đã vô tình làm vỡ một tấm kính trên cửa sổ. Ông bèn hỏi chủ nhân xem tấm kính giá bao nhiêu và khi biết là 1,5 franc, đã đưa cho ông ta một đồng tiền vàng (trị giá 3 franc).

Chủ hiệu không có tiền trả lại và muốn đem đồng tiền vàng đi đổi ở chỗ hàng xóm.

- Ồ, xin đừng mất thì giờ - Gluck nói - xin ông hãy giữ lại đồng tiền vàng ấy, tôi sẵn sàng đánh vỡ thêm một tấm kính nữa.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 5

Christoph Gluck (1714 - 1787)

Lạc quan đến cùng

- Voltaire (nhà văn, triết gia, nhà soạn kịch người Pháp, 1694-1778): ở tuổi 83 vẫn còn đủ sức đến Paris thăm bạn bè: “Tôi đã ngừng cuộc chiến đấu của tôi với thần chết để đến ôm hôn các bạn bè một lần nữa”. Và quả thật, ông đã qua đời sau đó mấy tuần.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 6

Voltaire (1694 - 1778)

- Heinrich Heine (nhà thơ nổi tiếng người Đức, 1797-1856): yếu đến nỗi các cô hộ lý phải giở mình cho ông trên giường, song nhà thơ vẫn tự hào và lạc quan nói với bạn bè: “Các vị thấy đấy, đàn bà vẫn cứ bế tôi trên tay!”.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 7

Heinrich Heine (1797 - 1856)

- Bernard Shaw (nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà chính trị người Ireland, 1856-1950): đã cắn răng chịu đựng cuộc giải phẫu căng thẳng và làm cho bác sĩ phẫu thuật phải kinh ngạc bởi câu nói: “Ông sẽ chẳng được lợi mấy nếu tôi sẽ bình phục. Sự nổi tiếng của người thầy thuốc được tạo ra bởi số lượng các danh nhân đã chết trên tay ông ta”.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 8

Bernard Shaw (1856 - 1950)

- Bernard Fontenelle (nhà bác học Pháp, 1657-1757): tuy ốm nặng nhưng vẫn cố dạo chơi lần cuối cùng trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris. “Tôi quyết định tiến hành cuộc tập duyệt tang lễ của tôi” - ông tuyên bố.

Giai thoại về một số danh nhân trên thế giới - 9

Bernard Fontenelle (1657 - 1757)

Đặng Đức (Theo Nature News)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.