Bức tượng bán thân của Nefertiti: Hé lộ cả một nền văn minh
Vào ngày 6 tháng 12 năm 1912, một trong những di tích nghệ thuật cổ đại tuyệt vời nhất đã được tìm thấy - tượng bán thân của Nefertiti. Nhờ vật phẩm nhỏ này, người châu Âu đã nhìn vào lịch sử của Ai Cập cổ đại theo một cách hoàn toàn khác. Trong nhiều thế kỷ, người ta tin rằng thành tựu chính của nền văn minh Ai Cập là những kim tự tháp khổng lồ cùng những tượng đài hoành tráng, và giá trị của các tác phẩm nghệ thuật được xác định bởi tuổi tác, sự bí ẩn và thần bí phức tạp của chúng. Nhưng bức tượng bán thân của Nefertiti đã làm đảo lộn mọi khái niệm về nghệ thuật tại vùng đất của các pharaoh. Vào ngày kỷ niệm khám phá vĩ đại này (6 tháng 12, báo chí thế giới) nhớ lại câu chuyện về bức tượng bán thân Nefertiti.
Người phụ nữ kỳ lạ
Lịch sử phát hiện ra kiệt tác này khá bình thường, nhưng những âm mưu và những cuộc tranh chấp xung quanh bức tượng bán thân người vợ xinh đẹp của Pharaoh Akhenaten (tên của bà ta được dịch gần đúng là "Người đẹp đã đến") đã bùng nổ không chỉ bởi quá trình diễn ra các sự kiện cũng như sự lý giải việc phát hiện ra nó. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc thám hiểm của nhà khảo cổ học người Đức Ludwig Borchardt đã được tiến hành khá chính thức, và các cuộc khai quật được thực hiện theo tất cả các quy định. Việc những phát hiện được đưa đến Đức cũng theo đúng những luật lệ thời bấy giờ.
Có điều này, Borchardt đã gian lận một chút khi chia những gì tìm được, nên bức tượng bán thân của Nefertiti không rơi vào nửa mà theo thỏa thuận, vẫn nằm trong tay chính quyền Ai Cập. Bản thân nhà khoa học đã tạo cớ cho hành động của mình để không sẵn sàng chia nhỏ bộ sưu tập hiện vật từ xưởng của nhà điêu khắc Thutmose, điều này lại cũng hoàn toàn hợp lý từ quan điểm khảo cổ học. Một “phức hợp khép kín”, tức là một tập hợp các đối tượng từ một không gian kín nào đó xuất hiện trong lòng đất cùng một lúc và không bị xáo trộn cho đến thời điểm khai quật, luôn mang một giá trị và một thành công lớn đối với nhà nghiên cứu. Đây giống như một kiểu ảnh chụp nhanh đưa chúng ta đến một thời điểm lịch sử cụ thể, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc giải thích và xác định niên đại của những đồ vật được tìm thấy.
Mặt khác, rõ ràng là lập luận khoa học này hầu như lại không có chút sức nặng nào đối với những người Ai Cập yêu nước. Cũng nói luôn, bản thân nhà khảo cổ người Đức Borchardt cũng hiểu rõ sẽ có phản ứng bằng một cuộc biểu tình công khai về Nefertiti, bởi vậy ông ta đã tìm cách ngăn cản phản ứng ấy bằng mọi khả năng có thể. Bức tượng bán thân không bị giấu giếm, nhưng nó cũng không được quảng cáo ầm ĩ, nó nằm ở Berlin trong bảo tàng gia đình của nhà từ thiện cũng là nhà tỷ phú James Simon - người có đủ tiền bạc để tổ chức một chuyến phiêu lưu mạo hiểm tới Amarna.
Tượng Ai Cập
Nhưng mười năm sau, James Simon đã nhiều tuổi quyết định tặng bộ sưu tập Ai Cập của mình cho nhà nước, còn với những đồ vật từ “xưởng Tutmosa” cất giữ trong một căn phòng đặc biệt. Trong căn phòng này cũng không thể không trưng bày kiệt tác kia. Việc khám phá được hiện vật quý ấy diễn ra vào năm 1924 và như dự đoán của Borchardt, đã gây ra hiệu ứng như một quả bom. Bức tượng bán thân của Nefertiti hóa ra lại hoàn hảo và hiện đại đến mức nhiều khách tham quan ngay lập tức tỏ ra nghi ngờ về nguồn gốc xa xưa của nó.
Tuy nhiên, những cuộc bàn cãi ấy nhanh chóng lắng xuống, bởi vì ngay thời đó đã phải thừa nhận rằng bức tượng bán thân được tạo ra bởi một thiên tài hiện đại nào đó, mà không thể xác định được là ai. Niềm phấn hứng của các nhà sử học nghệ thuật và của du khách bình thường đã được phản ánh trên các trang báo, và khi họ đến Ai Cập, các quan chức địa phương đã đặt ngay cho họ câu hỏi về tính hợp pháp của việc xuất khẩu kiệt tác ấy và khả năng hoàn trả nó về quê hương.
Tuy nhiên, các phạm trù công bằng lịch sử và một phần đạo đức khoa học đã được mang ra thảo luận: liệu nhà khảo cổ học người Đức Borchardt có cố tình đánh lừa các đồng nghiệp Ai Cập không, ông ta có hối lộ ai đó không, hoặc họ có đồng ý với lập luận của ông ta không.Kết quả là Borchardt không vi phạm luật pháp, chính người Ai Cập đã thừa nhận rằng họ đã cho phép nhà khoa học Đức tiếp tục khai quật ở vùng Thung lũng sông Nile sau khi vụ bê bối lắng xuống. Đúng vậy, nhà khảo cổ học đã làm việc dưới lá cờ Thụy Sĩ, vì ông ta buộc phải rời quê hương, nơi Đức quốc xã lên nắm quyền.
Thú vị hơn, không lâu trước khi qua đời, Simon Borchard đã viết một bản kiến nghị chính thức về việc chuyển bức tượng bán thân của Nefertiti sang Ai Cập, nhưng chính phủ Đức đã không hề có phản hồi với đề nghị này.
Những giá trị độc đáo
Đến những năm 20 của thế kỷ XX, nghệ thuật Ai Cập đã khá nổi tiếng ở châu Âu - nó không chỉ được nghiên cứu ở các trường đại học mà còn ở các trường trung học bình thường. Nhưng trong thực tế bộ sưu tập Amarna, với kiệt tác chính là tượng bán thân của Nefertiti, hoàn toàn khác với tất cả các tác phẩm khác được tạo ra ở Ai Cập trước và sau thời đại của triều đại XVIII. Khoảng thời gian khá ngắn này vào giữa thế kỷ XIV trước Công nguyên, mà trong lịch sử Ai Cập thường gắn liền với những cải cách tôn giáo của người chồng pharaoh Nefertiti Amenhotep IV, hay Akhenaten, như ông tự đặt tên cho mình.
Tóm lại, bản chất của những thay đổi bắt nguồn từ việc vị thần chính (nhưng không phải là vị thần duy nhất, như đôi khi người ta vẫn tin) của vùng đất Ai Cập, được tuyên bố là hiện thân của đĩa mặt trời Aton, và cặp đôi "được Chúa chọn" của Pharaoh Akhenaten và vợ Nefertiti đóng vai trò là mối liên kết giữa vị thần mặt trời và con người. Điều này đã củng cố vị thế của pharaoh và gia đình ông, đồng thời làm giảm đáng kể ảnh hưởng của chức tư tế. Cuộc cải cách đã không thành công, và con trai của Akhenaten là Tutankhaton đã thực sự rút lại, lấy cái tên mà chúng ta biết về ông - Tutankhamun.
Tuy không có ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình lịch sử nhưng những cải cách đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa ở Ai Cập. Sự việc là ở chỗ những thay đổi về tôn giáo đã phá vỡ quy tắc tạo hình được phát triển qua nhiều thế kỷ mà những hình ảnh thiêng liêng phải tuân theo, và những motiv tôn giáo bằng cách nào đó đã thấm vào mọi lĩnh vực đời sống của người Ai Cập cổ đại. Quy tắc "atonic" mới như vậy chưa kịp có thời gian để xuất hiện, và một khoảng trống đã mở ra trước các nghệ sĩ để họ có thể tạo ra mà không cần quan tâm đến các chuẩn mực và truyền thống đã được thiết lập. Và khi đó, tài năng phi thường và trình độ kỹ năng cao của các nghệ sĩ - trước đây bị che khuất bởi chủ nghĩa sơ lược và biểu tượng được nhấn nhá, nay được bộc lộ.
Khá nhiều bức chân dung điêu khắc chính xác, có hồn và tuyệt đẹp của Nefertiti và chồng bà là Akhenaten, của các cô con gái họ, các cận thần nổi tiếng và vô danh, một người vợ khác của Pharaoh Kiya, mẹ của ông là Tiya. Càng ngạc nhiên hơn và hoàn toàn bất ngờ là những phác thảo còn lưu lại đến ngày hôm nay, ví như pharaoh nhẹ nhàng hôn vợ, Nefertiti bất cẩn ngồi trong lòng chồng, con gái của pharaoh vây quanh cha và mẹ... Tính hiện thực và độ chính xác của những hình ảnh này, việc cá thể hóa của những gì được miêu tả không phải là hình ảnh nghi lễ của vị vua vĩ đại và gia đình ông ta, như đã được chấp nhận trước đây, mà là của những con người sống cụ thể, dễ nhận biết... rất gây ấn tượng.
Cho đến nay, những cuộc tranh cãi vẫn chưa lắng xuống quanh hình ảnh nổi tiếng của Nefertiti mang giá trị thực tế đến mức nào. Rõ ràng, lúc đầu, bậc thầy (có thể là Thutmose) đã tạo ra một hình ảnh bằng đá hoàn toàn chân thực về nữ hoàng không còn trẻ nữa - có thể bằng cách sử dụng một chiếc mặt nạ đã được tháo ra khỏi khuôn mặt của bà ấy. Tuy nhiên, sau đó, bằng cách áp dụng lớp thạch cao bên ngoài và sơn nó, nhà điêu khắc đã quyết định phần nào trẻ hóa hoặc lý tưởng hóa vẻ ngoài của Nefertiti.
Rõ ràng, hình ảnh này của Nefertiti lẽ ra phải trở thành tài liệu tham khảo cho các bản sao trong đền thờ, cung điện... Tượng bán thân của pharaoh Akhenaten, những đứa trẻ hoàng gia và các cộng sự thân thiết từ kho của Thutmose có thể có cùng mục đích, nhưng đã không được hoàn thành. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những giả định, thời kỳ Amarna chỉ kéo dài vài thập kỷ. Công cuộc cải cách đã bị cắt giảm, bị tuyên bố là dị giáo.
Người ta cố gắng phá hủy mọi thứ gợi nhớ đến những công việc đang làm của Akhenaten, thủ đô mới Akhetaton do ông sáng lập (gần thành phố Amarna hiện đại) đã bị hủy bỏ và bỏ hoang. Xưởng của nhà điêu khắc Thutmose cũng bị đập bỏ. Có thể hình dung một chiến binh dùng gậy đập phá những bức tượng bán thân đã hoàn thiện và không hoàn thiện đứng trên giá và đập vào hình ảnh của Akhenaten. Chiếc kệ bị vỡ, những đồ vật được vận chuyển tới rơi xuống sàn, nhưng những bức tượng bán thân bên dưới hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Rõ ràng, mái của tòa nhà đã bị sập, sau đó gạch bùn của các bức tường dần dần tan chảy. Cát nuốt chửng xưởng bỏ hoang và những đồ vật ẩn giấu trong đó, và chỉ sau ba nghìn năm rưỡi chúng mới được đoàn thám hiểm Borchardt phát hiện ra. Nghệ thuật tuyệt vời của thời đại Amarna hóa ra là một thoáng bùng sáng ngắn ngủi chợt lóe lên và tắt ngấm ở Ai Cập, nhưng sự phản chiếu của nó đã được nhận ra ở các quốc gia khác của Địa Trung Hải, chủ yếu ở Hellas, nơi không bị các quy tắc cứng nhắc gò bó.
Cuộc sống mới
Một vẻ đẹp không biết đến tuổi tác, nhiều du khách ngưỡng mộ Bảo tàng Berlin đã ghi nhận như thế. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật thì nhấn mạnh đến chủ nghĩa tự nhiên bay bổng, nụ cười bí ẩn gần như khó nắm bắt, sự tỉ mỉ của từng đường nét trên khuôn mặt của Nefertiti. Và còn nữa - đó là sự cao quý và lòng tự trong không thể diễn tả bằng lời mà bậc thầy cổ đại đã truyền đạt được. Không khó để tưởng tượng ra một Nefertiti không có vương miện trong trang phục hiện đại hàng ngày, nhưng bà ta vẫn sẽ không mất đi vẻ uy nghiêm của hoàng gia.
Sự xuất hiện của bức tượng bán thân Nefertiti chẳng bao lâu đã gây ra một "phản ứng dây chuyền". Phong cách nghệ thuật tinh tế của tác giả bức chân dung điêu khắc này đã gây được tiếng vang trong lòng người châu Âu từ những năm 1920. Sau những đau khổ từng nếm trải, con người ta khao khát cái đẹp lý tưởng.
Tháng 4 năm 1925, Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp Hiện đại (Exposition Internationale des Arts Decoratifs et Industriels Modernes) khai mạc tại Paris. Nó đã trở thành một sự kiện văn hóa trên quy mô toàn cầu, xác định sự ra đời của một phong cách mới, sau những chữ cái đầu tiên từ tên gọi ngắn gọn của triển lãm là Arts Decoratifs. Và một trong những ngọn nguồn cảm hứng đối với các nghệ sĩ nhân cách hóa xu hướng mới là tác phẩm của các bậc thầy Ai Cập thời Amarna, trước hết là bức tượng bán thân của Nefertiti. Chỉ cần nhìn vào những bức tượng nhỏ và hình vẽ của Erte (còn gọi là Roman Petrovich Tyrtov) hoặc của nhà điêu khắc người Romania Demeter Chiparus cũng cảm nhận ra được những gì tồn tại vĩnh hằng và tinh thần của Ai Cập cổ đại.
Để vẽ tranh chân dung nhân vật lịch sử ở triều đại cách đây nhiều thế kỷ, người họa sĩ cần nghiên cứu nhân vật...
Bình luận