Tất cả cầu bị phá hủy, lính Ukraine làm cách nào rút khỏi Severodonetsk?

Rút lui an toàn khỏi Severodonetsk (Lugansk) trong bối cảnh thành phố bị quân đội Nga bao vây và những cây cầu kết nối với khu vực khác bị đánh sập hoàn toàn không phải nhiệm vụ dễ dàng đối với binh sĩ Ukraine.

Tất cả cầu bị phá hủy, lính Ukraine làm cách nào rút khỏi Severodonetsk? - 1

Binh sĩ Ukraine vượt sông ở Severodonetsk (ảnh : Reuters)

Hôm 24.6, chính quyền Ukraine ra lệnh cho lực lượng rút lui khỏi Severodonetsk sau nhiều tuần cố thủ. Quyết định này được đưa ra khi Kiev cho rằng, cố thủ ở Severodonetsk không còn ý nghĩa và cần giảm thương vong đối với các binh sĩ đến mức tối thiểu.

“Thật thất vọng khi phải rời đi sau khi chúng tôi đã tốn nhiều công sức để bảo vệ Severodonetsk suốt nhiều tháng qua. Nhưng chúng tôi cũng hạnh phúc vì còn may mắn sống sót”, Danylo, 24 tuổi – một trong những binh sĩ Ukraine cuối cùng rút khỏi Severodonetsk – nói với Reuters.

Danylo cùng người đồng đội Anton rời khỏi Severodonetsk trên một chiếc thuyền vượt sông Donets vào ban đêm. Họ rút lui một cách lặng lẽ, không mở đèn để tránh bị quân đội Nga phát hiện.

Danylo và Anton gặp nhóm phóng viên của Reuters ở Sloviansk – nơi cách Severodonetsk khoảng 60 km về phía tây.

“Hầu hết các cuộc rút lui đều diễn ra trong đêm tối để bảo đảm an toàn. Vị trí vượt sông cũng liên tục thay đổi để tránh nguy cơ đối phương tấn công”, Danylo nói và cho rằng không có binh sĩ Ukraine nào thiệt mạng khi rút khỏi Severodonetsk.

Tất cả cầu kết nối thành phố với những khu vực lân cận bị phá hủy, những người lính Ukraine buộc phải rời khỏi Severodonetsk bằng thuyền trên những chuyến vượt sông đầy thấp thỏm. Nếu bị quân đội Nga phát hiện, họ gần như không còn cách nào chống trả.

Anton cho hay, trước khi có lệnh rút khỏi Severodonetsk, anh và nhiều đồng đội đã lo ngại thành phố này sẽ trở thành “Mariupol thứ 2”. Ở Severodonetsk, hàng trăm binh sĩ và dân thường Ukraine đã chọn trú ẩn trong nhà máy hóa chất Azot trước khi rời đi.

“Có rất nhiều dân thường, binh sĩ kẹt lại bên trong nhà máy. Chúng tôi bị quân đội Nga dồn ép cho đến khi bị bao vây ở Azot”, Anton nói.

Tất cả cầu bị phá hủy, lính Ukraine làm cách nào rút khỏi Severodonetsk? - 2

Severodonetsk hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga và phe ly khai (ảnh : Reuters)

Anton cho hay, lực lượng Ukraine đã mất vị trí phòng thủ ở nhà máy Azot trước khi có lệnh rút lui.

“Quân đội Nga dường như muốn kiểm tra sức chống chịu của chúng tôi. Họ chỉ muốn làm chúng tôi kiệt sức. Đó là toàn bộ chiến thuật của họ”, Anton nói.

Hầu hết binh sĩ Ukraine rút khỏi Severodonetsk đều tập kết ở Lysychansk – thành trì cuối cùng của Ukraine ở Lugansk. Thành phố này hiện cũng đang bị Nga bao vây.

“Tình thế ở Lysychansk rất khó khăn. Không có nước, không có khí đốt, không có điện trong thành phố. Những cuộc giao tranh thì liên tiếp nổ ra”, Serhiy Gaidai – lãnh đạo lực lượng Ukraine ở Lugansk – phát biểu trên sóng truyền hình hôm 28.6.

“Quân đội Nga đang dồn toàn lực để tấn công thành phố”, ông Gaidai nói.

“Chúng tôi thấy rằng Nga đang sử dụng một số loại vũ khí cũ. Ví dụ như xe tăng T-64, thậm chí là cả T-62. Chúng đã lỗi thời. Họ sử dụng mọi thứ để bắn vào chúng tôi”, ông Gaidai nói thêm.

Vương Nam – Reuters

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2025, giá vàng, bạc và bạch kim được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Theo chuyên gia chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank, các yếu tố thúc đẩy đà tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có thể thêm phần mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Ban vận động Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước trong kỷ nguyên kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.