“Điều Pa thích nhất” – Tấm lòng dành con trẻ
(Arttimes) - Tập thơ Điều Pa thích nhất, NXB Hội Nhà văn, quý 1/2022, trong Lời tác giả, Nguyễn Đức Tú tâm sự: “Nó như một cuốn nhật ký bằng thơ, ghi lại các kỷ niệm, dấu ấn cũng như quá trình con lớn lên bên ông bà, cha mẹ... và môi trường xung quanh”. Hay nói cách khác, tình yêu dành cho con trai là lý do Nguyễn Đức Tú làm thơ.
Tác giả Nguyễn Đức Tú thuộc thế hệ 8X. Anh lấy vợ không phải muộn lắm, nhưng phải mười năm sau ngày cưới, vợ chồng anh mới được làm bố, làm mẹ. Gấu Panda - Gấu trúc, tên thân yêu của con trai anh ra đời với biết bao chờ đợi khó viết thành lời. Hạnh phúc vỡ òa với đôi vợ chồng trẻ. Gấu Panda được gia đình từ ông bà đến bố mẹ hít hà, cưng nựng yêu thương quá đỗi. Gấu trải qua các giai đoạn bú mớm, bế ẵm, tập nói, tập đi... lớn lên trong tình thương yêu.
“Ngoài việc thường xuyên nói chuyện, chơi cùng con, mỗi ngày vợ chồng tôi luôn cố gắng dành ít nhất một đến hai tiếng để đưa con xuống sân chơi cùng các bạn. Đây không chỉ là dịp để con gặp gỡ, chơi đùa, hòa đồng cùng các bạn, mà còn là dịp để vợ chồng tôi được quan sát và hiểu hơn về con. Để rồi, chính những hoạt động thường ngày của con mà tôi viết lên những vần thơ này”, Nguyễn Đức Tú chia sẻ.
Nhà thơ Phạm Đình Ân, người có nhiều thành tựu về thơ viết cho thiếu nhi là người đọc bản thảo, thẩm định và sắp xếp thành 5 phần. Thế nhưng xuyên suốt là mạch cảm xúc của tác giả từ khi có Gấu Panda. Niềm vui khi có Gấu, Muỗi đốt, Trò chơi đuổi bắt, Ngủ cùng mẹ thôi, Đánh răng, Mẹ đã dặn, Điều Pa thích nhất. Mẹ thưởng, Yêu nào bằng cháu của ông, Ông bà nhớ cháu... là những bài thơ về tình cảm ruột thịt dành cho Gấu. Đánh răng, Buổi sáng đi học, Trò chơi đuổi bắt, Robot hút bụi, Bác sỹ, Tàu hỏa, Con gì kêu âu âu... là nhịp điệu thường ngày của Gấu. Biển cũng là bể bơi, Sao biển, Bình minh trên biển, Trăng đúng hẹn... là những bài học bố mẹ dành cho Gấu về môi trường, về thiên nhiên và vũ trụ; và Mẹ đã dặn... giáo dục luật pháp giao thông cho Gấu từ bé.
Tập thơ đi từ biểu đạt tình cảm của bố mẹ, ông bà dành cho Gấu đến việc hướng Gấu đến nhận biết thế giới xung quanh, dần dần hình thành nên cảm xúc tưởng tượng... tập thơ. Nguyễn Đức Tú, không chỉ yêu con mà còn có cảm xúc sư phạm trong việc chăm chút Gấu. Và chính vì thế, đó là một nguyên nhân làm cho Điều Pa thích nhất trở thành một tác phẩm thơ.
Phải nói thêm, yêu con như thế nào thì Nguyễn Đức Tú dành cho “đứa con tinh thần” là tác phẩm Điều Pa thích nhất như thế. Sách được in 4 màu, hơn 120 trang in đều có các tranh minh họa màu về chủ đề ông bà, bố mẹ với cháu; thế giới của thiếu nhi như cảnh vật liên quan đến nôi dung bài thơ, thế giới, đồ vật xung quanh trẻ em. Chỉ riêng hình ảnh đã tạo cho người đọc, có thể là phụ huynh, có thể là bạn đọc thiếu nhi “như lạc vào một rừng cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau” (nhà báo Nguyễn Văn Cường).
*
“Kể từ khi có Gấu/ Pa chỉ muốn ở nhà/ Bớt hẳn chuyện la cà/ Giao lưu và nhậu nhẹt” (Niềm vui khi có Gấu). Có lẽ, đây không chỉ là tâm trạng của Nguyễn Đức Tú, anh đã nói thay tấm lòng biết bao ông bố. “Bà ơi bình sữa / Cháu vừa uống xong/ Cháu mang vào trong/ Cùng bà rửa nhé” (Bốn bàn tay xinh). Gấu lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, đã biết yêu bà, cùng bà làm những điều rất đáng yêu. Điều đó, báo hiệu Gấu là cháu bé sống nhân ái, có lòng sẻ chia, mai sau. “Trăng ơi đi đâu thế / Em thấy khuya lắm rồi / Sao trăng chưa đi ngủ / Mà trăng còn đi chơi” (Trăng đúng hẹn). Tâm hồn Gấu đã xao xao sự ngộ nghĩnh, trăng, biển, sóng... trở thành những “người bạn” ngộ nghĩnh trong tâm hồn cháu. Bạn trăng biết Gấu đáng yêu nên cũng rất quý mến:
“...
Bởi hôm qua em hẹn
Nên trăng muốn ghé qua
Chơi với em một lát
Rồi trăng sẽ về nhà!”
(Trăng đúng hẹn)
Yêu con với tất cả tấm lòng, hẳn các bậc bố mẹ trẻ đều thế, nhưng quan tâm đến từng ngưỡng tuổi, với các cảm xúc khác nhau thì Nguyễn Đức Tú thể hiện là người bố, ngoài tình yêu còn chịu khó tìm hiểu các kiến thức sư phạm đối với trẻ thơ. Khi Gấu đến tuổi đùa nghịch, thích làm bạn, bắt đầu thắc mắc về những điều xung quanh, anh hay chơi cùng con, mua đủ ô tô, tàu hỏa, tuần lộc... Đặc biệt, anh lưu tâm đến các trò chơi đòi hỏi trí tưởng tượng như giả làm bồn xe trộn bê tông, hình dung mình là bác thợ cơ khí, chú lái tàu, đóng vai bác sỹ... để cùng đối thoại với con. Con gì kêu âu âu, Thương bạn tuần lộc, Trốn tìm, Nặn bánh... là những bài thơ trong phần thơ này. Với Nguyễn Đức Tú, trong đôi mắt tròn xoe, trong tâm hồn sáng trong của con có một thế giới, anh phải đọc được và gợi mở thế giới ấy. Ngay cả sự tưởng tượng về đất trời, sông, biển. Bài Sao biển là một ví dụ “Pa ơi sao lạ thế / Ông sao ở trên trời / Còn bạn Sao biển nhỏ/ Lại ở mãi ngoài khơi?”. Trước thắc mắc của Gấu, câu trả lời ngộ nghĩnh không kém và rất có ý nghĩa giáo dục:
“...
Bởi muốn được nên người
Nên Sao biển ở đó
Để dãi nắng dầm sương
Để vượt sóng, vượt gió
Còn Ông sao trên đó
Bởi tuổi cao lắm rồi
Muốn dõi theo các cháu
Nên ông ở trên trời.”
(Sao biển)
Nguyễn Đức Tú là người hạnh phúc khi có bố, ông nội của Gấu là một người yêu văn thơ, làm thơ. Lúc bé anh đã được nghe ông đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du. “Phải mất nhiều năm sau, tôi mới nhận ra rằng, văn thơ là một trong những điều tuyệt vời nhất, qua đó để cảm nhận, yêu thương, biết yêu con người, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên. Đấy cũng là lý do lớn thôi thúc tôi làm thơ và đọc cho con nghe mỗi ngày. Tôi muốn gieo hạt mầm tươi vui, lành mạnh, yêu cuộc sống vào tâm hồn con”, Nguyễn Đức Tú chia sẻ.
*
Từ lâu rồi, thiếu nhi đang thiếu cái để đọc, cả truyện cổ tích trong nước và văn, thơ sáng tác mới. Thiếu nhi chỉ vùi đầu, dán mắt vào thiết bị điện tử, truyện tranh của nước ngoài được các đơn vị xuất bản trong nước thực hiện, theo các hợp đồng xuất bản.
Sách viết cho thiếu nhi hiện đang trở thành sự quan tâm lớn của xã hội. Hiện nay, nhiều chương trình, dự án về văn học thiếu nhi đã được xây dựng, nhiều cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi, ở các cấp độ khác nhau đã được khởi động. Tuy nhiên, viết cho thiếu nhi không dễ. Người viết dẫu là nhà văn chuyên nghiệp hay tác giả mới, phải sống lại, sống cùng trẻ thơ, may ra mới chạm đến tâm hồn các cháu.
Điều Pa thích nhất của Nguyễn Đức Tú viết bằng tất cả tình yêu dành cho con, nên vừa chân thực vừa dễ tạo xúc cảm. “Thơ Nguyễn Đức Tú nhiều bài khá. Tác giả đã sử dụng thuần thục thể thơ dòng ngắn, thể 4 câu liên hoàn, phù hợp với năng lực cảm nhận của trẻ nhỏ. Chất hồn nhiên, dí dỏm rất rõ. Diễn đạt lời văn, câu thơ linh hoạt”, nhà thơ Phạm Đình Ân đánh giá trong Điều độc giả thích nhất... thay Tựa tập thơ.
Nguyễn Đức Tú đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc khai thác chất liệu văn học dân gian, ở thể đồng dao truyền thống để khám phá tâm hồn trẻ em.
Bình luận