Đỗ Quảng - Từ báo chí đến văn chương
Người ta bảo mỗi con người là một thế giới - theo nghĩa nào đó, dễ xác định nhất đối với người giàu xúc cảm nhân văn, nhiều trải nghiệm đời sống. Và thế giới ấy có thể ẩn giấu những điều bí mật. Bí mật cũng đến lúc hé lộ rực rỡ khi tâm hồn đã chín muồi, sâu sắc cùng với sự va đập chát chúa của các sự kiện xã hội và cả đời tư. Nhà báo tầm cỡ Đỗ Quảng với thương hiệu cây bút phóng sự đặc biệt kiêm biên kịch điện ảnh có nhiều thành tựu một thời ở báo Nhân Dân, là một trường hợp như vậy.
Tuổi ông nay đã ngoài tám lăm, chục năm qua ông lâm bệnh nặng. Nhưng sức khỏe tâm hồn, sức khỏe ngòi bút của ông lại trỗi dậy. Và lạ kỳ Đỗ Quảng làm thơ! Thơ dồi dào bút lực và gây xúc động mạnh đến người đọc. Từ cuối năm 2021 đến đầu 2024 ông công bố hai tập thơ dày dặn: “Thương lắm Sài Gòn ơi” và “Vui buồn tháng tư” (NXB Hội Nhà văn).
Nhà báo Đỗ Quảng. Ảnh Lê Anh Tuấn
1. Bài thơ Đêm tháng 5 viết bài thơ tưởng niệm tặng Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường và những người lính của Tập đoàn Hòa Bình được đặt trên đầu tập thơ. Sau một cơn sốt, khi tạm hồi phục, tác giả đã thức thâu đêm, viết liền mạch một tác phẩm thơ dài 147 câu. Tập đoàn Hòa Bình do doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường thành lập đến nay đã 39 năm thì nhà báo Đỗ Quảng có mặt 36 năm. Thật thú vị là ông Đường xưa còn được gọi một cách thân quý là anh Đường “bia” vì chàng trai ấy buổi đầu giao hàng bia từ nhà máy đến các cơ sở tiêu dùng, để rồi một vài năm sau trở thành một chủ tịch doanh nghiệp lớn, thì chàng trai Đỗ Quảng thời trai trẻ mười bảy đôi mươi cũng được cơ quan báo Nhân Dân tuyển vào làm việc đi bán báo, giao lưu với bạn đọc, rồi trở thành tên tuổi đáng kính nể trong giới báo chí.
Nguyễn Hữu Đường và Đỗ Quảng gặp nhau ở Tầm - Tâm - Tài. Họ vì nhau, cũng là cùng vì nhân dân và đất nước, muốn đền đáp công ơn hàng nghìn người liệt sĩ - thương binh đã hy sinh tính mạng, chịu khổ đau về thể xác, tinh thần do chiến tranh. Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường cùng các cộng sự đã và đang làm những việc sáng tạo một cách táo bạo nhằm ích nước lợi dân. Bên cạnh ông có Giám đốc truyền thông Đỗ Quảng được Chủ tịch tin cậy.
Đọc Đỗ Quảng, chúng ta càng thấy rõ Nguyễn Hữu Đường là một người tốt và giỏi đến kỳ lạ Ông là tấm gương về cựu chiến binh làm kinh tế thời bình. Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường xứng đáng được kính trọng tôn vinh; được đền đáp bằng lời cảm ơn sâu sắc, bằng hành động tích cực và có hiệu quả. Mời bạn đọc lướt qua những dòng viết về nhân vật nổi tiếng ấy trong thơ Đỗ Quảng: Khách sạn Đà Nẵng, bể bơi vô cực/ Khách sạn vàng Hà Nội, số 1 hành tinh/ Ghi - nét Việt Nam, ghi - nét thế giới cấp bằng xác nhận/ Nhân danh người Hà Nội, xây nhà cho mẹ liệt sỹ/ Tặng nhà 3 tầng cho mẹ anh hùng cầm bút Nguyễn Thi/ Nhiều tập đoàn lớn gắn biển thuê phòng/ Trung tâm thương mại miễn phí gắn với Đường “V+”/ Mời các doanh nghiệp mang hàng vào bán /Miễn phí hoàn toàn người mua giá rẻ/ Hàng nội lên ngôi, người Việt dùng hàng Việt.
Bài thơ không nói ra nhưng người đọc có thể hiểu rằng nhân vật chính hiện lên như một Anh hùng Lao động thời Đổi mới, và Tập đoàn Hòa Bình cũng xứng đáng với danh hiệu này.
Tập thơ Vui buồn tháng tư. Ảnh: Nguyễn Chi
2. Ý thức công dân rất đậm sâu trong thơ Đỗ Quảng. Nhà thơ vào vai một công dân mẫu mực, ít ra là trong phạm vi người cầm bút với suy nghĩ, xúc cảm thể hiện ở những bài thơ, câu thơ. Ông cảm phục, ngợi ca công dân doanh nhân Nguyễn Hữu Đường. Ông dám nói một cách thẳng thắn, táo bạo về chống tham nhũng, tiêu cực. Có những điều sai trái, nhiều người làm thơ biết nhưng tránh.
Trong tập Thương lắm Sài Gòn ơi đã có mấy bài nói đến mặt tối của đời sống, đến tập Vui buồn tháng tư thì những bài thơ tương tự có nhiều hơn. Trớ trêu, trái khoáy trước tiên là có một số việc doanh nhân Nguyễn Hữu Đường - một người tâm huyết và tài năng – đưa ra lại bị một số người nhận đơn đề nghị lại vô cảm, tắc trách, không chịu cất công tìm hiểu cho nên không ủng hộ. Sự thật là: Tập đoàn thương binh với ba nghìn người lao động/ Dự án trong nước trình 700 ngày chưa duyệt/ Như trái bóng tròn ban đi ban lại/ Tét đầu, đánh gót, chơi trò đá ma (Kết nối).
Đại án, chuyến bay giải cứu
Dơ bẩn, tàn nhẫn, ô nhục nhất trên đời
Dịch bệnh toàn cầu, thế giới hoảng loạn
Xã hội tang thương
Trong năm, ngoài bắc
Bốn vạn người
Chết không kịp chôn
Xếp hàng dài trước các lò hỏa táng
Hoặc ở bài Vợ gọi, Đỗ Quảng viết:
Nhúng chàm rồi, rời ghế đứng dậy
Xin hưu sớm còn chút liêm sỉ
Lời nói thế mà lòng tê tái
Thương đồng chí mình, không vượt nổi lòng tham.
Bằng giọng diễu nhại, trào lộng cay đắng tột cùng, Đỗ Quảng nói đến cái hèn, cái nhục của lũ quan tham: Hôm qua bệ vệ đứng đăng đàn/ Tóc rẽ ngôi, đầu chải mượt, cà vạt đỏ/ Kính trắng gọng vàng, huy hiệu chói lòa ngực áo/ Giọng ma mị dẫn giải làm người tử tế. Còn hôm nay thì xin tòa minh xét/ Ân huệ khoan hồng giảm án/ Về với vợ con, sống nốt tuổi già. Rồi tác giả kết luận: Mấy gã quan tham/ giống nhau ở cái mặt mốc/ Oai phong bề ngoài/ Phủ lấp cái hèn/ Giấu kín bên trong (Hèn). Nhà thơ trả lời con Tại sao bố khóc.
3. Vui buồn tháng tư? Đúng vậy ! Hai cảm xúc thi ca ngược nhau (Vui - Buồn). Gần năm mươi năm trước, Đỗ Quảng đã có nỗi niềm thương cảm sẻ chia giữa nhân dân hai miền Nam - Bắc. Đỗ Quảng có tinh thần hòa hợp dân tộc rất sớm. Trước tiên, ông tìm hiểu và trân trọng những tác phẩm văn học thấm đẫm tính nhân văn phổ quát của một số tác giả tiến bộ miền Nam. Ông có viết một chùm bài phóng sự Người di tản, công bố ở báo Độc lập, Đài Tiếng nói Việt Nam, được Hội Nhà báo trao Giải Nhất và Bộ Công an trao Giải Đặc biệt. Rồi Đỗ Quảng chơi thân với người của “bên kia”, đó là nhà báo, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nick Út (Huỳnh Văn Út), phóng viên ảnh thuộc hãng thông tấn Hoa Kỳ AP - tác giả bức ảnh Em bé Napalm nổi tiếng, được bấm máy từ năm 1971. Cơ duyên ngẫu nhiên “gặp gỡ”: Khi vừa ra khỏi niên thiếu, Đỗ Quảng làm quen với báo Đảng, ở thì “bên kia” Nick Út làm báo cho hãng AP từ năm 16 tuổi. Sau này họ gặp nhau bởi một nguyên nhân cao cả: Vì dân tộc, Tổ quốc, nhân dân Việt Nam, vì nền hòa bình cho mọi người không phân biệt màu da trên trái đất này. Nhà báo Đỗ Quảng đã tham gia phá vụ án oan cho ông Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Trung tá Hải quân Việt Nam cộng hòa, chồng trước của người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng, là em rể của Nick Út. Dễ tìm trong thơ ông những ý thơ về máu chảy ruột mềm, nồi da xáo thịt mà bất đắc dĩ ông phải thốt ra. Có tiếng khóc rấm rứt trong bài thơ Vui buồn tháng tư.
Cuộc chiến tàn khốc nửa thế kỷ qua rồi
Thôi đừng nói bên thắng bên thua nữa
Tháng tư đến, tháng tư hận thù làm gì có
Đồng bào ta cả, da vàng máu đỏ
Ngày giỗ chung hay gọi ngày thống nhất
Triệu người vui
Bên cạnh triệu người buồn
Di ảnh hai con, hai chiến tuyến
Áo lính khác màu, gương mặt nào cũng hòn máu mẹ cha
Nhà thơ vào nghĩa trang khi Chẳng quen ai nơi này cả, tháng tư hằng năm vào đây thăm mộ/ Nén tâm nhang, hoa cúc vàng/ Chia khắp rải trên phần mộ/ Góp chút tình thương nghĩa đồng bào. Đi thăm chiến trường xưa, ông Ngắm sông mà trước đây dòng sông này đã ngăn cách đôi bờ: Cây cầu vắt ngang, đau như vết chém/ Mấy chục năm bi thương máu chảy/ Nước sông ngầu, hôm nay xanh trở lại// Rưng rưng thương nhớ dân đôi bờ/ Một thời chia cắt quãng đời xót xa...Và, nếu Nghe hát ở Lát Vê Gát, tác giả cùng vui với Việt Kiều tại Hoa Kỳ khi đoàn nghệ sĩ ở nước nhà sang cùng biểu diễn với nghệ sĩ hải ngoại: Việt Nam, Việt Nam người hát người nghe cùng hô mãi/ Vui quá trời, rưng rưng lệ rơi/ Mấy chục năm máu chảy triệu triệu người chết mới có ngày này/ Đêm diễn đầu tiên, ngày xum họp đất nước liền một dải/ Chiến tranh qua rồi/ Chúng ta là bạn, chúng ta là anh em thì Buổi trưa điện thoại reo, tức là nửa đêm tại bên kia Nửa vòng trái đất em gọi về/ Chưa nói gì em đã khóc/ Thương anh một mình chẳng ai chăm/ Đêm đêm vẫn cầm bút viết/ Vui buồn kể chuyện đời (...) Chào bạn cũ sĩ quan đang cải tạo/ Trước khi rời Sài Gòn ra đi/ Vì nghịch cảnh, chân bước sống chết phó mặc cho số phận/ Lòng em đau, con tim ở lại/ Mấy năm rồi/ Không còn bên thắng bên thua nữa người thủy chung, giàu tình nghĩa, càng yêu quê hương Tổ quốc mình, dù đã xảy
Đáng chú ý, bài Ngẫm về tội ác được viết khi tác giả thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ xưa, cũng có câu Bên thắng bên thua, bên nào cũng có người chết. Bên thua bị chết ở đây chính là người Pháp. Như vậy tác giả có ý nói rằng, đối với ông, tinh thần hòa hợp mang tính quốc tế - nhân loại, không phải chỉ sau năm 1975 mà đã có từ hai mươi năm trước.
4. Không thể hình dung được rằng một người đã ngoài tám mươi tuổi, gầy gò Dạ dày không còn, chân bước liêu xiêu lại có một hồn thơ nặng trĩu ưu tư đến thế. Thân thể ông yếu nhưng trái tim ông, tấm lòng ông lại rất khỏe mạnh, ấm nóng nhiệt huyết với cảm xúc vui buồn san sẻ thương yêu. Ông làm cả một tập thơ thương xót phương Nam Tổ quốc, nơi có nhiều người do đại dịch Covid mà khốn đốn, sống vật vã, chia lìa thế gian, người thân đau khổ, bác sỹ cùng nhân viên y tế mất ăn mất ngủ, trớ trêu trong ngành cũng không ít người lâm bệnh. Ông thương quý người tốt, từ một doanh nhân lớn có tâm có tài là bạn rất thân đến những người khác như Họa sĩ Ngô Đình Chương, Nhạc sĩ nhà thơ - luật gia - doanh nhân Phạm Hồng Điệp, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, doanh nhân toàn cầu Thu Vân - Đỗ Bảo, Nhiếp ảnh gia Lê Anh Tuấn, Tướng Bùi Thiện Ngộ, v.v. Ông san sẻ tình mến trọng đối với linh hồn liệt sỹ Hồ Văn Hiệp khi cả nhà anh Cường tổ chức làm giỗ người bạn quý từng giữ chốt tầm cao, bảo vệ bạn trúng thương
Đỗ Quảng có một số bài thơ viết về đêm, viết trong đêm. Ông khó ngủ vì ngẫm ngợi sự đời, vì nỗi niềm chung và riêng, buồn nhiều hơn vui. Buồn bởi Giàu có lên rồi/ Nơi này nơi kia lại bất an/ Đêm mất ngủ cứ ám ảnh một câu hỏi buồn. Tiếng rao đêm vọng vào tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ: Đứng trên tầng 5 nhìn xuống/ Người rao đêm lẻ loi đạp xe trên đường vắng/ Ngày nắng, ngày mưa/ Hôm giông bão, hôm nước ngập/ Chẳng đêm nào vắng tiếng rao quen/ Lòng nhói đau/ Con tim mách bảo: Đời thế nào là đủ/ Khổ như ta, còn hơn bao người. Thương mẹ là một bài thơ hay. Già không ngủ dậy thắp hương Nhớ hai thằng em kế, hồi Mậu Thân chết trận... Thương mẹ/ Góc sân, đắp ngôi mộ giả để bà tạm yên lòng.
Nếu ông không buồn đau, đời tư không bị thu thiệt, nghịch cảnh, chắc gì ông đã có thơ. Ông ham mê công việc, sống ngay thẳng, không để ý đến thăng tiến đường công chức. Bài Kỷ niệm cho biết: cái bằng Lý luận Mác- Lênin được Học viện Nguyễn Ái Quốc cấp, ông vẫn trân trọng giữ gìn, nhưng nó không giúp gì cho một nhà báo có tố chất nghệ sĩ, chỉ quan tâm đến tác phẩm mà thôi. Ông Cảm thán về nỗi trớ trêu, có thể được sử dụng mọi thức ăn sơn hào hải vị đông tây mà (...) dạ dày lại bị cắt rồi! Thôi thì mời lại bạn thưởng thức vậy (nhiều người và nhiều lần), còn mình thì ngồi không, ăn như giả vờ, tránh khéo cho bạn khỏi ngại. Ung thư hai cục vẫn sống là may.
Nhà báo - nhà thơ về thăm quê hương gốc làng Mọc, Từ Liêm (nay là Nhân Chính - Thanh Xuân, Hà Nội). Đâu rồi, tò he ông Vện; Đâu rồi, anh chân khèo vắt vai - ngửa rá lê khắp chợ; Đâu rồi, Cụ đồ ngồi cho chữ; Đâu rồi, bà mù ngồi hát xẩm... Bạn khoe Nhân Chính có quán cháo lòng đêm ngon lắm. Nhưng... Quê nghèo làng Mọc, chẳng nhận ra dấu vết/ Quán cháo lòng, mấy dãy bàn nhựa đặt bên giếng cổ (...) Nhận ra rồi, cái giếng ngày xưa ấy/ Mười tám bậc lên xuống/ Sáng sáng dân làng ra gánh nước/ Nước trong veo, thơm ngát hoa sen nở/ Thành giếng gạch rêu, hàng ruối dài tơ hồng vàng cuống quýt/ Mái tóc bạc phơ, liêu xiêu chân bước giờ vẫn nhớ/ Quán cháo lòng, giếng cổ mùa này cạn nước/ Tô cháo ngon, miệng đắng không nuốt nổi.
Thơ Đỗ Quảng, bên cạnh kiểu phóng sự, thời sự sắc sảo, ở đó sâu đậm ý thức công dân cùng tinh thần hòa hợp dân tộc hướng tới tầm nhân loại, thì còn trĩu nặng nỗi niềm về hạnh phúc riêng tư. Ông có bài Người phán xử được nhiều bạn đọc nhận xét là khá xúc động và tinh tế:
Suốt tuần con ở cùng bố
Thứ bảy, chủ nhật con về với mẹ
Tuổi lên mười, sớm biết phân thân
Nỗi buồn cắt đôi; cái vui chia nửa
Năm tháng đi tìm câu hỏi
Lỗi này thuộc về bố hay mẹ
Thời gian trôi, khi tình yêu đến
Con là người phán xử, con ơi!
Đỗ Quảng buồn đau về thế thái nhân tình, yêu thương cho tất cả và thương xót cho chính mình, nhưng nhà báo - nhà thơ Bao tử chẳng còn, liêu xiêu chân bước nàykhông một chút bi quan. Ông có cái nhìn hài hước, diễu nhại về kẻ xấu. Hài hước cũng dùng cho chính mình nhưng với sắc thái khác. (Tác giả, dù khiêm nhường đến mấy, cũng vẫn phải tự xem mình là người quá tốt). Số phận, một bài thơ ra đời từ ban mai sinh nhật mình, được tác giả thai nghén từ đêm không ngủ, có đoạn:
Ta sống thêm một ngày rồi
Cảm ơn đời ta chưa chết
Bạo bệnh ung thư
Không xạ trị
Không hóa trị
Không viên thuốc
Con gái chăm bố
Cứ vậy sống bằng niềm tin số phận
Như nhiều văn nghệ sĩ, Đỗ Quảng cũng cô đơn trong thế giới của mình, nhưng cũng không cô đơn, bởi ông biết sống vì mọi người¸ được mọi người quý mến. Sách ông in ra, đông đảo bạn đọc chúc mừng, tìm mua, tạo nên một hiện tượng.
Tôi xin làm cái kết mở cho bài viết này bằng cách mượn một liên hệ thú vị giữa sự kiện kỷ niệm 70 năm Đại thắng Điện Biên Phủ với sự kiện Đại thắng “Điện Biên Phủ trên không” để nói đến nghiệp viết của Đỗ Quảng. Ngày ấy, ông là một trong những nhà báo tham dự tích cực, suất sắc trên mặt trận tiêu diệt máy bay B52 của Mỹ rải suốt 12 ngày đêm tháng 12-1972 vào thủ đô Hà Nội. Trong hồi ký Nhớ một thời làm báo Nhân Dân (nhiều tác giả, NXB Chính trị Quốc gia, 1996), Đỗ Quảng bày tỏ: “Vào sáng 24 tháng Chạp ngày thứ 5 Mỹ ném bon B52 vào Hà Nội. Anh Thép Mới tổ chức chuyến đi này, giao cho tôi đêm hôm trước đến một căn nhà ở nách ga Hàng Cỏ, mời bác Nguyễn Tuân; gọi điện thoại mời nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Huy Cận cùng đi thực tế để viết bài cho báo Nhân Dân”... 12 Ngày đêm mùa đông oanh liệt này đối với tôi là những ngày hạnh phúc không thể nào quên”. Chiến tranh đã qua lâu rồi. Hai nước Mỹ và Pháp đã là bạn của nước Việt Nam, riêng nhân dân hai nước thì trước, trong và sau chiến tranh vẫn là bạn. Phải chăng cuộc gặp gỡ cùng làm báo, cùng viết văn giữa Đỗ Quảng với các nhà văn lớn nói trên trong một thời điểm, một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, lại chính là một cơ duyên thú vị, một kỷ niệm đẹp hiếm có, một gợi mở để ông bước vào thế giới văn chương, cụ thể từ truyện, ký, truyện phim và hiện nay là thơ.
Bình luận