Tạp chí Văn học Nghệ thuật các tỉnh Bắc miền Trung “nhóm lửa” đổi mới sáng tạo

Những người làm văn học nghệ thuật từ các tạp chí các tỉnh Bắc miền Trung, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế vừa có mặt tại thành phố Vinh, Nghệ An tham dự Hội thảo khoa học về tạp chí văn học nghệ thuật (VHNT). Năm nay Tạp chí Sông Lam thuộc Hội VHNT Nghệ An đăng cai. Chủ đề được “chủ nhà” Tạp chí Sông Lam lựa chọn là “Tạp chí VHNT Bắc miền Trung, đổi mới để phát triển”; và hội nghị năm nay được nâng lên thành hội thảo khoa học.

Tạp chí Văn học Nghệ thuật các tỉnh Bắc miền Trung “nhóm lửa” đổi mới sáng tạo - 1

Các đại biểu tham gia hội thảo

Cách mạng 4.0 và thách thức với tạp chí VHNT

Về chủ đề của Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) là một trong nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam viết sách về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là cách mạng 4.0) từng nhận định, cách mạng 4.0 đã và đang tạo ra cơ hội và thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, nó tạo ra năng lượng không giới hạn trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị đến đời sống. Báo, chí, xuất bản không nằm ngoài xu hướng vận động này, bắt buộc phải chủ động tham gia chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng 4.0.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Thụy Anh mang đến hội thảo tham luận Từ tạp chí điện tử đến chiến lược chuyển đổi số với nhiều tâm huyết thay đổi. Theo tham luận của chị (dẫn từ sggp.org.vn), tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí; trong đó có 112 báo có giấy phép điện tử; 612 tạp chí, trong đó có 98 tạp chí có giấy phép điện tử; 25 cơ quan báo chí thuần túy xuất bản điện tử (báo trực tuyến).

Báo/ chí điện tử - sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng (điều 3 Luật Báo chí năm 2016) đã và đang tạo ra áp lực thay đổi lên báo, chí in. Do vậy, hiện hầu hết các báo đều đã có giấy phép hoạt động điện tử, song hành cùng bản in. Các tạp chí giấy truyền thống, hiện cũng đang xin giấy phép điện tử. Trong khu vực Bắc miền Trung, hiện các tạp chí VHNT như Xứ Thanh, Sông Lam, Cửa Việt, Sông Hương đã có giấy phép hoạt động điện tử; chỉ còn Hồng Lĩnh và Nhật Lệ.

Báo hay tạp chí điện tử (trực tuyến, online-only) bước sang “kỷ nguyên” cách mạng 4.0 đòi hỏi phải chuyển đổi số (Digital transformation). Nó được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data),... vào mọi hoạt động nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu.

Chuyển đổi số không phải đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp,...) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức.…

Tương lai của báo, tạp chí in sẽ ra sao? Đây không chỉ là câu hỏi của các tạp chí VHNT các tỉnh Bắc miền Trung. Bối cảnh truyền thông hội tụ, đa phương tiện và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đang tác động mạnh mẽ đến những những người lãnh đạo cơ quan báo, nội dung có còn là “vua” không, hay kết nối là “vua”?

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Khánh – Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, nhấn mạnh: “Thời đại đã có những thay đổi lớn, nhu cầu thông tin của bạn đọc ngày càng cao, đòi hỏi báo chí, trong đó có các cơ quan tạp chí văn nghệ địa phương, phải thực sự làm cuộc “cách mạng” để không bị tụt hậu, để đủ sức gánh vác trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Tuy nhiên, câu chuyện không hề đơn giản. Có phiên bản tạp chí điện tử đã là một “bước ngoặt”, nhưng đó mới là khởi đầu của một hành trình, dù chậm trễ khi internet bùng nổ. Chuyển đổi số phức tạp hơn nhiều với các tạp chí VNNT. Nó cần quyết tâm chính trị, từ chủ quản đến lãnh đạo tạp chí, thay đổi mô hình cấu trúc tòa soạn, kinh phí và nhân lực.

Khát vọng đổi mới sáng tạo

Thy Lan, Tổng biên tập Tạp chí Xứ Thanh và đoàn Thanh Hóa; Nguyệt Thị Nguyệt, Phó Tổng biên tập tạp chí Hồng Lĩnh và đoàn Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Lê Na, Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ và đoàn Quảng Bình; Lê Vĩnh Thái, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và đoàn Thừa Thiên Huế mang đến Hội thảo bản sắc riêng của mình không chí hứng khởi, tinh thần đối thoại. 

Nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam là người luôn có khát vọng dấn thân, đổi mới sáng tạo. Không phải ngẫu nhiện,  Tỉnh ủy Nghệ An điều chị từ báo Nghệ An sang làm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam. Viêc Tạp chí Sông Lam xin cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông đổi khổ, tăng trang, cơ cấu lại chuyên mục, thu hút bài của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn làm cộng tác viên; xin cấp phép xuất bản thêm Tạp chí Sông Lam điện tử đã cho thấy những nỗ lực đổi mới. Chủ đề hội thảo tạp chí VHNT các tỉnh Bắc miền Trung cũng mang dấu ấn của chị. Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An do nhà thơ Hồ Mậu Thanh làm Chủ tịch luôn tham gia kiến tạo, ủng hộ và đồng hành cùng Tạp chí Sông Lam cũng là một hạnh phúc, không dễ có.

“Chúng ta buộc phải nhìn lại, buộc phải thay đổi, buộc phải thích nghi, buộc phải vươn lên…”, nhà thơ Phạm Thùy Vinh nhận định trong đề dẫn khi nói về cơ hội là thách thức khi internet bùng nổ và cách mạng 4.0 đã “gõ cửa” từng tòa soạn. Thế nhưng, “Chúng ta thậm chí còn lơ mơ, không biết mình đang đứng ở vị trí mất – còn, ở tồn tại và phát triển”; “Phải thẳng thắn để nhận thấy rằng, cả một thời gian dài, chúng ta đã có nhiều khó khăn đến từ khách quan và chủ quan: bên cạnh việc chưa được quan tâm đúng mực, chưa được đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực thì chính chúng ta, những người làm báo chí văn nghệ, đã tự thu hẹp mình trong một địa hạt nhỏ bé, riêng biệt, tư duy làm việc ngại thay đổi, xa rời đời sống thực tại, chậm chạp trong tìm nguồn tin lẫn cách thức đưa thông tin”, chị chia sẻ.

Báo in (chưa nói đến chí) đã và đang bị thu hẹp phạm vi phát hành. Không ai biết chắc, báo/chí in có “chết” hay không nhưng có một điều chắc chắn, thời “hoàng kim” của các tờ báo/chí in đã qua. Báo/chí in sẽ phải thay đổi, để có thể trụ được trước bối cảnh cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, thay đổi như thế nào là cả một vấn đề. Có nhiều cách thức thay đổi, xu hướng hiện nay của báo/chí Việt Nam kiên trì với truyền thống báo in, kết hợp với phiên bản trên mạng Internet. Nhưng, đưa thông tin từ báo in lên Internet như thế nào? Hiện nay, đa phần báo, chí bê nguyên si, thậm chí, scan bản pdf của báo in lên báo điện tử. Nhưng đều khó khăn, không thu hút được công chúng. Vì tâm lý đọc báo in khác với đọc báo điện tử, việc sắp xếp, tổ chức lại thông tin cho phù hợp với báo điện tử là yêu cầu bắt buộc đối với cơ quan báo chí.

Chính vì thế, Hội thảo đã nhận được 9 tham luận, nội dung tập trung chỉ ra thực trạng, đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm xây dựng và phát triển các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung theo xu hướng vận động của báo chí hiện đại. Đó là: Sắp xếp nhân lực cũ để đổi mới tạp chí văn nghệ của Đào Thúy Hoa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam; Thử thách của những người làm tạp chí VHNT địa phương của Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh; Tạp chí Sông Hương không ngừng vươn lên gắn bó với đời sống VHNT của đất nước của nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương…

Các tham luận đưa ra 6 nhóm giải pháp: đẩy mạnh hoạt động báo chí điện tử; nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; thay đổi cơ chế vận hành cũ kỹ; tạo nguồn thu và nâng cao nguồn thu; đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật; xây dựng đội ngũ cộng tác viên chất lượng, bền vững.

Tạp chí Văn học Nghệ thuật các tỉnh Bắc miền Trung “nhóm lửa” đổi mới sáng tạo - 2

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An tặng hoa các Tổng biên tập tham dự Hội thảo

Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự đã phát biểu về những kết nối, phối hợp giữa báo và tạp chí Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với các tạp chí VHNT các tỉnh Bắc miền Trung. Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, nhà thơ Hồ Mậu Thanh người sát sao với từng bước đi lên của Tạp chí Sông Lam đã gợi ý nhiều nội dung cần trao đổi; nguyên Tổng Biên tập báo điện tử VietnamNet, nhà thơ Bùi Sỹ Hoa…đã chia sẻ những kinh nghiệm làm báo điện tử thời bùng nổ internet và cạnh tranh thông tin trên không gian mạng.

Dù hành trình đổi mới để phát triển còn dài, nhưng lãnh đạo các Tạp chí VHNT các tỉnh Bắc Trung Bộ đã và đang “nhóm lửa” và truyền cảm hứng sáng tạo.

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất