13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn

Sau gần 2 năm triển khai, Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn sẽ diễn ra vào ngày 26/11 tới đây tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Chiều 20/11, tại trụ sở Báo Lao Động đã diễn ra Họp báo Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Buổi họp báo có sự tham dự của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi; ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi; đại diện các nhà văn tham dự cuộc thi, trong đó có nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; cùng đông đảo các nhà báo, phóng viên.

13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn - 1

Toàn cảnh họp báo Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi cho biết, công nhân lao động đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất và đời sống, là lực lượng tiên phong cho công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, văn đàn Việt Nam thiếu vắng những tác phẩm hay nói về công nhân, công đoàn. Từ đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn - 2

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi phát biểu. Ảnh: BTC

Cuộc thi được phát động ngày 23/11/2021, kết thúc nhận bài ngày 31/8/2023. Cuộc thi đã nhận 498 tác phẩm dự thi, trong đó 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều gửi dự thi.

Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết đề nghị đưa vào Chung khảo cuộc thi. Tiếp đó, Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cuộc thi để trình Ban Chỉ đạo và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, trao giải.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng ban Tổ chức thông tin: “Điểm đặc biệt của Lễ trao giải năm nay là ban tổ chức sẽ không tiết lộ kết quả từ trước, danh sách tác giả, tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố tại Lễ Tổng kết và Trao giải vào ngày 26/11/2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội”.

13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn - 3

Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng ban Tổ chức thông tin về Lễ Tổng kết và trao giải. Ảnh: BTC

Cuộc thi tạo cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân, khích lệ, động viên công nhân hăng say lao động, đổi mới sáng tạo; tôn vinh lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về vai trò, hoạt động thiết thực, hiệu quả của tổ chức Công đoàn, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.

Thông qua các tác phẩm dự thi, bạn đọc có thể nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, việc làm, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, sứ mệnh, đóng góp của tổ chức Công đoàn đối với người lao động và đất nước.

Các tác phẩm đều theo sát chủ đề cuộc thi là viết về công nhân, công đoàn, mang chất sống và hơi thở của thời đại, phản ánh đúng những vấn đề của công nhân, người lao động và vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn hiện nay.

Bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm rất sinh động, trải dài trên khắp đất nước, đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, đó có thể là những người công nhân đang sống trên những nông trường cao su ở Tây Nguyên, những công nhân vùng mỏ (Quảng Ninh)...

Xuất thân của các nhân vật cũng đa dạng, phong phú, họ là công nhân ở xưởng dệt, là công nhân may mặc, là công nhân ở các nhà máy trong quá trình chuyển đổi số, là công nhân khai thác than, khoáng sản, là công nhân đóng giày da, công nhân nhà máy lọc dầu, những người trồng thuốc lá trên núi...

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng xúc động chia sẻ: “Đã có những lúc tôi muốn bỏ cuộc, muốn nghỉ ngơi nhưng nhờ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhờ cuộc thi đã giúp tôi đã có thêm động lực viết tiếp đến hôm nay.”

13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn - 4

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: N. Hải

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cũng cho rằng cuộc thi đã góp phần khơi lại tình yêu, nguồn cảm hứng về một đề tài lớn, mở ra một vùng đất màu mỡ để văn học nghệ thuật khai thác, góp phần làm xuất hiện các tác phẩm mang nhiều ý nghĩa, có giá trị và sức lan toả cao. Theo ông, mảng đề tài này cần được khai thác nhiều hơn nữa đặc biệt trong bối cảnh đất nước đổi mới, trong nền kinh tế thị trường.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự cũng chia sẻ thêm về cuộc thi tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần thứ nhất, cuộc thi cũng có một đề tài phong phú về mảng đề tài công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, trí thức, doanh nhân.

13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn - 5

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật chia sẻ. Ảnh: BTC

Ý thức được tầm quan trọng của cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn cũng như cuộc thi tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật đề nghị hợp tác cùng Báo Lao động tổ chức một cuộc toạ đàm bàn về chính kết quả, ý nghĩa, chủ đề, kinh nghiệm chuẩn bị, tổ chức của các cuộc thi này nhằm nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cây viết, những người yêu văn học, yêu tiểu thuyết.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên hội đồng Chung khảo đánh giá: “Viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài rất khó, đòi hỏi sự thâm nhập thực tế, đòi hỏi chất liệu đời sống thực tế rất cao của người viết. Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ban riêng dành cho các cây bút về viết công nhân, người lao động. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, ăn ngủ, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác. Tuy nhiên, đề tài này bẵng đi một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang. Những cuộc thi như lần này của Báo Lao Động chắc chắn sẽ khơi nguồn, sẽ là bệ phóng để chúng ta có được những tác phẩm lớn”.

Để đảm bảo tính khách quan, chọn ra được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cũng như đúng như yêu cầu cuộc thi, BTC đã mời các nhà văn chuyên nghiệp tham gia Hội đồng Sơ khảo như: Nhà văn Y Ban (Chủ tịch Hội đồng), nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà văn Đào Bá Đoàn, nhà văn Phong Điệp, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Trần Chiến, nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng.

Hội đồng chung khảo gồm nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng biên tập báo Lao Động, Phó Chủ tịch Hội đồng; nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Dương Hướng, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ sáng tác trẻ

Khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ sáng tác trẻ

Sáng 28/11, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối với hợp Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ”. NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; Nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ