Bắc Ninh đẩy mạnh đưa Quan họ vào trường học để bảo tồn văn hóa
Các trường học tại Bắc Ninh đưa Quan họ vào giảng dạy trong các nhà trường là một trong những giải pháp góp phần bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương.
Năm học 2015- 2016, thực hiện Quyết định số 410/QĐ-BGDĐT ngày 4/2/2016 của Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2016-2020”, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Các trường học tại Bắc Ninh đẩy mạnh dạy dân ca Quan họ cho học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: Thanh niên)Một trong những giải pháp góp phần bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là tiếp tục đưa dân ca Quan họ Bắc Ninh vào giảng dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Từ năm học 2011- 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn tài liệu dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh và đưa vào giảng dạy ở các trường từ cấp Tiểu học đến cấp THPT trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, bậc Tiểu học học sinh được học 16 tiết/năm học; bậc THCS, học 17 tiết/năm học; bậc THPT, học 12 tiết/năm học.
Tài liệu, chương trình giảng dạy đã được được thẩm định về mặt khoa học âm nhạc cũng như khoa học sư phạm đưa nội dung giảng dạy vào từng cấp học bảo đảm phù hợp với lứa tuổi. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên dạy âm nhạc của cấp Tiểu học và THCS, chuyên viên phụ trách của các phòng GD-ĐT và giáo viên phụ trách công tác truyền dạy dân ca Quan họ tại các trường THPT.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 603 câu lạc bộ Quan họ trường học, đảm bảo mỗi trường có ít nhất 1 câu lạc bộ. Bên cạnh hoạt động giảng dạy trong nhà trường, các buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về dân ca Quan họ, học sinh được giao lưu với các nghệ nhân, liền anh, liền chị Quan họ, được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, thiết thực như tìm hiều về văn hóa mời trầu, tục kết bạn, giới thiệu nguồn gốc sinh hoạt văn hóa Quan họ, nghề chơi Quan họ, trang phục Quan họ, giải thích về tên làng Quan họ; nghe hát Quan họ…
Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết, việc đưa di sản văn hóa dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các nhà trường và được đông đảo giáo viên, học sinh đón nhận. Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể...
Từ năm học 2020-2021, Chương trình giảng dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các trường phổ thông tỉnh Bắc Ninh được biên soạn lại nhằm đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi và các quy định trong chương trình tổng thể môn Âm nhạc, Môn Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm ở cả 3 cấp học.
Sở GD- ĐT Bắc Ninh khẳng định luôn đề cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo ra những thế hệ học sinh có đủ phẩm chất và năng lực của một công dân thế hệ mới. Trong các nhà trường, việc giáo dục lịch sử và văn hóa cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy trong các em niềm tự hào về văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết, trong những năm học tiếp theo, ngành Giáo dục Bắc Ninh sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác Dạy hát dân ca Quan họ trong các trường phổ thông, coi đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong việc bảo tồn và phát triển dân ca Quan họ Bắc Ninh mà còn góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào và tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước.
Bình luận