Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông phát biểu thảo luận về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Ngày 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các dự án Luật Đầu tư công, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Thời báo Văn học nghệ thuật xin giới thiệu thảo luận của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội!

Trước tiên, tôi cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) của UB TV QH. Để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo trước khi thông qua, tôi xin phát biểu 2 vấn đề mà tôi còn băn khoăn, xoay quanh nội dung liên quan mật thiết đến ngành văn hóa, thể thao, và du lịch, cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng mức thuế suất 5%. Tôi đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về việc áp dụng mức thuế suất 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.

Bởi vì, tại Khoản 3, Điều 9, trong dự thảo luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua lần này, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế đã bị thu hẹp, chỉ còn tập trung vào nghệ thuật biểu diễn truyền thống và dân gian. Điều này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa và thể thao của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện, và các sự kiện văn hóa cơ sở.

Như chúng ta đã biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa. Tại văn bản gần đây nhất của Đảng về văn hóa là Kết luận số 84 ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã chỉ rõ “các chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó, cơ chế, chính sách về (...) xã hội hoá chưa thể hiện được tính đặc thù, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”. Hay như tại Kết luận số 70 ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới cũng đã chỉ rõ “Chính sách phát triển kinh tế thể thao, xã hội hóa (...) chưa đủ mạnh”.

Chính vì thế nên khi sửa các luật có liên quan đến văn hóa như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng thì cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa.

Thế nhưng, theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) thì chúng ta không những không giữ mức thuế ưu đãi như hiện nay mà lại tăng mức thuế lên gấp đôi. Đó có phải là đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao đang được Đảng và Nhà nước định hướng là động lực phát triển kinh tế - xã hội mới, việc tăng thuế GTGT tại thời điểm này sẽ dập tắt cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của thị trường cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn đang non trẻ.

Theo kinh nghiệm quốc tế, phần lớn Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều hỗ trợ phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp (phân bổ từ ngân sách nhà nước) và hỗ trợ gián tiếp (các hỗ trợ về thuế, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là một trong các chính sách phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng, đặc biệt là các quốc gia gần chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore,....

Do đó, tôi kiến nghị tiếp tục duy trì mức thuế suất 5% cho các hoạt động văn hóa, thể thao nói chung để đảm bảo tính khả thi và linh hoạt trong quản lý.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông phát biểu thảo luận về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) - 1

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Thứ hai, về chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với di vật, cổ vật, và bảo vật quốc gia. Chúng tôi cho rằng việc miễn thuế nhập khẩu cho các đối tượng này là cần thiết để khuyến khích hồi hương tài sản văn hóa có giá trị của Việt Nam. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các cổ vật có giá trị để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật hiện nay chỉ miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu (được quy định tại Điều 5, Khoản 26, Điểm e) mà bỏ qua đối tượng là tổ chức, cá nhân. Ở đây chúng ta vẫn có sự phân biệt giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa. Trong khi, quan điểm trong CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030 của Chính phủ đã xác định “Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”.

Thiết nghĩ, đối với việc hồi hương các cổ vật về Việt Nam, đặc biệt là các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chứng minh được những giá trị văn hóa dân tộc lịch sử truyền thống của dân tộc thì nhà nước hay tư nhân đều được hưởng cả vì những người quan tâm, đầu tư cho đối tượng này đã là những người yêu văn hóa, tâm huyết với văn hóa. Họ mong muốn đưa những giá trị văn hóa đó về với lại quốc gia, dân tộc của mình để xác định chủ quyền văn hóa đối với những sản phẩm, những di vật cổ vật đó, điều đó cần phải khuyến khích.

Tôi đề nghị, chúng ta nên ưu đãi theo mức không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các di vật cổ vật để bảo vệ và chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước để khuyến khích họ tham gia cùng với nhà nước để đưa di vật cổ vật đó hồi hương. Tránh tư duy không quản được thì cấm, tạo nên những rào cản cho các tổ chức, cá nhân thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ông Trump nói Ấn Độ đã đề nghị

Ông Trump nói Ấn Độ đã đề nghị "không áp thuế" với Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Ấn Độ đã đề xuất xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ như một phần của thỏa thuận thương mại mới. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là một cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng đang làm chao đảo thương mại toàn cầu.

“Bài ca năm tấn” được bắt nguồn cảm xúc từ mảnh đất… Hưng Yên

“Bài ca năm tấn” được bắt nguồn cảm xúc từ mảnh đất… Hưng Yên

“Bài ca năm tấn” là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và là bài hát được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong ca khúc không có câu chữ nào nhắc tới địa danh của tỉnh Thái Bình, nhưng nhiều người cứ lầm tưởng ông viết ngay trên mảnh đất Thái Bình, hoặc đi thực tế ở Thái Bình rồi về Hà Nội ngồi viết. Thưa không! Nguồn cảm xúc của “Bài ca năm t

Boeing ký đơn hàng lớn nhất lịch sử với Qatar trong chuyến thăm của ông Trump

Boeing ký đơn hàng lớn nhất lịch sử với Qatar trong chuyến thăm của ông Trump

Tập đoàn hàng không Boeing vừa đạt được thỏa thuận cung cấp tới 210 máy bay cho Qatar với tổng giá trị lên đến 96 tỷ USD. Đây được xem là đơn hàng máy bay thân rộng lớn nhất từ trước đến nay của Boeing và được công bố trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Doha. Thỏa thuận này không chỉ mang ý nghĩa thương mại mà còn gây ra nhiều tranh cãi về chính trị và chiến lược thư

Cảng Mỹ lao đao vì thuế quan - chuẩn bị đón “sóng hàng” trước thời hạn 90 ngày

Cảng Mỹ lao đao vì thuế quan - chuẩn bị đón “sóng hàng” trước thời hạn 90 ngày

Sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí tạm thời hạ mức thuế nhập khẩu trong 90 ngày, các cảng biển tại Mỹ đang chuẩn bị cho một đợt tăng đột biến về lượng hàng. Tuy nhiên, hậu quả từ chính sách thuế quan trước đó vẫn đang để lại những khoảng trống đáng lo ngại trong chuỗi cung ứng và hoạt động cảng biển.