Hà Nội: Vỉa hè “quá tải vi phạm” dịp cuối năm
Việc vi phạm trật tự đô thị trên vỉa hè đã tồn tại nhiều năm nay tại Thủ đô Hà Nội. Nhưng dịp cận Tết, việc này càng trở nên nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Vào giờ cao điểm, các tuyến phố Chùa Bộc, Thái Hà (quận Đống Đa), phố Đội Cấn, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn (quận Ba Đình), Khuất Duy Tiến, Trung Kính… đều xảy ra tình trạng xe máy đi trên vỉa hè. Nhiều tuyến phố chuyên quần áo, bán hàng Tết cũng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh như Chùa Láng, Nguyễn Khang, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài...
Vấn nạn vi phạm trật tự đô thị này đã xuất hiện và tồn tại hàng chục năm nay. Lực lượng chức năng cũng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý nhưng hiệu quả chưa cao.
Hàng quán ngang nhiên vi phạm trên vỉa hè phố Chùa Bộc.
Anh Trần Văn Ánh (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ: “Đi xe trên vỉa hè, kinh doanh buôn bán không chỉ là hành vi vi phạm mà còn ảnh hưởng đến công trình vỉa hè - nơi chỉ dành cho người đi bộ…”.
Còn anh Bùi Văn Lộc (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) làm việc tại phố Trần Duy Hưng. Anh thường xuyên đi qua đường Khuất Duy Tiến và Nguyễn Trãi. Anh cho biết: “Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi chính là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm trong ngày. Vào giờ cao điểm có hàng trăm người điều khiển xe máy lao lên vỉa hè. Thậm chí, nhiều đoạn đường vỉa hè thành chỗ đậu ô tô, xe máy, hàng quán. Vỉa hè đang cõng nhiều vi phạm đô thị…”.
Phạm Anh Tuấn - người đân trên phố Chùa Bộc (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cũng cho biết, những ngày gần đây tình trạng lấn chiếm vỉa hè tái diễn, phức tạp tại tuyến phố Chùa Bộc. Theo anh Tuấn, các giá quần áo bày bán mất mỹ quan đô thị, cản trở tầm nhìn từ lòng đường lên vỉa hè vào các nhà dân và cửa hàng trên phố.
Mới đây tại Lễ phát động ra quân “Năm An toàn giao thông”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm các vi phạm đô thị. Nếu phát hiện các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên vi phạm thì thông báo đến cơ quan, đơn vị chủ quản. Có văn bản gửi Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm.
Liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, đi xe máy trên vỉa hè, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội cũng đã có chuyên đề xử lý. Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm hàng ngày, việc ưu tiên phân luồng, điều tiết giao thông phải được ưu tiên nên một số nơi vẫn xảy ra hiện tượng đáng lên án trên.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT), trước hiện tượng người dân trên đường Tố Hữu thường đi trên hè, chạy ngược chiều để nhập làn, đơn vị đã đề xuất lắp dải ngăn cách trên hình zích zắc trên vỉa hè đoạn phường Trung Văn và thường xuyên tuần tra xử lý nghiêm nên đã chấm dứt tình trạng trên.
Còn Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSSGT số 3 cho biết thêm, nhận thấy một trong những nguyên nhân ùn tắc sau khi thông xe tuyến Ngã Tư Sở là nhiều người đi xe máy cố tình đi trên vỉa hè đường Láng rồi chạy ngược chiều để nhập làn xuôi về đường Tây Sơn. Qua đó, đơn vị đã bố trí nhiều tổ công tác vừa hướng dẫn, phân luồng vừa xử lý nghiêm, đến nay đã chấm dứt tình trạng trên và giải quyết được vấn đề ùn tắc.
Theo Đại úy Vương Tiến Tâm, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an quận Đống Đa, cuối năm các đơn vị thường cải tạo và chỉnh trang lòng hè đường gây cản trở giao thông, nhất là giờ cao điểm. Điển hình như việc phố Khâm Thiên đang diễn ra tình trạng ùn tắc vào các khung giờ từ 7 – 8 giờ sáng, 5 – 6 giờ chiều hàng ngày vì tuyến phố đang được thay đá lát vỉa hè.
Để bảo đảm an toàn giao thông, đề nghị các đơn vị thi công tránh làm vào ban ngày. Bởi thời điểm này lượng người và xe lưu thông qua phố đông đúc. Cần làm theo kiểu “cuốn chiếu”, thi công đến đâu, thu dọn công trường đến đó. Tránh để vật liệu rơi vãi gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Việc làm này sẽ góp phần xây dựng ý thức người tham gia giao thông để họ không còn viện lý do đổ tại cho hạ tầng cơ sở.
Theo Giáo dục và thời đạiBình luận