Hà Tĩnh: Trường học ổn định dạy học sau mưa lũ

(Arttimes) - Sau hai trận lũ lịch sử, các trường học tại Hà Tĩnh ổn định lại công tác giảng dạy, đảm bảo tiến độ chương trình.

Tuy nhiên, với tinh thần “sống chung với lũ”, nước rút tới đâu, thầy cô tổng vệ sinh trường lớp tới đó để sớm gặp lại trò.

Vượt khó khăn sẻ chia cùng cộng đồng

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 150 trường, trong đó 70 trường bị ngập nặng do ảnh hưởng của mưa lũ mấy ngày qua. Việc trở lại trường của học sinh còn lắm trắc trở khi nước lũ tại nhiều điểm trường vẫn chưa rút hẳn.

Tại TP Hà Tĩnh, giáo viên Trường Mầm non, Tiểu học Hà Huy Tập dù cố gắng kê cao đồ đạc hết mức có thể nhưng lũ lớn đã nhấn chìm tất cả. Bàn ghế ngâm trong nước lâu ngày, nhiều đồ dùng học tập bị ướt, mục nát và hư hỏng nặng hoặc trôi mất. Cô Trần Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: Đây trận lụt lịch sử, nước ngập hơn 1m. Hiện mực nước vẫn còn đọng ở sân trường, giáo viên muốn đến tổng vệ sinh trường lớp đành bất lực.

“Những ngày mưa lũ, nhà trường huy động toàn độ cán bộ, giáo viên nấu hàng trăm suất cơm có thịt/cá, bánh chưng đưa đến hộ dân đang bị cô lập. Công việc này sẽ được tiếp tục cho đến khi học sinh đi học trở lại” – cô Vân Anh cho hay.

Hà Tĩnh: Trường học ổn định dạy học sau mưa lũ - 1

Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cùng giáo viên thu gom sách vở của HS sau lũ.

Theo bà Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh, ngành Giáo dục thành phố phát động phong trào “Chung tay cùng đồng bào lũ lụt miền Trung”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”... cán bộ giáo viên ngoài ủng hộ ngày lương, ai có công giúp công, ai có tiền góp tiền. Cứ thế chung tay, góp sức tạo nên một sức mạnh đoàn kết, hàng nghìn suất cơm miễn phí, hàng nghìn chiếc bánh chưng cùng nhiều nhu yếu phẩm cần thiết được các cô giáo đưa tận tay, cứu trợ kịp thời cho bà con, cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an tại vùng lũ ở Hà Tĩnh.

Tại huyện Thạch Hà có 37 trường bị ngập, trong đó 21 trường bị ngập nặng. Những ngày qua, cán bộ, giáo viên toàn ngành đến các xã, điểm trường mà người dân đang tá túc để trao tận tay những suất quà ý nghĩa, tiền mặt và nhu yếu phẩm.

Bà Nguyễn Thanh Nga – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: Ngành Giáo dục huyện đã huy động các nguồn hỗ trợ xã hội hóa hơn 200 triệu đồng để ủng hộ đồng bào lũ lụt. Ngành đã trao hơn 500 suất quà, nấu hàng nghìn suất cơm, bánh chưng trao trực tiếp các hộ dân bị nước lũ cô lập.

Hà Tĩnh: Trường học ổn định dạy học sau mưa lũ - 2 Nhiều sách vở của HS Trường Tiểu học Thạch Tân (Hà Tĩnh) bị ướt do ngập nước.

Mưa đã ngớt, nước bắt đầu rút, nhiều trường học ở Hà Tĩnh tranh thủ thời gian để “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”, sớm đón học sinh trở lại trường. Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (thị trấn Can Lộc) đã huy động 50 cán bộ, giáo viên đến trường để vệ sinh trường lớp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế cho hay: “Phân hiệu 2 của trường có vị trí thấp nên bị ngập nước khoảng 40cm. Nhờ chủ động di dời từ trước, các trang thiết bị hầu như không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường sạch sẽ đón các em đến lớp, chúng tôi chờ nước rút để vệ sinh các phòng học”.

Tại huyện Thạch Hà, ngày 21/10, công tác vệ sinh cũng được nhiều trường triển khai. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thạch Hà, nước rút, chúng tôi huy động toàn thể cán bộ giáo viên đến trường để dọn vệ sinh. Cùng với đó, trường cũng đã tiến hành gia cố lại một số hạng mục để đề phòng cơn bão sắp tới.

Nhiều tuyến đường ở TP Hà Tĩnh vẫn ngập sâu trong nước, nhà của các giáo viên cũng ảnh hưởng, nhưng một số trường học đã tiến hành vệ sinh trường lớp để chuẩn bị đón học sinh. Bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh trao đổi: “Nước lũ lên nhanh, trường ngập sâu nên nhiều vật dụng, đồ dùng học tập của học sinh và một số trang thiết bị ở thư viện di dời không kịp bị hư hỏng. Sáng 21/10, dù sân trường vẫn còn nước nhưng cán bộ, giáo viên và một số phụ huynh tranh thủ vệ sinh trường lớp, lau chùi bàn ghế, phơi sách vở… để sẵn sàng cho việc học trở lại”.

Tại vùng rốn lũ Cẩm Xuyên, các trường học cũng tranh thủ thời gian vệ sinh trường lớp. Bà Nguyễn Thị Xuân Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Toàn huyện hiện có 30 trường chủ yếu ở vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ bị ngập sâu trong nước. Bùn đất từ thượng nguồn đổ về khiến công tác khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Sáng 21/10, nước bắt đầu rút, nhiều trường học  huy động lực lượng cán bộ giáo viên, phụ huynh vệ sinh trường lớp”.

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thông tin: Sở đề nghị các trường THPT, phòng GD&ĐT khi nước rút lập tức dọn vệ sinh, làm sạch, phòng bệnh dịch sau lũ. Các trường căn cứ tình hình thực tế để tổ chức dạy bù, bảo đảm việc học cho các em. 

Nỗ lực đưa học sinh trở lại trường

Hà Tĩnh thời tiết hửng nắng, nhiều điểm trường nước đã rút, công tác vệ sinh trường, lớp đã sạch sẽ từ ngày 21/10 theo tinh thần “nước rút tới đâu tổng vệ sinh tới đó”. Theo đó, có hơn 100 ngàn học sinh tại 270 trường học ở Hà Tĩnh đi học trở lại. Cụ thể, 250 trường từ bậc mầm non đến THCS thuộc các huyện: Hương Sơn (62/62), Hương Khê (49/55), Vũ Quang (15/29), Can Lộc (20/52), Nghi Xuân 47/47, Đức Thọ 57/59 và khoảng 20 trường THPT.

Hà Tĩnh: Trường học ổn định dạy học sau mưa lũ - 3 Chỉ cần nước rút, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Tân (Thạch Hà) ngay lập tức tới trường dọn dẹp và phơi sấy sách vở học sinh.

Bên cạnh đó, hàng trăm trường học ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh vẫn còn ngập nước. Nhiều đoạn đường liên xã ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà vẫn bị chia cắt. Dù nước lũ vẫn đang bủa vây làng mạc tại các xã vùng hạ du của Hà Tĩnh, mực nước trên các mực sông, hồ đập vẫn còn dâng cao, nhưng lực các chiến sĩ công an, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Đài (huyện Thạch Hà) vẫn khẩn trương xếp dọn bàn ghế, cào bùn non trong lớp học.

Chiều cùng ngày, khuôn viên trường ngập ngụa trong bùn non, rác, cây cối các nơi tràn vào. Trong các lớp học, nước lũ rút đi để lại ngổn ngang bùn đất. Các bàn ghế, dụng cụ học tập đã được kê cao ngang nửa lớp học để tránh hư hại.

“Năm 2010 được xem là trận lũ lịch sử. Năm nay chưa lớn và kéo dài như đợt đó nhưng do mực nước xả hồ thủy lợi Kẻ Gỗ với lưu lượng lớn nên các vùng hạ du của Hà Tĩnh, nhất là trường học chịu ngập nước nặng. Gần như các giáo viên, nhân viên của trường không ngủ để vừa chạy lũ ở nhà mình vừa ngóng tình hình nước lên ở trường. Đợt lũ này lên nhanh vào ban đêm” - bà Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đài  (huyện Thạch Hà) cho biết.

Cũng trong nhiều giờ nước lũ tràn về, sân trường, các phòng học tại Trường Mầm non 1, TP Hà Tĩnh ngập trong biển nước. “Mất điện, các giáo viên phải dùng đèn pin kê dọn đồ đạc trong đêm, bảo quản trang thiết bị. Nước lên đến đâu bàn ghế được xếp chồng cao lên tới đó. Các thiết bị đắt tiền, sách vở và đồ dùng học sinh được đưa lên tầng 2. Đến khi nước lũ rút dần, chúng tôi lại tăng cường lực lượng địa phương, giáo viên đến trường dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bàn ghế, đồ dùng học tập. Ai nấy đều mệt nhoài nhưng nghĩ tới học sinh phải đến trường sớm nhất sau lũ thì tinh thần làm việc lại hăng say hơn” – bà Trần Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Ban giám hiệu, cán bộ và giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) đã được huy động ra dọn dẹp bùn non bám đầy các lớp học, hành lang và phòng hiệu bộ. Do đêm trước lũ lên cao nên toàn bộ các vùng trũng bị cúp điện. Để có nước xịt rửa bàn ghế, bùn non... các giáo viên phải dùng máy nổ. Ông Bùi Minh Hải, Hiệu trưởng cho biết: “Dù chưa có lịch học trở lại nhưng lũ vừa rút là chúng tôi huy động cán bộ giáo viên khẩn trương cào dọn lại toàn bộ khuôn viên, dỡ bàn ghế, đồ dùng học tập xuống để sẵn sàng đón học sinh”.

Tại vùng rốn lũ Cẩm Xuyên, các trường học cũng đang tranh thủ thời gian vệ sinh trường lớp. Bà Nguyễn Thị Xuân Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Toàn huyện hiện có 30 trường chủ yếu ở vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ bị ngập sâu trong nước. Bùn đất từ thượng nguồn đổ về khiến công tác khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Nhưng sáng nay, khi nước bắt đầu rút, nhiều trường học đã huy động lực lượng cán bộ giáo viên, phụ huynh vệ sinh phong quang trường lớp”.

Theo Giáo dục & Thời đại  None

Tin liên quan

Tin mới nhất