Họ để lại những nỗi tiếc thương tột cùng và những ước mơ vẫn còn dang dở...
Công an Thành phố Hà Nội vừa phát thông cáo chính thức về vụ cháy tại quán karaoke ISIS địa chỉ số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy), khiến 3 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ.
Hà Nội xét khen thưởng, truy tặng 3 chiến sĩ cứu hỏa hy sinh dũng cảm
Ngay sau khi được tin 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Quận Cầu Giấy (Hà Nội) hi sinh trong quá trình tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường vụ cháy một quán karaoke, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới lực lượng Công an Nhân dân và gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ hi sinh là Đội trưởng Đặng Anh Quân cùng chiến sĩ Đỗ Đức Việt và Nguyễn Đình Phúc.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội về những vấn đề liên quan đến vụ cháy quán karaoke ISIS tại 231 Quan Hoa, Cầu Giấy.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Công an TP khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy quán karaoke 231 Quan Hoa, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện trường cứu hỏa tại vụ cháy quán karaoke địa chỉ số 231 Quan Hoa.
Ông Trần Sỹ Thanh cũng giao Ban Thi đua - Khen thưởng TP phối hợp với Công an TP khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND TP hình thức khen thưởng để truy tặng 3 cán bộ, chiến sĩ có tinh thần dũng cảm đã hy sinh thân mình khi làm nhiệm vụ để bảo vệ nhân dân.
Đồng thời, giao Công an TP, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND quận Cầu Giấy thực hiện đầy đủ các chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và gia đình; phối hợp thực hiện nghi thức tang lễ theo quy định.
Nguyên nhân ban đầu khiến 3 chiến sỹ Cảnh sát PCCC hy sinh
Hồi 13 giờ 11 phút ngày 1-8, nhận được tin báo cháy tại địa chỉ số 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều động 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy thuộc Công an quận Cầu Giấy đến hiện trường.
Lực lượng chức năng tiến hành chữa cháy (Báo Người Lao Động)
Nhận định tình hình đám cháy phức tạp, Trung tâm thông tin chỉ huy đã điều động thêm lực lượng và phương tiện chi viện. Tổng số bốn Đội Cảnh sát PCCC thuộc Công an các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm; Đội Cảnh sát PCCC Khu vực số 2 thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP với năm xe chữa cháy, hai xe thang, một xe cứu hộ, một xe téc nước, một xe tải chở phương tiện đến hiện trường.
Ngay sau khi đến hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã thành lập Ban chỉ huy chữa cháy và CNCH, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ trinh sát toàn bộ hiện trường đám cháy. Tổ Cảnh sát PCCC gồm Trung tá Đặng Anh Quân (đội trưởng), Trung uý Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc đã triển khai chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn đưa tám người ra ngoài an toàn.
Tổ trinh sát tiếp tục quay lên các tầng trên bên trong nhà với hy vọng tìm kiếm thêm những nạn nhân khác còn bị mắc kẹt. Khi 3 chiến sĩ lên tới tầng 4 thì các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà sập xuống cầu thang bộ và làm 3 cán bộ, chiến sĩ hi sinh.
Theo cảnh sát, quán karaoke xảy ra cháy gồm năm tầng, một lửng, một tum, khối tích 1.260m3, kết cấu chịu lực chính bê tông, cốt thép.
Khu vực xuất phát cháy tại tầng ba, lan lên các tầng trên và lan xuống các tầng dưới của tòa nhà. Chỉ huy chữa cháy quyết định triển khai hai mũi tấn công chính. Một mũi theo đường cầu thang bộ trong nhà; một mũi tiếp cận trực diện mặt chính của công trình bằng xe thang lên các tầng cao để phun nước khống chế đám cháy.
Cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn theo đúng quy trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, như sử dụng mặt nạ phòng độc cách ly, quần áo cách nhiệt, các thiết bị bảo hộ cá nhân.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của nhà ống với nhiều chất dễ cháy như mút, xốp, đồ da, gỗ,…, do tác động nhiệt của đám cháy dẫn đến một số bộ phận kết cấu làm trần giả, vật liệu trang trí trong nhà mất giới hạn chịu lửa và sập đổ.
Ngoài hiện trường, đồng đội của các anh tiếp tục chiến đấu không mệt mỏi. Đến tối khuya họ mới dập tắt được hoàn toàn đám cháy xảy ra lúc 13h - Ảnh: NAM TRẦN
Chiến sĩ Trần Phi Hùng cho hay khoảng 13h, anh cùng đồng đội được điều đến hiện trường để dập lửa. Gần 9 tiếng làm nhiệm vụ, tiếp xúc với khói độc khiến Hùng lả người, nôn ói, nằm bệt xuống vỉa hè và được đồng đội chăm sóc.
"Trong suốt thời gian đi làm lính cứu hỏa, đây là vụ cháy vất vả và đau lòng nhất tôi từng tham gia. Biết tin đồng đội hy sinh tôi vô cùng đau xót, nhưng vẫn nén nỗi đau để tiếp tục nhiệm vụ chữa cháy còn dang dở", chiến sĩ Hùng chia sẻ.
Họ để lại những nỗi tiếc thương tột cùng và những ước mơ vẫn còn dang dở...
Nhà tang lễ của Bệnh viện 19-8 trong tối 1/8 ngập tràn những nỗi đau đớn khôn xiết của đồng đội và thân nhân 3 CBCS hy sinh. Khuôn mặt ai cũng thất thần, đau đớn và xót xa. Đau xót và những tiếng khóc nghẹn là những gì diễn ra quanh nhà tang lễ. Rất nhiều thân nhân, bạn bè khi có mặt tại đây không giấu được sự bàng hoàng trước sự ra đi của 3 cán bộ, chiến sĩ.
Người thân của 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an quận Cầu Giấy hi sinh đang khóc ngất vì đau đớn khi đến nhà tang lễ Bệnh viện 19-8.(Báo Công An Nhân Dân)
Thượng tá Nguyễn Hào Hùng, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy nghèn nghẹn nước mắt cho biết: Trung tá Đặng Anh Quân mới luân chuyển về nhận nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội PCCC và cứu nạn cứu hộ của Công an quận Cầu Giấy được vài tháng. Tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hàng trăm vụ, dẫu biết hiểm nguy vây quanh, nhưng CBCS trong đơn vị không ai có thể ngờ được rằng vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa lại là lần làm nhiệm vụ cuối cùng của Trung tá Đặng Anh Quân và 2 CBCS của mình là Trung úy Đỗ Đức Việt và Binh nhất Nguyễn Đình Phúc.
Tại nhà Trung tá Đặng Anh Quân ở phố Chùa Láng, phường Láng Thượng cũng bao trùm không khí u buồn. Ông Đặng Văn Thu (SN 1963), chú họ của Trung tá Đặng Anh Quân vẫn chưa hết bàng hoàng, ông nói như muốn quên sự thật: "Không ai tin Quân đã hy sinh đâu".
Ông Thu ngậm ngùi chia sẻ: “Quân rất hiền, hay giúp đỡ bà con và rất mực hiếu thảo nên cả khu phố ai cũng thương yêu. Những ngày nghỉ phép, không lên cơ quan hay thời gian hết giờ làm việc, nó luôn ở nhà phụ giúp mẹ và vợ con. Ai cũng yêu quý, tự hào về người chiến sĩ cứu hoả”.
Tại nhà tang lễ Bệnh viện 19-8 Bộ Công An, bố của Trung úy Đỗ Đức Việt (sinh năm 1998) mặc dù cố giấu đi nỗi đau để đứng vững, gương mặt đẫm mồ hôi, nhưng thi thoảng ông vẫn lặng lẽ quay mặt đi khóc nghẹn.
"Dù gia đình lo lắng nhưng biết con rất thích nghề lính cứu hỏa, chúng tôi chỉ biết ủng hộ. Chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ ra đi như vậy", ông nói trong nỗi đau tột cùng.
Trở thành lính cứu hỏa là ước mơ từ nhỏ của trung úy Việt.
Nhận xét về Trung úy Việt, mọi người đều chia sẻ chàng thanh niên sinh năm 1998 này giàu tình cảm. Trở thành lính cứu hỏa là ước mơ của Việt từ thuở niên thiếu.
Đại tá Trần Ngọc Dương và Đại tá Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội động viên chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (mẹ Binh nhất Nguyễn Đình Phúc, áo đen bên trái) và anh Đỗ Văn Tư (bố đồng chí Đỗ Đức Việt). (Báo Công An Nhân Dân)
Chiến sỹ Nguyễn Đình Phúc (2003) là thiệt thòi hơn chúng bạn khi bố mất sớm dù hoàn cảnh gia đình khó khăn song Phúc chịu khó học hành, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ CAND.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh mẹ của chiến sĩ Nguyễn Đình Phúc lần hồi bán đồ ăn nuôi con trưởng thành. Biết con yêu thích nghề Công an, chị Hạnh dù lo lắng nhưng ủng hộ cho nguyện vọng, ước mơ của Phúc. Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng còi báo cháy, tim chị lại như thót lại, chỉ khi nào con gọi điện trở về nhà mới yên tâm.
Bình luận