Không bắt buộc tất cả học sinh phải có điện thoại để phục vụ học tập

(Arttimes) - Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ thì phải thiết kế bài dạy phù hợp, không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Trong đó, Bộ yêu cầu, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định. Nếu các trường cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học thì phải thiết kế sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại.

Bộ cũng đề nghị các Sở GD&ĐT, trường học phải có hướng dẫn chi tiết những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại. Học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động như là một thiết bị hỗ trợ trong nội dung học tập, được giới hạn về thời gian dùng và dưới sự điều hành của giáo viên cho phù hợp với mục đích học tập của nội dung đó.

Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các cơ sở giáo dục cần căn cứ kế hoạch thời gian năm học của từng địa phương để hiệu trưởng xây dựng, ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn… bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. 

Không bắt buộc tất cả học sinh phải có điện thoại để phục vụ học tập - 1

(Ảnh minh hoạ: T.N)

Bộ GD&ĐT yêu cầu chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Các nhà trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.

Cụ thể, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường. Đối với mỗi mạch kiến thức trong các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí cấp THCS có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học.

Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp THPT, nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học).

Bộ cũng đưa ra hướng dẫn với giáo viên trong việc xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường; xây dựng phương án tổ chức cho học  sinh đăng ký lựa chọn và tổ chức thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. 

Theo VTC News None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ

Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ

“Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ” – là 70 đoạn ghi chép kèm theo gần 70 bức tranh phong cảnh được in màu toàn bộ trên giấy C120 của Họa Sĩ Trịnh Lữ trong hơn một trăm ngày đạp xe đi vẽ phong cảnh trên đất Mỹ.